Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Tuổi già với cố hương

Tuổi già với cố hương
Đặng Quỳnh Giang 18/3/2017 - Về quê khi lớn tuổi không phải là con đường tất yếu và duy nhất. Vẫn có những người tạo được cho mình cuộc sống vui vẻ, thú vị và hữu ích ở thành phố sau khi đã về hưu. Nhưng từ tâm thức, tôi tin rằng, quy cố hương sẽ luôn là niềm mong ước, nỗi khát khao của những người con xa xứ, đặc biệt với tuổi già. 
Ảnh: Internet
(TBKTSG) - Mấy năm gần đây, làng xã tôi - một vùng quê bé nhỏ, yên bình, ít có sự xáo trộn về nhân số, xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi nhà mới, gương mặt mới. Nói mới, nhưng thực ra họ là con em quê hương, sau bao năm bôn ba, xa xứ, nay trở về cố hương sinh sống.

Về lại quê hương sau khi thôi làm việc, khi tuổi xế chiều đang là một xu thế khá phổ biến, là ước nguyện, niềm hạnh phúc của nhiều người đi ra từ những vùng quê. Họ rời quê khi tuổi còn mười tám, đôi mươi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của tổ quốc; hoặc ly hương để tham gia các chương trình kinh tế mới, đến những vùng hoang sơ, xa xôi của đất nước lập nghiệp, trồng người; và có cả những người phải bỏ quê theo sự sắp xếp của con cái nơi phố xá.

Thực tế, rất nhiều trong số họ dù đã sống, lập nghiệp ở thành phố, trên đất khách dăm ba chục năm - nơi có gia đình, con cái, nơi cho họ sự nghiệp, tiền tài - nhưng vẫn xem chốn đó chỉ là nơi tạm bợ. Trong tâm thức, họ luôn nguyện ước và nung nấu khi già, được trở về quê hương sống cuộc đời còn lại, trên chính nơi mình được sinh ra.

Vài ba chục năm trước, có một phong trào rời quê, đi tìm những vùng đất mới, cuộc sống mới. Đi để tìm cái ăn, nguồn sống và nhất là để “gieo trồng” cho thế hệ tương lai một cuộc sống đỡ vất vả, khổ cực hơn. Nhiều gia đình bằng nhiều cách vay mượn, xoay xở, bán tháo nhà cửa, ruộng vườn để thực hiện những chuyến đi xa. Sau những năm tháng xông pha, dấn thân nơi phố thị đất khách quê người, khi đã hoàn thành nghĩa vụ, sứ mệnh với gia đình, đủ tuổi nghỉ hưu hoặc khi đã gây dựng cho mình được một gia cơ để có thể nghỉ ngơi đến cuối đời - họ hồi hương. Về để nhang khói cho mồ mả tổ tiên; để tắm lại dòng sông tuổi thơ; để nghe tiếng chim gù, tiếng gà gáy mỗi sáng; và để hít vào lồng ngực hương cỏ triền đê, mùi khói bếp lam chiều.

Tuổi trẻ lấy công việc làm thú vui, bầu bạn. Làm việc để tích cóp, để khẳng định bản thân và lo cho gia đình. Cuộc sống là công việc và công việc là cuộc sống. Những hoài bão và ước mơ, cùng những lo toan, muộn phiền, hoan hỉ cuốn người ta triền miên theo năm tháng. Không còn khoảng trống để dành cho quê nhà. Tuổi già, khi không còn lao động nữa, với nhiều người lớn tuổi cuộc sống thành phố bỗng trở nên thừa thải, nhạt nhẽo, vô vị, chẳng biết và chẳng thiết làm gì.

Chú tôi là thương binh phục viên. Sau 40 năm xa quê, chú thím gầy dựng được một cơ ngơi đáng kể. Con cái đã có gia đình, khấm khá. Nguồn thu chính của chú thím bây giờ là lương hưu, lương thương binh và mấy chục căn phòng trọ. Làm việc trong môi trường quân đội lâu năm, chú có nhiều bạn. Dù vậy, sinh hoạt hàng ngày của chú bây giờ cũng chỉ luẩn quẩn ra vào đánh cờ với mấy người bạn, đến bữa lại về ăn cơm. Thi thoảng, chú có tham gia sinh hoạt Đảng, mỗi năm có thêm vài cuộc gặp giữa những người cựu chiến binh.

Gần đây, cứ ngồi với tôi, hai chú cháu lại nói chuyện ở quê - chú muốn về quê và đã có sự tính toán, kế hoạch cho việc này nghiêm túc. Ở quê bây giờ chỉ còn cô em gái ruột, vườn tược của ông bà đã bán cách đây 30 năm, chú có ý định mua lại một góc vườn cũ, làm căn nhà nhỏ, vừa làm nơi thờ tự và cũng là chốn thỉnh thoảng chú đi về.

Bởi quê hương có những giá trị riêng, mang lại nguồn vui, sự an nhàn và niềm hạnh phúc mà chẳng nơi nào có được.

Xóm trên làng tôi vừa có một ông cựu thượng tá công an hồi hương. Dù thoát ly cuối những năm 70 thế kỷ trước, nhưng vườn tược của gia đình ở quê ông không bán cho ai, mà giao cho người chị gái quản lý kể từ ngày đó. Vài ba năm ông lại về thăm quê và gia đình chị một lần. Trong thời gian chờ quyết định nghỉ hưu, ông về xây ngôi nhà cấp bốn rộng rãi trên chính mảnh đất đó rồi chuyển về ở hẳn. Bây giờ, ông cựu thượng tá công an suốt ngày đi đánh cá, nuôi chim, chơi cờ và uống nước chè xanh, râm ran cả ngày với xóm làng. Ông mở lớp dạy võ thuật cho đám trai làng trong vườn, dạy kèm cho đám học sinh nhỏ, tất cả đều miễn phí. Gặp lại ông mấy tháng trước, tôi thấy ông như trẻ ra ít tuổi.

Dù thế, sau khi rời quê ra đi, sự trở về chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nhiều nhà muốn về nhưng đành chịu do vườn tược đã bán. Cái khó khác với hầu hết, là con cái của họ ở thành phố, nếu quyết định về quê sống ai sẽ chăm sóc khi họ già yếu, bệnh tật. Con cái không thể bỏ cuộc sống, công việc ở thành phố để về quê cùng sống với bố mẹ được. Cũng có người lấy vợ hay chồng là người thành phố hoặc người từ miền quê khác, nên khi bước qua tuổi xế chiều để thuyết phục bạn đời cùng về quê mình sinh sống là cả một vấn đề. Và có người, vì cuộc sống khó khăn việc trở về quê chỉ còn trong nguyện ước.

Về quê khi lớn tuổi không phải là con đường tất yếu và duy nhất. Vẫn có những người tạo được cho mình cuộc sống vui vẻ, thú vị và hữu ích ở thành phố sau khi đã về hưu. Nhưng từ tâm thức, tôi tin rằng, quy cố hương sẽ luôn là niềm mong ước, nỗi khát khao của những người con xa xứ, đặc biệt với tuổi già. 

http://www.thesaigontimes.vn/157973/Tuo%CC%89i-gia-voi-co-huong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét