Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Đầu Xuân, bàn về cải cách thể chế của Đổi mới 2.0

Đầu Xuân, bàn về cải cách thể chế của Đổi mới 2.0
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - 27/01/2020 (VNF) - “Bắt ở trần phải ở trần - Cho may ô mới được phần may ô” là câu thơ chẳng biết do ai sáng tác, nhưng phản ánh khá chân thực đời sống của xã hội ta trước thời kỳ đổi mới (trước năm 1986). Đây là thời kỳ cơ chế thị trường không được chấp nhận, Nhà nước đứng ra lo gần như tất cả và phân phối gần như tất cả - từ băng vệ sinh cho chị em phụ nữ, đến bàn chải cạo râu cho các đấng nam nhi”.

Cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp là mô thức vận hành xã hội chủ yếu trước năm 1986. Đây là cơ chế một mặt bóp nghẹt các quyền tự do của người dân đặc biệt là tự do kinh doanh, tự do kế ước, mặt khác làm cho Nhà nước luôn luôn phải tất bật lo toan mọi thứ và bị quá tải nặng nề.

Đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 1985 -1986 trực tiếp là do chính sách giá-lương - tiền sai lầm gây ra, sâu xa là do cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp đã bóp nghẹt đời sống kinh tế của đất nước và năng lực sáng tạo của người dân.

Thực ra, nếu quyền tự do được bảo đảm, người dân sẽ có “một ngàn lẻ một” cách để xử lý những vấn đề phát sinh và mưu cầu một cuộc sống no đủ hơn. Mang tính biểu tượng sâu sắc là câu chuyện về một giáo sư nuôi lợn trên căn hộ tập thể của mình. Một giáo sư (nhiều người cho rằng đó là giáo sư Văn Như Cương) nuôi lợn trên căn hộ của mình tại khu tập thể và bị công an lập biên bản phạt vi cảnh. Anh cảnh sát khu vực nói với vị giáo sư: “Thưa giáo sư, ông bị phạt vì nuôi lợn trên căn hộ tập thể”. Vị giáo sư đã ôn tồn trả lời: “Tôi đồng ý nộp phạt nếu như anh chứng minh được là tôi nuôi lợn chứ không phải lợn nuôi tôi. Toàn bộ lương tháng của tôi chỉ mua được 1,5 kg thịt lợn. Trong lúc đó con lợn này mỗi tháng tăng trọng được 6 kg. Nó làm ra nhiều tiền gấp 4 lần tôi đấy!”.

Cho dù giáo sư nuôi lợn không phải là một sự phân công lao động hợp lý, thì ví dụ nói trên vẫn cho thấy sự năng động của cá nhân là một nguồn lực to lớn để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tạo ra không gian rộng lớn hơn cho sự năng động này chính là bản chất sâu xa của những cố gắng cải cách được triển khai sau Đại hội lần thứ VI của Đảng. Thuật ngữ được dùng để chỉ những cố gắng cải cách nói trên chính là Đổi mới. (Trong bài viết này tôi gọi đó là ĐỔI MỚI 1.0).

Thật to lớn là những thành tựu của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới bắt đầu từ năm 1986! Từ một nước thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Từ một nước nghèo đói, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với tỷ lệ người nghèo theo chuẩn quốc tế năm 2018 chỉ còn 5,35%. Từ một nước kết nối khó khăn, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân tiếp cận internet thuộc hạng tăng nhanh trên thế giới, đạt 52% năm 2015. Kể không hết là những thành tựu của 30 năm đổi mới!

Tuy nhiên, thách thức đang đặt ra sau hơn 30 năm đổi mới lại không hề nhỏ. Thách thức đầu tiên là cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh tự do hóa, hội nhập quốc tế là một định hướng chính sách lớn của Đổi mới 1.0. Càng tự do hóa bao nhiêu chúng ta càng hội nhập sâu với thế giới bấy nhiêu. Nếu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP năm 1985 đạt 18,2%, thì năm 2000 là 96,5%, năm 2013 là 153,9% và năm 2019 là trên 200%. Điều này có nghĩa là độ mở của nền kinh tế của chúng ta rất lớn; là phần lớn sự giàu có của chúng ta đang đến từ ngoài biên giới quốc gia; là cạnh tranh đang gõ cửa từng nhà, từng thiết chế cấu thành nên nền quản trị quốc gia của chúng ta.

Cạnh tranh thì không chỉ là giữa những người dân việt Nam với những người dân của các nước khác, giữa những doanh nghiệp Việt Nam với những doanh nghiệp của các nước khác, mà quan trọng nhất là giữa nền quản trị quốc gia của Việt Nam với nền quản trị quốc gia của các nước khác.

Áp lực phải cải cách nền quản trị quốc gia đến không chỉ từ cạnh tranh quốc tế, mà còn từ đòi hỏi của đời sống nội tại. Trong 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước đều gắn liền với những cải cách rất quan trọng liên quan đến mô thức quản trị quốc gia. Tự do hóa nông nghiệp chính thức bắt đầu từ Khoán 10 (năm 1988) đã biến nước ta từ nước thiếu ăn trở thành nhà xuất khẩu gạo (và nhiều nông sản khác) đứng hàng đầu thế giới. Việc mở rộng quyền tự do kinh doanh và từ bỏ độc quyền ngoại thương của Nhà nước, đặc biệt là từ khi có Luật công ty (năm 1990), Luật doanh nghiệp tư nhân (năm 1990), đã giúp các lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển vượt bậc, công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt thành tựu ít quốc gia đang phát triển nào sánh kịp. Việc gia nhập WTO (năm 2007) và hội nhập với thế giới cũng đã tạo ra bước phát triển mới trên mọi lĩnh vực giúp nước ta thoát khỏi địa vị của nước có thu nhập thấp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, những khó khăn và suy giảm trong mấy năm vừa qua cho thấy động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã bắt đầu suy cạn. Đây là lúc chúng ta cần có nguồn động lực mới để tiếp tục phát triển lâu bền hơn và với chất lượng cao hơn. Nguồn động lực đó sẽ đến từ đâu nếu không phải từ những cải cách thể chế, mà quan trọng nhất là cải cách nền quản trị quốc gia.

Áp lực phải cải cách nền quản trị quốc gia còn đến từ sự bùng nổ của cách mạng thông tin và truyền thông. Chỉ tính riêng internet, hiện nay, nước ta có đến gần 50 triệu người truy cập và sử dụng, và con số này vẫn đang tăng lên hết sức nhanh chóng hàng ngày. Điều đặc biệt đáng lưu ý ở đây là tuyệt đại đa số những người sử dụng internet đều thuộc về thế hệ trẻ, thế hệ đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước.

Tiếp cận với internet nghĩa là có cả thế giới trên 10 đầu ngón tay. Cơ hội của hàng chục triệu người dân mở rộng kiến thức, khám phá sự thật và so sánh với những chiêm nghiệm thực tế là động lực to lớn để phát triển, nhưng đồng thời cũng là thách thức không kém phần to lớn, nếu chúng ta không có được những cải cách tương ứng và kịp thời.

Nếu tự do hóa là linh hồn của những cải cách được tiến hành từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay, thì chuyên nghiệp hóa phải là linh hồn của những cải cách từ nay trở đi. Đây chính là ĐỔI MỚI 2.0.

Cải cách theo hướng tự do hóa là không dễ, khi di sản chúng ta thừa kế là một nền quản trị tập trung, quan liêu, bao cấp. Tuy nhiên, cải cách theo hướng chuyên nghiệp hóa sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Tự do hóa thì đơn giản là như thế này: trước đây không cho phép, thì bây giờ cho phép; trước đây cho phép ít hơn thì bây giờ cho phép nhiều hơn.

Còn chuyên nghiệp hóa thì phải có hiểu biết, có kỹ năng mới có thể làm được. Tự do hóa chỉ tạo ra khuyến khích. Chuyên nghiệp hóa mới tạo ra đẳng cấp. Và đây chính là điều kiện tiên quyết giúp chúng ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình, rủi ro mà nhiều người cho rằng chúng ta sẽ khó lòng tránh khỏi.

Chuyên nghiệp hóa bắt đầu từ việc phân công lao động một cách hợp lý giữa các thiết chế cấu thành nên thể chế của chúng ta. Quan trọng nhất là khắc phục sự trùng lặp, sự chồng chéo giữa Đảng với Nhà nước; giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức xã hội; giữa trung ương với địa phương.

Một trong những cải cách có lẽ không thể trì hoãn thêm được nữa là việc nhất thể hóa giữa Đảng với Nhà nước. Cải cách này sẽ tạo ra sự đột phá trong việc hiện đại hóa và nâng cao chất lượng của nền quản trị quốc gia. Nó cũng làm cho quá trình hoạch định chính sách trở nên ngắn ngọn, mạch lạc, chế độ trách nhiệm được xác lập rõ ràng. Đồng thời, nó còn cắt giảm đáng kể nguồn nhân lực có thể đang bị phân bổ trùng lặp.

Ngoài ra, cải cách thể chế còn cần hướng tới việc tuyển chọn cho được những người tài. Một cơ chế cạnh tranh lành mạnh và minh bạch phải là linh hồn của những cố gắng cải cách ở đây. Có hai cách để tuyển chọn người tài có thể phù hợp cho giai đoạn phát triển hiện nay của Việt Nam.

Một là tranh cử trong Đảng, hai là thi cử để tuyển chọn người tài. Tranh cử trong Đảng là cách thức đáng tin cậy hơn cả để lựa chọn ra những chính khách tài giỏi của đất nước. Thi tuyển nghiêm ngặt là cách thức đáng tin cậy hơn cả để tuyển chọn những công chức và viên chức tài giỏi cho nền hành chính - công vụ quốc gia.

Cải cách nền quản trị quốc gia là một công việc to lớn và khó khăn. Công việc này đòi hỏi không chỉ những đổi mới mang tính đột phá về tư duy, mà còn cả một sự thống nhất ý chí, một sự đồng thuận rất cao trước hết là trong Đảng và sau đó là trong xã hội. Mà như vậy, thì chúng ta cần phải có thời gian hơn để nghiên cứu, trao đổi và thống nhất ý kiến với nhau. Tạo ra đồng thuận là không thể thiếu để có thể tiến hành cải cách thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét