Trong mưa gió lớn do ảnh hưởng của bão số 5, một cột điện trên phố Tôn Đản (TP Đà Nẵng) bị gãy ngang thân. Điều khiến người dân lưu tâm là trong thân cột điện không thấy lõi sắt.
Cây cột điện bị đổ được trồng trước số nhà 102 Tôn Đản, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Liền kề cây cột điện đổ có ít nhất 2 cây xanh lớn trên vỉa hè cũng bị bật gốc, đổ chắn một đoạn đường dài.
Theo quan sát, phần bê-tông trụ điện bị gãy hoàn toàn, vì còn một vài sợi thép chưa đứt nên chưa rời hẳn. Sự việc xảy ra khiến nhiều người dân hiếu kì tập trung quan sát. Do sự cố đổ gãy cột điện và hàng loạt cây xanh, đoạn đường tạm thời được phong tỏa để xử lý.
Ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Điện lực Liên Chiểu cho biết người của cơ quan này đang khắc phục sự cố tại hiện trường, còn trụ điện gãy như nào thì ông này từ chối trả lời với lý do không ở tại hiện trường, theo báo Pháp luật Việt Nam.
Sau khi các hình ảnh được đưa lên mạng xã hội, thêm nhiều người đưa ra các ý kiến trái chiều. Một bên đặt nghi vấn “cột điện không lõi sắt”, rút ruột công trình công, một bên cho rằng các cột điện này là được sản xuất theo công nghệ đúc dự ứng lực. Vì cột loại này rẻ, thi công nhanh điện lực địa phương hay sử dụng, nhược điểm là không chịu được gió bão lớn.
Đây không phải lần đầu tiên tình trạng này xảy ra. Năm 2016, sau cơn bão số 1 (bão Mirinae), hơn 2.000 cột cao áp và 7.963 cột hạ áp bị gãy, đổ. Tại thời điểm này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trả lời các cột điện gãy đổ đó gồm hai loại: cột bê-tông cốt thép và cột bê tông được sản xuất theo công nghệ dự ứng lực (bê tông ly tâm ứng suất trước).
Cột bê-tông cốt thép thường có các lõi thép phi lớn (phi 14) nên dễ nhìn được phần lõi thép. Còn cột bê-tông được sản xuất theo công nghệ dự ứng lực sử dụng lõi thép cường độ cao (phi 7-10) nên số lượng thép ít hơn (gồm 930 kg bê tông và 53 kg thép).
Giải thích về việc dùng cột điện công nghệ dự ứng lực, EVN cho rằng loại này phù hợp với định hướng phát triển hệ thống điện Việt Nam, không bị biến dạng, bị nứt trong quá trình vận chuyển, lắp dựng, chịu được tải trọng cao, không nứt, tăng khả năng chống thấm, chống ăn mòn cốt thép, phù hợp với các vùng ven biển, nước mặn.
Tiếp đến năm 2017, thêm hàng loạt cột điện dự ứng lực tại Khánh Hòa gãy đổ trước sức gió giật cấp 14-15 của cơn bão số 12 (bão Damrey). Báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Bê-tông ly tâm điện lực Khánh Hòa – cho rằng cột điện được đúc bằng bê-tông dự ứng lực có cường độ chịu nén cao hơn nhiều so với cột bê-tông được làm có lõi sắt tròn hay sắt rằn. Cột điện bê-tông được làm có cốt sắt có độ mềm dẻo cao nhưng độ cứng lại thấp. Khi bị đổ ngã, các loại trụ sắt này thường đổ cong nhưng không đứt lìa. Còn bê-tông dự ứng lực bị gãy ngang (cả lõi thép cứng và giòn bên trong) khi có gió bão rất mạnh.
Cũng báo này dẫn lời của một lãnh đạo Điện lực Phú Yên cho biết: “Trụ bê-tông ly tâm dự ứng lực có ưu điểm là tiết kiệm nguyên liệu, giá thành thấp, chịu lực thẳng đứng tốt, nhưng có nhược điểm là lực uốn kém nên khi bị gió bão thổi ngang thì trụ gãy ngang, rồi dễ kéo theo những trụ liền kề gãy đổ. Do đó, trụ bê-tông ly tâm dự ứng lực không được sử dụng cho những vị trí xung yếu như góc, néo…”.
Ông này cho rằng việc có nhiều trụ điện bê-tông ly tâm dự ứng lực bị gãy đổ trong các trận bão chính là kiểm nghiệm thực tế mà Tổng công ty Điện lực miền Trung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải có đánh giá, cân nhắc đối với loại cột điện này, nên hạn chế sử dụng ở những nơi hay có bão đổ bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét