Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

“Dân chủ và Xã hội dân sự”: hy vọng mới của VN

“Dân chủ và Xã hội dân sự”: Niềm hy vọng mới của Việt Nam
Minh Anh - Hiện nay xã hội Việt Nam đang bước vào một giai đoạn không mấy lạc quan về nhiều phương diện xã hội, đặc biệt là về tiến trình dân chủ hóa. Trong thời gian vừa qua, nhà nước đã gia tăng sự kiểm soát đối với xã hội.

Sách là tập tiếp theo trong Tủ sách nhập môn Triết học 
được biên soạn công phủ bởi nhóm Tinh Thần Khai Minh.
Cụ thể, chính quyền đã tăng cường kiểm soát internet, kiểm duyệt báo chí, kiểm duyệt xuất bản, hạn chế việc hoạt động của các tổ chức đoàn hội, cũng như tăng cường đàn áp những người bất đồng chính kiến. Và gần như chắc chắn rằng, tới đây, sự gia tăng kiểm soát này hẳn sẽ còn tiếp tục. Điều này đến từ sự thay đổi chính sách trong giới chóp bu ở Việt Nam, và từ những tác động tiêu cực của bối cảnh chính trị quốc tế, nhất là từ Trung Quốc.

Một điểm tích cực trong bức tranh u ám ấy chính là sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam.

Trong một thập kỷ qua, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện các tổ chức xã hội độc lập. Các hội, nhóm này tham gia tích cực vào nhiều vấn đề xã hội như về chính sách, môi trường, an sinh xã hội, và họ đã có những đóng góp quan trọng.


Chúng ta có thể thấy điều này từ trường hợp điển hình của phong trào phản đối khai thác Bauxite, chiến dịch “6700 cây xanh”, hay gần đây là những cuộc biểu tình phản đối Formosa. Chính sự phát triển của xã hội dân sự đã mở ra một cách tiếp cận mới cho những nhà đấu tranh dân chủ, thông qua việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự.

Từ lâu, người ta đã nhận thấy rõ vai trò quan trọng của xã hội dân sự. Những gì đang diễn ra ở Việt Nam hầu như đều đã xảy ra ở các nước Mỹ Latin, Đông Âu từ những năm 1970, trong làn sóng dân chủ hóa thứ ba. Theo học giả Larry Diamond, xã hội dân sự có một số vai trò cốt lõi như sau:

1. Giới hạn, giám sát và kiềm chế quyền lực của nhà nước dân chủ, trông chừng sự lạm dụng và vi phạm pháp luật tiềm ẩn của bộ máy nhà nước, và đặt nó dưới sự giám sát của công chúng. Một thí dụ thường được nhắc tới là vấn đề tham nhũng tràn lan thường xảy ra trong các xã hội dân chủ non trẻ. Một xã hội dân sự năng động thường có tác dụng kiềm chế sự lạm dụng chức quyền của quan chức và giúp hạn chế vấn nạn này.

2. Hòn đá tảng của xã hội dân chủ là ý thức tham gia quản lý xã hội của công chúng. Một xã hội dân sự năng động có tác dụng khuyến khích công chúng tham gia chính trị, tăng tính hướng đích và kỹ năng chính trị của họ trong chế độ dân chủ, và thúc đẩy nhận thức về nghĩa vụ cũng như các quyền của công dân dân chủ.

Xã hội dân sự năng động còn tạo ra một vũ đài cho sự phát triển các thành tố dân chủ khác, như khoan dung, ôn hoà, sẵn sàng nhượng bộ, và tôn trọng các quan điểm khác biệt.

3. Xã hội dân sự tạo ra các kênh phi đảng phái để biểu đạt, tập hợp và đại diện các lợi ích. Chức năng này đặc biệt quan trọng trong việc đem lại khả năng tiếp cận quyền lực cho các nhóm trước đây bị gạt ra lề như phụ nữ và người thiểu số.

Các nền dân chủ tự nó không bảo đảm sự công bằng và bình đẳng giữa tất cả các nhóm lợi ích. Chỉ bằng các sức ép có tổ chức và lâu dài từ dưới lên, từ xã hội dân sự, thì quyền bình đẳng xã hội và chính trị mới được đẩy mạnh; chất lượng, năng lực phản hồi và tính chính thống của nền dân chủ mới được nâng lên.

4. Xã hội dân sự đa nguyên sinh động, đặc biệt là trong các nền kinh tế phát triển cao, sẽ có xu hướng tạo ra một dải rộng các lợi ích đan chéo, và do đó làm dịu bớt những sự phân cực cơ bản của xung đột chính trị.

Khi các tổ chức dựa trên các giai cấp mới hình thành và các phong trào hướng – vấn đề (issue-oriented) khởi lên, chúng cũng lôi kéo các thành phần mới, cắt ngang qua các đường ranh giới về đảng phái, sắc tộc, tôn giáo và lãnh thổ từng tồn tại từ trước. Khi các nền độc tài bị lật đổ, những cấu trúc mới này có thể tạo ra một loại hình công dân hiện đại xuyên thấu các chia rẽ về lịch sử và ngăn chặn sự trỗi dậy của các xung lực dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi.

5. Xã hội dân sự còn có chức năng tuyển lựa và đào tạo các lãnh tụ chính trị mới. Các nhà vận động, thông qua một quá trình lãnh đạo và vận hành thành công các tổ chức xã hội dân sự, có thể học được các kỹ năng và sự tự tin, những thứ trang bị sẵn sàng cho họ, để phục vụ trong chính quyền và nền chính trị đảng phái.

Họ học cách tổ chức và khơi cảm hứng cho người khác, tranh luận, gây và quản lý quỹ, lập ngân sách, quảng bá nghị trình, quản lý nhân sự, vận động sự ủng hộ, và xây dựng các liên minh. Cùng lúc đó, công việc của họ nhân danh những người ủng hộ, hay nhân danh những thứ mà họ thấy là thuộc về lợi ích công cộng, và sự minh biện của họ về các phương án khác nhau, rõ ràng và thuyết phục, cho một chính sách, có thể đem lại cho họ sự ủng hộ chính trị rộng lớn hơn.

6. Xã hội dân sự còn tham gia vào quá trình giám sát bầu cử đã và đang giữ vai trò quyết định trong việc ngăn chặn gian lận [trong bầu cử] và nâng cao niềm tin của cử tri, khẳng định tính hợp hiến của kết quả, và trong nhiều trường hợp (như ở Philippines năm 1986 và Panama năm 1989) chứng minh chiến thắng của phe đối lập bất chấp sự gian lận của chính quyền đương nhiệm. Chức năng này đặc biệt quan trọng trong các cuộc bầu cử bản lề như các cuộc bầu cử đã khai sinh các nền dân chủ ở Chile, Nicaragua, Bulgaria, Zambia, và Nam Phi.

Từ những vai trò nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng, xã hội dân sự có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy tiến trình tự do hóa và dân chủ hóa. Dù sự xã hội dân sự Việt Nam hiện nay đã đạt được một số thành tựu, song nó còn tương đối non trẻ, chưa đủ mạnh và vững chắc. Do đó, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy xã hội dân sự ngày một trưởng thành, qua đó có thể thực thi một cách hoàn chỉnh các vai trò nêu trên.

Về phương diện tư tưởng, nhận thức của người Việt Nam về vai trò của xã hội dân sự dường như chưa theo kịp với thực tiễn. Điều này một phần là bởi sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam tương đối mới. Thêm vào đó, nguồn tài liệu học thuật tiếng Việt về chủ đề này còn khá ít ỏi. Từ những hạn chế trên, chúng tôi biên tập cuốn sách “Dân chủ và Xã hội dân sự” này, với kỳ vọng rằng thông qua đó bạn đọc sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn về xã hội dân sự cũng như vai trò của nó đối với tiến trình dân chủ hóa./.

http://luatkhoa.org/2016/12/sach-dan-chu-va-xa-hoi-dan-su-niem-hy-vong-moi-cua-viet-nam/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét