Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

1365 người bị chó cắn khi đi chúc Tết

Sợ thật, chỉ riêng Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong kỳ nghỉ Tết vừa qua đã tiếp nhận và tiêm phòng bệnh dại cho 1.365 trường hợp, đa phần là bị chó cắn. Vậy thì cả nước có bao nhiêu người bị chó mèo cắn trong dịp Tết, và trong cả năm ? Tôi không phản đối việc nuôi chó mèo, nhưng tôi cực ghét chó mèo và không ăn thịt chó mèo. Trừ những trường hợp rất đặc biệt hoặc bất khả kháng, tôi mới vào những nơi có chó. Thông thường đến nhà ai mà thấy có chó là tôi bye bye không vào, dù đó là nhà đồng nghiệp hay nhà họ hàng.
1365 người bị chó cắn khi đi chúc Tết
31/01/2023 TPO - Số bệnh nhân đến tiêm vắc xin ngừa dại trong dịp Tết nguyên đán vừa qua trên địa bàn TPHCM tăng vọt so với ngày thường. Nguyên nhân được xác định là do nạn nhân bị chó cắn khi đi chúc Tết.

Các bác sĩ xử lý vết thương cho một trường hợp bị chó tấn công
Ngày mùng 2 Tết, anh N.V.H (32 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) cùng gia đình sang thăm nhà và chúc Tết người họ hàng. Thấy cửa nhà đang mở, anh cất cao giọng chúc mừng năm mới gia chủ thì bị con chó đang nuôi con nằm trong góc nhà lao ra cắn vào chân phải.

Vết cắn do chó gây ra không gây nguy hiểm nhưng chảy máu và khiến anh H. đau nhức nhưng do chủ nhà không nhớ được thời gian tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó nên để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh dại, sau khi sơ cứu, khử trùng vết thương, anh H. đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Trường hợp trên là ca bệnh điển hình trong số hàng loạt người bị chó cắn trong dịp Tết nguyên đán. Ngày 31/1, BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết, kỳ nghỉ Tết vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận và tiêm phòng bệnh dại cho 1.365 trường hợp, đa phần là bị chó cắn. Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, hầu hết bệnh nhân bị chó tấn công khi đi chúc Tết bà con lối xóm và họ hàng.

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Bác sĩ khuyến cáo, hiện nay, vắc xin thế hệ mới hoàn toàn không có tác dụng phụ lên hệ thần kinh. Tiêm phòng dại là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.

Những sai lầm khiến nhiều người mất mạng vì bệnh dại

TPO - Trong 9 tháng đầu năm 2022 trên cả nước đã có 40 người chết vì bệnh dại. Căn bệnh nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người đã lưu hành từ lâu, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều sai lầm khiến nhiều người không còn cơ hội cứu chữa.

Thông tin trên được BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Điều hành Trung tâm xét nghiệm Y sinh học lâm sàng và dịch vụ Khoa học Kỹ thuật thuộc Viện Pasteur TPHCM chia sẻ với báo chí trong buổi thảo luận về sự nguy hiểm của bệnh dại sáng 5/10 tại TPHCM.

Theo chia sẻ của BS Anh Tuấn, bệnh dại hiện đang lưu hành ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu. Tại Việt Nam, từ năm 2011 đến 2022 có 977 trường hợp phát bệnh dại tử vong. Trung bình mỗi năm có hơn 500.000 người phơi nhiễm bệnh dại. Tuy nhiên, tỷ lệ đàn chó được tiêm dại hiện chỉ đạt hơn 49%.

Trong 9 tháng đầu năm 2022 cả nước có 40 trường hợp phát bệnh dại tử vong, phát hiện 23 ổ dịch dại trên động vật. (năm 2021 là 24 ca tử vong và 15 ổ dịch). Bệnh dại đang lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên, khu vực phía Nam đang là nơi phát sinh nhiều ổ dịch và số ca tử vong nhiều nhất. Dẫn đầu cả nước đang là tỉnh Bến Tre với 12 ca tử vong, tiếp đến là tỉnh Kiên Giang, Bình Dương, Tây Ninh.

“Thống kê cho thấy, bệnh dại trên người đang có xu hướng tăng nhiều trong 2 năm gần đây nguyên nhân là do 100% người tử vong bị phơi nhiễm dại nhưng không tiêm phòng hoặc không tiêm đầy đủ số liều vắc xin theo khuyến cáo sau phơi nhiễm; 70% tử vong đi lấy nọc, điều trị thuốc nam, không xử lý vết thương; 50% chó mèo nghi dại trong thời điểm cắn người” – BS Anh Tuấn nói.

BS Anh Tuấn chỉ ra, hiện nay đang có nhiều hiểu biết sai lầm về bệnh dại đã tước đi sinh mạng của nạn nhân. Nhiều người cho rằng bệnh dại không nguy hiểm, nhiều người bị chó cắn đã không có chuyện gì xảy ra nên không cần tiêm vắc xin dự phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh dại vô cùng nguy hiểm, khi đã có dấu hiệu lâm sàng (lên cơn dại) thì tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Mặt khác, nhiều người chủ quan cho rằng, chó mèo nhà nuôi hoặc chó con cắn thì không cần tiêm ngừa; chó mèo đã tiêm phòng dại cắn thì không mắc bệnh dại. Trên thực tế chó mèo được nuôi đều có nguy cơ mang vi rút gây bệnh dại. Chó mèo dù đã được tiêm vắc xin nhưng không có đủ dữ kiện để khẳng định sẽ không bị bệnh dại.

Hiện nay, nhiều người cho rằng khi bị chó mèo cắn gây vết thương hở mới có khả năng gây bệnh dại. Tuy nhiên, trên thực tế vi rút dại thường tồn tại trong nước bọt của động vật. Ngoài nguy cơ lây truyền qua vết cắn, bệnh dại có thể lây qua vết cào, liếm của động vật bị dại lên vùng da tổn thương của con người.

Sai lầm phổ biến nhất khiến nhiều người tử vong là áp dụng các phương pháp điều trị bệnh dại bằng thuốc Nam hoặc các phương pháp dân gian khác. “Ở nước ta mỗi năm có khoảng 10 người tử vong do bệnh dại vì không đi tiêm phòng khi bị phơi nhiễm mà sử dụng các phương pháp điều trị bằng thuốc nam, áp dụng những dân gian như lấy nọc độc, đắp ớt bột, đắp nhựa cây. Tất cả các phương pháp trên hoàn toàn không có khả năng điều trị bệnh dại” – BS Anh Tuấn nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, BS Anh Tuấn khuyến cáo cộng đồng khi bị phơi nhiễm bệnh dại cần nhanh chóng đi tiêm phòng. Hiện nay, vắc xin thế hệ mới hoàn toàn không có tác dụng phụ lên hệ thần kinh. Tiêm phòng dại là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.

https://tienphong.vn/hon-mot-nghin-nguoi-bi-cho-can-khi-di-chuc-tet-post1506332.tpo
https://tienphong.vn/nhung-sai-lam-khien-nhieu-nguoi-mat-mang-vi-benh-dai-post1475354.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét