Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

Cần nhanh chóng chấm dứt thời đại khủng hoảng lớn

Cần nhanh chóng chấm dứt thời đại tăng trưởng nhanh lại tới khủng hoảng lớn
Tôi cực kỳ tán thành bài viết dưới đây. Đây là một bài rất hiếm trên báo chí VN viết về không chạy theo tăng trưởng. Những lập luận của Giáo sư Herman Daly rất xuất sắc, thể hiện tư duy tuyệt vời, mang ý nghĩa toàn cầu và có trách nhiệm cao của GS đối với sự tồn vong của nhân loại.

Trong bài viết của mình, GS nói đến ba điều cực kỳ hệ trọng: Một là nền kinh tế phải liên tục ở trạng thái ổn định, ít nhất là tăng trưởng ổn định chứ không nên hết tăng trưởng nhanh lại tới khủng hoảng lớn kéo dài suốt 30 năm qua như ở nước mình. 

Hai là luôn luôn phải so sánh lợi ích và mọi chi phí, kể cả chi phí xã hội và tổn thất tài nguyên, môi trường. 

Ba là phải thừa nhận những hạn chế vật lý của hành tinh chúng ta và thay vào đó cần tìm kiếm một trạng thái cân bằng bền vững về kinh tế và sinh thái. 

Đây là những câu chuyện trước hết những nhà lãnh đạo, nhất là các chính trị gia, ở nước ta và khắp nơi trên thế giới phải đặc biệt quan tâm lắng nghe và thấu hiểu. Khái niệm tăng trưởng / phát triển không có gì sai. Chỉ có chúng ta, nhất là họ, hiểu sai và làm sai; đó là chưa nói tới họ luôn luôn đặt lợi ích vị kỷ lên trên lợi ích vị tha, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc. 

Những câu chuyện trên đã được tôi viết trên báo chí VN từ hàng chục năm trước, được một số quan chức Đảng, Quốc hội và Chính phủ đánh giá cao, nhưng không ở đâu quan tâm thực hiện. 

Tháng 12 vừa qua, tôi đã viết mấy bài về kinh tế, trong đó có những bài đã được anh em chuyển đến tay Thủ tướng Phạm Minh Chính để ông tham khảo. 

Sau khi viết bài "THỜI ĐẠI KHỦNG HOẢNG CỦA NGUYỄN TẤN DŨNG ĐANG TRỞ LẠI ?" hôm 15/12/2022, tôi đã viết bài "ĐỊNH HƯỚNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THOÁT KHỎI NGUY CƠ KHỦNG HOẢNG HIỆN NAY VÀ TIẾN TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG" hôm 23/12/2022 đều đăng trên Blog và FB này, trong đó tôi nhấn mạnh:

Mục tiêu chủ yếu của chính sách kinh tế trong những năm tới không phải là tăng trưởng cao mà là tập trung sửa chữa những lỗi hệ thống, nâng cao chất lượng tăng trưởng, làm nền tảng phát triển mạnh mẽ cho những năm sau.

Đặc biệt trước bối cảnh nền kinh tế nước ta đến cuối năm 2022 vẫn rất khó khăn trong khi nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn diện như năm 2010-2011 đã trở nên khá rõ nét, theo tôi, trong năm 2023 và 2 năm tiếp theo, Chính phủ cần kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP thấp hơn hiện nay, tức là chỉ cần khoảng 5,5-6%/năm, để dành tâm sức, nguồn lực cho mục tiêu nâng cao rõ rệt chất lượng tăng trưởng, định hình và bước đầu xây dựng được một thể chế kinh tế thị trường mới, phù hợp hơn với đặc điểm kinh tế trong nước và xu hướng phát triển kinh tế trong thời đại cách mạng 4.0 ngày nay; đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền sản xuất, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, làm sạch tình trạng nợ xấu, ổn định tỷ lệ thu, giảm dần tỷ lệ chi và giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách, tiến tới đảm bảo cân bằng ngoại thương của khu vực kinh tế trong nước, liên tục giữ vững được những cân đối vĩ mô chính, giảm nhanh tình trạng tham nhũng tiêu cực, cải cách bộ máy nhà nước và công tác cán bộ theo hướng thực tâm phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân...

Làm được những điều trên thì đã quá tuyệt vời, qua đó hoàn toàn có thể năng cao rõ rệt tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn của đất nước mà không tốn nhiều chi phí, để từ những năm 2026-2030 có thể đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế trở về 7-7,5%/năm hoặc tới 8%/năm một cách vững chắc như đã đạt được trong suốt 18 năm đầu đổi mới (1989-2007).

Nguyên tắc tối cần thiết đặt ra trong suốt 3 năm 2023-2025 là: Kiên định không chạy theo tăng trưởng nhanh; lấy ổn định vĩ mô và phát triển hài hòa làm đại cục, ra sức nâng cao chất lượng tăng trưởng để chấm dứt hoàn toàn cục diện "tăng trưởng nhanh - khủng hoảng lớn" luân phiên kéo dài hàng chục năm qua.

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, không gì khác hơn là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, nhấn mạnh vào sử dụng nguồn vốn con người, phát huy sức mạnh của trí tuệ con người, thay cho nguồn vốn đầu tư cũng như các nhân tố phát triển theo chiều rộng khác.

Đặc biệt phát triển phải bám sát và dựa vào các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số. Đồng thời phải dứt khoát phải từ bỏ con đường phát triển dựa vào mở rộng bội chi ngân sách, phát hành tiền tệ tín dụng, khai thác tài nguyên và lao động rẻ tiền (thực chất là bóc lột nhân công), bán đất đai và vay nợ nước ngoài như đã làm trong hàng chục năm qua.

Phát triển phải tập trung tâm trí, sức lực và nguồn lực xây dựng bằng được:

(i) Một hệ thống pháp luật đầy đủ, khoa học, được người dân ủng hộ và thực hiện tốt hệ thống pháp luật để từ nay về sau toàn xã hội sẽ triệt để tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật,

(ii) Một thể chế kinh tế thị trường thực sự lành mạnh, theo đúng chuẩn mực quốc tế để động viên được sức mạnh của toàn dân, toàn thể cộng đồng doanh nghiệp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Đây cũng chính là những vấn đề then chốt phải khẩn trương xử lý để đất nước tăng trưởng nhanh, bền vững và thoát được cái bẫy thu nhập trung bình.

Đã xác định được mục tiêu (hướng vào chất lượng thay cho số lượng) thì dù khó khăn đến đâu cũng nhất định phải tìm mọi cách để thực hiện. Lãnh đạo phải luôn luôn khảm một câu trong đầu: “Kiên trì, không vội. Kiên trì, chính là thắng lợi!”.

Dưới đây là bài viết về các quan điểm phát triển của Giáo sư Herman Daly 
---------------


Phải chấm dứt nỗi ám ảnh của chúng ta về tăng trưởng

Ngọc Thanh, 17/01/2023 Kinh tế Sài Gòn Online (KTSG) – Tăng trưởng là cốt lõi của tư duy kinh tế và chính trị chủ đạo. Người ta cho rằng nếu GDP không tăng liên tục sẽ có nguy cơ mất ổn định xã hội, giảm mức sống và bớt đi khá nhiều hy vọng về sự tiến bộ. Nhưng việc theo đuổi tăng trưởng một cách điên cuồng và gây tác hại sinh thái lớn có thể phải trả giá nhiều hơn là lợi ích thu được. Ưu tiên tăng trưởng như vậy rốt cuộc là một trò chơi thua.

Đây là điều nhà kinh tế học Herman Daly đã khám phá trong hơn 50 năm. Ông là Giáo sư danh dự tại trường Chính sách công của Đại học Maryland, từng là nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới.

Giáo sư Herman Daly đã phát triển các lập luận ủng hộ nền kinh tế ở trạng thái ổn định, một nền kinh tế từ bỏ lòng tham vô độ và tàn phá môi trường để tăng trưởng, thừa nhận những hạn chế vật lý của hành tinh chúng ta và thay vào đó tìm kiếm một trạng thái cân bằng bền vững về kinh tế và sinh thái. 

Trả lời phỏng vấn trên tờ NewYork Times, ông cho rằng “Cần đặt ra câu hỏi cơ bản: Liệu tăng trưởng có khi nào trở nên phi kinh tế không?”.

Ông nói rằng ông không chống lại sự gia tăng của cải, vì giàu hơn vẫn tốt hơn là nghèo hơn. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu sự tăng trưởng, như được thực hiện và đo lường hiện nay, có thực sự gia tăng sự sung túc không? Liệu nó có làm cho chúng ta giàu hơn theo bất kỳ nghĩa tổng hợp nào, hay có thể làm tăng chi phí nhanh hơn lợi ích và làm cho chúng ta nghèo hơn? 

Các nhà kinh tế chính thống không có bất kỳ câu trả lời nào cho điều đó. Lý do là vì họ không đo lường chi phí. Họ chỉ đo lường lợi ích. Đó chính là GDP.

Trong bài trả lời phỏng vấn này, Giáo sư Herman Daly nhắc đến nhà kinh tế học Kenneth Boulding, ông cho biết có hai loại nguyên tắc xử thế: nguyên tắc anh hùng và nguyên tắc kinh tế.

Nguyên tắc kinh tế nói: có lợi ích và chi phí. Hãy cân cả hai. Hãy nhìn biên lợi nhuận, chúng ta đang trở nên tốt hơn hay tồi tệ hơn? Còn nguyên tắc anh hùng nói: không quan tâm cái giá phải trả! Cứ tiến với tốc độ tối đa! Chết hoặc chiến thắng ngay bây giờ! Tiến lên tăng trưởng!

Trong kinh tế học sinh thái, Giáo sư Herman Daly cho biết, cần phân biệt giữa phát triển và tăng trưởng. Khi một cái gì đó tăng trưởng, nó trở nên lớn hơn về mặt vật chất. Khi một cái gì đó phát triển, nó trở nên tốt hơn theo nghĩa định tính.

Nhưng làm thế nào một quốc gia có thể tiếp tục nâng cao mức sống của mình mà không tăng trưởng GDP? Theo ông, đó là giả định sai lầm khi nói rằng tăng trưởng đang nâng cao mức sống trong thế giới hiện tại vì chúng ta đo lường tăng trưởng là tăng trưởng GDP.

Điều này chỉ đúng khi đã loại bỏ tất cả các chi phí để tăng GDP. Nhưng nếu tính vào số người chết và bị thương do tai nạn ô tô, ô nhiễm hóa chất, cháy rừng và nhiều chi phí khác do tăng trưởng quá mức gây ra, thì mối quan hệ giữa tăng trưởng và nâng cao mức sống hoàn toàn không rõ ràng.

Điều này là đúng nhất đối với các nước giàu. Đương nhiên, đối với một số quốc gia khác đang đấu tranh để tồn tại, bằng mọi cách, thì tăng trưởng GDP làm tăng phúc lợi.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Ông đã nói tạo không gian sinh thái, điều này gợi nhớ đến những lập luận mà ông đã đưa ra về cách chúng ta đã chuyển từ một thế giới trống rỗng sang một thế giới đầy đủ. Nhưng làm thế nào để chúng ta biết rằng thế giới của chúng ta đã đầy và chúng ta đang hoạt động gần giới hạn khả năng sinh thái của hành tinh?

Giáo sư Herman Daly nói cái mà ông gọi là thế giới trống rỗng chứa đầy tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác; còn cái ông gọi là thế giới đầy đủ bây giờ đầy những người khai thác những tài nguyên đó, và nó trống rỗng những tài nguyên đã cạn kiệt và những không gian đã bị ô nhiễm.

Vì vậy, đó là một câu hỏi trống không cái gì và đầy cái gì. Nó có trống rỗng lợi ích và đầy đủ chi phí không? Hoặc đầy đủ các lợi ích và không có chi phí? Điều đó có nghĩa là chú ý đến chi phí tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc một nước nhận ra sự cần thiết của cân bằng sinh thái, từ đó đưa ra chính sách để không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá rồi hy vọng hoặc vận động quốc gia khác đều phải đưa ra quyết định tương tự, theo Giáo sư Herman Daly, là chuyện rất khó.

Ông nói rằng, nếu một nước cố gắng ban hành luật để tính chi phí sinh thái cho sản xuất của mình và sau đó khi tham gia vào quan hệ thương mại với một quốc gia khác không tính chi phí, thì những nước đó sẽ có lợi thế cạnh tranh.

Tất nhiên, về lâu dài, những nước này có thể hủy hoại bản thân, nhưng trong ngắn hạn, họ sẽ bán rẻ hơn nên có lợi thế cạnh tranh hơn. Theo ông, câu trả lời cho vấn đề này là phải có một mức thuế quan để bảo vệ ngành công nghiệp ở những nước quyết định lựa chọn phát triển theo hướng cân bằng sinh thái.

Lược dịch từ New York Times
https://thesaigontimes.vn/phai-cham-dut-noi-am-anh-cua-chung-ta-ve-tang-truong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét