Bàn về “số đẹp”
Fb Đỗ Ngà 31/12/2022 — Năm 2021, Chính quyền VN đặt mục tiêu cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 là từ 6-6,5%. Tuy nhiên, kết quả mới đây cho biết kinh tế Việt Nam tăng trưởng đến 8,02% trong năm nay. Như vậy là nền kinh tế Việt Nam đã phát triển thần kỳ, có thật như vậy không?Được biết, từ cuối tháng Năm (đang quý II) các ngân hàng thương mại Việt Nam đã báo động về nguy cơ cạn room tín dụng. Cho đến tháng Tám hầu như các ngân hàng không thể cho vay được nữa. Bắt đầu từ cuối quý II, các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay dần. Tuy nhiên, theo thống kê thì quý III là quý mà nền kinh tế phát triển mạnh nhất (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%). Thậm chí suốt cả quý IV nền kinh tế cạn tiền mà vẫn tăng trưởng hơn quý I khi mà room tín dụng còn rất dồi dào.
Doanh nghiệp có thể huy động vốn qua ngân hàng hoặc qua thị trường chứng khoán. Ngân hàng thì sớm cạn room, thị trường trái phiếu thì vắng bóng hẳn các doanh nghiệp mới chào bán từ khi ông Đỗ Anh Dũng bị bắt hồi tháng Tư, thị trường cổ phiếu cũng ít doanh nghiệp IPO khi Trịnh Văn Quyết bị bắt hồi cuối tháng Ba. Các vòi tưới vốn tưới cho doanh nghiệp bị nghẽn nên ngay cả ông Phạm Nhật Vượng cũng phải lập ra VMI để gọi vốn, Nguyễn Tử Quảng – CEO của Bkav cũng lên mạng gọi vốn trực tiếp từ Fan.
Nguồn cấp vốn cho doanh nghiệp như là cơ quan hô hấp cho nền kinh tế. Nếu nói ngân hàng là lỗ mũi thì thị trường chứng khoán là miệng. Nếu mũi bị nghẹt thì thở bằng miệng, mà miệng bị ngạt nữa thì cơ thể nền kinh tế thiếu oxy nghiêm trọng. Mà theo con số thống kê thì cơ thể nền kinh tế Việt Nam vẫn “khỏe re như con ngựa kéo xe”, thật là khó tin. Trong tình hình như vậy mà tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 lên đến 8,02% thì nghe “có gì đó sai sai”! Con số tăng trưởng này so với những khó khăn trên thị trường vốn là không khớp nhau. Càng đói vốn càng phát triển là sao?
Năm ngoái, khối ngoại FDI chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong khi đó năm 2022 thì tỷ trọng của FDI đã tăng lên thành 73,9%. Như vậy, khối ngoại thì càng ngày càng vững (lên cơ) mà khối nội thì càng ngày càng yếu (teo cơ). Nguyên nhân là do đâu? Do các các vòi cấp vốn cho doanh nghiệp (ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán) bị nghẽn, cho nên khối nội bị “teo cơ” là đúng. Sức khỏe của khối nội phản ánh đúng theo biến động của thị trường vốn của Việt Nam trong năm qua. Khối FDI không phụ thuộc nhiều vào thị trường vốn trong nước nên họ “lên cơ” cũng là điều hợp lý.
Không tiền thì làm sao “chuyển đổi xanh”? Mà không chuyển đổi xanh thì các nước châu Âu và Nhật Bản không cho nhập, thế là đói đơn hàng nên doanh nghiệp sa thải công nhân hàng loạt. Năm nay rất nhiều doanh nghiệp Việt phải đóng cửa nhà xưởng cho công nhân “ăn tết sớm”, thậm chí có doanh nghiệp tính chuyện này từ tháng Chín. Đó là thực tế đã được các báo đăng tin. Tình hình thế mà tăng trưởng kinh tế đến 8,02% thì cũng khó hiểu thật.
Mới đây, thống kê cho thấy ngành du lịch Việt Nam trong năm 2022 thất bại thảm hại, chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỉ USD. Trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19. Tuy nhiên, các nước này sẽ khó mà “với tới” được con số tăng trưởng 8,02% của Việt Nam.
Chính quyền thông báo con số thế nào là chuyện của chính quyền, còn doanh nghiệp và người dân thì cảm nhận rõ nét nhất về sự ngột ngạt mà kinh tế đang tác động lên đời sống của họ. Năm nay là năm đại hạn của giới đại gia. Đỗ Anh Dũng, Trịnh Văn Quyết và Trương Mỹ Lan thì coi như xong, còn Phạm Nhật Vượng vầ Bùi Thành Nhơn v.v… thì đang vật lộn để tồn tại. Các đại gia đã không cắn được miếng nào từ con số 8,02% vậy thì người nghèo có “cạp” được gì trong 8,02% không?
Chắc chắn là không. Cả giàu và nghèo đều không cạp được thì rõ ràng đấy là con số ảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét