Việt Nam chọn con đường nào?
Lê Thân 31/12/2022 — Sự chậm trễ sửa đổi các chính sách phục vụ cho nền kinh tế thị trường, các nhánh quyền lực không chủ động sáng tạo phát huy được nội lực. Cơ chế toàn trị ngày càng gia tăng độc đoán, nhằm bảo vệ quyền lực, đã đẩy bộ máy cầm quyền ngày càng xơ cứng mất hết sự năng động cần thiết cho xã hội phát triển. Đất nước chưa bao giờ lâm vào tình trạng nguy hiểm cực độ, người dân tự hỏi tại sao?I. Tình hình
Trong năm 2022 tình hình trong nước nhiều diễn biến xấu, rất phức tạp, những người có trách nhiệm và dư luận xã hội đang rất quan tâm, lo lắng cho vận mệnh của dân tộc. Có thể kể đến những sự kiện tiêu biểu như sau:
1. Vụ test kit Việt Á, ngoài việc gây thiệt hại to lớn cho ngân sách nhà nước, còn làm mất rất nhiều cán bộ đảng viên giữ chức vụ quản lý từ cấp trung gian đến cấp cao trong hầu hết các tỉnh thành cả nước, kể cả 2 ủy viên trung ương giữ tới chức Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, với hàng loạt giám đốc CDC bị khởi tố, bắt đi, cùng một số cấp chỉ huy của họ là các giám đốc sở y tế, chủ tịch, bí thư tỉnh/ thành có liên quan trong vụ đại án.
2. Vụ giải cứu người Việt Nam ở nước ngoài về nước tránh dịch Covid -19 (còn gọi là vụ Cục Lãnh sự), ngoài việc cấu kết giữa nhiều ban ngành để tham nhũng số tiền hàng ngàn tỷ, hàng loạt cán bộ ngoại giao cao cấp bị xử lý, uy tín về mặt ngoại giao đã suy giảm nghiêm trọng.
Có thể nói, chỉ riêng hai vụ này là tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt toàn dân đang khốn khổ vì đại dịch Covid-19, đã đưa quốc nạn tham nhũng lên tới đỉnh điểm của sự tàn bạo, cho thấy tâm địa độc ác của bầy sâu tham nhũng, ăn không chừa một thứ gì, không chỉ đánh thẳng vào chi tiêu nhà nước, mà còn gây nguy hại đến cả hệ thống chính trị, đặt hệ thống chính trị trước nguy cơ tan rã.
3. Vụ khởi tố bắt tạm giam các chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Trương Mỹ Lan), FLC (Trịnh Văn Quyết), Tân Hoàng Minh… liên quan đến đầu cơ bất động sản có sự tiếp tay của các ngân hàng, ban lãnh đạo thị trường chứng khoán và của các quan tham trong bộ máy nhà nước trong một thời gian rất dài, làm mất lòng tin trong nhân dân, kéo theo sự sụp đổ của hệ thống tài chính. Nhà nước trong 1 tháng phải bơm ra hết chục ngàn tỷ này đến chục ngàn tỷ khác để cứu gỡ ngành ngân hàng và giải quyết nợ cho những người dân đổ xô đi rút tiền, nhưng hàng vạn người mua chứng khoán có khả năng mất trắng vì các công ty chứng khoán sụp đổ.
Có thể nói, tình trạng cực xấu này vượt qua khỏi khả năng giải cứu Nhà nước; nếu cứ in thêm tiền để giải quyết vấn đề căng thẳng về tài chính tất yếu sẽ dẫn tới nạn lạm phát cao, khiến cho hết nạn nọ tới nạn kia.
4. Đất đai của nông dân bị cưỡng bức thu hồi, có nơi đã để xảy ra chết người. Nhiều đất đai thu hồi nhưng không thực hiện dự án, đất đai bỏ hoang trong khi nông dân không có đất để sản xuất sinh nhai; luật đất đai tuy có sửa đổi nhưng chưa đi vào điểm cơ bản, chưa giải quyết thỏa đáng một cách đạo lý công bằng đối với quyền lợi người dân bị mất đất; rất nhiều trường hợp tiền đền bù không mua nổi đất để làm nhà che mưa nắng, người dân khó khăn lại càng khó khăn hơn. Từ đây, những vụ khiếu kiện về đất đai đã không dừng lại mà còn đang ngày càng gia tăng ngày càng kéo dài không hy vọng chấm dứt.
5. Cuộc chiến chống tham nhũng (còn gọi là đốt lò) tuy có đạt được thành tích qua việc xét xử được một số vụ cụ thể có tác dụng răn đe nhưng nhìn chung về cơ bản vẫn tỏ ra bất lực. Các thủ đoạn câu kết tinh vi có hệ thống, âm mưu quỷ kế biến hóa thiên hình vạn trạng, lại có sự bao che từ những cấp có thẩm quyền rất cao, dính líu đến quyền lợi của nhiều người nhiều cấp trong các mối quan hệ dọc ngang trên dưới chằng chịt, vướng mắc đủ bề, trở thành khó xử một cách triệt để. Đặc biệt, trong điều kiện chạy chức, chạy quyền, chạy án đã trở thành tập tục phổ biến từ lâu của các giới công quyền thì phương châm đưa ra được lập đi lập lại “chống tham nhũng không có vùng cấm”, không có vùng tránh, không loại trừ cấp nào cũng khó làm đến cùng.
Việc kê khai tài sản cán bộ để kiểm soát tham nhũng tuy đã có rất nhiều văn bản quy định từ phía Đảng và Chính phủ nhưng trên thực tế từ rất lâu cho thấy là không thi hành được. Những điều đảng viên không được làm thì họ đều làm một cách lén lút, mà giải pháp kêu gọi sự chấn chỉnh đạo đức, nêu gương lãnh tụ, học tập nghị quyết … đã tỏ ra không hiệu quả.
Chính người đứng đầu Đảng đã có lần than thở như một lời thú nhận: Vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm như thế nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ. Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra.
Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi pham nhũng tiêu cực hay không? Tình trạng hư hỏng, thoái hóa, biến chất cán bộ từ cơ sở đến trung ương đã được công khai hóa qua nhiều vụ khởi tố bắt tạm giam cụ thể mà người dân được biết, cho thấy ở mỗi dự án, mỗi công trình xây dựng lớn nhỏ đều có tham nhũng xen vào, và đi liền sau đó là hàng loạt cán bộ dắt nhau vào tù không sao kể xiết.
6. Về kinh tế có phát triển hơn nhưng tư tưởng tất cả chạy theo tiền và quyền đã thành phổ biến, đạo đức xã hội quan hệ con người con người suy thoái xuống cấp trầm trọng. Đời sống tinh thần đạo lý xã hội truyền thống ngàn đời của dân tộc gần như bỏ ngỏ.
Đất nước chưa bao giờ lâm vào tình trạng nguy hiểm cực độ như trên, người dân tự hỏi tại sao?
ll. Nguyên nhân
1. Từ một nền kinh tế XHCN chuyển qua nền kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa phát triển vượt bực lẽ ra phải áp dụng cơ chế chính sách quản lý theo đúng kiểu kinh tế thị trường sản xuất, hàng hóa chịu sự điều tiết tự nhiên của luật cung cầu đi cùng với nó là nền pháp trị vững mạnh, giới lãnh đạo không nắm bắt vấn đề cốt lõi này để chuyển biến kịp thời theo tình hình mới mà vẫn cố bám theo mô hình quản lý cũ, chủ yếu dùng mệnh lịnh hành chính để chỉ huy kinh tế.
Phải nói Nghị Quyết Đại hội 6 năm 1986 là một cuộc cách mạng thật sự thay đổi vận mệnh đất nước. Hơn 30 năm sau, Nghị quyết Đại hội 6 VN đã trở thành một nền kinh tế đặc biệt duy nhất trên thế giới nền kinh tế “không chịu phát triển”. Phát triển phải đi liền với nó là thể chế chính trị phù hợp, chính trị không đi theo kịp sự phát triển của đất nước.
2. Việc bố trí nhân sự, sử dụng con người đưa vào bộ máy tổ chức chủ yếu theo nguyên tắc quy hoạch, cơ cấu dựa trên quan hệ thân quen phục tùng tuyệt đối làm tiêu chuẩn quyết định, dẫn đến bao che sai lầm khuyết điểm dung túng lẫn nhau, thủ tiêu mọi đấu tranh lành mạnh trong nội bộ.
Có hiện tượng hết sức bi hài là khi phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý thì tất cả các cá nhân hay đơn vị vi phạm ấy trước đó đều đã có đầy đủ bằng khen, giấy khen, lao động tiên tiến xuất sắc, huân huy chương lao động cá nhân và đơn vị. Việc khen thưởng, mà phần lớn trở thành trò đùa, dối trên, lừa dưới, vụ Công ty Việt Á nhận huân chương Lao động hạng nhì, Học viện quân y nhận Bằng khen cho cá nhân đơn vị là sự kiện điển hình.
3. Tình trạng mua quan bán chức, bằng thật học giả, bằng giả học giả, chưa tốt nghiệp phổ thông lại có bằng tốt nghiệp đại học xảy ra phổ biến. Một số tiến sĩ được đào tạo không giúp gì cho công việc, chỉ có giá trị lên lương lên chức (như tiến sĩ cầu lông, áo ngực …), tình trạng suy đồi của bằng cấp cũng như việc phong chức hàm giáo sư, phó giáo sư rất khó khắc phục, nhờ có tiếp tay của không ít trường đại học (như đại học Đông Đô….) kể cả Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội (mà người đứng đầu và đồng bọn vừa bị xử lý kỷ luật).
Năng lực của cán bộ quản lý các cấp vì thế ngày càng tệ hại, không xứng tầm nhiệm vụ được giao. Trong khi người tài giỏi có tư cách đạo đức và lòng tự trọng tìm cách ra đi, kẻ bất tài vô dụng tìm đủ cách bám trụ để thu lợi bất chính mà người xưa gọi là tiểu nhân đương đạo (bọn tiểu nhân cầm quyền).
4. Sự chậm trễ sửa đổi các chính sách phục vụ cho nền kinh tế thị trường, các nhánh quyền lực không chủ động sáng tạo phát huy được nội lực. Cơ chế toàn trị ngày càng gia tăng độc đoán, nhằm bảo vệ quyền lực, đã đẩy bộ máy cầm quyền ngày càng xơ cứng mất hết sự năng động cần thiết cho xã hội phát triển.
lll. Con đường nào cho Việt Nam?
Tình hình kinh tế – chính trị – xã hội như mô tả ở trên đang đặt đất nước trước những nguy cơ đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài, không thể xem thường.
Nhằm mục đích củng cố đưa đất nước vượt qua khó khan, cần phải xem xét phân tích lại toàn diện tình hình, trong đó có 2 vấn đề cốt lõi: một là đường lối chính sách cơ bản, và hai là tổ chức thực hiện đường lối.
Đề ra đường lối chính sách tổ chức phù hợp phải là thay đổi thật sự, mang tính bước ngoặt, đưa đất nước bước qua giai đoạn mới như trước đây đã ra đời nghị quyết Đại hội 6 năm 1986, từ bỏ kinh tế quan liêu bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường.
Xu hướng chi phối thế giới hiện nay là dân chủ tự do với một nền pháp trị vững mạnh, xu hướng này lấy phát triển trí tuệ làm chủ đạo thay thế cho sức mạnh cơ bắp. Từ sau những năm 1990, khi Khối XHCN tan rã, các nước chọn đi theo con đường thế giới dân chủ tự do với nền pháp trị vững chắc, đều phát triển giàu mạnh. Cùng một tình trạng như VN có Nam – Bắc Triều Tiên, Đông Đức – Tây Đức. Hiện nay, Bắc Triều Tiên phát triển trong nghèo đói, còn đi ăn xin, thì Hàn Quốc rất mạnh về kinh tế, làm chủ khoa học công nghệ, đời sống nhân dân ấm no và quốc phòng vững mạnh còn xuất bán cả vũ khí hiện đại, xe tăng máy bay…
Nước Đức, trước đây so với các nước XHCN thì Đông Đức giàu và phát triển nhưng so với Tây Đức thì nghèo và lạc hậu. Từ ngày thống nhất đến nay, nước Đức thành đầu tầu của châu Âu và người Đức phía Đông cũng đoạn tuyệt quá khứ, chẳng còn ai muốn trở lại thời Đông Đức.
Thế giới có rất nhiều bài học, Việt Nam chọn con đường nào để nhanh chóng đưa đất nước tiến kịp với thời đại, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân Việt Nam.
Ngày 31 tháng 12 năm 2022
Lê Thân
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét