Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Tranh cãi quanh chỉ thị của TT Nguyễn Xuân Phúc

Chuyện báo cáo, văn thư, chỉ thị của các quan chức chính quyền đầy lỗi chính tả, ngữ pháp... là điều xưa nay không thiếu, nhất là trong 2 thập kỷ gần đây. Thực ra họ đâu có quan tâm tới các văn bản, đâu cần quan tâm tới câu chữ. Họ chỉ cần có văn bản vì quy trình đặt ra phải có nó; thế thôi. Vì thế chuyện văn bản một đằng, thực hiện một nẻo là chuyện thường ngày ở huyện. Câu chữ đọc xong mỗi người hiểu một cách cũng là chuyện rất bình thường. Chán nhất là chuyện viết như rồng leo, làm như mèo mửa. Thời đi làm ở cơ quan nhà nước, năm nào mình cũng tham gia làm Nghị quyết 01 đầu năm trong đó vạch ra đủ thứ nhiệm vụ cho các bộ ngành, rồi cuối năm lại phải làm báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết đó nên mình rất hiểu. Lưu bài này không phải để chê trách Thủ tướng, mà để học cách phân biệt các từ và cách dùng chúng như thế nào trong cho đúng.
Virus corona: Lúng túng và tranh cãi quanh chỉ thị của TT Nguyễn Xuân Phúc
Bùi Thư 3 tháng 4 2020 - 
Hôm 31/3, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra chỉ thị "cách ly toàn xã hội" từ 1/4 để chống dịch COVID-19. Ngay lập tức dư luận hoang mang, băn khoăn và tranh cãi về chỉ thị này. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ VN về "cách ly toàn xã hội" từ 1/4 để chống dịch COVID-19 được cho là gây hoang mang. 
Mỗi nơi hiểu một kiểu
Những ngày gần đây, chính phủ Việt Nam đưa ra những thông điệp mạnh mẽ, đầy không khí thời chiến. Bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không ít lần kêu gọi 'chống dịch như chống giặc' và nhấn mạnh đất nước chính thức bước vào 'thời chiến'. Ông tuyên bố: 'Mỗi người dân là một chiến sĩ', 'mỗi xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài' trong mặt trận phòng, chống dịch.

Bài viết mới đây trên cổng thông tin Chính phủ còn khẳng định tuần cuối cùng của tháng Ba được xác định là tuần mở màn cho 'cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020' vào Covid-19, hàm ý so sánh với Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Trong bối cảnh đó, chỉ thị 16 và phát ngôn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về 'cách ly toàn xã hội' với tinh thần 'tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó' đã tạo ra một bầu không khí băn khoăn và hoang mang.

Trong khi người dân hoang mang không biết 'cách ly toàn xã hội' có phải là lệnh phong tỏa toàn quốc hay không, thì mỗi ban ngành, địa phương lại hành động theo cách khác nhau, cho thấy có độ vênh trong sự diễn dịch chỉ thị 16.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 2/4, dịch giả và nhà biên tập sách Nguyễn Việt Long nhận định:

"Sai sót về từ ngữ, mâu thuẫn giữa cách dùng từ và nội dung dễ gây hoang mang, khó hiểu cho dân chúng và chính quyền các cấp. Người dân tưởng là cách ly triệt để, nên đổ xô vào chợ và siêu thị trước giờ cách ly, tạo ra nguy cơ lây nhiễm.

''Chính quyền mỗi nơi vận dụng một kiểu: nơi thì nội bất xuất ngoại bất nhập, nơi thì cấm nhiều hay cấm ít các mặt hàng không thiết yếu (mà không có quy định cái nào là thiết yếu). Các cơ quan, doanh nghiệp nói chung vẫn đi làm, thì tất nhiên họ vẫn cần dịch vụ, chẳng hạn đang đi giữa đường bằng xe máy (phương tiện giao thông công cộng thì đã cấm hoặc giảm tần suất rồi, tùy nơi) mà xịt lốp thì vá săm ở đâu."

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, Đại học Sư phạm TPHCM nhận định:

"Trước Chỉ thị này, các địa phương thực hiện lệnh của Thủ tướng rất khác nhau. Ở Hải Phòng, mọi hoạt động đi lại vẫn diễn ra bình thường. Nhưng địa phương sát bên cạnh là Quảng Ninh, cấm tuyệt đối: "nội bất xuất, ngoại bất nhập", người dân đổ đất, chặn bê tông, lập hàng rào sắt ở một số tuyến đường để ngăn người qua lại, ra vào. Ngay ở Thủ đô, chiều 31/3, thanh tra giao thông Hà Nội đã định đặt 26 chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào thành phố để cấm người và phương tiện ra vào thành phố, trừ trường hợp đặc biệt; chiều tối cùng ngày, phương án này đã bị thu hồi.''

PG-TS Hoàng Dũng, Đại học Sư phạm TPH.CM

"Và rõ ràng cho dù chính phủ đã cảnh báo, vẫn có địa phương hiểu cách ly toàn xã hội là "phong tỏa toàn xã hội". Tất cả những sự kiện "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" đó cho thấy các cơ quan có trách nhiệm đang lúng túng", ông Dũng nhận xét.

Theo báo Thanh Niên, ở Bình Định, sau chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhiều người dân đã ra chợ mua lương thực dự trữ. Đặc biệt, nhiều người đã mua và tích trữ xăng dầu khiến Sở Công thương Bình Định đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố "tuyên truyền, trấn an người dân".

Việt Nam thay đổi 'cách ly toàn xã hội'?

Theo ghi nhận của BBC News Tiếng Việt, truyền thông trong nước đã bắt đầu đổi cụm từ 'cách ly toàn xã hội' thành 'cách ly xã hội' từ chiều 1/4 dù trên website chính phủ vẫn còn từ 'toàn'. Điều này gợi ý đang có một sự điều chỉnh về mặt sử dụng ngôn từ của chính phủ.

Báo Tuổi Trẻ ngày 2/4 đã bắt đầu sử dụng cụm từ "cách ly xã hội"

Ngày 2/4, sau khi giải thích ý Thủ tướng trên báo chí không phải là "ngăn sông cấm chợ hay phong toả", Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng kể với Zingnews.vn rằng ông phải gọi cho một số chủ tịch tỉnh để giải thích thêm. Đây là lần thứ hai kể từ khi chỉ thị 16 được ban hành, ông Dũng đã phải lên tiếng giải thích như vậy.

Trong ngày 2/4, một số tỉnh thành đã thực hiện việc nới lỏng nhiều biện pháp được coi là "cực đoan" đã triển khai trước đó. Zingnews.vn cho biết các địa phương tại Quảng Ninh đã khai thông trở lại một số tuyến đường.

Về cách dùng từ "cách ly toàn xã hội", dịch giả Nguyễn Việt Long nhận xét:

"Tôi có cảm tưởng nhóm tham mưu cho Thủ tướng đã muốn dùng 'social distancing' nhưng lại dịch ra thành cách ly toàn xã hội nên mới gây ra hoang mang, thắc mắc của dân chúng".

"Social distancing" là một thuật ngữ để chỉ việc giữ khoảng cách trong giao tiếp. Và bản thân thuật ngữ này khi được sử dụng trong đại dịch COVID-19 cũng gây ra nhiều tranh luận. Dịch giả Nguyễn Việt Long chia sẻ:

"Có giáo sư ở ĐH Stanford bảo nên dùng "distant socializing" (giao tiếp xã hội xa xa) để thay thế từ kia. Ngày 21/3 Reuters đưa tin WHO quyết định dùng "physical distance" thay cho "social distancing". Chủ ý muốn giữ kết nối giao tiếp xã hội nhưng chỉ giữ khoảng cách vật lý để tránh lây lan dịch bệnh mà thôi."

Ông nói thêm:

"Báo chí tiếng Việt đã dịch rất đa dạng: giãn cách xã hội, xa cách xã hội, cách biệt xã hội, hạn chế tiếp xúc xã hội nhưng gần như không ai dịch là cách ly xã hội cả. Vì cách ly là biện pháp hạn chế ở mức rất cao, coi như không tiếp xúc gì hết. Đến khi chỉ thị 16 của Thủ tướng ban ra thì mới gây rắc rối. Vì theo nghĩa cách ly là isolation hoặc quarantine (cách ly kiểm dịch), nhưng nội dung thì lại không đúng nghĩa trên. Vậy nên báo chí dịch ngược cụm từ này sang tiếng Anh đã dùng cả social distancing lẫn isolation và giải thích nội dung."

Báo Tuổi trẻ ngày 1/4 sử dụng cụm từ "cách ly toàn xã hội"

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 2/4, PGS-TS Hoàng Dũng nhận định:

"Sự lúng túng của chính quyền không phải không có lý do ngôn ngữ: 'social distancing' dịch cách ly xã hội hay cách ly toàn xã hội đều là 'dịch sát từng chữ"; mà nói như Cao Xuân Hạo, 'dịch sát từng chữ thường là cách chắc chắn nhất để dịch sai hoàn toàn'. Nội dung của social distancing là chỉ tất cả các cách thức nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc vật lý như giữ khoảng cách an toàn giữa người này với người kia, chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết, tránh bắt tay, ôm, hôn, tránh tụ tập đông người".

"Trong khi đó, cách ly xã hội hay cách ly toàn xã hội dễ khiến người dân nghĩ bị giam cầm. Báo chí tiếng Anh, tiếng Pháp cũng dùng khá phổ biến chữ confinement, vốn nghĩa là 'giam cầm', dễ khiến cho người ta sợ. Và sự sợ hãi nếu phổ biến thì xã hội sẽ phải trả giá đắt, có khi còn lớn hơn thiệt hại do chính con virus corona gây ra."

Lê Trọng Phương, chuyên gia xã hội học văn hóa hiện đang giảng dạy 
Đông Nam Á học ở Đại học Bonn và Học viện Hợp tác Quốc tế Bonn

Ông Lê Trọng Phương, chuyên gia xã hội học văn hóa hiện đang giảng dạy Đông Nam Á học ở Đại học Bonn và Học viện Hợp tác Quốc tế Bonn, nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng cụm từ 'cách ly toàn xã hội' trong chỉ thị 16 rồi và trên báo chí khá phản cảm.

Ông lý giải:

"Theo tập quán đọc hiểu, nghe 'cách ly' trước hết là động từ, ngay sau đó là một từ đã quen dùng ở chức năng danh từ: 'xã hội', tương tự 'cách ly bệnh nhân'. Mẫu: động từ - bổ ngữ. Vậy 'cách ly xã hội' nghe như 'cô lập xã hội' vậy, nôm na là đem nhốt cả một xã hội vào một nơi cách biệt với thế giới bên ngoài.''

''Trong chỉ thị này, Thủ tướng đã muốn làm rõ ý của mình nhưng lại nhầm và lúng túng về ngữ nghĩa. Cách ly toàn xã hội có thể là cách nói muốn nhấn mạnh của Thủ tướng nhưng lại được hiểu theo dạng phong tỏa, lại thành chuyện khiến các báo lấy từ 'toàn' ra, ông Mai Tiến Dũng phải phân trần, giải thích trên báo chí, không phải là phong tỏa mà là cách ly theo tính chất xã hội, tức là giao tiếp".
Nên dùng từ gì cho hợp lý?

Về mặt ngôn ngữ, ông Hoàng Dũng đề nghị dịch social distancing là "giãn cách khi giao tiếp": "Tôi đề xuất dùng từ 'giãn', chứ không phải 'gián', vì tuy 'giãn' cũng là 'gián', nghĩa là không trực tiếp, nhưng 'giãn' có thêm ý 'cách xa hơn', điều rất cần để tránh lây nhiễm."

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết thêm, ông đồng tình với Tiến sĩ Nguyễn Quang A và đề nghị: "Chính phủ nên lập một nhóm 'cố vấn ngôn ngữ' để rà soát các bài viết, bài phát biểu và cách dùng từ ngữ cho chính xác, bớt gây hiểu lầm thì sẽ ngăn chặn được 'dịch nổ' có thể gây ra những tác hại và tốn phí lớn!".

Còn ông Lê Trọng Phương cho rằng việc bỏ chữ 'toàn' trong 'cách ly toàn xã hội' là việc đúng và ông đề xuất thêm:

"Có thể sử dụng cụm từ 'giữ khoảng cách giao tiếp' hoặc 'tránh tiếp xúc gần' để người dân bình thường có thể hiểu". Ông cũng nói thêm rằng, các công văn của các cơ quan nhà nước thường lủng củng, câu cú không rõ ràng, dài dòng. "Có hiện tượng là luôn có văn bản giải thích sau khi có một qui định nào đó, dễ gây hoang mang và không thống nhất", ông nhìn nhận.

Về vấn đề này, ông Long nhận định:

"Dùng chữ cách ly, trong các khu cách ly như đã làm với những người nghi nhiễm hoặc về từ nước có dịch gần đây là đúng, khác hẳn với khái niệm cách ly xã hội mới đây dùng sai. Bởi nếu đồng nghĩa thì đã cách ly xã hội rồi cần gì phải vào khu cách ly nữa".

"Theo tôi, nên sử dụng cụm từ 'giữ khoảng cách tiếp xúc' hoặc 'giữ khoảng cách khi tiếp xúc', có thể thay chữ tiếp xúc bằng chữ giao tiếp. Nếu dịch sát nghĩa đen thì là 'giữ khoảng cách xã hội'.", ông Long cho biết thêm.

Tran Duy Canh
vào Thứ Ba
Thưa thủ tướng, Chỉ thị 16 ngày 31/3/2020 về cách ly toàn xã hội, thể hiện sự quyết liệt của CP trong việc dập dịch, em tán thành. Tuy nhiên, đoạn (1) có nhiều chỗ làm cho chúng em khó hiểu, không biết thực hiện ra sao.
Anh viết, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm an toàn, đeo khẩu trang, khử trùng, khử khuẩn đúng quy định. Sau đó anh yêu cầu dân chỉ ra đường trong trường hợp "đi làm tại nhà máy, cơ sở sản xuất". Nghĩa là các nhà máy vẫn tiếp tục mở cửa, công nhân ở đó tiếp tục làm việc. Vậy chúng em, những công ty cung cấp dịch vụ, hoặc văn phòng của các công ty sản xuất có phải đóng cửa không, chả thấy anh nhắc tới. Anh quên chúng em sao?
Em phê bình bộ phận văn thư của anh chấm phẩy không chuẩn nhé. Cái câu: "Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra đường......, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất", là hết, chấm câu ở đó, không nên phẩy để đi tiếp câu sau. Vì ý sau "cơ sở kinh doanh dịch vụ, hành hóa thiết yếu không đóng cửa" nói vấn đề khác rồi thưa anh.
Bạn em Vinh Pham cũng muốn anh đưa ra 1 Phụ lục kèm theo xác định hàng hóa dịch vụ thiết yếu là gì nha, anh Bảy.
Cũng bạn em, Truong Quang có hỏi, dịch vụ pháp lý có phải bị đóng cửa theo Chỉ thị 15 trước đó hay không vì anh nói các cơ sở dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa.
Trong tình trạng khó khăn và rối bời như hiện nay, nhờ anh Bảy nhắc nhở anh em văn thư, tham mưu tổng hợp đừng làm rối hơn bởi câu chữ như trên. Cần rõ ràng và cụ thể.
Nếu anh Th. đọc được tus này của em, nghiên cứu giúp giùm, để nói rõ ở Chỉ thị 17 nữa thì càng tốt.
----------------
Thai TuyetDung
vào Thứ Ba
Thủ tướng khẳng định “việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình”.
Nên mình nói khi soạn văn bản cần lưu ý các từ: Phải/nên; bắt buộc/ khuyến khích; Từ/ từ đủ; đình chỉ/tạm đình chỉ/ ngưng...thì đỡ phải gây hoang mang dư luận.
Cần lưu ý những gì giải thích trên báo kg phải là văn bản nên thật ra kg là cơ sở để XH tuân thủ. Và cách giải thích trên so với chỉ thị là vênh nhau, điều này làm cấp dưới kg biết thế nào.
Chỉ thị 16 có nêu: “yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng”.
Vậy yêu cầu của Thủ tướng nếu kg tuân thủ, thì có bị xử lý không?
Hậu quả của văn bản kg rõ ràng trên, đó là từ trưa đến giờ siêu thị, chợ rất đông; mục tiêu giãn cách XH mà tuyên truyền cả tuần nay đã bị ảnh hưởng rất nhiều.
PLO.VN
(PLO)- Thủ tướng khẳng định việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình.

A Nguyen Quang
vào Thứ Tư
THỦ TƯỚNG NÊN BỔ NHIỆM CỐ VẤN NGÔN NGỮ!
Chính phủ nên lập một nhóm "cố vấn ngôn ngữ" để rà soát các bài viết, bài phát biểu và cách dùng từ ngữ cho chính xác, bớt gây hiểu lầm thì sẽ ngăn chặn được "dịch nổ" có thể gây ra những tác hại và tốn phí lớn!
,Ông Thủ tướng đưa ra khái niệm "cách ly xã hội" ít người hiểu, cho nên ông Bộ trưởng phải giải thích cho rõ hơn. Hôm sau đích thân Thủ tướng cũng phải giải thích lại.
Người càng to mà dùng từ ngữ "sáng tạo" quá e các quan cấp dưới khó hiểu. Và nhất là các thuộc cấp "hăng hái" nghe lời và tận tuỵ với cấp trên thì tích cực lắm.
Chỉ xem các tỉnh khác nhau, nhất là bên giao thông và công an, sốt sắng thế nào (nó cũng hợp với ý thức về quyền của họ nữa) trong việc chặn, lập chốt,... rất hăng hái (có lẽ quá mức TT yêu cầu) tính ra gây tốn phí rất nhiều.
Việc "thuê" ban cố vấn ngôn ngữ để rà soát mọi bài viết, công văn, hay bài phát biểu có lẽ chỉ tốn vài % của các phí tổn không đáng có đó, chưa nói đến thiệt hại về sự hoang mang, niềm tin xã hội,...do sự "sáng tạo" ngôn ngữ như vậy có thể gây ra.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét