5 cách để tăng cường sự tập trung
Mình là người có nhu cầu luôn luôn hoạt động; lúc nào cũng phải làm một việc gì đó hữu ích chứ rảnh rỗi ngồi chơi hay xem tivi hoặc ra quán chém gió vô bổ với bạn bè, mình đều không thích và thấy tiếc thời gian. Do đó lúc nào mình cũng có việc, không có việc thì tự nghĩ ra.
Việc thì nhiều lắm, từ nghiên cứu khoa học, soạn bài giảng và làm đề thi; làm các dự án với các cơ quan, tổ chức; sửa chữa đồ đạc, dụng cụ trong nhà..., kể cả may vá lại quần áo, đi siêu thị mua hàng, đến tập thể dục thể thao hàng ngày, leo núi, đọc truyện dài hàng vạn trang và xem các giải bóng đá lớn, và nhất là cập nhật tin cho Blog và FB cá nhân.
Việc quá nhiều và việc nào cũng hay, cũng hấp dẫn làm mình bối rối. Do triển khai cùng lúc nhiều công việc nên chúng đá nhau, hiệu quả kém. Đặc biệt, thông tin phải xử lý khi đọc, đánh máy và làm việc quá nhiều. Quá tải thông tin làm mình càng ngày càng khó tập trung hơn, mệt mỏi cũng nhanh hơn. Vì vậy đôi lúc mình tự hỏi liệu có cách nào để duy trì sự tập trung cao và không cho tâm trí chạy loạn hay không? Thêm nữa, có cách nào để cải thiện và tăng cường sự tập trung của mình không ?
Tra trên mạng, mình thấy hướng dẫn hàng trăm hành động có thể thực hiện ngay lập tức khi chúng ta bắt đầu rối trí và làm việc chậm lại. Trong số đó mình chọn ra 5 cách theo mình là quan trọng và dễ làm nhất để tăng cường sự tập trung khi làm việc. Khi bạn cảm thấy sự tập trung của mình đang có dấu hiệu suy giảm, hoặc cần chuẩn bị cho những tình huống đòi hỏi sự tập trung cao độ, hãy thử những điều sau:
1. Tránh làm nhiều việc cùng một thời điểm
Đây là lỗi mình hay gặp nhất, cùng lúc làm nhiều việc nên việc nào cũng không tập trung cao độ. Bài học rút ra là đừng cố gắng trở thành một siêu giỏi, siêu tài. Hãy thực hiện từng việc một cho đến khi hoàn thành, sau đó mới chuyển sang việc tiếp theo. Bằng cách đó, tâm trí của bạn không bị phân tâm và nhiễu loạn bởi những thứ chưa hoàn thành.
2. Làm việc trong một khung thời gian nhất định
Tìm khung thời gian lý tưởng cho công việc trí não của bạn.
Khi bạn thực hiện các hoạt động trí óc thông thường, chẳng hạn như đọc một đoạn sách, hãy ghi lại khoảng thời gian bạn đọc tập trung nhất trước khi sự chú ý của bạn bị trôi đi.
Bạn sẽ tìm thấy một phạm vi thời gian mà sự chú ý của bạn đạt đến đỉnh điểm. Làm việc trong khoảng thời gian này (đặt lời nhắc khi hết giờ), nghỉ giải lao và sau đó quay lại một vòng lặp khác.
3. Loại bỏ những phiền nhiễu vô ích
Tắt TV của bạn và thiết lập trình chặn trang web để Internet không cám dỗ bạn.
Nếu điện thoại thông minh cản trở khả năng tập trung của bạn, hãy đặt nó vào ngăn kéo, phòng khác hoặc bất cứ nơi nào mà bạn không thể nhìn hoặc nghe thấy khi cố gắng tập trung. Tôi thường không mang điện thoại khi đi chơi thể thao hay khi lên lớp.
Bạn cũng có thể điều chỉnh cài đặt của điện thoại để chặn cuộc gọi trong những giờ nhất định. (Nếu lo lắng về việc bỏ lỡ một cuộc gọi quan trọng, bạn có thể tạo danh sách những người liên hệ được phép liên lạc với bạn).
Nếu bạn thấy rằng một số tiếng ồn từ bên ngoài có khả năng hỗ trợ cho sự tập trung, hãy lắng nghe những âm thanh êm dịu xung quanh, chẳng hạn như khung cảnh thiên nhiên, tiếng sóng...
4. Hãy chạy bộ nhanh
Một nghiên cứu được công bố vào ngày 22 tháng 11 năm 2021 bởi Scientific Reports cho thấy, chỉ cần 10 phút chạy bộ với cường độ vừa phải sẽ làm tăng lưu lượng máu đến vỏ não trước trán.
Đây là phần não chịu trách nhiệm về các kỹ năng chức năng điều hành, chẳng hạn như tập trung vào một nhiệm vụ cho đến khi hoàn thành.
Nếu không muốn chạy, bạn hãy thử đi bộ nhanh - hoặc bất cứ điều gì khác khiến cơ thể vận động nhiều hơn và tim đập mạnh.
Nhà mình có máy máy chạy bộ, mình đã thử áp dụng phương pháp này và thấy rất hiệu quả.
5) Cải thiện giấc ngủ
Thiếu ngủ có thể dễ dàng làm gián đoạn khả năng tập trung, chưa kể đến các chức năng nhận thức khác, chẳng hạn như trí nhớ và sự chú ý. Tình trạng thiếu ngủ thi thoảng mới diễn ra có thể không gây ra quá nhiều vấn đề nhưng thường xuyên không có được giấc ngủ ngon, có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần và hiệu quả khi làm việc. Mất ngủ có thể khiến cơ thể mệt mỏi quá mức, thậm chí có thể làm chậm phản xạ và ảnh hưởng đến khả năng làm việc, lái xe hoặc làm các công việc hàng ngày khác.
Lịch làm việc dày đặc, các vấn đề sức khỏe và các yếu tố khác đôi khi khiến chúng ta khó ngủ đủ giấc. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cố gắng đạt được gần với khoảng thời gian được khuyến cáo nhất có thể trong hầu hết các đêm. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người lớn nên ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm. Người cao tuổi nên ngủ từ 6 đến 7 tiếng mỗi đêm.
Mình phải soạn bài giảng tiếp. Chúc các bạn một buổi tối tốt lành, vui vẻ và thoải mái.
Ảnh: Về nhà cũ thắp hương cho ông bà bố mẹ nhân dịp Tết. Nhà này đang để không kể từ khi bố mẹ mình mất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét