Can thiệp từ nhà nước khiến kinh tế Trung Quốc suy giảm như thế nào?
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại chỉ còn hơn 6% trong năm nay và không có khả năng tăng tốc trong tương lai gần. Trên thực tế, các nhà bình luận kinh tế thường đồng ý rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2019 – vốn ở mức tồi tệ nhất trong gần 30 năm qua – có thể vẫn là tốt nhất nếu so với cả thập niên tới. Điều mà các nhà quan sát không thể đồng ý là việc Trung Quốc nên lo lắng đến mức nào, hoặc các nhà hoạch định chính sách có thể làm gì để cải thiện triển vọng tăng trưởng.Những người lạc quan chỉ ra rằng nếu xét quy mô của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, thì mức tăng trưởng GDP hàng năm chỉ 6% thôi cũng đã lớn hơn cả mức tăng trưởng hai con số 25 năm trước. Những người bi quan lưu ý rằng điều đó có thể đúng, nhưng tăng trưởng GDP chậm lại đang cản trở tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người – đây là một tin xấu cho một quốc gia có nguy cơ bị sa lầy trong bẫy thu nhập trung bình – đồng thời làm trầm trọng thêm các rủi ro tài chính xuất phát từ mức nợ cao của các công ty và chính quyền địa phương.
Bất kể quan điểm của bạn là thế nào, thì một điều không thể chối cãi được là sự không nhất quán về chính sách và lỗi quản trị đã góp phần đáng kể vào suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Vấn đề nằm ở tốc độ cải cách cơ cấu chậm chạp. Tăng trưởng dài hạn phụ thuộc vào sự phân cấp quyền lực nhà nước, gia tăng thị trường hóa, tự do hóa kinh tế lớn hơn, cho phép khu vực tư nhân tiếp cận nhiều hơn với tài chính và các yếu tố sản xuất khác.
Việc chính phủ Trung Quốc thiếu nhất quán trong chính sách có thể gây tác động bất lợi ngay lập tức – và thường là như vậy. Hãy xem xét trường hợp gia tăng chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc, một phần do giá thịt lợn tăng mạnh, bắt nguồn từ việc các chính quyền địa phương quyết định đóng cửa các trang trại lợn nhỏ vi phạm quy tắc bảo vệ môi trường trong vài năm qua, theo báo cáo của cựu phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, các quy định về bảo vệ môi trường và chất lượng không khí đã gây thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các công ty sản xuất vừa và nhỏ rất quan trọng đối với sự năng động kinh tế trong tương lai của Trung Quốc. Tất nhiên, bảo vệ môi trường là quan trọng, nhất là vì sức khỏe cộng đồng, và những thay đổi về thể chế do chính phủ đưa ra đã cải thiện chất lượng không khí. Nhưng cách tiếp cận từ trên xuống của chính phủ trung ương, trong đó áp đặt một bộ chỉ số cứng nhắc lên chính quyền địa phương, là một công cụ thiếu tinh tế có thể làm suy yếu sáng kiến của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ tăng trưởng thực.
Trung Quốc có được phần lớn thành công trong quá khứ là nhờ cho thử nghiệm và cạnh tranh ở cấp địa phương, được thúc đẩy bởi lời hứa thăng chức cho các quan chức phụ trách những khu vực thành công nhất. Ngày nay, các quan chức địa phương được tưởng thưởng lớn hơn nếu đáp ứng các mục tiêu môi trường thay vì các mục tiêu tăng trưởng – và kết quả như thế nào chúng ta đều thấy.
Những hậu quả ngắn hạn của việc chính phủ Trung Quốc thiếu nhất quán cũng có thể được nhìn thấy trong lĩnh vực tài chính. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính phủ kêu gọi các ngân hàng tăng cường cho vay, và các công ty tích lũy một núi nợ lớn, để bù đắp cho các cú sốc bên ngoài. Trong khi điều này giúp cho kinh tế tăng trưởng, nó cũng khiến rủi ro tài chính tăng mạnh.
Tuy nhiên, tới năm 2016, chính phủ đã đảo ngược quan điểm. Ngay cả khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giữ chính sách ở mức trung tính, các ngân hàng vẫn được lệnh phải giảm dư nợ và tín dụng, và khu vực ngân hàng ngầm (shadow banking) quy mô lớn của Trung Quốc đã suy giảm đáng kể. Cách tiếp cận mạnh tay này đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ. Nó cũng thúc đẩy vốn chảy ra ngoài đáng kể và làm suy yếu đầu tư tư nhân, bao gồm cả trong ngành bất động sản, qua đó giảm tăng trưởng GDP danh nghĩa. Vì vậy, tỉ lệ cung tiền trên GDP nói chung của Trung Quốc vẫn không hề giảm.
Ngoài những rào cản tăng trưởng xuất phát từ cách chính phủ theo đuổi các mục tiêu của mình, còn có vấn đề là các mục tiêu này thay đổi thất thường. Điều này phá vỡ kỳ vọng của nhà đầu tư và làm xói mòn niềm tin của thị trường. Các công ty không chỉ ngần ngại đầu tư; mà nhiều trong số đó còn đang giảm quy mô lực lượng lao động của họ. Trong những năm gần đây, việc sa thải ngày càng trở nên khó tránh khỏi ngay cả đối với những gã khổng lồ Internet của Trung Quốc.
Thay vì mở đường cho tiến trình cải cách cơ cấu, những can thiệp từ trên xuống quá mức của chính phủ Trung Quốc đang tăng cường sự mất cân bằng cấu trúc. Các mệnh lệnh từ trên xuống bừa bãi và không thể đoán trước làm tổn thương tất cả các doanh nghiệp, nhưng các công ty tư nhân phải chịu đựng nhiều nhất. Rốt cuộc, các doanh nghiệp nhà nước được hưởng các biện pháp bảo vệ chính thức mạnh mẽ, khiến họ có nhiều khả năng sống sót hơn dù thiếu hiệu quả.
Giống như một phụ huynh bảo vệ con mình quá mức, chính phủ Trung Quốc cần phải học cách buông tay. Vâng, một cách tiếp cận truyền thống về quản lý kinh tế vĩ mô có thể chứa đựng một số rủi ro. Các công ty có thể quyết định tích lũy nợ quá mức và các ngân hàng có thể cung cấp tín dụng quá nhiều hoặc quá ít. Nhưng các biến động phát sinh phần lớn chỉ là tạm thời.
Về lâu dài, một cách tiếp cận như vậy sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thị trường, cho phép các công ty năng động nhất phát triển và hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng ổn định, điều cần thiết để Trung Quốc trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền trung ương cuối cùng có thể phải giảm can thiệp để tránh ngáng đường họ.
Zhang Jun là Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Phục Đán, và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, một viện nghiên cứu tư vấn chính sách tại Thượng Hải.
Biên dịch: Phan Nguyên
Nguồn: Zhang Jun, “China’s Damaging Policy Disruptions”, Project Syndicate, 30/12/2019.
The Observer(nghiencuuquocte.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét