Thương hiệu Big C bị khai tử: Những đại gia bán lẻ nào đã "bay màu" tại Việt Nam?
06/03/2021 Không chỉ thương hiệu Big C bị khai tử, một loạt tên tuổi khác trong ngành bán lẻ như Metro Cash & Carry, Auchan, Shop&Go đều đã "bay màu", âm thầm rút lui tại Việt Nam. Đại gia bán lẻ Thái Lan - Central Group, chủ sở hữu Big C Việt Nam chính thức quyết định thay tên đổi họ thương hiệu Big C sau 6 năm thâu tóm, khiến không ít người tiêu dùng Việt bất ngờ, bởi đây là thương hiệu rất quen thuộc với người Việt.Thương hiệu Big C sẽ bị khai tử
trong năm 2021. Ảnh: Hồng Phúc.
Như vậy, thương hiệu Big C sẽ bị "khai tử" sau 22 năm. Thực tế, không riêng Big C, nhìn lại thị trường bán lẻ Việt Nam những năm qua sẽ thấy "cuộc chiến" này rất khốc liệt, không ít đại gia ngoại phải tháo chạy.
Big C bị khai tử và những thương vụ triệu USD
Đại diện Central Retail Việt Nam thuộc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C, cho biết đổi tên thương hiệu Big C thành Tops Market đối với các siêu thị nằm trong trung tâm thương mại. Sự thay đổi này sẽ đồng nhất với thương hiệu Tops Market mà Central Group đang sở hữu tại Thái Lan. Song song đó, đại gia Thái cũng dần "thay áo" các đại siêu thị Big C còn lại với tên gọi mới là GO!
Big C bị khai tử và những thương vụ triệu USD
Đại diện Central Retail Việt Nam thuộc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C, cho biết đổi tên thương hiệu Big C thành Tops Market đối với các siêu thị nằm trong trung tâm thương mại. Sự thay đổi này sẽ đồng nhất với thương hiệu Tops Market mà Central Group đang sở hữu tại Thái Lan. Song song đó, đại gia Thái cũng dần "thay áo" các đại siêu thị Big C còn lại với tên gọi mới là GO!
Ngay thương hiệu Big C đã là một cái tên "ồn ào" tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Cuối năm 2015, Tập đoàn Casino (Pháp) - chủ cũ của Big C tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam nên quyết định bán chuỗi siêu thị này, dù lúc đó, tên tuổi của Big C với người Việt là rất tốt. Đại gia Pháp cho rằng muốn bán mảng kinh doanh bán lẻ để trả nợ.
Qua tay người Pháp đến người Thái, Big C làm ăn ra sao trước khi bị 'khai tử'?
Lập tức, một cuộc chạy đua giữa các nhà bán lẻ từ ngoại đến nội như TCC, Central Group (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc) và Vingroup, Masan, Saigon Co.op nổ ra. Các cuộc đàm phán kéo dài gần nửa năm, Big C thuộc về đại gia nào vẫn chưa thể chốt. Đến tháng 4/2016, thương vụ mới chính thức hoàn tất, chủ mới là Central Group. Đại gia bán lẻ Thái Lan Central Group đã chi hơn 1 tỷ USD để mua thành công Big C.
CEO Central Group Tos Chirathivat nói rằng tập đoàn muốn đổi tên hệ thống Big C tại Việt Nam từ 2017, dù theo thỏa thuận của thương vụ, họ có quyền dùng thương hiệu Big C trong 10 năm. Tuy nhiên, việc thay đổi tên họ lại không thể diễn ra đúng kế hoạch, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất chính là thương hiệu Big C đã quá quen thuộc người Việt với chính sách giá luôn rẻ.
Một trường hợp khá giống với sự "bay màu" của thương hiệu Big C là Metro Cash & Carry. Metro cũng từng thuộc sở hữu của một đại gia bán lẻ đến từ châu Âu nhưng cuối cùng cũng phải nhượng lại cho một doanh nghiệp Thái Lan. Sau ít năm hoạt động với chủ mới nhưng tên gọi cũ, Metro mới được đổi tên thành MM Mega Market.
Diện mạo mới của Metro sau khi đổi tên thành MM Mega Market. Ảnh: Hồng Phúc.
Cụ thể, Metro thuộc sở hữu của Tập đoàn bán lẻ Metro AG (Đức), có mặt tại Việt Nam năm 2002, chuyên kinh doanh bán sỉ. Vào Việt Nam khá sớm, tuy nhiên, suốt thời gian kinh doanh, Metro Cash & Carry liên tục báo lỗ, mỗi năm lỗ từ 89-160 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng và chỉ ghi nhận 1 năm có lãi.
Đến năm 2015, chuỗi này bất ngờ quyết định bán lại toàn bộ mảng kinh doanh tại Việt Nam gồm 19 trung tâm cho tập đoàn TCC (Thái Lan) với giá gần 900 triệu USD. Hai năm sau, hệ thống Metro đổi tên thành MM Maga Market và thương hiệu Metro không còn trên thị trường.
Thay đổi tên gọi, cả Central Group và TCC đều cho rằng việc này nằm trong chiến lược tái định vị thương hiệu. Ghi nhận cũng cho thấy, Tops Market và MM Mega Market hiện có cách bày trí hàng hóa, quầy kệ khá tương đồng nhau, mang phong cách của các nhà bán lẻ Thái Lan.
Big C và những cuộc tháo chạy
Không chỉ những thương vụ mua bán trị giá hàng trăm triệu USD, thậm chí tỷ USD, thị trường bán lẻ Việt Nam còn ồn ào với những cuộc tháo chạy, thậm chí "bỏ của chạy lấy người" vì liên tục kinh doanh thua lỗ, không dễ ăn như nhận định ban đầu của các đại gia ngoại.
Còn nhớ, tháng 5/2019, thị trường râm ran trước thông tin đại gia bán lẻ Pháp - Auchan, muốn bán lại 18 siêu thị Auchan Việt Nam, để rút toàn bộ mảng kinh doanh tại Việt Nam sau nhiều năm đổ vốn. Ngay sau quyết định "tháo chạy", Auchan đã xả hàng tại nhiều siêu thị với mức khuyến mãi lên đến 75% giá niêm yết.
Siêu thị Auchan tại TP.HCM trước khi tháo chạy. Ảnh: Hồng Phúc.
Auchan có mặt tại Việt Nam từ năm 2015. Dù được mệnh danh là Walmart của nước Pháp nhưng sau 4 năm, gã khổng lồ này vẫn còn loay hoay, liên tục đổi tên từ S.Mart thành Simply và sau đó là Auchan nhưng không thay đổi được tình hình kinh doanh.
Năm 2017, doanh thu của Auchan Việt Nam đạt 50 triệu USD và vẫn thua lỗ sau 4 năm gia nhập thị trường, dù trước đó, Auchan nhận định ngành bán lẻ Việt Nam là một miếng bánh rất hấp dẫn và có kế hoạch mở rộng đến 300 siêu thị, chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM.
Tháng 6/2019, Saigon Co.op mới lộ diện là doanh nghiệp đứng ra thâu tóm chuỗi 18 siêu thị, và bắt đầu chuyển đổi sang các mô hình mà Saigon Co.op đang kinh doanh. Sau Casino, Auchan chính là doanh nghiệp bán lẻ châu Âu lớn cuối cùng tháo chạy khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam.
Một cuộc tháo chạy đình đám không kém là chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go, một thương hiệu bán lẻ từ Singapore do Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống quản lý. Tháng 4/2019, chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go đã bị VinCommerce mua lại với giá chỉ 1 USD.
Đây là một thương vụ đặc biệt và hy hữu không chỉ bởi với giá trị chuyển nhượng, mà theo công bố, đơn vị sở hữu chuỗi Shop&Go đã chủ động đề nghị được nhượng lại toàn bộ chuỗi gồm 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động cho Vingroup.
Ra mắt năm 2005, Shop&Go có 14 năm hoạt động trong ngành bán lẻ. Các cửa hàng phân bố chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Sau một thời gian dài kinh doanh không có lãi, đến cuối năm 2016, Shop&Go lỗ lũy kế 205 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có vỏn vẹn 1,27 tỷ đồng. Hầu hết mặt bằng kinh doanh cũ của Shop&Go hiện đã "khoác áo" của cửa hàng tiện lợi VinMart+.
"Miếng bánh" bán lẻ Việt được các đại gia ngoại đánh giá rất hấp dẫn, dù tuyên bố rất hùng hồn ở thời điểm đặt chân vào như đầu tư hàng trăm triệu USD, mở hàng trăm điểm bán nhưng đến nay, nhiều thương hiệu đã "bay màu" hoặc âm thầm rút lui.
https://danviet.vn/thuong-hieu-big-c-bi-khai-tu-nhung-dai-gia-ban-le-nao-da-bay-mau-tai-viet-nam-2021030613584779.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét