Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

Chuyện cờ bạc ở Mỹ và tác hại khôn lường

Ngày xuân đọc chuyện cờ bạc để tránh vết xe đổ của người khác. Bài này cho biết "ở Mỹ tiền lời thu về từ các xổ số, trên nguyên tắc là để giúp các trương học, đã bị lạm dụng để xây nhà tù, văn phòng và cơ sở của chính phủ, và người nghèo bị cờ bịch và xổ số của chính phủ móc túi nhiều nhất". Ở Mỹ văn minh và dân chủ đã như thế thì ở VN sẽ ra sao nhỉ ? Chắc ai cũng đoán được. Nghĩ mà thương đồng bào những vùng hay mua xổ số.
Chuyện cờ bạc ở Mỹ và tác hại khôn lường
Cờ bạc và lễ hội là một trong những đặc thù của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Xã hội cổ Việt Nam xây dựng trên căn bản nông nghiệp. Người dân Việt, qua lịch sử, làm lụng rất chăm chỉ, vất vả và lam lũ. Công việc đồng áng mỗi ngày bắt đầu từ sáng sớm trước khi mặt trời mọc và chỉ ngừng lúc tối mịt không còn thấy gì cả; chứ không phài như thời buổi bây giờ chỉ làm 8 tiếng một ngày và 40 tiếng một tuần. Tết nhất, lễ hội là lúc duy nhất để nghỉ ngơi, xem hội, giải trí và… đánh bạc.

Tại Việt Nam, ngoại trừ một thời gian ngắn dưới thời kỳ Pháp đô hộ, tổ chức cờ bạc quy mô do tư nhân đề xướng, như xòng bài chẳng hạn, vẫn còn được xem là bất hợp pháp và bị cấm. Tuy nhiên, trong những ngày tết, ngày hội, dân chúng, và ngay cả trẻ con, được phép tha hồ vui chơi, đỏ đen. Người lớn thì đua thuyền, đấu vật, tổ tôm, tam cúc, tứ sắc, xóc đĩa, tài bàn, xì phé, xì dzách (bài 21)… Trẻ con thì đánh đáo, lắc bầu-cua-cá-cọp … Nhưng ngay sau ngày tết, ngày lễ hội, người thắng, người thua, nam phụ lão ấu đều trở về lại với công việc hàng ngày; và chờ mong ngày lễ hội kế đến. Cờ bạc không hề là một vấn đề kinh tế hay xã hội gì mà dân Việt phải quan tâm. Mọi người đều hoan hỉ, vui thú!

Ngày hôm nay, nhất là ở hải ngoại, bộ mặt của cờ bạc đã thay đổi toàn diện từ hình thức cho đến kích thước. Mỗi ngày, chứ không phải chờ đến dịp lễ hội, chúng ta nhìn và cảm thấy chuyện cờ bạc đỏ đen diễn ra từ phải qua trái: xổ số, keno, bingo, thẻ cạo (scratchers), số đề, cá độ thể thao, đua ngựa, cờ bạc trên mạng … và ngay cả chơi “stocks” trên thị trường chứng khoán.

Cờ bạc bây giờ đã biến thành một cơn bệnh xã hội. Nó diễn tiến từ từ qua nhiều giai đoạn. Cờ bạc không còn là cơ hội để mọi người có dịp “vui chơi, xả hơi” như ngày xưa; mà có thể là một “cơ hội” sẵn sàng phá hủy người đánh bạc một cách toàn diện; gây khổ lụy cho những người có liên hệ trực tiếp với cá nhân đánh bạc như: vợ, chồng, con cái, bố mẹ v..v.. Cơn ghiền đánh bạc có thể là cấp tính, mãn tính… tùy từng cá nhân và hoàn cảnh.

Sự tiến triển của bệnh ghiền cờ bạc khởi đầu từ một chuyện nhỏ, một cái thú thật đơn giản, chẳng hạn như là: may mắn thắng được một món tiền nhỏ. Cái may mắn đó có thể tái diễn thêm một vài lần. Sự tai hại của vài lần thắng “nhỏ” này là nó làm cho người thắng cảm thấy lạc quan một cách quá đáng vô căn cứ, háo hức và đi đến tham lam; muốn thắng lớn hơn. Chuyện nhỏ này cũng có thể bắt đầu từ một cái thua nhỏ. Người thua muốn gỡ lấy lại số tiền đã mất. Cả hai sự việc thắng nhỏ và thua nhỏ vừa kể sẽ dần dà đưa đẩy đến giai đoạn cuối gọi là “giai đoạn tuyệt vọng.” Người ghiền cờ bạc càng lúc càng tự ý gia tăng thêm thời gian đánh bạc, cũng như số tiền để đánh bạc. Thua lớn, quay ra đổ thừa, đổ lỗi vớ vẩn cho những người thân vô tội chung quanh chẳng hạn như: “Con vợ mình số nó xúi quẩy quá!” hoặc “Thằng con mình nhìn mặt mũi nó sao hãm tài quá!” Thật ra, chính ngay bản thân mình là kẻ xấu xí, ngu xi, vô duyên, lảng xẹc mà mình đâu có thời giờ soi gương để mà biết mình đã biến thành thứ động vật gì? Ở cuối giai đoạn tuỵêt vọng này, một vở bi kịch đang chờ sẵn để mở màn: Mất việc, ly dị, nghiền rượu, nghiền ma túy, bị tù và… có thể đi đến tự vận.

Một người ghiền cờ bạc làm tổn thương, thiệt hại trầm trọng cả đến gia đình, nghề nghiệp và cộng đồng. Thời giờ dùng để chăm sóc gia đình đã ít, lại còn tìm mọi cách ăn cắp tiền, hoặc bớt số tiền cấp dưỡng, của thân nhân để đem đi đánh bạc. Trong công sở làm, thì không thể tập trung vào việc làm được [đã thua vài ngàn đô la đêm hôm qua, thì sáng nay còn tâm địa đâu để làm việc 15 đô la một giờ? Dùng thời giờ làm việc, thay vì để sản xuất, để nghĩ ra cách ăn cắp, thụt két, biển thủ, thâm thủng ngân sách của nhà nước hoặc của hãng, xưởng, công ty để lấy tiền gỡ thua bạc.

Người đánh bạc sẽ mơ uớc: “mơ ước may mắn được thắng lớn, trúng độc đắc…” Nhưng mơ ước vẫn chỉ là cái mơ ước không bao giờ thành sự thật. Thật đơn giản, chỉ có một định luật duy nhất là: “Làm việc chăm chỉ thì sẽ may ra gặp may mắn mà thôi!”

[Armand Hammer nói: “Tôi gặp nhiều may mắn nếu tôi làm việc chăm chỉ – 7 ngày một tuần, 14 tiếng mỗi ngày.”]

Con người vốn dĩ bản tính ham vui. Có ai là người không thích vui? Ai bảo đánh bạc không vui? Nhưng rất khó mà giữ, củng cố được cái cái vị trí gọi là “chỉ đánh bạc cho vui thôi!” Bởi vì cái ranh giới giữa “cho vui” và “cho tận mạng” chỉ là một khỏang cách rất ngắn. “Đánh bạc cho vui” luôn luôn là bước đầu để đi đến những thảm trạng, những đổ vỡ của cuộc đời. Nếu chỉ mới là “bệnh” thôi thì còn hy vọng may ra còn chữa trị được. Một khi cờ bạc đã biến thành “tật” rồi thì xong phim, hết thuốc chữa!

Kể từ cái vui lành mạnh của ngày sinh nhật: “Nhân dịp kỷ niệm này, mình làm một chuyến đi Las Vegas cho vui!” Thật là thích thú. Ba tuần sau là kỷ niệm ngày đám cưới được 5 năm: “Làm một chuyến Vegas nữa!” Tiếp đến, hai tuần sau cái ngày “kỷ niệm 5 năm” đó, không tìm được “kỷ niệm” nào gọi là ra hồn để lấy cớ trở lại Las Vegas; bèn tự phát minh ra một lý do mới toanh thật tài tình: “Làm thêm một chuyến Vegas, vì xe mới vừa ‘tuned-up’ xong!” Sau đó là hàng loạt những lý do không tên, khôi hài, chẳng hạn “Đi Las Vegas vì xe vừa thay nhớt xong!” “Vừa lãnh tiền của hội tương tế trả về việc chôn cất ông gìa xong!!!” Cuối cùng… rồi mặc dù chẳng có lý do nào cả; nhưng vẫn phải đi “Vegas” cho bằng được. Không đi chịu không được! Sẽ có chuyện lớn chứ không đùa đâu à!!!

“Ê ! Đời là một canh bạc mà !” theo như lý luận của một tay ghiền cờ bạc hết thuốc chữa, “Mà nếu mình có thua hết đi nữa, thì mình có mất cái gì đâu (?!) Mình từ Việt Nam qua đây trên răng dưới dép (!?) Vượt biển nhịn đói nhịn khát 10 ngày còn chưa chết; làm sao có thể chết ở sòng bạc được!?” Thưa quý vị, xin quý vị chờ một tí, đừng vội lạc quan và nghe theo lời của me-xừ “lu dzơ” này nhé! Chuyện là vào khoảng 1995-96 tôi thất nghiệp lâu quá, tôi phải bỏ Orange County, mò mẫm lên tìm việc ở San Jose đúng và lúc xòng bài “Bay-101” mới khai trương. Sòng bài mở 24/7 [có nghĩa là 24 tiếng mỗi ngày và 7 ngày một tuần] cho dân Mít tha hồ náo nức xếp hàng nộp tiền. Một bố Mít đánh hăng quá kiệt sức, rồi vào chết ngồi ở trong “bathroom” từ hồi nào không ai hay? Nhân viên quét dọn “bathroom” của sòng bài phát giác ra – đây là chuyện có thật “một chăm phần chăm,” có đăng báo “The Mercury News” của vùng Vịnh [Bay Area] – San Jose hẳn hoi, không phải chuyện bịa đặt nói xấu dân Mít!

Dần dà, người đánh bạc không còn vui nữa; mà bắt đầu hơi buồn buồn; đến thật là buồn… Chuyến đánh bạc lần này là để giải cái buồn của tuần trước …và cứ thế mà tái tục. Cờ bạc đã trở thành bệnh rồi mà không hay? Cơn bệnh cờ bạc này còn gây cho người mang bệnh một cái “biến chứng phụ” nữa: đó là bệnh nói dối. Người đánh bạc luôn luôn có khuynh hướng thổi phồng số tiền và số lần thắng; đồng thời cũng dấu nhẹm các lần thua đậm!

Bác Sĩ Richard Rosenthal một nhà nghiên cứu về vấn đề “ghiền cờ bạc” đã vạch ra 3 lý do chính làm cho một người bình thường trở thành nghiền cờ bạc:

Tự lừa dối mình là chỉ đánh bạc cho vui
Đang ở trong tình trạng trầm cảm (“depressed”), chán nản, cảm thấy mình vô dụng
Sống trong [hay ở gần] khung cảnh, môi trương cờ bạc.

Cờ bạc vì di truyền cũng được đề cập tới. Nhưng liên hệ này chưa được chứng minh rõ ràng.

Ngoài việc làm suy giảm sức sản xuất, cờ bạc còn làm thâm thủng tín dụng (“credits”) mỗi năm cả bạc tỷ. Thống kê cho thấy cứ trong 3 người ghiền cờ bạc thì có 2 người sẽ phạm pháp (để lấy tiền trả nợ!) Vấn đề phạm pháp dĩ nhiên còn gây gánh nặng cho luật pháp, nhà tù. Các thiệt hại và phạm pháp ghi nhận được như là:

Mất việc làm.
Nợ nần, phá sản.
Biển thủ, lường gạt, gian lận.
Tù.
Sức khỏe suy kém, tâm thần bất ổn…

Thử lấy California làm thí dụ. Theo thống kê của năm 2000 (?), California có 12% dân số là Á châu. Thế mà 40% số người vào xòng bài (ở California) là dân Á châu đầu đen – trong đó dân Mít mình chiếm con số không nhỏ. Thật ra, không cần phải tìm đọc các bản báo cáo, thăm dò của các cơ quan khảo cứu – chỉ cần nhìn là đủ. Không kể gì gìa hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, người Việt của mình thích cờ bạc! Đó không phải là chuyện bí mật quốc phòng hay là an ninh quốc gia cái con khỉ gì cả! Nói thẳng ra là có rất nhiều chủ gia đình Việt Nam mình ghiền cờ bạc. Và gia đình của chính những người ghiền cờ bạc này bị ảnh hưởng nặng nề nhất: Sự đe dọa của chủ nợ, hạnh phúc sứt mẻ, con cái bị bỏ rơi… Tội nghiệp nhất là con cái của họ. Các chuyên gia về “bệnh ghiền cờ bạc” gọi chúng là “Casino Kids.” Đó là đám trẻ con bị bỏ lăn lóc, thiếu chăm sóc, thiếu ăn, thiếu uống, thiếu ngủ, thiếu tiện nghi, nằm ngồi trong các xe đậu tại các bãi đậu xe; hoặc lang thang một cách nguy hiểm loanh quanh các “casinos,” xòng bài vì luật lệ không phép chúng tháp tùng bố mẹ đi vào bên trong xòng bài. Phải lấy làm lạ là họ có thể đặt một cây bài vài trăm đô la; nhưng không dám mướn phòng để ở qua đêm chỉ tốn vài chục đô la! Đây là một phương trình không giải được!

Hãy mặc kệ các lời quảng cáo mời mọc hoa mỹ của các xòng bài. Tạm quên các chuyến xe “Bus” chở miễn phí mà còn cho thêm tiền túi đến các xòng bài. Chúng ta nên nhớ một điều luôn luôn là chân lý; đó là ở trên đất Mỹ này, không có bất cứ một cái gì gọi là miễn phí cả. Mình phải trả trước hay trả sau mà thôi! Chẳng hạn quí bạn ngồi đánh bài tại một bàn “xì dzách (21)” và được nhân viên sòng bài “xẹc” cho bạn uống một chai bia không phải trả tiền [đáng giá khỏang $1.50 nếu bạn phải mua ở chợ.] Đứng dậy sau ba mươi phút chơi bài, bạn thua hết $60.00. Hãy tính lại cho kỹ, bạn đã uống một chai bia đắt gía nhất ($60.00?) trong cuộc đời của bạn chứ đâu phải miễn phí! Vấn đề đánh bạc, sự may mắn không bao giờ kéo dài lâu; nhưng chắc chắn là những bất hạnh do đánh bài gây ra cho cuộc đời bạn sẽ dài vô cùng tận!

Việc hợp thức hóa [legalized] cờ bạc là một kỹ nghệ phát triển nhanh nhất của các chính quyền Tiểu bang, các Quận và các thành phố ở trên đất Mỹ hiện nay. Trên đất Mỹ chỉ có 2 tiểu bang, đó là Hawaii và Utah, là không cho hợp thức hóa cờ bạc mà thôi. Cờ bạc lấy đi từ trong túi chúng ta mỗi năm gần 100 tỷ đô la; hơn cả tất cả tổng số chi phí mà chúng ta chi tiêu cho vé xem xi-nê, vé xem thể thao và tiền chơi “video games,” cả 3 cộng lại với nhau. Trước đây, cờ bịch chỉ giới hạn ở một vài nơi hẻo lánh thuộc tiểu bang Nevada. Bây giờ bài bạc dưới mọi hình thức mọc lên chung quanh chỗ chúng ta sống như nấm dại mọc sau cơn mưa: Super Lottery Plus, Mega Millions, Fantasy, Keno, Daily Derby, Big Spin, Power Ball, Bingo, Scratchers, Indian Casinos, On-line Gamblings… Tiền lời thu về từ các xổ số, trên nguyên tắc là để giúp các trương học, đã bị lạm dụng để xây nhà tù, văn phòng và cơ sở của chính phủ. Người nghèo bị cờ bịch của chính phủ móc túi nhiều nhất. Bởi vì nó tiện [nhưng dĩ nhiên là không có lợi!] và hấp dẫn: “chỉ một vài đô la mà có thể biến thành triệu phú.” Theo họ, dân khố rách áo ôm, đây là cái “cánh cửa duy nhất của hy vọng.” Thay vì dùng đồng tiền khó kiếm, mồ hôi nước mắt để mua thực phẩm, đồ gia dụng cần thiết cho gia đình; người nghèo lại dùng một số tiền lớn lao để mua “lottery,” mua cái “giấc mơ không bao giờ đến” ở ngay cái tiệm tạp hóa ở đầu ngõ; gần xịt mà. Đây chính thật là cảnh “chó cắn áo rách” diễn ra hàng ngày.

Cờ bạc rõ ràng là một cái gì rất tai hại, băng họai. Một cái đầu tư xấu xí mà người đầu tư sẽ chắc chắn lỗ lã. Như vậy mà tại sao chúng ta vẫn tiếp tục đầu tư, bỏ tiền vào cái lỗ hổng không có đáy đó? Có lẽ chúng ta cần phải học lại môn toán cơ bản được dậy ở lớp mẫu giáo, lớp một để hiểu biết thêm về lời giải của một bài toán đơn giản cộng-trừ-nhân-chia!

Để kết thúc bài chuyện phiếm nhạt nhẽo như nước ốc này, người viết xin phép được lập lại lời của một bố Mít đã nói và ghi ở trên: “Ê ! Đời là một canh bạc mà!” Vâng, mình và gia đình được đặt chân lên đất tự do bình yên là đã một lần trúng “độc đắc” trong canh bạc đó rồi. Có bao nhiêu người trên cuộc đời này có cơ hội trúng “độc đắc” hai lần??? C’mon!

Nguồn: Trên mạng

2 nhận xét:

  1. Năm 2016 tôi có viết bài về xổ số này trên KTSG (Vietnamnet đăng lại ở link dưới), gửi lại để anh Đức đọc chơi
    https://vietnamnet.vn/xo-so-nguoi-ngheo-cang-ngheo-them-323598.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Ngọc viết các bài đều hay, và anh có khả năng viết rất nhanh và rất nhiều, tôi rất khâm phục. Bài về xổ số này cũng vậy. Tôi hơi ngạc nhiên là bài phê phán nhà nước mạnh thế mà vietnamnet vẫn dám đăng.

      Xóa