Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Nhiều điều ko ai ngờ tới thì ông Trump lại làm được

Nhiều điều không ai ngờ tới thì ông Trump lại làm được.
VietTimes – “Mặc dù lực còn nhỏ, nhưng Việt Nam lại có thế địa - chiến lược đặc thù, đủ để bù đắp cho lực. Cái thế địa - chiến lược đem lại cho Việt Nam lợi thế quan trọng để giúp tạo nên một không gian mang tính ổn định, hợp tác, giảm đi những yếu tố gây xung đột. Theo tôi, Việt Nam đang có lợi thế chiến lược lớn, vấn đề là tận dụng nó như thế nào mà thôi” – TS. Đỗ Lê Chi.
LTS: Thiếu tướng, TS. Đỗ Lê Chi là người có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu chính trị quốc tế, nhất là những vấn đề chiến lược, liên quan đến nước lớn. những nhận xét, đánh giá của ông thường độc đáo, sâu sắc và có tính đột phá. Cuộc trả lời phỏng vấn mà ông dành riêng cho VietTimes là bài mở đầu cho việc trích đăng loạt bài từ cuốn sách Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành.

Ông Trump dọa tách khỏi nền kinh tế Trung Quốc, thề chấm dứt sự phụ thuộc vào Bắc KinhTới đây Hiệp định thương mại Mỹ - Trung sẽ đi về đâu?Ông Donald Trump: “Tôi không muốn nói chuyện với người Trung Quốc nữa!”


PV: Ông nhìn nhận như thế nào về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tới đây, về cơ hội trúng cử của đương kim Tổng thống D. Trump, ứng cử viên đảng Dân chủ J. Biden?

TS. Đỗ Lê Chi: Trước khi phân tích về cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11/2020 sắp tới, chúng ta nhìn lại một chút về cuộc bầu cử năm 2016. Khi đó bản thân ông Trump chưa chuẩn bị sẵn tâm thế để làm tổng thống. Hay nói cách khác, khi ra tranh cử ông cũng không thực sự nghĩ mình sẽ là Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Có một khía cạnh mà báo chí Mỹ khai thác tôi thấy rất lý thú, đó là khi vào ngày bầu cử thì ở phía trung tâm chỉ huy của bà Hillary Clinton nhiều người ủng hộ đảng Dân chủ rất vui vẻ, ca múa cứ như thể bà Hillary đã thắng lợi rồi. Tờ báo New York Times thậm chí đã chuẩn bị sẵn số báo mới, chỉ chờ tung ra lúc bà Clinton đắc cử. Trong khi bên phía trung tâm chỉ huy của ông Trump lại không hề chuẩn bị cho việc thắng cử.

Đến khi kết quả kiểm phiếu ở các bang dần được công bố, thì phía ông Trump mới nghĩ rằng họ có cơ hội giành chiến thắng, và khi kết quả bầu cử được công bố thì người ta mới biết rằng ông Trump không hề có bài tuyên bố thắng cử viết sẵn. Điều này cho thấy bản thân ông Trump không có sự chuẩn bị trước về tâm thế.

Nhưng đến sau này, khi phân tích kỹ sự chuyển biến trong xã hội Mỹ, người ta mới ngộ ra tại sao ông Trump lại đắc cử. Đó là cái mà người ta gọi là tác động của “chủ nghĩa dân túy”. Chủ nghĩa dân túy ở Mỹ đã phát triển đến một mức mà người dân nước này muốn kiếm tìm một điều khác lạ, một nhân tố có thể tạo nên sự thay đổi thực sự cho nước Mỹ. Vì vậy, nhiều cử tri Mỹ mới dồn lá phiếu cho ông Trump, trong khi ngay cả ông cũng không ngờ mình được nhiều phiếu đến vậy. Kết quả là ông Trump thắng áp đảo.

Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu ông Trump có phải là một cá nhân xuất sắc khi đưa ra rất nhiều thay đổi về chính sách để tạo sự thay đổi đột biến? Theo tôi là rất khó để trả lời một cách chính xác.

Nhưng trên thực tế, nước Mỹ đến thời điểm đó cần một nhân vật như ông Trump. Điều này cũng giống như Trung Quốc đến thời điểm đó cần một cá nhân như ông Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo này đều đã để lại những dấu ấn riêng cho sự thay đổi quốc gia và thế giới. Nhu cầu phát triển xã hội của cả hai nước đến lúc phải xuất hiện những nhân vật đứng đầu như vậy.



Nếu quan sát tình hình hiện nay chúng ta thấy, quan hệ Mỹ - Trung đang trong giai đoạn rất xấu, có thể nói là đã bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, mà trong đó hai bên không chịu nhượng bộ lẫn nhau. “Cái ghế” số 1 thế giới chỉ có một, trong khi tâm lý người Mỹ muốn nắm chiếc ghế đó, bởi vậy mới có khẩu hiệu “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Hay nói một cách chính xác người Mỹ muốn nước Mỹ phải tiếp tục là lãnh đạo thế giới. Trung Quốc cũng có "Giấc mơ Trung Hoa", đưa nước này lên vị trí siêu cường số 1 của thế giới. Đó là hai giấc mơ đối chọi nhau thuộc hai bên bán cầu.

Tôi tin rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục. Và, vì thế, theo quan điểm cá nhân tôi, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này, ông Trump có lẽ sẽ tiếp tục giành chiến thắng. Điều này là do tâm lý của nước Mỹ đang phát triển theo hướng đó.

Còn nếu chúng ta chỉ quan sát những chỉ số tín nhiệm của cử tri đối với ông Trump thì rõ ràng, ông Trump vào lúc này đang mất thế. Chưa bao giờ nền kinh tế Mỹ lại tụt đến mức thấp như bây giờ. Các vấn đề như phân biệt chủng tộc, công ăn việc làm v.v. tất cả đều diễn biến xấu. Phần đông người dân Mỹ vẫn đang đặt kỳ vọng vào một phép màu nào đó, mà ở khía cạnh này thì dường như ông Trump vẫn đang còn nhiều sức hút.

Một vấn đề quan trọng là người Mỹ muốn nước Mỹ phải ở vị trí lãnh đạo thế giới, chứ không phải Trung Quốc, và họ kỳ vọng ông Trump là người có đủ tư chất để thực hiện được điều đó, dù theo cách không giống ai. Nhưng chính vì những cách không giống ai đó, ông Trump mới có thể đối phó được với Trung Quốc. Tôi cho rằng xu hướng này vẫn đang tiếp tục.

Ngoài ra, việc đảng Dân chủ lựa chọn ông Joe Biden làm ứng viên Tổng thống cho thấy đảng này rất lúng túng, không đưa ra được những cái mới, có thể lấn át được ông Trump. Trên thực tế, các mục tiêu, cương lĩnh của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ngày càng gần nhau hơn, nhưng tranh cãi nhau về cách làm. Ông Trump đã chứng minh được một điều với người dân Mỹ và thế giới, rằng trong suốt thời kỳ 8 năm cầm quyền của Barack Obama – mà Joe Biden làm Phó Tổng thống – chính sách của nước Mỹ đã không thành công trong việc duy trì vị thế, lợi ích của Mỹ. Bởi vậy theo tôi, người Mỹ sẽ không đặt nhiều niềm tin vào ông Biden hay đảng Dân chủ, mà là vào đảng Cộng hòa với cách tiếp cận cứng rắn hơn, thực tế hơn và hiệu quả hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng đảng Dân chủ lần này không đưa ra được một ứng viên sáng giá, trẻ trung, nhiệt huyết kiểu như Bill Clinton hay B. Obama trước kia. Vì vậy mới có nhận định: đối thủ của D.Trump hiện nay không phải là J. Biden mà là COVID-19. Nếu giải quyết được COVID-19 thì khả năng thắng cử của ông Trump rất cao. Bởi trong mấy năm ông Trump cầm quyền, nền kinh tế Mỹ phát triển, thị trường chứng khoán khởi sắc, chỉ số công ăn việc làm tốt... Còn một yếu tố dường như là bất lợi nữa cho ông Trump, đó là về đối ngoại, mặc dù kiềm chế được Trung Quốc nhưng lại làm yếu đi tính liên kết với các đồng minh truyền thống của của mình như NATO chẳng hạn. Theo ông, điều này có ảnh hưởng tới lá phiếu cử tri đối với ông Trump?

TS Đỗ Lê Chi: Theo tôi thì ông J. Biden không phải đối thủ của ông Trump. Đối thủ của ông Trump chính là tâm lý cử tri vốn chịu tác động rất lớn do đại dịch COVID-19, nền kinh tế và cả quan hệ đối ngoại, hay cách ông Trump ứng xử với đồng minh.

Dịch COVID-19 gây tác động quá lớn. Ông Trump bị chỉ trích nhiều về năng lực xử lý, nhưng có lẽ người dân Mỹ cũng hiểu rằng đại dịch này là thứ gì đó vượt quá khả năng của ông Trump cũng như đảng Cộng hòa.

Ông Trump cũng bị công kích nhiều bởi chính sách đối ngoại "biệt lập", gây bất hòa với nhiều nước đồng minh, bạn bè gần của mình. Nhưng đó chỉ là một mặt. Mặt khác, nếu quan sát diễn biến quan hệ của Mỹ với nước khác, từ Đức, Anh, Pháp, Ấn Độ, EU cho tới các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á, thì có thể thấy Mỹ đang tích cực điều chỉnh chính sách theo hướng hợp tác, trừ với Trung Quốc và dường như đang có sự chuyển dịch, trong đó, nhiều nước có xu hướng chuyển dịch về phía Mỹ, không phải về phía Trung Quốc. Trung Quốc có vẻ trở nên khó khăn hơn trong quan hệ quốc tế. Điều này xuất phát từ tâm lý của các quốc gia khi họ cân nhắc tới việc được gì, mất gì.

Thêm nữa là nhiều nước có cộng đồng kiều dân lớn mạnh sinh sống ở nước Mỹ và họ có ảnh hưởng không nhỏ tới lá phiếu bầu, đặc biệt là cộng đồng người Do Thái. Người Do Thái nắm tầm kiểm soát rất tốt các tập đoàn tài chính, giới truyền thông… Trong nhiệm kỳ vừa rồi, ông Trump đã làm được những việc không ai dám nghĩ đến, có lợi cho tâm lý của người Do Thái, gần đây nhất là thỏa thuận giữa UAE và Israel, hay việc công nhận Jerusalem là thủ đô của người Do Thái. Nhiều điều không ai ngờ tới thì ông Trump lại làm được. Và những sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với từng nước có ảnh hưởng tới cộng đồng người dân những nước đó đang sinh sống tại Mỹ, và điều này sẽ mang tới lợi ích cho ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.


TS. Đỗ Lê Chi (phải) trò chuyện về vấn đề quốc tế với nhà báo Lê Thọ Bình - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí điện tử VietTimes

Về vấn đề kinh tế, thời kỳ trước COVID-19, ông Trump cũng làm được những điều được cử tri rất ủng hộ. Mặc dù các biện pháp ông đưa ra có phần biệt lập và cực đoan, nhưng chúng thực sự mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Tâm lý người Mỹ vốn rất thực dụng, điều gì có lợi cho họ là họ sẽ ủng hộ. Thêm vào đó là dân Mỹ rất hiếu kỳ, và sự hiếu kỳ đó dành cho ông Trump.

Họ không muốn quay trở lại thời kỳ trước. Nếu đảng Dân chủ đưa ra được một gương mặt mới, mọi chuyện sẽ rất khác, nhưng nếu là gương mặt cũ như ông Joe Biden thì tôi không nghĩ là họ có điểm. Cá nhân tôi cho rằng ông Trump có cơ hội đắc cử. Và trong nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ phải điều chỉnh một số chính sách sao cho hợp lý hơn, và có những chính sách ông sẽ còn quyết đoán hơn.

Liên quan tới COVID-19, vaccine của Mỹ có lẽ sẽ ra mắt thành công. Mặc dù Mỹ không phải là nước đầu tiên trên thế giới công bố có vaccine, nhưng vấn đề quan trọng ở đây là nếu vaccine được công bố thì ông Trump sẽ giải quyết được vấn đề tâm lý của cử tri, từ đó tạo ra sự hy vọng lớn hơn. Thường thì người ta tin rằng vaccine của Mỹ sẽ có độ tin cậy cao, bởi sự tiên tiến cũng như những quy trình rất chặt chẽ của Mỹ trong nghiên cứu khoa học. Ở Mỹ, nhiều quy định được chính quyền đưa ra thường mất nhiều thời gian bởi sự kiểm soát chặt chẽ của Quốc hội hoặc bởi những quy định ràng buộc, nhưng một khi đã vận hành thì thường rất nhanh và hiệu quả.

PV: Theo ông, chính sách của Mỹ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông, khu vực Đông Nam Á nói riêng, sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 3/11, sẽ có điều chỉnh gì khác hay không, trong cả hai trường hợp D. Trump đắc cử hoặc Joe Biden đắc cử?

TS Đỗ Lê Chi: Đây là vấn đề khó dự đoán chính xác. Chúng ta cần đi theo hướng tiếp cận khác hơn một chút. Ví dụ, nếu quan sát về cách triển khai chiến lược của Trung Quốc. Nhìn trên bản đồ có thể nhận thấy 4 phía. Ở phía Bắc thì có Nga án ngữ, mà hai nước này khó có thể là quan hệ đồng minh thật sự, nó chỉ dừng lại ở một mức độ chừng mực và hai bên vẫn nghi kỵ lẫn nhau.

Ở phía Tây là Tây Á, nơi tập trung nhiều nhóm hồi giáo cực đoan. Trung Quốc khó mà mở cửa rộng ở hướng này, vì Trung Quốc lo ngại ảnh hưởng của hồi giáo tới khu vực miền Tây của mình. Phía Đông thì có Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, những nước và vùng lãnh thổ có sự bảo trợ về an ninh của Mỹ, nên Trung Quốc khó có thể tiến ra được.

Bởi vậy Trung Quốc chỉ có thể triển khai xuống phía Nam, lối duy nhất để Trung Quốc dễ dàng vươn ra bên ngoài. "Sáng kiến Vành đai - Con đường" (BRI) của Trung Quốc trong mấy năm vừa rồi, bởi vậy, cũng chỉ triển khai ồ ạt chủ yếu theo hướng Nam và đi qua Đông Nam Á. Đi qua Đông Nam Á thì có 3 con đường: Một là qua Lào, xuống Campuchia, ra biển và đi tiếp. Các con đường còn lại đều đi qua Biển Đông. Nó được gọi là "Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21".

Đó là cửa ngõ duy nhất của Trung Quốc, và họ cần phải đầu tư và nếu thành công thì họ thoát ra ngoài được. Người Mỹ nhìn nhận rất rõ về chuyện này, họ hy vọng chặn được cửa phía Nam này, thì có thể phong tỏa được Trung Quốc.

Đó là lý do vì sao Mỹ đặt ra "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", trải dài từ Ấn Độ qua Đông Nam Á rồi đến tận Nhật Bản và sang Australia. Mỹ muốn cắt ngang hướng triển khai chiến lược của Trung Quốc từ Bắc xuống Nam, qua Đông Nam Á. Ở Mỹ, họ cho rằng làm được điều này thì sẽ ngăn được BRI của Trung Quốc.

Trước đây, chính quyền Barack Obama tỏ ra mềm mỏng, nhượng bộ nhiều với Trung Quốc. Bởi vậy mà trong thời kỳ chính quyền trước, Mỹ đã không ngăn được Trung Quốc xây dựng phi pháp một loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông. Nhưng đến giai đoạn "cảnh tỉnh chiến lược" này, Mỹ nhận thức ra rằng nếu không kiên quyết thì sẽ để mất lợi ích ở châu Á - Thái Bình Dương và mất địa vị lãnh đạo toàn cầu trong thế kỷ XXI.

Nếu quan sát kỹ sẽ thấy gần đây một loạt quan chức cấp cao của Mỹ, từ Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tư pháp cho đến Ngoại trưởng đưa ra nhiều tuyên bố có phối hợp về cách thức ứng xử với châu Á - Thái Bình Dương, nhất là với Trung Quốc. Theo góc độ nghiên cứu, đây không chỉ là để trình bày về chính sách của Trump, mà dường như Mỹ đang chuẩn bị thiết lập một thế trận mà bất cứ ai lên làm Tổng thống thì đều phải đi theo lối đó, trong đó Trung Quốc vẫn là đối tượng chủ yếu của Mỹ. Và nếu ông Biden có lên làm Tổng thống thì cũng phải tuân theo thế trận đó, khó đi ngược lại được. Ông Trump hay ông Biden lên làm tổng thống không quan trọng, mà quan trọng là lợi ích nước Mỹ phải được bảo vệ.

Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số 1 của Mỹ, đó là điều chưa thể thay đổi.

PV: Trong cuốn sách “Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương” của ông vừa được NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành, ông có đưa ra ba kịch bản. Một trong số đó là viễn cảnh một cuộc chiến tranh nóng giữa Mỹ và Trung Quốc, một kịch bản khác là Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau, khối ASEAN bị gạt ra ngoài. Một khi kịch bản đó xảy ra, theo ông, Việt Nam sẽ phải hành xử như thế nào?

TS. Đỗ Lê Chi: Đây là câu hỏi rất khó. Thực ra có 3 kịch bản mà cả 3 cũng đã từng xảy ra trong quá khứ. Một là hai nước (Hoa Kỳ và Trung Quốc) bắt tay nhau, cùng chia sẻ lợi ích, cùng phân chia thế giới. Trong kịch bản đó thì các nước nhỏ không còn mấy giá trị nữa. Kịch bản thứ hai là hai nước lao vào một cuộc chiến, và khi đó Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng là một chiến trường của hai bên, phải nói là chiến trường số 1. Cả hai kịch bản này đều rất xấu đối với Việt Nam và toàn ASEAN.

Nhưng còn một kịch bản nữa mà tôi cho rằng có khả năng xảy ra hơn, đó là hai bên cạnh tranh khốc liệt, nhưng không lao vào một cuộc chiến. Bởi sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc là rất lớn, cả hai bên đều hiểu rằng nếu xảy ra xung đột thì cái giá phải trả cho cả hai bên đều là quá đắt. Tuy nhiên, hai bên lại không thể hòa hợp được bởi xung đột về lợi ích và có quan hệ đối kháng. Nhưng xung đột đến độ nhất định thì phải dừng lại, và đó chính là khoảng không gian tốt nhất cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung khi có thể trở thành nhân tố tạo nên sự cân bằng, ổn định.



Việt Nam đang ở một vị trí thuận lợi. Nếu nhìn vào cách triển khai chiến lược của hai nước, Mỹ và Trung Quốc mặc dù đối lập nhau nhưng vẫn duy trì những cách thức hợp tác để cùng phát triển. Con đường ưu tiên triển khai chiến lược của hai nước đều chạy qua Việt Nam. Khu vực miền Trung, các cảng nước sâu của nước ta chính là giao điểm của 2 chiến lược lớn. Đó có lẽ là lý do mà ông Trump chọn Đà Nẵng để tuyên bố về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Mặc dù "lực" còn nhỏ nhưng Việt Nam lại có cái "thế" mạnh để bù đắp cho "lực". Cái "thế" mà tôi nói ở đây chính là "địa - chiến lược", bao gồm địa - chính trị, địa - kinh tế và địa - an ninh. Về an ninh thì quá rõ, Việt Nam có vị trí mặt tiền án ngữ Biển Đông, mặt sau là Tiểu vùng sông Mekong, là điểm gắn kết hai nửa Đông Nam Á với nhau. Về chính trị, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, đồng thời, chia sẻ lợi ích chiến lược rất lớn với cả Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề chỉ là phát huy cái "thế" đó như thế nào để tạo nên một không gian mang tính ổn định, hợp tác, lấn át đi những yếu tố gây xung đột.

Tôi cho rằng kịch bản xảy ra chiến tranh có khả năng thấp, mặc dù không loại trừ, trong khi kịch bản hai nước hòa hợp cũng khó xảy ra. Kịch bản đang diễn ra là kịch bản ở giữa như vừa nêu, và trong kịch bản đó, Việt Nam sẽ có lợi nếu biết phát huy được cái "thế" của mình.

PV: Các nhà bình luận cho rằng muốn có sự bình ổn ở Biển Đông thì không thể không có vai trò của Mỹ. Trong khi Mỹ thời gian qua có những bước đi rất cứng rắn, đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ phản ứng trước tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ hiện nay dường như muốn thành lập một liên minh quân sự “NATO Đông Nam Á” và yêu cầu các nước Đông Nam Á tham gia. Nếu điều này thành hiện thực thì lựa chọn của Việt Nam sẽ như thế nào? Và sau bầu cử Tổng thống Mỹ, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có nên, và có thể được nâng lên một tầm cao mới, như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hay không?

TS. Đỗ Lê Chi: Tôi sẽ không nghĩ xem là Việt Nam có nên tham gia hay là không, mà tôi muốn chúng ta nên chủ động thúc đẩy việc hình thành một tổ chức an ninh đa phương, ràng buộc tại khu vực vì lợi ích của tất cả các bên. Chúng ta lâu nay vẫn luôn có chủ trương là chủ động hội nhập, nhưng tôi thấy có những lúc ta còn bị động. Các nước lớn triển khai chính sách mà mình cứ phải cân đong đo đếm là có tham gia hay là không. Điều đó cho thấy vai trò chủ động của chúng ta chưa phải là cao.

Theo tôi, việc hình thành các hiệp ước, khối an ninh hay thỏa thuận quân sự có tính đa phương và ràng buộc xuất phát từ nhu cầu bảo đảm lợi ích kinh tế, chính trị của các quốc gia. Nếu nhìn vào lịch sử thì sự ra đời của NATO hay một số tổ chức an ninh, quân sự đa phương đều có những lý do để kiểm soát tình hình ở những điểm nóng.

Còn ở Biển Đông, cả Mỹ và Trung Quốc cũng như các nước khác đều tự cho mình quyền tự do hoành hành và không có sự cản trở nào. Mỹ, trên thực tế, chưa bao giờ tham gia UNCLOS 1982, Trung Quốc là một thành viên đầy đủ nhưng họ bảo lưu phần xét xử ở tòa án. Lý do Mỹ không tham gia là vì nó sẽ ngăn cản họ đi vào sâu hải phận của nước khác, và như thế Mỹ mất quyền "tự do". Điều này nói lên rằng khi đã không có một sự dàn xếp mang tính bảo đảm, thì tình hình sẽ là "vô tổ chức", "cá lớn nuốt cá bé" đúng như hiện nay.

Bởi thế, Đông Nam Á cần có một dàn xếp, thỏa thuận như vậy để bảo vệ lợi ích của tất cả các bên, đặc biệt là của các nước nhỏ. Theo tôi, chúng ta nên phấn đấu để có một thỏa thuận như thế, còn thỏa thuận cụ thể thế nào thì còn là một chặng đường dài. Nhưng tôi không tin vào bất kỳ thỏa thuận nào có hiệu lực mà lại không cần có sự tham gia của cả Trung Quốc và Mỹ. Đây là nơi mà sẽ không bên nào chịu nhượng bộ.



Nếu thỏa thuận chỉ có một trong hai bên tham gia thì sẽ không thể đi vào thực chất. Nó cần có sự tham gia của cả hai bên và các cường quốc khu vực như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, ASEAN và cả một số tổ chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Điều quan trọng là làm thế nào để biến nó thành một khuôn khổ mà ASEAN vẫn là trung tâm. Nếu phát huy được tầm ảnh hưởng và vị thế địa - chiến lược của ASEAN, của Việt Nam trong bối cảnh tình hình hiện nay, thì tôi tin rằng triển vọng này là khả thi.

Vì sao cả Mỹ và Trung Quốc đều coi trọng vai trò của ASEAN và Việt Nam? Đó là bởi cả hai nước không bên nào áp chế được nhau, nên cần có sự dàn xếp. Và ASEAN cùng các diễn đàn của nó là nơi để xử lý các xung đột lợi ích này. Điều này cũng đúng với cả những nước lớn khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga hay Australia trong xử lý các vấn đề an ninh khu vực.

Theo ý kiến của tôi, trước sau gì thì một tổ chức an ninh đa phương của khu vực, có tính ràng buộc sẽ phải ra đời và việc đó chính là lợi ích quốc gia của Việt Nam, của ASEAN và chúng ta cần phải sớm tính toán cách thức phù hợp để thúc đẩy nó.

PV: Lâu nay, Trung Quốc vẫn "đe nẹt" các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, không cho quá thân với Mỹ bằng một câu nói rằng nếu đi theo Mỹ là mất thể chế. Nhưng kể từ khi ông Trump nắm quyền, dường như các vấn đề quan trọng như thể chế và nhân quyền ông không nhắc đến, mà đặt lợi ích nước Mỹ trên hết. Vậy liệu nếu ông Trump tái đắc cử, chính sách như vậy có làm an lòng các nhà lãnh đạo các nước trong khu vực không?

TS. Đỗ Lê Chi: Theo quan điểm cá nhân tôi, có lẽ với người Việt Nam nói chung, từ lãnh đạo cho tới người dân, thì mối quan tâm đầu tiên của chúng ta là lợi ích quốc gia, dân tộc. Chúng ta có 3 lợi ích lớn nhất, có thể nói gọn: Thứ nhất là độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thứ hai là sự vững chắc của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản cầm quyền. Thứ ba là sự phát triển ổn định, bền vững về kinh tế - xã hội. Về phía Mỹ, họ rất thực tế, họ coi việc duy trì địa vị lãnh đạo, sự thịnh vượng của họ là số 1. Họ không có bạn bè vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, mà điều chỉnh chính sách cho phù hợp với mục tiêu này.

Năm 2003, quân đội Mỹ tấn công tới sát thủ đô Iraq nhưng rồi lại rút đi, bởi họ còn muốn có một Iraq dưới thời ông Saddam Hussein tiếp tục là một nhân tố kiềm chế Iran. Điều này cho thấy lợi ích nước Mỹ mới là quan trọng, chứ không phải cá nhân hay thực thể nào ở bên ngoài. Dân chủ hay nhân quyền về mặt nào đó cũng chỉ là con bài để họ theo đuổi lợi ích.

Về vấn đề "tự do", "nhân quyền", có thể thấy đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ đôi lúc khác nhau về cách đặt vấn đề. Ví dụ như đảng Cộng hòa có xu hướng tôn trọng lợi ích chiến lược hơn về tôn giáo, thì họ quan tâm đến đạo Tin lành, trong khi các tôn giáo khác họ không để ý nhiều, nhân quyền họ cũng không nhắc đến nhiều như đảng Dân chủ. Cái mà họ nhìn vào Việt Nam là cái giá trị chiến lược rất lớn, có thể chia sẻ lợi ích với Mỹ ít nhất là trong ngắn hạn.

Trên thực tế, thời gian qua hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ tăng lên nhiều và họ không thi hành chính sách áp thuế hà khắc như với Trung Quốc. Đó là do sự điều tiết lợi ích chiến lược của họ.

Còn đối với Trung Quốc, Việt Nam là một nước láng giềng. Và cũng như Mỹ hay các nước lớn khác, Trung Quốc luôn muốn có một môi trường láng giềng thân thiện, gần gũi và hợp tác. Đó cũng là lợi ích dân tộc, quốc gia của họ. Cách làm của mỗi nước cũng khác nhau, nhưng nếu cách làm nào gây tổn hại đến lợi ích cốt lõi của một nước khác, thì đương nhiên, họ phải tìm cách bảo vệ bằng được.

Bởi vậy, dù có là thể chế, hệ thống gì thì điều quan trọng là phải có sự chia sẻ về lợi ích, trong đó có lợi ích về an ninh… Tất cả mọi thứ, các nước đều phải mang lên bàn cân và xử lý những yếu tố đó như thế nào. Nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có quan hệ tốt với Trung Quốc về chính trị và đây là một tài sản quý giá họ luôn nỗ lực gìn giữ, tuy nhiên khi xem xét lợi ích quốc gia, dân tộc thì người ta sẽ phải tính tất cả các lợi ích khác nhau và quan hệ chính trị là một mặt trong tổng thể đó chứ không phải là tất cả. Tùy vào tình huống mà họ sẽ có những sự điều chỉnh và lựa chọn trên từng mặt sao cho cuối cùng vẫn phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc của mình. Theo tôi đó là tiêu chí lớn nhất để xét từng tình huống.

PV: Có thể nói, chưa bao giờ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lại có những bước phát triển như hiện nay. Tuy nhiên trong mối quan hệ này không phải không có những nghi kỵ. Liệu có một lúc nào đó Hoa Kỳ lại “đi đêm” với Trung Quốc như họ đã từng làm? Làm thế nào để người Việt Nam có lòng tin với người Mỹ? Và phải làm thế nào để xây dựng lòng tin ở cả hai phía để gần gũi với Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, ít nhất là như Singapore?

TS. Đỗ Lê Chi: Có nhiều nước từng là nước nhỏ, thiếu sự đảm bảo về mặt an ninh, ví dụ như Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, thì họ đều có những thỏa thuận khác nhau để có sự bảo đảm an ninh của một lực lượng, có thể là một nước lớn như Mỹ. Việc nước lớn "đi đêm" với nhau trên lưng nước nhỏ từng xảy ra trong quá khứ và không có lý do gì để nói sẽ không xảy ra trong tương lai. Nhưng theo tôi nghĩ, một quốc gia dù nhỏ thì vẫn có thể tận dụng vị thế chiến lược của mình để biến mình thành to và tạo cho mình một cái thế để những nước khác nếu có "đi đêm" với nhau thì cũng không thể dễ mà bỏ qua mình được.

Có luận điểm cho rằng Việt Nam giờ là quốc gia tầm trung, không còn là nước nhỏ nữa. Tôi ủng hộ quan điểm này. Rõ ràng, chúng ta cần suy nghĩ về vị thế, địa thế của mình để làm sao các nước cần mình và đến với mình chứ không phải chỉ mình chạy đến tìm các nước khác. Nếu chúng ta chạy đi kiếm các nước khác thì tôi cho rằng nó sẽ không bền vững. Bởi quốc gia nào cũng vậy, họ đều vì lợi ích quốc gia của họ, và họ sẵn sàng thay đổi chính sách của họ. 



Đúng là Trung Quốc và Mỹ có lợi ích rất lớn với nhau và họ đã từng "đi đêm" trên lưng những đồng minh nhỏ bé của mình, như đã từng diễn ra với chính quyền Sài Gòn và Đài Loan trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX.

Nhưng hiện tại, lợi ích lớn nhất của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc, chứ không phải là Liên Xô trước đây và quan hệ Mỹ - Trung về bản chất là "đấu tranh" với nhau, mặt "hợp tác" vẫn còn nhưng không đủ mạnh. Có lẽ trong vài thập niên tới, điều này vẫn chưa thay đổi được, mà cần phải cả một quá trình dài. Và trong quá trình đó, cơ hội với ASEAN và Việt Nam sẽ xuất hiện ở những thời điểm khác nhau, và đó là lúc mà chúng ta cần tận dụng.

Trong mọi thời đại, Việt Nam luôn muốn có mối quan hệ thật tốt, hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc…Đơn giản là vì lý do địa lý. Chính sách của chúng ta cho đến nay về căn bản là ổn, phù hợp. Nhiều học giả quốc tế nhận định, không nước nào xử lý vấn đề Biển Đông khôn ngoan, hiệu quả như Việt Nam hiện nay. Tôi thấy đây là một nhận xét có cơ sở.

PV: Xin cám ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Lê Thọ Bình (thực hiện)
https://viettimes.vn/viet-nam-dang-co-loi-the-chien-luoc-rat-lon-492677.html

1 nhận xét:

  1. Mot con vet ---hoc tro xuat sac cua Nguyen phu Trong.bai phong van nham nhi chang co gi moi ---cai nay tren mang xh co tu lau -toan bon an tuc noi phet---truong thanh tu tuyen giao ma ra.

    Trả lờiXóa