Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Luận mô hình nhà nước và phát triển

Bài này khá hay, nhưng dường như tác giả ngầm ủng hộ áp dụng mô hình quả đầu cho VN. Tôi thì ngược lại, ủng hộ mô hình dân chủ. Chỉ có dân chủ mới chọn được người có đức, có tài để lãnh đạo đất nước phát triển.
Luận mô hình nhà nước và phát triển (*)
Huỳnh Thế Du, 26/1/2020 (TBKTSG Xuân) - Trải qua hàng ngàn năm tiến hóa bộ gen của con người chỉ thay đổi rất ít. Do vậy, những hành xử của chúng ta không khác nhiều ngày xưa. Những lý luận nền tảng về nhà nước và xã hội ngày nay, về cơ bản được dựa trên những lý thuyết của những nhà tư tưởng cổ xưa, đặc biệt là ba triết gia Hy Lạp gồm: Socrates, Plato và Aristoteles. Lật lại những lập luận nền tảng từ xưa và so với thực tiễn có thể soi rọi rất nhiều điều.
Dân chủ và Quả đầu
Hai mô hình tổ chức nhà nước kinh điển trên thế giới: dân chủ và quả đầu (thiểu số tinh hoa) cùng những biến thể của chúng được Aristoteles nêu ra trong “Chính trị luận” cách đây 2.400 năm. Theo nguyên bản của Aristoteles thì sự khác biệt giữa quả đầu và dân chủ là ở chỗ giàu và nghèo (có và không có tài sản). Tuy nhiên, nhìn từ lăng kính ngày nay, dân chủ là chế độ theo phổ thông đầu phiếu; trong khi quả đầu là chế độ mà ở đó xã hội được lãnh đạo bởi tầng lớp ưu tú (thiểu số tinh hoa) và mỗi người cần phải thỏa mãn những điều kiện hay có những “tài sản” nhất định để có thể được chọn vào một vị trí nào đó trong hệ thống.

Aristoteles cho rằng dân chủ hay quả đầu đều có thể thích hợp cho các bối cảnh khác nhau và mô hình nào cũng quyết định dựa trên đa số; và “những chính quyền nào mà quan tâm đến phúc lợi chung của mọi người là những chính quyền được thiết lập đúng theo công lý, hiểu theo nghĩa nghiêm nhặt nhất, và đó là những chính quyền đúng đắn; còn những loại chính quyền nào chỉ lo quyền lợi của kẻ cai trị là những loại chính quyền đầy rẫy khuyết điểm và bại hoại...”.

Với phân tích của Aristoteles thì mô hình được xem là đúng đắn, và mô hình chính quyền tối hảo phải do những người tài ba nổi trội hơn những người khác (tài năng và đức hạnh) cai trị. Ông cũng đã chỉ ra những trục trặc của dân túy mà nó đang rất đúng trong thời đại ngày nay.

Trên thực tế, không có chế độ dân chủ hay quả đầu một cách thuần túy. Ví dụ, mô hình dân chủ kiểu Mỹ cũng có nhiều yếu tố quả đầu và mô hình quả đầu của Singapore cũng có nhiều yếu tố dân chủ. Do vậy, lập luận chỉ có mô hình này đúng và phù hợp và mô hình kia không phù hợp với tất cả các nước là không có cơ sở. Mô hình nào phù hợp là tùy điều kiện và hoàn cảnh của mỗi nước và “mô hình chính quyền tốt nhất là một chính quyền trong đó mọi người, bất kể là ai, đều có thể sinh hoạt theo đúng khả năng cao nhất của họ và sống một đời sống hạnh phúc” như Aristoteles phân tích.

Trục trặc của mô hình dân chủ gắn với kinh tế thị trường thuần túy

Trong bài viết Trả lại vai trò của Cộng đồng, trên Project-Syndicate - trang tin thảo luận của những học giả hàng đầu thế giới, Dani Rodrik - giáo sư Đại học Harvard, một học giả đi đầu trong phát triển chỉ ra rằng không thể phủ nhận kinh tế thị trường đã tạo ra nhiều thành quả cho sự phát triển, nhưng rõ ràng nó đang có những trục trặc nghiêm trọng. Sự chia rẽ về kinh tế và xã hội ở nhiều nơi đang gây ra những xáo trộn, từ Mỹ, Đức, Ý đến các nước đang phát triển như Philippines và Brazil. Những biến động chính trị này cho thấy cách nhìn nhận về vai trò của kinh tế thị trường không còn hoàn toàn phù hợp. Kinh tế thị trường thuần túy và dân chủ mỗi người một lá phiếu đang có những trục trặc nghiêm trọng được thể hiện trong ba vấn đề dưới đây.

Thứ nhất, bất bình đẳng và phân chia những thành tựu của loài người không đồng đều. Nhà kinh tế học người Pháp Piketty đã phân tích rất rõ vấn đề này trong tác phẩm “Tư bản ở thế kỷ 21” với bất đẳng thức nổi tiếng của ông là tốc độ tăng giá trị của cải của những người nắm giữ chúng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ sau khi kết thúc Thế chiến thứ 2 đến nay. Tổ chức Oxfarm đã chỉ ra rằng phần của cải của 1% nhân loại đã nhiều hơn của 99% còn lại từ năm 2016.

Thứ hai, thị trường bị chi phối bởi số ít doanh nghiệp. Bài viết với tiêu đề Cạnh tranh: Cuộc cách mạng tư bản tiếp theo trên tờ Economist ngày 15-11-2018 đã chỉ ra điều này. Các doanh nghiệp đang có được những khoản lợi nhuận bất thường khổng lồ. Chỉ những doanh nghiệp ít liên quan đến ngoại thương thì khoản này đã lên đến 660 tỉ đô la Mỹ, bằng gần 3 lần GDP Việt Nam. Toàn cầu hóa và mở rộng thị trường đã không tạo ra cạnh tranh lành mạnh, để giảm lợi nhuận bất thường của các doanh nghiệp mà là ngược lại.

Thứ ba, sự biến hình của mô hình dân chủ phổ thông. Trong bài viết Liệu Dân chủ Mỹ có thể quay trở lại? trên Project-Syndicate ngày 6-11-2018, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz đã nhận xét rằng: “Những điều lý tưởng của người Mỹ về tự do, dân chủ và công lý cho tất cả mọi người chưa bao giờ trở thành hiện thực. Dân chủ đã trở thành của, do và vì một số ít; và công lý chỉ cho tất cả những người, da trắng và có khả năng có nó”. Mục tiêu mỗi người một phiếu và mọi người bình đẳng như nhau đã không thể đạt được mà mô hình dân chủ này đang bị lũng đoạn bởi những chính trị gia dân túy gây chia rẽ và sự thù hằn.

Ông Lý Quang Diệu đã rất thẳng thắn: “Ngược với những gì giới bình luận chính trị Mỹ nói, tôi không tin vào chế độ dân chủ nhất thiết sẽ dẫn tới phát triển... Dân chủ dẫn đến những điều kiện vô kỷ luật và thiếu trật tự rất có hại cho sự phát triển...”.

Thu hút tài năng - nhân tố thành công của mô hình quả đầu


Góc nhìn của ông Lý Quang Diệu về nhà nước hay chính quyền trong thời hiện đại rất giống với những gì mà Aristoteles đã chỉ ra các đây 2.400 năm. Ông Lý cho rằng:

Thử nghiệm căn bản đối với giá trị của một hệ thống chính trị là liệu hệ thống ấy có giúp cho xã hội đó thiết lập được những điều kiện để cải thiện sức sống của đa phần người dân, cộng thêm việc có tối đa được các quyền tự do cá nhân phù hợp với các quyền tự do của những người khác trong xã hội hay không...

Không có cách nào khác để vận hành một đất nước tốt hơn là dùng người giỏi nhất cho công việc khó khăn nhất...

Với Singapore, thách thức cơ bản vẫn chưa thay đổi: trừ phi chúng tôi liên tục có nhiều người có năng lực cao để đảm nhận cương vị Thủ tướng và Bộ trưởng, nếu không điểm đỏ nhỏ bé Singapore sẽ trở thành một chấm đen bé xíu... Để tìm được những con người có năng lực, tận tụy, chính trực và sẵn sàng cống hiến giai đoạn sung sức nhất của mình, và dám vượt qua quá trình bầu cử đầy rủi ro, chúng tôi không thể trả lương thấp cho các vị bộ trưởng và nói phần thưởng duy nhất của họ chính là sự đóng góp của họ cho lợi ích chung được.


Người ta nói con người nghĩ cho bản thân. Nói một cách trung thực thì bạn có tin rằng một gã không học hết tiểu học lại biết rõ kết quả lựa chọn của mình khi gã trả lời theo bản năng câu hỏi về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo không. Nhưng chúng tôi biết kết quả. Chúng tôi sẽ chết đói, chúng tôi sẽ bị xung đột sắc tộc. Chúng tôi sẽ tan rã.

Để có một chính phủ tốt, bạn phải có những con người giỏi trong chính phủ. Suốt 40 năm qua, tôi quan sát thấy rằng ngay cả với một hệ thống chính phủ kém nhưng có những con người giỏi giang thì người dân vẫn có một chính phủ tạm ổn với mức tiến bộ kha khá. Mặt khác, tôi đã thấy nhiều hệ thống chính quyền lý tưởng bị thất bại.

Hai nước Anh và Pháp đã viết hơn 80 bản hiến pháp cho các thuộc địa khác nhau của mình. Chẳng có gì sai với các bản hiến pháp, các thiết chế, vấn đề chi tiêu và các cán cân cả. Thế nhưng xã hội lại không có những nhà lãnh đạo vận hành được các thiết chế đó và cũng không có những con người tôn trọng các thiết chế đó... Một dân tộc đánh mất niềm tin vào các thiết chế dân chủ của mình bởi vì họ không tìm thấy người đủ năng lực để điều hành họ, cho dù hệ thống đó rất tốt thì dân tộc đó sẽ suy tàn. Cuối cùng, chính người dân mới vận hành hệ thống để cho nó đi vào cuộc sống.

Không chỉ Singapore mà thu hút tài năng vào các vị trí của nhà nước cũng là chìa khóa thành công của các nền kinh tế Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đây cũng là nhân tố tạo ra sự thành công của Trung Quốc trong mấy thập kỷ qua. Điều cần lưu ý là tất cả các nơi đã thành công đều có một chính quyền trung ương mạnh được lãnh đạo và vận hành bởi những người tài năng và đức hạnh. Tuy nhiên, rắc rối đã xảy ra khi quyền lực tập hợp vào tay một số ít nhóm hoặc cá nhân có đặc quyền, quan hệ thân hữu, như từng xảy ra ở các nước trong khu vực, mà không tạo điều kiện cho các tài năng tham gia vào chính quyền.

Sự tương phản của hai mô hình

Tất cả các nước thành công và trở nên phát triển trên thế giới hiện nay đều dựa trên nền tảng kinh tế thị trường và hầu hết đều có nhiều nhân tố của mô hình dân chủ. Tuy nhiên, đây chỉ là những kết quả cuối cùng, trong khi các nước được xem là có nền dân chủ vững chắc như Mỹ chẳng hạn, đang gặp phải những vấn đề hết sức nghiêm trọng. Thêm vào đó, ít nhất là từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay, chưa có nước đi theo mô hình dân chủ phổ thông ngay từ đầu có thể trở nên thịnh vượng.

Trái lại, các nước thành công đều trải qua một giai đoạn tập trung quyền lực cần thiết vào nhà nước và số ít lãnh đạo quốc gia (các dạng mô hình quả đầu) để có thể định hướng và dẫn dắt các chính sách theo hướng có lợi cho quốc gia với việc khơi gợi được khát vọng vươn lên. Nhưng, khi sự tập trung quyền lực vào số ít mà quốc gia thiếu khát vọng, không có áp lực vươn lên, thường dẫn đến trục trặc. Do vậy, đây là một quá trình có sự tương tác một cách hữu cơ để đi đến một xã hội dân chủ và cởi mở hơn chứ không phải duy ý chí, áp đặt một mô hình cố định nào đó ngay từ ban đầu, nhất là các mô hình nhập khẩu từ bên ngoài không phù hợp.

Như vậy, trong trường hợp như Việt Nam, việc chọn cái đích dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh là đúng. Việc quan trọng là lựa chọn cách đi hợp lý để đạt được mục tiêu này trên cơ sở hiểu rõ những xu hướng của thời đại, đặc điểm và tình hình của quốc gia, của dân tộc. Hơn thế, đây là một quá trình động nên cần linh hoạt điều chỉnh sao cho các kết quả được liên tục và phù hợp với tình hình thực tiễn. n

(*) Các trích dẫn trong bài của Aristoteles là trong Chính trị luận và của Lý Quang Diệu là trong "Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Mỹ và Thế giới" của Allison và Blackwill (2015)

https://www.thesaigontimes.vn/299001/luan-mo-hinh-nha-nuoc-va-phat-trien-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét