Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Gỡ những nút thắt cho phát triển

Bà Phạm Chi Lan nói về ba điểm nghẽn ngăn chặn sự phát triển của đất nước là thể chế, phát triển con người và hạ tầng. Tôi thì cho rằng nút thắt quan trọng nhất là thể chế. Nếu đất nước còn duy trì thể chế 1 đảng độc quyền lãnh đạo, lấy chế độ công hữu và kinh tế nhà nước làm trụ cột, doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt, không cho phép tư nhân sở hữu đất đai, để cho lực lượng công an lộng hành..., thì đất nước không bao giờ phát triển thực sự. Có thể nói tăng trưởng, phát triển hiện nay là giả tạo. Đa số những của cải chúng ta đã tạo ra, nhất là cơ sở hạ tầng, không phải do bản thân chúng ta làm ra mà chúng có nguồn gốc từ huy động tiền nước ngoài như vốn ODA, FDI, kiều hối, bán tài nguyên, và nhất là bóc lột sức lao động của nhân dân lao động. Nếu những thứ này chấm dứt thì tăng trưởng, phát triển sẽ chấm dứt. Nguy cơ này đang rất rõ. Lãnh đạo nước ta đã và đang rất tự hào vì được thế giới khen ngợi, ví dụ như được Ngân hàng Thế giới điểm cho điểm cao về tiến bộ trong môi trường kinh doanh, nhưng vì họ mới chỉ tính trên số văn bản ban hành, còn nếu tính trên cơ sở thực thi sẽ thấy chẳng có mấy văn bản nào có giá trị, phù hợp với thực tế và ứng dụng cho kết quả tích cực trong thực tế.
Gỡ những nút thắt cho phát triển
23/01/2020 Phạm Chi Lan - Nhìn lại một thập kỷ qua, dù đạt được kết quả quan trọng là duy trì mức độ tăng trưởng cao liên tục, Nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được những đột phá lớn mang tính chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng, chưa tạo được mô hình tăng trưởng dựa vào KH&CN trong bối cảnh nguồn lực tài nguyên đang dần cạn kiệt và nhân lực giá rẻ không còn là lợi thế. Dưới đây là phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về các nút thắt cần tháo gỡ cho giai đoạn tới.

Các chuyên gia nhiều lần phân tích về việc doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn chưa được đối xử bình đẳng như với doanh nghiệp nhà nước và khu vực FDI. Không nhiều doanh nghiệp vươn lên phát triển mạnh, vươn tới các thị trường nước ngoài. Trong ảnh: Nghệ nhân gốm sứ Minh Long vẽ chén ngọc APEC. Minh Long nổi tiếng với gốm sứ chất lượng châu Âu và xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính.

Nhìn lại các đột phá chiến lược

Cho đến bây giờ chưa có những tổng kết đầy đủ được công bố về thập kỷ vừa qua. Tôi là người nghiên cứu cá nhân, không đủ cơ sở để đánh giá toàn bộ thập kỷ nên chỉ xin chia sẻ vài suy nghĩ từ góc nhìn riêng về ba đột phá chiến lược chúng ta đã đề ra. Đó là cải cách thể chế, phát triển con người và hạ tầng. 

Trong cả ba mặt đó, ta đã làm được nhiều việc, nhưng kết quả đã thực sự mang tính chất đột phá hay chưa thì có thể nói thẳng là chưa đột phá bao nhiêu.


Về thể chế, đã có những thay đổi trong các nghị quyết, luật pháp, chính sách về nhiều mặt, trong đó có môi trường kinh doanh hay cách tiếp cận đối với doanh nghiệp tư nhân. Chúng ta vẫn tự hào, ví dụ như điểm về môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao hơn nhưng vì họ mới chỉ tính trên số văn bản ban hành, còn nếu tính trên cơ sở thực thi sẽ thấy đó là cả một vấn đề lớn. Mới đây, trong một cuộc họp nhìn nhận lại môi trường kinh doanh, Chủ tịch VCCI còn than cải thiện môi trường kinh doanh đang “tùy thuộc vào thiện chí của các bộ ngành”. 

Cải thiện môi trường kinh doanh luôn được đặt là mục tiêu quan trọng mà lại tùy thuộc vào thiện chí của các bộ, ngành thì thực sự khó hiểu. Lẽ ra các bộ ngành, địa phương phải thực thi luật pháp, chính sách theo trách nhiệm của họ trước doanh nghiệp, người dân- những người đóng thuế nuôi họ, chứ bắt dân phải trông chờ vào “thiện chí” của bộ ngành, thì việc cải cách thể chế còn gian nan lắm.


Để thu hút nguồn nhân lực ở nước ngoài thì không chỉ cần chuẩn bị những điều kiện về KH&CN mà trước hết cần có chính sách thực sự tốt và môi trường thông thoáng, để sao cho người ta không rơi vào cảnh về nhưng lại không phát huy được khả năng.

Về nguồn nhân lực, để không lỡ chuyến tàu cách mạng công nghệ 4.0 tới đây thì phải có đột phá mang tính cách mạng về nguồn nhân lực. Tuy nhiên những năm gần đây, số người có bằng tiến sĩ hay được phong giáo sư tăng lên, nhưng nhìn tổng thể tỷ lệ được đào tạo vẫn thấp - khoảng 24% nguồn nhân lực được đào tạo - trong đó tính cả những người có chứng chỉ đào tạo ba tháng trở lên. Nguồn nhân lực có thể tham gia vào những ngành nghề phức tạp, công nghệ mới chưa được cải thiện nhiều. Lực lượng lao động vẫn tập trung nhiều nhất vào các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, làm nông nghiệp, dịch vụ bán buôn bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và hầu hết là làm gia công hoặc công việc gỉản đơn trên cơ sở lao động giá rẻ, kể cả làm hàng điện tử cho công ty công nghệ cao như Samsung. Bây giờ mới chỉ có khoảng 3000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, gần 500 doanh nghiệp đã đăng ký là doanh nghiệp KH&CN, nếu tính tổng nguồn nhân lực làm việc trong số đó thì chắc vẫn là một tỷ lệ vô cùng nhỏ bé trong xã hội. 

Ngoài nguồn lực trong nước, chúng ta có một nguồn nhân lực rất dồi dào là người Việt ở nước ngoài, ví dụ chỉ riêng Nhật Bản, theo Bộ Tư pháp Nhật có khoảng năm vạn người Việt đang làm việc trong các lĩnh vực trí thức ở đây, chưa kể ở các nước tiên tiến khác như Mỹ, châu Âu, Úc…, nhưng đến bây giờ ta chưa thu hút được bao nhiêu. Hai năm gần đây, mỗi năm chính phủ đã mời 100 nhà khoa học công nghệ ở nước ngoài về để họp bàn đóng góp vào phát triển đất nước, nhưng con số đó vẫn còn rất nhỏ bé và còn phải chờ xem kết quả thế nào.




Về hạ tầng, có nhiều dự án mới được hoàn thành giúp cải thiện hạ tầng giao thông; ngành điện đảm bảo cung cấp điện ổn định và tốt hơn nhiều, viễn thông phát triển mạnh và có lẽ là mảng sáng nhất trong các nền tảng hạ tầng của Việt Nam... 

Thế nhưng cũng chưa bao giờ nhức nhối như bây giờ, với một loạt dự án giao thông đội vốn, kéo dài thời gian gấp 2-3 lần, tham nhũng, gian dối, tình trạng lợi ích nhóm… đẩy chi phí hạ tầng lên cao ghê gớm. 

Điều bất cập không kém trong hạ tầng là đầu tư chênh lệch giữa các vùng miền, ví dụ làm rất nhiều con đường nối lên phía Bắc, trong khi rất chậm phát triển các tuyến kết nối từ TP Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long - một cực tăng trưởng lớn của đất nước. Ngành điện chưa có quy hoạch với tầm nhìn xa, mang tính tổng thể, ví dụ khi năng lượng Mặt trời phát triển đột biến thì nghẽn truyền tải, trong khi vẫn muốn phát triển nhiều dự án điện than là lĩnh vực bị phản ứng mạnh do ô nhiễm môi trường. 

Như vậy, nhìn lại 10 năm qua, có lẽ chúng ta dễ dàng thấy thành tích về tăng trưởng GDP, các con số xuất khẩu, FDI... nhưng từ góc độ ba đột phá chiến lược có thể thấy rằng ta chưa đạt được đột phá như mong đợi. Và nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu trong những năm tới.


Hiện đại hóa tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ công nghiệp hóa

Chúng ta đang hướng tới trở thành một nước công nghiệp có thu nhập trung bình cao, mà trong báo cáo Việt Nam 2035 đã nêu rõ các tiêu chí cơ bản cần đạt như công nghiệp và dịch vụ chiếm 90% GDP, lao động trong hai khu vực này đạt khoảng 70% lực lượng lao động, khu vực tư nhân đóng góp trên 80% GDP, mức độ đô thị hóa trên 50% và chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,7. Hiện nay ở Việt Nam tỉ trọng nông nghiệp vẫn còn cao, tỉ trọng công nghiệp tuy khá lớn nhưng chủ yếu vẫn gia công, giá trị gia tăng thấp, và phần lớn người lao động vẫn làm trong nông lâm ngư nghiệp. Trong chuỗi giá trị toàn cầu thì Việt Nam vẫn làm chủ yếu những khâu “low-end, low-tech, low-cost”, những khâu đơn giản, công nghệ / kĩ thuật thấp và sử dụng lao động giá rẻ. Năng suất lao động toàn xã hội gần đây tăng khá hơn, nhưng nhìn chung vẫn thấp so với các nước trong khu vực. 

Báo cáo Việt Nam 2035 đã nhận định vấn đề kinh tế chính ở Việt Nam là phải hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân. Mục tiêu hiện đại hóa đòi hỏi thực hiện ở tất cả các lĩnh vực.


Việc tích cực chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở nước ta tập trung trước hết vào chuyển đổi số, hy vọng sẽ giúp tạo sự thay đổi, chuyển động trong cả hệ thống thể chế và toàn bộ nền kinh tế-xã hội.

Nông nghiệp đang là nền tảng lớn và có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam phải được hiện đại hóa và thương mại hóa để nâng cao chất lượng và tính bền vững, ứng dụng công nghệ làm tăng năng suất lao động của nông nghiệp, tăng thu nhập của nông dân. Công nghiệp phải chú trọng tạo nhiều giá trị gia tăng, nâng năng suất, chất lượng, tính đa dạng, độ chế biến sâu của sản phẩm và khả năng cạnh tranh quốc tế. Các ngành dịch vụ phải được đẩy lên nấc thang giá trị gia tăng cao hơn, nhất là các dịch vụ công nghệ, kỹ thuật, tài chính, thương mại, thông tin, vận tải… phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế, xã hội… và đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân. 

Nhìn chung, cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của nước ta phải hiện đại hóa cả về công nghệ và quản trị để tìm được chỗ đứng cao hơn, vững chắc hơn trong các mạng lưới cung ứng đang thay đổi và phát triển nhanh chóng giữa bối cảnh mới của những chuyển động kinh tế và cách mạng công nghệ đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới. Điều này càng quan trọng khi nước ta đang hội nhập sâu rộng, với nhiều FTA được ký kết với hầu hết các nền kinh tế có quan hệ thương mại và đầu tư tạo tác động lớn nhất tới sự phát triển của nước nhà.


Tạo điều kiện phát triển khu vực tư nhân

Tiến trình hiện đại hóa nêu trên phải lấy khu vực tư nhân làm trọng tâm, mà muốn phát triển khu vực tư nhân thì phải giải được ba nút thắt sau đây:

Thứ nhất, phải bảo đảm quyền tài sản của tư nhân. Phải thừa nhận rằng bảo đảm quyền tài sản tư ở nước ta vẫn là một khâu yếu. Hiện nay ngoài FDI chỉ có một số rất ít doanh nghiệp lớn đang tích tụ tài sản ở mức độ rất cao có vẻ yên tâm vì quy mô đang quá lớn khiến nhà nước phải nể trọng. Nhưng nhìn vào khu vực doanh nghiệp tư cỡ vừa thì mấy năm vừa qua, khá nhiều doanh nghiệp bán tài sản, rút vốn, rút khỏi thị trường hoặc mang vốn ra nước ngoài làm ăn. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì không lớn lên được, thậm chí qui mô trung bình còn bé đi và gần như không có tài sản gì đáng kể. 

Thứ hai là bình đẳng. Ngoài yêu cầu bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, giữa tư nhân trong nước với đầu tư nước ngoài, còn cần bình đẳng giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp thân hữu và không thân hữu, vì doanh nghiệp lớn và thân hữu được ưu tiên rất nhiều về các cơ hội kinh doanh và nguồn lực. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không vượt lên được vì đủ thứ khó khăn, từ tiếp cận các cơ hội thị trường cho tới các yếu tố cần thiết như tín dụng, mặt bằng đất đai, công nghệ, nguồn nhân lực, thông tin... 

Thứ ba là tiếp cận các nguồn lực. Trong kinh tế thị trường, quyền tiếp cận nguồn lực phải công bằng, các nguồn lực được phân bổ chủ yếu theo tiêu chí thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp hay ngành nào có thể sử dụng tốt nhất thì được tiếp cận. Còn chúng ta vẫn đang ưu ái theo thành phần kinh tế, nên các doanh nghiệp nhà nước, FDI và thân hữu luôn được tiếp cận các nguồn lực nhiều hơn, dễ dàng hơn, trong khi hiệu quả sử dụng của nhiều doanh nghiệp trong số họ không cao, thậm chí rất thấp. Nguồn lực vì vậy càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ với đông đảo doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, cản trở họ phát triển, dù họ chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp ở nước ta.


Đổi mới mô hình tăng trưởng nhờ vào KH&CN

Song song với đột phá về thể chế, đột phá về KHCN và giáo dục là con đường quan trọng nhất giúp Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh lợi thế về tài nguyên và lao động giá rẻ không còn, và thời kỳ dân số vàng trôi qua nhanh trong khi già hóa dân số đang tới. Những động lực đã giúp nước ta tăng trưởng khá cao trong thời gian qua như xuất khẩu, FDI, vốn đầu tư cũng khó có thể duy trì bền vững được trong một thế giới cạnh tranh gay gắt và biến động từng ngày trong khu vực và toàn cầu. Tạo những động lực mới từ đột phá về thể chế, về KHCN và giáo dục ở nước ta do vậy càng trở nên cấp bách.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các Bộ KH&CN, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều chính sách khác nhau về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó việc tích cực chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở nước ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần làm rõ các bước tiếp theo chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp sẽ làm gì. Cần xác định các chiến lược và kế hoạch rõ ràng, mạch lạc, có các tiêu chí khoa học và chỉ tiêu thực tế cho từng thời gian, thực thi đồng bộ và chế tài nghiêm khắc. Trước nay Chính phủ hoặc Bộ KH&CN đã từng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo nhưng chưa nhiều tổ chức và doanh nghiệp tiếp cận được. Mặt khác, không ít cơ quan không thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, chẳng hạn về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính thì cũng không ai làm gì được họ.□


Bối cảnh hội nhập ngày càng khó khăn

Tất cả những vấn đề nêu trên càng vô cùng cấp thiết khi đặt trong bối cảnh thế giới ngày nay hết sức phức tạp, thực sự bất định và khó lường hơn bao giờ hết.

Hiện nay Việt Nam thực sự đang đứng “giữa hai làn đạn” chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các đòn trừng phạt hàng hóa Trung Quốc khiến cho các mặt hàng sản xuất từ nguyên phụ liệu có nguồn gốc Trung Quốc không còn được phía Mỹ chấp nhận như trước nữa. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị soi xét kỹ càng; nguy cơ hàng Việt bị trừng phạt vì nghi ngờ giúp Trung Quốc giả mạo xuất xứ, lẩn tránh thuế trong hàng loạt sản phẩm rất cao. Ngoài Trung Quốc, Mỹ cũng tăng giám sát và trừng phạt đối với một số sản phẩm từ các nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Đài Loan, và cả 3 đều là những nơi ta nhập khẩu nhiều và đang tăng mạnh đầu tư vào nước ta. Bản thân nước ta cũng đang xuất siêu sang Mỹ và lọt vào tầm ngắm của họ, nên rất cần tính toán cẩn trọng để giảm dần hoặc ít nhất không làm tăng mức xuất siêu sang thị trường quan trọng này.

Nhìn sang các FTA thế hệ mới như CPTPP hoặc EVFTA, có thể thấy cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không hề ít. Các FTA này đều đòi hỏi các mặt hàng xuất khẩu phải có xuất xứ nội địa hoặc nội khối 30-40% thì mới được hưởng ưu đãi. Đó là những yêu cầu rất cao, khiến Việt Nam không thể cứ chỉ chạy theo thành tích xuất khẩu chung chung và mải miết làm gia công, mà phải thay đổi nhiều mặt mới có thể thật sự được hưởng lợi.

Vậy Việt Nam phải làm những gì và làm như thế nào để có thể vượt qua các thách thức, khai thác các cơ hội từ các hiệp định thương mại đó cho lợi ích của chính mình? Lâu nay chúng ta háo hức trước các FTA, nhưng khi có trong tay thì lại chưa tận dụng được ưu thế cho chính nền kinh tế nội địa và các doanh nghiệp của mình. Thành tựu lớn nhất thường được tính đến qua hội nhập là thu hút FDI và tăng xuất khẩu, nhờ đó GDP tăng cao hơn, song thực tế người hưởng lợi lớn nhất lại là chính các doanh nghiệp FDI với rất nhiều ưu đãi, ưu thế và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu thuộc về họ. 

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu sang nước ta cũng hưởng lợi lớn, kể cả những người không hề đầu tư, không tham gia cùng FTA mà chỉ thuần túy bán hàng cho ta làm hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (như Trung Quốc). Tất nhiên, nhiều doanh nghiệp và ngành hàng trong nước cũng lớn mạnh nhờ nắm bắt được các cơ hội thương mại, đầu tư và quan hệ hợp tác các mặt qua các FTA, song không ít doanh nghiệp và ngành hàng khác trong nước lại phải chịu sức ép cạnh tranh tăng lên là chính, nhất là doanh nghiệp nhỏ.

Trong những năm tới, điều tôi mong đợi nhất trong việc thực hiện các FTA là chúng ta dành sự quan tâm cao nhất tới lợi ích phát triển thực chất, dài hạn của chính đất nước mình, của chính người dân, doanh nghiệp, các ngành hàng và nền kinh tế nội địa của dân tộc mình. Thu hút FDI hay tăng xuất khẩu là cần thiết và quan trọng, nhưng không thể là mục tiêu hay chỉ tiêu chính yếu, nếu chúng không tạo được tác động nâng cao nội lực của nền kinh tế nước nhà và thu nhập thực của người dân. Nâng cao nội lực và thu nhập thực của người dân phải là mục tiêu trọng đại nhất, là lợi ích căn bản và thước đo số một trong hội nhập quốc tế.

Để nâng cao nội lực, các đột phá về thể chế, về KH-CN và giáo dục là những điều kiện tiên quyết. Một số vấn đề chung nhất về hiện đại hóa nền kinh tế tôi đã nói ở trên. Riêng trong thực hiện các FTA, rõ ràng chúng ta cần cố gắng vượt bậc để nâng cao năng suất lao động, chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và doanh nghiệp bản địa trên thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước. Mặt khác phải điều chỉnh mạnh mối quan hệ với các đối tác nước ngoài, tăng cường quan hệ với các đối tác có chung lợi ích, thay đổi cách chơi với các đối tác khác, nhằm tăng lợi ích căn bản và dài hạn của chính ta, giảm cái giá phải trả khi chấp nhận thách thức trong hội nhập./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét