Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công: Lợi ích của ai?

Tiền, tiền, tiền... Vì tiền đám doanh nghiệp và quan chức sẵn sàng treo cổ cả bố mình lên chứ cái hồ nhỏ nhoi thế này thì ăn nhằm gì. Tương lai Hồ Tây cũng có thể bị xẻ thịt hoặc làm đường vượt trên cao. Giao thông xuyên hồ Tây chỉ có thể giải quyết bằng thuyền. Rất mong Hà Nội kết nối các tuyến xe buýt hiện có với các tuyến buýt bằng thuyền xuyên qua hồ Tây để dân vừa không phải đi vòng, vừa có thể du lịch trên hồ.
Đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công: Lợi ích của ai?
Theo chuyên gia, hồ Thành Công nằm ở vị trí đắc địa, nếu đề xuất được chấp thuận thì không những doanh nghiệp được lợi mà chính quan chức cũng được lợi. "Hồ Thành Công nằm ở vị trí đắc địa, có hai mặt giáp được Huỳnh Thúc Kháng và Láng Hạ. Do đó, nếu đề xuất này được chấp thuận, doanh nghiệp được lợi lớn và họ chia sẻ một phần lợi ấy để lopby. Nó tạo thành một nhóm lợi ích", ông Liêm đánh giá.

Hồ Thành Công nằm giữa phố Thành Công, Láng Hạ, 
Nguyên Hồng và đường Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: VietNamNet
Đừng vay chỗ này, trả chỗ khác
Đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư của Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng đang vấp phải ý kiến phản đối mạnh mẽ từ dư luận và các chuyên gia. TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phản đối đề xuất này, dù phía Công ty Việt Hưng đề xuất lấp 1ha hồ Thanh Công rồi đào hoàn trả ở một vị trí khác, không làm thay đổi diện tích mặt nước.


"Không thể chấp thuận đề xuất này. Nếu nó được chấp thuận chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối kịch liệt của các chuyên gia và nhân dân.

Hồ Thành Công hiện nay chưa bị san lấp, lấn chiếm nhưng công viên Thành Công đã và đang bị lấn chiếm và sử dụng sai mục đích. Ở đây không chỉ bảo vệ mỗi cái hồ mà phải bảo vệ cả công viên", ông Liêm nói.

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng chỉ ra thực trạng đáng buồn, đó là trước đây các nhà kinh doanh bất động sản đã "nuốt chửng" các chợ và giờ đang ngắm vào các công viên. Chẳng hạn, công viên Thống Nhất đã có mấy dự án khách sạn nhăm nhe. Ngay Hồ Tây, hiện nay Thành phố có sự buông lỏng quản lý cho nên tư nhân đang xâm chiếm đất đai xung quanh hồ, mà đất ở đó có giá trị rất cao. Vì thế, Thành phố phải quan tâm, bảo vệ không gian công cộng, trong đó bao gồm cả các hồ.

Trong khi đó, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, nếu là một quy hoạch mới và hồ chưa hình thành trên thực tế mà mới chỉ có trên bản vẽ thì việc điều chỉnh vị trí hồ hay thu hẹp hồ như thế nào vẫn có thể xử lý được.

Nhưng hồ Thành Công đã hiện hữu cùng khu tập thể Thành Công vài chục năm nay. Nó đã được Nhà nước, TP Hà Nội đầu tư, được kè, làm đường dạo, cây xanh, thảm cỏ, trở thành một điểm văn hóa, du lịch, nghỉ dưỡng, vừa là lá phổi cho cư dân khu tập thể Thành Công và người dân Hà Nội. Như vậy, hồ Thanh Công không chỉ là hồ cảnh quan, cải tạo môi trường, mà nó đã đi vào tình cảm của người dân, trở thành một phần của văn hóa đô thị.

"Không ai lại đi lấp hồ, dù chỉ 1ha để rồi sau đó lại đi đào một chỗ khác để hoàn trả. Hồ nước không phải như thế! Nó không phải là cái vay chỗ này trả chỗ khác. Những ý nghĩ đó là thiển cận", KTS Phạm Thanh Tùng thẳng thắn.

Ông cũng đặt câu hỏi: Việc lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư cho một khu hay cho một vài hộ? Lợi ích của những người ở nhà tái định cư đó so với lợi ích của cả cộng đồng về lâu dài là như thế nào? Việc giao cho chủ đầu tư lập quy hoạch 1/500 là đúng luật, nhưng khi chủ đầu tư lập quy hoạch không có nghĩa là có quyền xúc phạm vào những vật đã có.

"Không được động chạm đến hồ Thành Công! Chủ đầu tư không tôn tạo cho hồ đẹp hơn, mỹ quan hơn thì cũng đừng động đến.

Người dân ở khu Thành Công đang được hưởng lợi từ hồ Thành Công nhưng cũng phải có trách nhiệm bảo vệ hồ. Lâu nay, ý thức cộng đồng ở Việt Nam rất kém, cứ "cha chung không ai khóc. Nhà nước đã bỏ tiền để cải tạo hồ Thành Công thì người dân phải có trách nhiệm giữ gìn", ông Tùng nói.

Lợi ích của doanh nghiệp

Trở lại với đề xuất của Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng, TS Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh, doanh nghiệp đề xuất vì lợi ích của họ, nhưng người dân không ngu ngơ như vậy.

"Hồ Thành Công nằm ở vị trí đắc địa, có hai mặt giáp được Huỳnh Thúc Kháng và Láng Hạ. Do đó, nếu đề xuất này được chấp thuận, doanh nghiệp được lợi lớn và họ chia sẻ một phần lợi ấy để lopby. Nó tạo thành một nhóm lợi ích", ông Liêm đánh giá.

Còn KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, không được tính đến yếu tố "đất vàng" ở đây bởi nếu như thế đã có người đòi lấp cả Hồ Gươm, giá trị bất động sản ở đó còn cao hơn nhiều.

"Không được phép đem lợi ích kinh tế của chủ đầu tư vào những việc đó. Không ai được bỏ công viên để xây nhà ở công viên, không ai được phép lấp hồ trong khu đô thị để xây nhà vì đó là đất vàng.

"Đất vàng" ở hồ Thành Công đã trở thành văn hóa, linh thiêng, đã gắn bó với đời sống vài thế hệ người dân Thành Công. Hồ Thành Công đang đẹp, chứ không phải nhếch nhác mà cải tạo hồ. Vì vậy, hãy bỏ tư tưởng lấp một phần hồ để xây nhà đi.

Vấn đề cải tạo chung cư cũ là vấn đề nan giải, đây là bài toán lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, còn phải bàn cãi, nhưng để cuối cùng làm sao giải quyết được những nhà ổ chuột, nhà quá hạn sử dụng, tạo nên bộ mặt kiến trúc mới cho Thành phố khang trang, sạch đẹp, văn minh", KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Thành Luân
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/de-xuat-lap-1ha-ho-thanh-cong-loi-ich-cua-ai-3332974/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét