|
Bà Nguyễn Thị Thu Trang
|
- Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Chắc chắn là Việt Nam được nhiều hơn mất trong hội nhập, thậm chí có thể nói chủ yếu là được. Chúng ta “được” ở thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật và môi trường kinh doanh minh bạch, theo các chuẩn mực, xu hướng chung của thế giới; “được” ở sức ép cạnh tranh, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ, qua đó buộc các doanh nghiệp phải thay đổi, người tiêu dùng hưởng lợi. Bên cạnh đó, chúng ta còn “được” ở cơ hội tham gia tốt hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; “được” ở sức ép tái cơ cấu kinh tế, thay đổi điều chỉnh phương pháp quản lý kinh tế.
Chắc chắn là Việt Nam được nhiều hơn mất trong hội nhập, thậm chí có thể nói chủ yếu là được.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang
|
Có thể ở chỗ này chỗ khác có ý kiến cho rằng Việt Nam hội nhập “quá nhanh, quá nguy hiểm” khiến sản xuất trong nước không thích ứng kịp và bị thiệt hại. Nhưng, đó là một vài hiện tượng đơn lẻ. Tôi chưa thấy có thông tin về một ngành nào, khía cạnh kinh tế nào của Việt Nam bị tan vỡ, phá sản chỉ vì hội nhập cả.
Tuy nhiên, cũng có một điều chắc chắn khác, rằng những gì mà chúng ta thực tế thu được từ hội nhập còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Lấy ví dụ về thay đổi thể chế khi gia nhập WTO. Hồi đó, chúng ta đã sửa tổng cộng 29 luật, sửa hoặc ban hành mới hàng trăm nghị định, số các thông tư được thay thế thì không đếm được. Làn sóng này đã hầu như làm thay đổi bộ mặt hệ thống pháp luật về kinh tế và môi trường kinh doanh Việt Nam. Mặc dù vậy, phần nhiều trong số các sửa đổi mới chỉ dừng lại ở mục tiêu đáp ứng vừa đúng các cam kết WTO, không hơn. Nghĩa là chỗ nào WTO không đụng tới thì hệ thống vẫn như vậy.
|
Ông Vũ Thành Tự Anh |
- Ông Vũ Thành Tự Anh: Quả thật là chúng ta đã có một cơ hội rất lớn để làm mới, hoàn thiện hệ thống pháp lý và chính sách khi gia nhập WTO. Nhưng thực tế các bộ luật này có nhiều điểm không tương thích với nhau dẫn đến việc gặp rất nhiều trở ngại khi áp dụng, thậm chí là không áp dụng được vì đúng với luật này lại mâu thuẫn với luật khác. Thêm vào đó là những nhóm lợi ích, cụ thể là các bộ thường tìm cách cài cắm những lợi ích của mình trong luật, tạo ra những điều khoản có lợi cho bộ của mình mà không nhất thiết phù hợp với lợi ích chung của nền kinh tế. Hệ quả là chúng ta có văn bản, có thành tựu trên giấy rất đồ sộ nhưng trên thực tiễn bị triệt tiêu và vô hiệu hóa rất nhiều.
Hội nhập là con đường tất yếu, bắt buộc phải đi. Không hội nhập thì Việt Nam quay lại thời kỳ những năm 1980, không ai chấp nhận được. Vấn đề là hội nhập phải đi kèm với những chính sách có tính đồng thời và bổ trợ. Cái mình thiếu là thiếu cái đó.
Ông Vũ Thành Tự Anh
|
Còn về kỳ vọng đầu tư thì quả thật tăng vọt, nhất là đầu tư gián tiếp với số tiền lên tới 9 tỉ đô la Mỹ, tương đương 135.000 tỉ đồng lúc bấy giờ. Nhưng Ngân hàng Nhà nước vào lúc đó không đủ khả năng kiểm soát, trung hòa dòng tiền vào một cách ồ ạt này. Hệ quả tất yếu là lạm phát cao và bất ổn kinh tế. Tôi nhớ là tháng 8-2008, lạm phát lên tới 28%. Con số đó không thể nào quên được.
Nhìn rộng hơn với tất cả các FTA, cái được là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng một cách đột biến. Đi đôi với nó là cấu trúc xuất nhập khẩu cũng thay đổi một cách cơ bản, chuyển từ dầu thô, nông sản, tài nguyên... sang điện thoại, điện tử. Nhưng, điều đáng báo động là sự phụ thuộc vào vốn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) ngày càng sâu sắc và hiện chưa thấy đường ra!
Tôi từng đi thăm một xưởng sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu đi Nhật, hiển nhiên được phân loại là công nghệ cao rồi. Tôi hỏi họ ba câu: Đầu vào công nhân của anh như thế nào? Đào tạo mất bao lâu? Và họ làm những gì? Câu trả lời tôi nhận được là đầu vào thường tốt nghiệp tiểu học, đào tạo chừng một tuần và công việc cụ thể là ngồi gắp từng con chíp, nhấc từ chỗ này sang chỗ khác. Câu chuyện làm tôi liên tưởng ngay đến vở hài kịch của vua hài Charlot “Thời đại tân kỳ”, chỉ khác là con ốc số 99, ngày xưa được thay bằng con chíp số 99 và thay vì dầu mỡ đầy tay thì nay mặc áo trắng toát, trông rất hoành tráng nhưng bản chất gia công đơn điệu, giá trị gia tăng thấp thì không khác gì. Đây chính là bi kịch, là nghịch lý của phát triển công nghiệp Việt Nam.
Đây là những điểm cốt tử. Nếu không giải quyết được thì đi chữa những cái ngoài da cũng không thể giải quyết được vì bệnh đã vào xương tủy.
|
Bà Phạm Chi Lan |
- Bà Phạm Chi Lan: Nếu không có sức ép và những đòi hỏi, cam kết từ các hiệp định thì Việt Nam rất khó cải cách để gần hơn với kinh tế thị trường. Đây là cái được lớn nhất của Việt Nam khi hội nhập.
Tiếp đến, hội nhập đã tạo động lực mới cho kinh tế. Trước hội nhập, Việt Nam đã tăng trưởng đều đặn nhờ xuất khẩu và khu vực FDI nhưng động lực từ tư nhân trong nước thì chưa có. Đến giai đoạn 1999-2000, khi có Luật Doanh nghiệp, tư nhân mới phát triển rồi gặp Hiệp định song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), các nước mở cửa thị trường cho hàng Việt Nam thì lực lượng này có cơ hội phát triển ra bên ngoài cũng như trở thành động lực của nền kinh tế. Và đến WTO, thêm rất nhiều cơ hội mở ra. Song song đó, các doanh nghiệp nhà nước đặt trong điều kiện kinh doanh bình thường hơn, thay vì được bao bọc như trước đây, cũng đã phát triển tốt hơn, nhất là ở lĩnh vực da giày, dệt may, viễn thông.
Nhưng, những cái mất cũng chính ở những cái được này. Đầu tiên cũng là thể chế. Việt Nam đã có nhiều cam kết khi gia nhập WTO cũng như các FTA nhưng chưa đáp ứng được. Nếu thực hiện chuyển đổi tốt thì Việt Nam sẽ khắc phục được những vấn đề về chất lượng FDI, về thuế… đã được nêu lên lâu nay.
Hay như vấn đề phát triển nội lực. Sự quá ưu ái cho FDI đã tạo ra những bất bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân khi đây là đối tượng cuối cùng trong thụ hưởng chính sách và thực ra là không còn gì.
TBKTSG: Vậy, vì sao có thực tế này?
- Ông Vũ Thành Tự Anh: Cái này phải nói rõ ngay từ đầu để tránh hiểu lầm. Hội nhập là con đường tất yếu, bắt buộc phải đi. Không hội nhập thì Việt Nam quay lại thời kỳ những năm 1980, không ai chấp nhận được. Vấn đề là hội nhập phải đi kèm với những chính sách bổ trợ có tính đồng bộ. Cái mình thiếu là thiếu cái đó.
Đầu tiên là hệ thống pháp luật. Khi hệ thống pháp luật không đồng bộ, thiếu nhất quán, thậm chí manh mún và chắp vá thì chi phí tuân thủ của doanh nghiệp rất cao, hơn thế là tạo ra bất trắc cho họ. Như vậy làm sao phát triển?
Thứ hai là cơ sở hạ tầng. Có xuất khẩu nhưng cơ sở hạ tầng kém thì hoạt động đấy phải tụ lại ở đâu đó. Khi tụ lại thì thu hút nhập cư, gây tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường, tạo gánh nặng cho địa phương.
Thứ ba là về chính sách doanh nghiệp. Trong thời gian rất dài, Việt Nam kỳ thị doanh nghiệp tư nhân, đối xử không công bằng với họ, thậm chí tạo ra ba khuôn khổ pháp lý cho ba khu vực kinh tế rất vênh lệch nên không có được doanh nghiệp tư nhân lớn. Hệ quả là chúng ta tạo ra nền kinh tế lưỡng phân: doanh nghiệp nội và ngoại không liên kết, không tạo nên chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất cho Việt Nam.
Thực tế thì có những thứ rất khó để làm nhưng có những việc muốn làm là được. Ví dụ như chuyện pháp luật.
Vấn đề là chúng ta có làm hay không! Nhưng cần nhớ một điều rằng, ở thời điểm này, không có giải pháp, chính sách nào hoàn hảo và không phải trả giá. Cải cách ở Việt Nam đã đến ngưỡng muốn thực hiện căn cơ đều phải trả giá, đánh đổi.
- Bà Phạm Chi Lan: Đó là vì thể chế. Một thể chế tốt là có đầy đủ Nhà nước, thị trường và xã hội. Nhưng chúng ta thiếu hai vế sau. Chúng ta nói Chính phủ kiến tạo từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn đang vật vã với những vấn đề của mình. Chính phủ đi ký kết bên ngoài nhưng không tự nâng cao năng lực thể chế. Vì vậy mà làm yếu việc tận dụng cơ hội các FTA mang lại.
Còn về phía doanh nghiệp, phải nói rằng họ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh. Hay nói cách khác thể chế nào thì tạo ra doanh nghiệp nấy.
- Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Tôi nghĩ ở đây có hai câu chuyện tương đối khác biệt. Chuyện hội nhập nói chung, và chuyện tận dụng các FTA nói riêng.
Như đã nêu, những điều mà chúng ta để vuột mất trong hội nhập chủ yếu là từ góc độ thể chế. Vậy thì nguyên nhân chắc chắn sẽ nằm ở phía Nhà nước là chủ yếu. Không phải bất cập thể chế, pháp luật khó nhận diện hay không tìm được giải pháp, mà là các cơ quan có ở tâm thế sẵn sàng sửa đổi thể chế để khắc phục bất cập hay không.
Còn nếu chỉ nói riêng về việc chưa tận dụng các FTA thì câu chuyện lại hơi khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc tỷ lệ tận dụng các FTA thấp, trong đó tất nhiên và trước hết là chuyện doanh nghiệp thiếu chủ động tìm hiểu để biết cơ hội nằm ở đâu và hành động để hiện thực hóa các cơ hội đó. Phần nguyên nhân khác nằm ở phía các cơ quan quản lý nhà nước. Việc tận dụng các cơ hội từ FTA có thể đã hiệu quả hơn nếu như các văn bản hướng dẫn được ban hành đầy đủ, kịp thời hơn; công tác phổ biến tuyên truyền cho doanh nghiệp từ những người đi đàm phán, người có thể nói là hiểu nhất về các cam kết, được thực hiện hiệu quả, hệ thống hơn và việc tổ chức thực hiện trên thực tế minh bạch và hợp lý hơn.
TBKTSG: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là hai hiệp định thế hệ mới được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội, cú hích mới cho Việt Nam. Vậy, quý vị đánh giá như thế nào về cơ hội này?
- Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Có một cơ hội chung, rất đáng kể từ CPTPP và EVFTA là cơ hội cải cách thể chế thông qua sức ép bắt buộc từ các cam kết. Đây là cơ hội hầu như không có trong các FTA truyền thống với các cam kết chỉ tập trung vào xóa bỏ thuế quan và hàng rào phi thuế quan. Về cơ hội kinh tế, cả hai đều hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích đáng kể, khi các đối tác CPTPP và EU đều là những đối tác thương mại đầu tư đặc biệt lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cũng nằm ở đây: đó là liệu chúng ta có thể hiện thực hóa các cơ hội về thể chế và kinh tế kỳ vọng hay không. Với Nhà nước, vấn đề là liệu có thể biến quy tắc, thể chế tốt trong các FTA này thành những cơ chế tương ứng trong hệ thống pháp luật, chính sách nội địa một cách nhuần nhuyễn, thực chất và thống nhất hay không? Với doanh nghiệp, câu hỏi là từng doanh nghiệp có thể tận dụng các ưu đãi thuế quan và các quyền khác được trao từ các cam kết không?
- Ông Vũ Thành Tự Anh: Thực sự là tôi không mấy lạc quan. Nhiều khả năng sẽ đi vào vết xe đổ của WTO dù các hiệp định này toàn diện hơn. Tôi không kỳ vọng nhiều vào các hiệp định mà mong chờ vào các động lực của nền kinh tế. Căn bệnh của nền kinh tế Việt Nam đã ăn vào xương tủy rồi.
Chúng tôi đã quan sát nền kinh tế này từ lâu, có đủ độ trầm tĩnh để biết cái gì có thể và không thể. Cái có thể là nền kinh tế tăng trưởng theo quán tính, 6-7% mỗi năm là trong tầm tay, thậm chí Nhà nước không làm gì cũng được vậy, trừ khi có những đổ vỡ lớn của thế giới. Chúng ta đã có rất nhiều cơ hội nhưng không bao giờ biến nó thành hiện thực được. Quãng đường phía trước rất chông gai. Chỉ có thể thay đổi được khi có quyết tâm áp đặt kỷ luật với các nhóm lợi ích, đặc quyền đặc lợi và chấp nhận phải trả giá, đánh đổi.
- Bà Phạm Chi Lan: Cải cách thể chế đã rất cấp thiết. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây nói trước Quốc hội đã lập đi lập lại: thể chế, thể chế và thể chế. Thủ tướng Phan Văn Khải trước đây cũng từng nói như vậy. Đảng cũng đang đưa vấn đề này ra bàn luận.
Quan trọng là thời gian không cho chúng ta trì hoãn nữa. CPTPP đã thực hiện được một năm, nghĩa là chỉ còn bốn năm là hết thời gian các thành viên gia hạn cho Việt Nam hoàn thiện các cam kết. Lúc đó, nếu Việt Nam không đạt chuẩn thì không những không tận hưởng được lợi ích mà vẫn phải mở cửa cho họ vào. Nếu chuyện đó xảy ra thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm với lịch sử. Nói như vậy để khẳng định cần quyết tâm nhiều lần hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét