Cô quạnh cảnh... mãn chiều, xế bóng
Ông Đậu bỏ cái ipad xuống giường, thần người nghĩ ngợi. Bài báo ông vừa đọc gây cho ông một cảm giác không yên. Sao bây giờ người ta lại đặt vấn đề trên truyền thông về việc “gỡ bỏ” trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già của con cái, khuyến khích chuyện người già đừng coi con cái là “chỗ dựa”? Chuyện đạo lý đáng trân trọng như vậy mà mang ra mà bàn thảo và “định hướng” khác đi sao. Có bậc cha mẹ bình thường nào lại muốn mình trở thành gánh nặng cho con cái đâu và cũng chẳng ai có suy nghĩ đòi hỏi con cái phải có nghĩa vụ với mình. Buồn!Mà ông buồn thật. Từ cái ngày vợ ông đi lại thân mật với một quan chức để thằng con trai duy nhất ông được vào biên chế ông đã hầu như không còn vợ nữa và vợ chồng chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà thôi. Thằng con xấu hổ vì mẹ nên cũng không vào làm ở chỗ mẹ nó “đầu tư” cho.
Nó đi xa lập nghiệp và “cú hích” đầu đời đó khiến nó trưởng thành và bây giờ là một CEO quan trọng ở một công ty lớn. Xin về hưu sớm, ông về quê, lấy cớ chăm sóc phần mộ, hương khói tổ tiên. Bà ở lại một mình trên thành phố, dịp giỗ tết mới về. Họ coi nhau như khách.
Thực ra, khi việc “hối lộ tình dục” của bà bị vỡ lở bởi một trận đánh ghen, ông đã cố dàn xếp để không làm to chuyện. Nhưng, bà không để ông yên, bà cho rằng tại ông mới nên nông nỗi đó. Với địa vị công tác và mối quan hệ của ông thì để xin sắp xếp việc làm tốt, phù hợp cho thằng bé là chuyện trong tầm tay.
Ông đã không làm và để nó tự phải bươn chải. Xót con và thấy nó có những biểu hiện tiêu cực nên bà phải chủ động “nhắm mắt, đưa chân”, ngõ hầu giải thoát tư tưởng cho thằng bé. Không coi trọng sự “hy sinh” của bà thì thôi, ông còn ghen tuông vớ vẩn gì. Chính thái độ đó của bà khiến ông ghê sợ và xa lánh.
Thằng con ông là đứa biết suy nghĩ. Hàng tháng nó đưa vợ con về thăm ông và bao giờ cũng ghé qua chỗ mẹ. Tiền nó chu cấp cho bố mẹ đầy đủ. Thực ra, với lối sống hiện tại của ông thì chẳng tiêu pha gì nhiều lắm. Con đưa thì ông cất đi, dùng làm từ thiện hoặc giúp đỡ người khó khăn. Mấy năm về hưu thôi nhưng số tiền đó đủ để ông mua một chiếc ô tô tầm trung, số tiền mà cả đời công tác ông không bao giờ có.
Ông sống tĩnh tại nơi thôn quê bình yên nhưng cửa sổ mở ra thế giới luôn mở rộng. Ông dùng mạng xã hội, giao lưu ảo và thực đều có, bạn bè ngoài đời hoặc trong phây rất nhiều.
Một lần ông viết status: “Em giờ đã hết duyên chưa/ Để tôi đi sớm, về trưa đón mình”. Ngỡ ông “thả thính”, có người phụ nữ ngày xưa đã đến đòi ông “đưa đón”. Ông tiếp khách trọng thị, thân tình nhưng không đi quá xa, ở với nhau lúc tuổi già lại càng không.
Mới đây, bà trong một buổi tập khiêu vũ bị ngã gãy chân. Ông lên bệnh viện thành phố thăm bà. Cô con dâu của ông thuê đến hai người chăm nom bà trong bệnh viện nên ông không có lý do gì ở lại. Lâu lắm rồi ông mới nhìn kỹ vào mặt vợ, trên chiếc gối giường bệnh, trông bà già nua và thiểu não quá, ông chợt động lòng thương.
Nhìn sâu vào đôi mắt bà, không còn ánh mắt cố thủ và khinh bạc nữa, một giọt lệ từ từ ứa ra. Bà nhắm mắt ngoảnh đi để dòng nước mắt lăn qua má xuống gối. “Bà về quê với tôi nhé!”. Ông muốn nói ra câu ấy mà nghẹn lời. Ông quay đi không từ biệt.
Giờ ông ngồi với hoàng hôn xóm núi và đọc những chuyện người ta bàn ngược về đạo lý mà cảm thấy buồn cô quạnh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét