Formosa: cách hết chức vụ quá khứ và “thời chính trị thổ tả lên ngôi”
22.04.2017 Anh Văn (VNTB) Ban bí thư Đảng vừa ra một quyết định kỷ luật “nghiêm khắc” với Ban cán sự đảng Bộ TN – MT và các ông Nguyễn Minh Quang, Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai, Võ Kim Cự do vi phạm nghiêm trọng trong sự cố môi trường biển liên quan Formosa. Từ kỷ luật cảnh cáo cho đến kỷ luật hành chính, đồng thời cách chức vụ nhiệm kỳ 2011-2016 đối với Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ TNMT; riêng ông Võ Kim Cự – bị cách chức vụ nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015.
(ảnh: Cựu bí thư Hà Tĩnh ngẩng đầu hiên ngang… bước tới CẨU ĐẦU ĐAO)
Những hình phạt này gây rúng động dư luận xã hội, bởi quá hết sức mạnh tay và chưa có tiền lệ. Và một lần nữa minh chứng cho việc, nhà nước pháp quyền XHCN cho thấy những ưu việt trong vấn đề xử lý đảng viên ĐCSVN, bao gồm “cách hết chức vụ trong quá khứ”..
Theo nhóm thân hữu của Đảng và sự tự biện về phía “hồng vệ binh”, việc kỷ luật này gây ảnh hưởng uy tín rất lớn đến các cá nhân, và nó ảnh hưởng đường quan lộ về sau. Không những thế, nó tác động mạnh mẽ đến lòng tự trọng và nhân phẩm của một đảng viên, nói đúng hơn, đảng viên bị kỷ luật sẽ thật sự đối diện với tòa án lương tâm của đảng trong suốt quãng đời còn lại, dù cho họ có ở căn biệt phủ rộng hàng ngàn hecta, với con học hành trời Tây và ngân hàng đã chứa hàng chục đến hàng trăm tỷ đi chăng nữa.
.
Ấy là khi lương tâm lớn hơn lương lậu!
Bản thân người viết tin rằng, khi Ban cán sự đảng, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư khi ra quyết định này sẽ cảm thấy “rất đau”, vì đây là lần thứ hai (sau kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng), ban lãnh đạo Đảng mới dám truy ngược trong kỷ luật như vậy.
.
Giả sử, cử tri huyện Đông Anh (*) hay bất cứ đâu còn vô tình tò mò mà phản ánh với ông Tổng về mức độ kỷ luật được cho “còn nhẹ” lắm, thì tôi tin, ông Tổng sẽ một lần nữa khắc khổ mà nhấn mạnh: Lần đầu tiên Ban Bí thư Đảng tuyên bố nghiêm khắc phê phán thế, đã đủ đau chưa?
.
Nguyên tắc “đủ đau chưa” chính là sự thực thi hóa của cái gọi là “bắt chuột mà không đập vỡ bình”. Và cũng là cách “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp” – tất nhiên, lập pháp theo cách của Đảng ta. Đó cũng nguyên tắc ứng xử đối với những đảng viên cơ sở như Trịnh Xuân Thanh – người gây thất thoát 3.200 tỷ đồng (tức 132 triệu USD) và hiện đã bỏ trốn ra khỏi nước ngoài, đã không chấp nhận sự từ bỏ đảng của ông, mà tiếp tục giữ tư cách đảng và sau đó tiến hành “khai trừ đảng” theo đúng quy trình, thủ tục.
.
Nhà báo Bạch Hoàn bày tỏ sự “phấn khích” trước sự kiện này, khi cho biết, “anh Hoàng đã khốn khổ, đớn đau thế nào khi bị khiển trách, khi không được dung chữ cựu, chữ nguyên” thì những ông như “Cự, Lại, Quang,… thấm, khổ, đau vì bị cách chức vụ” trong quá khứ”.
.
Nhưng chị Bạch Hoàn lại quên lời ông Tổng Bí thư từng răn, đấy mới chỉ là kỷ luật về mặt đảng, công tác cán bộ, “chứ chưa nói đến vấn đề vi phạm hình sự, kinh tế.”. Thế mới biết, “đau” lắm đấy chứ, nhưng đau khi chưa có cái gọi là Chỉ thị 15 và bảo bối “giữ gìn sự đoàn kết trong đảng”.
.
Còn nhớ cách đây không lâu, nhiều chuyên gia đánh giá, cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam đã sang trang mới, khi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra nghị quyết và chỉ thị nhằm thắt chặt hành vi đạo đức của Đảng viên. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ cho đến khi nào, bản thân người đứng đầu Đảng thực sự cân bằng giữa tự do hóa kinh tế và dân chủ hóa chính trị. Theo học giả Nguyễn Hồng Hà (Đại học Queensland), đó là chặt đứt được sự “bảo trợ chính trị” tại Việt Nam, điều đó bao gồm việc muốn bắt được Trịnh Xuân Thanh, cần phải thanh soát ông Bí thư thành ủy Đinh La Thăng; muốn xử lý hình sự ông Vũ Huy Hoàng cần nhấc người tử tế Nguyễn Tấn Dũng đến tòa án. Còn nếu không xử lý sự “bảo trợ chính trị” (*) này, thì mãi mãi, các hình thức kỷ luật trong Đảng vẫn là một pha làm màu là chính, tiếp tục làm suy yếu uy tín của đảng và nhà nước pháp quyền XHCN trong dư luận xã hội.
.
Vấn đề là tại sao nhà nước lại không làm được điều trên? (*). Cái chính vẫn là nhóm lợi ích này chồng lên lợi ích kia, sự tập hợp Bộ Chính trị và phân công tứ trụ vẫn mang tính phân chia lợi ích nhóm nhằm đạt một sự “đồng thuận” nhất định trong Đảng, tránh gây xáo trộn để rồi đi đến hiện tượng là mất đi tính “ổn định chính trị”. Yếu tố mà ĐCSVN lo sợ đã gây nên sự biến mất của độc tài toàn trị vào thập niên 80 – 90 tại Liên Xô dưới thời Gorbachev. Và để giữ bằng được chế độ, thì mọi yếu tố lạ lẫm nhất, chưa có tiền lệ nhất trong hành pháp, tư pháp, lập pháp sẽ được đem ra ứng dụng.
.
Trong thời kỳ chính trị thổ tả nắm quyền như vậy, thì nhà báo Bạch Hoàn sẽ còn “bống dưng buồn nôn” dài dài!
.
(*) http://dantri.com.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-vu-ong-vu-huy-hoang-quoc-hoi-phe-phan-the-da-du-dau-chua-20161206092719573.htm
https://giangnamlangtu.wordpress.com/2017/04/22/formosa-cach-het-chuc-vu-qua-khu-va-thoi-chinh-tri-tho-ta-len-ngoi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét