'DU KHÁCH ĐẾN CHỤP ẢNH, HÀNH XỬ NHƯ NHÀ NÀY VÔ CHỦ'
Tương tự hẻm Hào Sĩ Phường, nhiều điểm du lịch trên thế giới cũng treo biển "no photo". Tuy nhiên, việc áp dụng, thực hiện quy định cấm trong thực tế lại không hề dễ dàng. Hào Sĩ Phường (số 206 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, TP.HCM), nổi tiếng là con hẻm trăm tuổi đẹp nhất nhì Sài Gòn, mới đây treo biển cấm quay phim, chụp hình.
Một số chung cư, con hẻm ở TP.HCM treo biển cấm chụp ảnh.
Theo cư dân tại đây, quy định trên được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng du khách, đoàn phim thường xuyên lui tới ghi hình gây ồn ào, mất vệ sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của các hộ gia đình."Hào Sĩ Phường được chọn làm điểm giới thiệu, quảng bá du lịch của quận 5 nói riêng và thành phố nói chung. Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng đồng ý để người ngoài tới quay phim, chụp ảnh”, đại diện UBND phường 11 nói với Zing.
Không chỉ Hào Sĩ Phường, các chung cư cũ Tôn Thất Đạm, Lý Tự Trọng ở TP.HCM cũng đã treo biển cấm hoặc thu phí chụp ảnh từ nhiều năm nay để tránh bị làm phiền bởi du khách thiếu ý thức.
Tại một số điểm du lịch nổi tiếng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, quy định cấm quay phim, chụp hình cũng không hiếm gặp. Ở một số nước, việc ghi hình xâm phạm đến sự riêng tư của cư dân địa phương có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.
“Họ hành xử như nhà này vô chủ”
Lombard Street, con đường ngoằn ngoèo nhất nước Mỹ, nằm giữa đoạn đường Hyde Street và Leavenworth Street, là điểm nhất định phải đến của hầu hết du khách khi đặt chân tới San Francisco.
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, nơi này trở thành điểm đen giao thông khi khách du lịch tấp nập tới đây chụp ảnh. Theo BBC, cư dân thành phố nhiều lần phàn nàn vì du khách đứng giữa đường để selfie, quay phim, gây nguy hiểm và ùn tắc giao thông.
Kristine Dworkin, thành viên của một gia đình sống ở đây qua nhiều thế hệ, cho biết: “Nhiều nhóm dừng lại để chụp hình chẳng để ý gì đến các xe đang đi tới. Du khách có vẻ cũng không biết rằng những ngôi nhà dọc theo con phố Bologna này là nhà riêng và thường xuyên xâm phạm vào sân nhà để chụp ảnh”.
Đông đảo du khách tìm đến check-in tại Lombard Street. Ảnh: AP.
Còn xung quanh khu vực Công viên Alamo Square ở trung tâm thành phố San Francisco, du khách thường xuyên tự tiện bước lên thềm các ngôi nhà cổ được xây dựng từ những năm 1890 để selfie.
“Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi thấy hết người này đến người khác đứng trước cửa nhà để chụp ảnh gia đình. Họ hành xử như nhà này vô chủ. Hay họ coi nhà chúng tôi như tác phẩm trưng bày?”, một cư dân thành phố bức xúc.
San Francisco thu được hơn 9 tỷ USD/năm từ khách du lịch. Nhưng chính quyền thành phố đang đứng ở tình thế khó xử khi vừa phải làm hài lòng khách lẫn dân địa phương.
Trước những khiếu nại của cư dân, thành phố cam kết phê duyệt quy định thu phí chụp ảnh với khách du lịch và giải quyết các vấn đề giao thông. Các quan chức địa phương cũng mong đợi sự tôn trọng, ủng hộ từ du khách.
Phạt tiền du khách chụp ảnh
Gion - quận trung tâm của thành phố Kyoto (Nhật Bản) - nổi tiếng với kiến trúc cổ, lịch sử lâu đời. Tập trung trên các dãy phố hẹp là những quán trà mang phong cách xưa, nhà ở độc đáo và đặc biệt là hình ảnh những nàng geisha hiện đại.
Tuy nhiên, du khách ùn ùn kéo đến đây trong vài năm qua đã gây ra “ô nhiễm du lịch” trầm trọng. Ngoài vấn đề ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, cư dân ở Gion còn rất bức xúc vì cuộc sống riêng tư của họ bị xâm phạm.
Nhiều người từng chứng kiến cảnh hàng chục du khách rượt đuổi, bám theo những chiếc xe chở geisha trên phố để chụp ảnh. Khi không được cho phép, một số người thậm chí kéo áo kimono của các cô gái. Dân địa phương còn báo cáo tình trạng du khách tự tiện vào khu nhà riêng của họ để ghi hình.
Trước những phàn nàn của người dân, chính quyền địa phương đã đặt biển báo cấm chụp ảnh trên con phố trung tâm. Hội đồng thành phố cũng dựng những biển báo bằng tiếng Trung và tiếng Anh để hướng dẫn khách du lịch có hành vi đứng đắn.
Nhật Bản cấm du khách chụp ảnh geisha ở Gion. Ảnh: Bloomberg.
Tuy nhiên, những tấm biển không có nhiều tác dụng. Đến cuối năm ngoái, cư dân ở Gion đã bỏ phiếu đề nghị cấm chụp ảnh tại các con phố và nhà riêng, theo NHK. Lệnh cấm đã được áp dụng từ tháng 10/2019.
Người vi phạm sẽ bị phạt 10.000 yen (94 USD). Hệ thống camera giám sát cũng được lắp đặt để lần theo những người vi phạm.
Lệnh cấm và tiền phạt không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng người dân ở đây hy vọng biện pháp này sẽ thuyết phục các du khách tôn trọng hơn văn hóa và cuộc sống của họ.
Không chỉ quận Gion, khu Shinjuku Golden Gai ở thủ đô Tokyo - nơi nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo, các quán bar, cuộc sống về đêm nhộn nhịp - cũng có nhiều quy định hạn chế khách tham quan chụp ảnh.
Các biển báo “no photo” có ở khắp nơi. Theo các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm du lịch, du khách đến đây cần tìm hiểu kỹ các quy định và tránh cư xử thô lỗ. Một số cửa hàng thu phí chụp ảnh trong khi số khác hoàn toàn cấm.
Dân muốn riêng tư, chính quyền muốn làm du lịch
Sau những thành công liên tiếp của Parasite (tên tiếng Việt: Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon-ho, hàng loạt địa điểm xuất hiện trong bộ phim được chính quyền thành phố Seoul chọn để quảng bá du lịch.
Theo Dispatch, không chỉ người Hàn Quốc mà nhiều khán giả từ khắp nơi trên thế giới yêu mến bộ phim đã tìm đến những nơi này để ghi lại kỷ niệm. Tuy nhiên, việc lấy một khu ổ chuột - nơi được mô tả vô cùng nghèo khó trên phim - làm yếu tố thu hút du khách khiến nhiều người không đồng tình.
Ngoài những cửa hàng, hộ gia đình kinh doanh, buôn bán, đa phần cư dân đều bức xúc khi các du khách thoải mái quay phim, chụp ảnh, tò mò về cuộc sống của họ.
Nhận nhiều phản hồi về khách du lịch vô ý thức, Visit Seoul - trang web du lịch chính thức của thành phố Seoul - đã phải đăng bài viết yêu cầu khách tham quan các địa điểm phải tránh gây ồn ào và làm ảnh hưởng đến cư dân.
Du khách chụp ảnh ở các địa điểm từng quay phim "Parasite" ở Seoul. Ảnh: UPI, Hani.
Tương tự, những con đường rợp bóng cây ở khu dân cư Broadacres (Houston, Mỹ) cũng trở nên nổi tiếng khi xuất hiện trong bộ phim điện ảnh Terms of Endearment. Nhiều du khách đã tìm đến đây chụp ảnh. Tuy nhiên, số lượng ngày càng đông cộng với sự vô ý thức của một số khách khiến người dân trong khu vực cảm thấy bị làm phiền.
Cuối năm 2017, cư dân Broadacres đã quyết định treo biển cấm quay phim, chụp hình xung quanh khu vực. Điều này khiến khách tham quan thất vọng trong khi chính quyền thành phố phản đối kịch liệt.
Theo các quan chức việc đặt để biển cấm là hành vi tự phát của người dân và nhấn mạnh những con đường, hàng cây xanh là tài sản chung.
“Mọi người không thể cấm người khác sử dụng tài sản công cộng”, tuyên bố của chính quyền thành phố Houston viết. Các quan chức cho biết thêm quy định cấm tự phát của người dân có thể gây thiệt hại cho ngành du lịch của thành phố.
Trong khi đó, cư dân tại Broadacres tỏ ra bất bình và nói rằng họ sẽ làm tất cả để bảo vệ sự riêng tư và cuộc sống bình yên của mình. Sau nhiều năm, chính quyền Houston và các hộ gia đình ở Broadacres vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Tấm biển cấm chụp ảnh vẫn nhiều lần được dựng lên rồi lại gỡ xuống.
https://zingnews.vn/du-khach-den-chup-anh-hanh-xu-nhu-nha-nay-vo-chu-post1130232.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét