Thưởng Tết 'có như không'
15/1/2023, Lấy lý do khó khăn, pháp luật không quy định, doanh nghiệp thưởng Tết 50.000-100.000 đồng nhưng công nhân cho rằng "thà đừng thưởng, mang tiếng". Nhận thông tin công ty sẽ thưởng 100.000 đồng cho tất cả lao động làm việc dưới một năm, anh Nguyễn Văn Huy, có 10 tháng làm việc tại nhà máy Toyo Precision ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), khá sốc. Từng trải qua hai công ty, đây là lần đầu anh nghe đến mức thưởng 100.000 đồng.Nhiều công nhân Công ty Toyo Precision ngừng việc sau khi được thông báo thưởng Tết 100.000 đồng cho lao động dưới một năm. Ảnh: Lê Tuyết
"Tôi không biết sẽ giải thích với vợ thế nào", nam công nhân 25 tuổi, nói. Vợ anh cũng làm công nhân trong khu Tân Thuận, được thưởng Tết 1,5 tháng lương. Anh chị lên kế hoạch về Cà Mau ăn Tết cách đây vài tuần. Mấy tháng qua, đơn hàng hụt, công ty không tăng ca nên thu nhập của cả hai giảm mạnh. Với lương căn bản chưa đến 5 triệu đồng, anh Huy trông vào tiền thưởng cuối năm để có thêm vài triệu đồng phụ vợ. Tuy nhiên, với 100.000 đồng như thông báo anh không đủ mua được một vé xe về quê.
Chung nỗi bức xúc, nhiều lao động dưới một năm đồng loạt ngừng việc, sau đó là hơn 600 công nhân lãn công, rời xưởng sản xuất. Trước phản ứng của công nhân, ban giám đốc công ty đồng ý thưởng Tết cho người mới theo tỷ lệ số tháng làm việc. "Đạt được nguyện vọng nhưng tôi không vui, tiền thưởng này phải đòi mới có", anh Huy nói.
Phân tích câu chuyện của công nhân Huy, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), nói rằng tiền thưởng Tết cần đảm bảo hai yếu tố là tính hợp lý và thể diện của người nhận. Có những doanh nghiệp khó khăn, không thưởng nhưng người lao động vẫn vui vẻ, cùng nhau "thắt lưng buộc bụng" để vượt qua. Ngược lại, có những nơi chỉ cần giảm tiền thưởng lao động đã ngừng việc phản ứng.
Việc nhà máy Toyo Precision thưởng 100.000 đồng "cào bằng" cho tất cả lao động làm việc dưới một năm vừa không phù hợp về lý khi người làm 11 tháng cũng giống người vào 11 ngày mà còn liên quan thể diện người lao động. "Bây giờ 100.000 đồng không thể sắm gì cho Tết, người lao động sẽ cảm thấy bị tổn thương, nghĩ rằng công ty quá chi li với mình", ông Lộc nói và cho rằng giữa lúc khó khăn ứng xử của chủ doanh nghiệp với công nhân cần phải tế nhị.
Nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) cho thấy những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường không quen với văn hóa thưởng Tết vì pháp luật Việt Nam không bắt buộc mà chỉ khuyến khích. Do đó, nhiều ông chủ nghĩ rằng thưởng bao nhiêu là quyền của họ. Tuy nhiên, đối với người lao động thưởng Tết là điều không thể thiếu.
Phía ERC cho hay có sự khác biệt về văn hóa khi nói đến thưởng Tết ở một số doanh nghiệp FDI. Việc có nên thưởng Tết hay không cũng bị tranh cãi nhiều năm qua. Một số công ty hoạt động lâu năm, có kinh nghiệm ở Việt Nam đã xem thưởng Tết là chuyện nên làm.
Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động), nói pháp luật không quy định nhưng ở nhiều doanh nghiệp thưởng Tết đã là bắt buộc với những điều khoản rõ ràng. Bởi tại Việt Nam, thu nhập bình quân của lao động, đặc biệt công nhân trực tiếp sản xuất khá thấp nên tiền thưởng cuối năm chính là khoản để chi tiêu vào dịp Tết.
Theo ông Quảng, rất nhiều doanh nghiệp ngay từ đầu năm khi tính toán chi phí nhân công đã đưa cả phần thưởng Tết vào quỹ lương. Do đó, thưởng Tết được đưa vào hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và trở thành bắt buộc. "Việc thay đổi đột ngột quy chế thưởng và chỉ thưởng vài chục, trăm nghìn đồng sẽ khiến công nhân búc xúc", ông Quảng nói.
Thực tế, sau dịch bệnh, mối quan hệ giữa lao động và người sử dụng lao động tương đối gắn bó hơn để cùng vượt qua khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cạn nguồn tài chính, không có thưởng nhưng công nhân vẫn chia sẻ với điều kiện thông tin phải minh bạch. Người lao động thường sẽ không đòi hỏi thưởng Tết quá khả năng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu các nhà máy ứng xử không tốt, thậm chí thưởng đối phó 50.000-100.000 đồng, chưa kể còn có những vi phạm khác về pháp luật lao động, công nhân sẽ lãn công. Theo ông Quảng, việc này giống như "giọt nước tràn ly", về lâu dài các công ty rất khó giữ chân người lao động hoặc ngay cả những người ở lại sẽ không toàn tâm làm việc, năng suất giảm.
Thương lượng thưởng Tết, tiền lương năm 2022 của đại diện công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai) và chủ doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: An Phương
Thống kê thưởng Tết Quý Mão từ các tỉnh thành, mức thưởng thấp nhất dành cho một cá nhân là 50.000 đồng ghi nhận ở Thanh Hóa, Bắc Giang. Có hơn 23 tỉnh, thành ghi nhận mức thưởng từ 100.000 đồng đến dưới một triệu đồng.
Theo đại diện ERC, việc một số nơi có mức thưởng Tết quá thấp hoặc không công bằng cho thấy khoảng trống trong thương lượng giữa đại diện người lao động, cụ thể là công đoàn cơ sở với chủ doanh nghiệp. Muốn người lao động nhận mức thưởng tốt, công đoàn phải thương lượng với chủ doanh nghiệp. Việc các nhà máy sản xuất áp đặt một mức thưởng cho có mà không quan tâm ý kiến của công đoàn dễ dẫn tới tranh chấp lao động tập thể.
Thống kê từ 54.000 doanh nghiệp với 4,38 triệu lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy tới cuối tháng 12/2022, thưởng Tết Nguyên đán 2023 bình quân một tháng lương là 6,86 triệu đồng. Doanh nghiệp nhà nước thưởng 6,5 triệu đồng/người (tăng 15%); doanh nghiệp tư nhân khoảng 6,6 triệu đồng (tăng 10%) và doanh nghiệp FDI là 7,2 triệu đồng. Mức thưởng bình quân tăng khoảng 11% so với năm ngoái.
Công nhân ngừng việc vì 'thưởng Tết 100.000 đồng'
Hơn 600 công nhân Công ty TNHH Toyo Precision, ở quận 7 ngừng việc bắt nguồn từ lý do người làm việc dưới một năm chỉ được thưởng Tết 100.000 đồng.
https://vnexpress.net/thuong-tet-co-nhu-khong-4560145.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét