Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Thủ tướng: Phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS

Thủ tướng: Phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Thông điệp ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới của Thủ tướng Chính phủ là nhấn mạnh sự cần thiết phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; coi đây là giải pháp quan trọng để giải quyết nợ xấu, giảm rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023.

Tại cuộc họp ngày 27/1/2023, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tại Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… Khó khăn là có, nhưng chúng ta không bó tay trước khó khăn, chọn điểm đột phá để thực hiện", theo Báo Chính phủ.

Trong những ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Chính phủ cũng liên tiếp ra các chỉ thị yêu cầu các ban ngành rà soát, tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Không những vậy, Chính phủ cũng huy động các chuyên gia đầu ngành để thảo luận về giải pháp chính sách.

Sáng 13/01/2023, Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm: "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023" với sự tham dự các vị khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp với mong muốn nhận diện những khó khăn, vướng mắc mà ngành bất động sản đang phải đốt mặt cũng như xu hướng, triển vọng phát triển của thị trường này trong năm 2023.

Ngành bất động sản tại nhiều vùng miền đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, tạo ra nhiều việc làm cho người dân cũng như các nguồn lợi thiết thực khác cho xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thị trường này vấp phải một số khó khăn về hồ sơ, thủ tục rườm rà, sự phát triển của phân khúc thị trường bị lệch, giá nhà ở tăng cao so với mức thu nhập của người dân,....

Hiện chưa rõ Chính phủ sẽ thực hiện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo giải pháp cụ thể nào. Tuy nhiên, thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề này ngay trong ngày đầu tiên của năm mới cho thấy Chính phủ Việt Nam coi đây là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu.

Thực tế, rủi ro lây nhiễm từ nợ ngân hàng và nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản sang hệ thống ngân hàng thương mại nói riêng và thị trường tài chính nói chung đang ngày một trầm trọng.

Cuộc đua lãi suất huy động đã trở rất nóng vào trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến mức Ngân hàng Nhà nước đã âm thầm áp mức trần lãi suất huy động 9,5%/năm cho tất cả các ngân hàng thương mại. Mức 'trần lãi suất' này được đưa ra dưới danh nghĩa 'đồng thuận chung' mà các ngân hàng thương mại tự nguyện thống nhất.

Tuy nhiên, cuộc đua lãi suất huy động cuối năm 2022 cho thấy các ngân hàng đang lâm vào rủi ro thanh khoản trầm trọng; có thể các khoản nợ đến hạn đã không thể trả hoặc không thể đáo nợ.

Mất niềm tin trên thị trường phát hành trái phiếu cũng khiến thị trường này hoàn toàn tê liệt. Khối nợ của các doanh nghiệp BĐS (chiếm khoảng 21% tổng dư nợ) tại các ngân hàng thương mại có thể trở thành nợ xấu trong năm 2023 nếu Chính phủ không có giải pháp thích đáng khơi thông lại thị trường này.

Ngoài nhấn mạnh phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc Ngân hàng Nhà nước cần phải tập trung chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát toàn hệ thống. Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, sở hữu chéo, "sân sau", cho vay không đúng quy định của pháp luật.
-------------------

Thủ tướng: Ngân hàng cần tập trung tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản

Mai Hà - 27/01/2023 Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua.

Chiều 27.1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự cuộc gặp mặt nhân dịp đầu xuân mới của Ngân hàng Nhà nước.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương việc triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, nhất là mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ 3 điểm mà ngành ngân hàng cần cố gắng hơn, nỗ lực khắc phục kịp thời, càng sớm càng tốt trong thời gian tới.

Thứ nhất, phản ứng chính sách có thời điểm còn chậm, công tác phân tích có lúc, có lúc còn hạn chế, nguồn vốn tín dụng có thời điểm, có nơi chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Ngành ngân hàng cần phải bám sát tình hình và mong muốn, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả hơn.

Thứ hai, công tác thanh tra, giám sát có lúc chưa phát hiện kịp thời các sai phạm để xử lý; cần coi trọng, tích cực hơn nữa trong công tác này, không để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Các ngân hàng thương mại cũng cần phải đóng góp tích cực hơn cho việc làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, tích cực xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Thứ ba, việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm. Ngân hàng nhà nước và các cơ quan liên quan phải chủ động hơn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác đánh giá tài sản của các ngân hàng này, nếu cần thì mời thêm các đơn vị kiểm toán, điều quan trọng là không để xảy ra tiêu cực, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các rủi ro, sai phạm.


Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sẽ góp phần xử lý các vấn đề liên quan như nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo

Tháo gỡ khó khăn tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp

Nêu rõ những thuận lợi và khó khăn trong năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo đó, ngành ngân hàng cần theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro để có đối sách phù hợp; thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Điều hành kịp thời các công cụ chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ để cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; không để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt mà lại thiếu vốn.

Thủ tướng nhấn mạnh, bảo đảm thanh khoản và lưu thông tiền tệ là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành ngân hàng, điều quan trọng là hướng dòng vốn đi đúng hướng.

Rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở xã hội và cho công nhân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua.

Theo người đứng đầu Chính phủ, tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… "Khó khăn là có, nhưng chúng ta không bó tay trước khó khăn, chọn điểm đột phá để thực hiện", Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống, không để mất an toàn hệ thống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thủ tướng yêu cầu mạnh dạn tuyên truyền để người dân yên tâm về vấn đề này trên tinh thần đã hứa thì phải làm, đã làm phải hiệu quả.

Tập trung chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát toàn hệ thống; tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng ai làm sai thì phải bị xử lý; kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm và cảnh báo, chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm, các việc làm chưa đúng; ai yếu kém, ai sợ làm thì đứng sang một bên.

Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, sở hữu chéo, "sân sau", cho vay không đúng quy định của pháp luật.

https://thanhnien.vn/thu-tuong-ngan-hang-can-tap-trung-thao-go-kho-khan-thi-truong-bat-dong-san-post1545041.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét