Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

Những câu hỏi sau đêm mất ngủ

Bâng khuâng nhớ tới câu thơ của nhà thơ Lê Đạt (bị xử lý trong vụ nhân văn giai phẩm 1986) "đem bục công an đặt giữa trái tim người; Tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước". Nhiều người cho biết hồi chiến tranh 1945-1975, đất đai khắp nơi được trao cho quân đội sử dụng, đi đâu cũng thấy ao bộ đội, giếng bộ đội, nhà bộ đội, hội trường bộ đội, khu để quan trang quân dụng... rồi bãi tập, khu chăn nuôi bộ đội... Hồi đó không ai dám xâm phạm, ai cũng nghĩ phải hy sinh tất cả cho quốc phòng. Nhưng khi đất hòa bình, bộ đội rút dần; đất bỏ không, dân lại sử dụng để canh tác. Dân sử dụng từ đó đến nay không thấy chính quyền đả động gì. Vậy mà đất Đồng Tâm quá phức tạp. Trong bối cảnh chung như vậy, chẳng nhẽ lại xử lý đất Đồng Tâm theo cách khác ? Trận tập kích vào nhà dân đất Đồng Tâm với lực lượng và trang bị như thế, vào giờ tranh tối tranh sáng như thế, và chỉ để xử lý một nhóm nhỏ dân với vũ khí thô sơ, tự tạo và “không được sự ủng hộ của hầu hết dân Đồng Tâm” (như chính quyền thông báo) mà bị thiệt mạng tới 3 sỹ quan, trong đó có sỹ quan cao cấp thì là thất bại hay đánh đẹp ? Thực sự đánh úp như thế mà vẫn thất bại thảm bại thế này thì lúc đánh địch thật sự sẽ ra sao? Nhân dân có còn tin tưởng vào lực lượng vĩ trang không?
Những câu hỏi sau đêm mất ngủ
Mai Thanh Sơn 11-1-2020 - Vụ Đồng Tâm thực sự đã trở thành một “sự kiện” mà dù muốn hay không nó cũng sẽ được ghi vào “biên niên sử”. Từ một tranh chấp dân sự, dần chuyển thành một vụ án hình sự, bây giờ đã trở thành một thảm hoạ nhân đạo. Số người thương vong chưa được thống kê đầy đủ, nhưng tôi tin sẽ làm không ít người giật mình. Máu người Việt cả đấy. Tôi xót thương cho ĐỒNG BÀO tôi, bất kể thuộc bên nào. Họ đều là NẠN NHÂN.
Image result for ông kình
Đêm mất ngủ, tự bật ra mấy câu hỏi:
1. Tại sao từ khi bắt đầu có vụ tranh chấp công khai (2017) đến nay Bộ Quốc phòng không hề lên tiếng? 
Nếu thực sự 59ha đồng Sênh là đất Quốc phòng từ 1980, Bộ Quốc phòng nhẽ ra phải lên tiếng trước. Bộ Quốc phòng bao giờ cũng là nơi có những tấm bản đồ chi tiết, và họ giữ bản đồ rất tốt. Trong công tác tham mưu, “bản đồ đâu?” luôn là câu hỏi đầu tiên của tất cả các vị chỉ huy tác chiến đối với các trợ lý của mình. Thế nhưng cho đến nay, Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ và cả Lữ đoàn 28 là đơn vị đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở sân bay Miếu Môn đều im lặng. Nếu là đất Quốc phòng, theo luật, vệ binh có thể bắn bỏ tất cả những kẻ vi phạm. Nếu là đất Quốc phòng, chỉ cần Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội liên quan trực tiếp lên tiếng, tôi tin rằng không ai dám chống đối.

2. Bộ Quốc phòng có tiến hành thanh/kiểm tra công tác quản lý quỹ đất của mình hay không?

Tất cả các thông tin về thanh tra đất đai khu vực sân bay Miếu Môn từ trước đến nay đều chỉ do thanh tra nhà nước cung cấp. Vậy thanh tra quân đội ở đâu nếu thực sự các đơn vị quản lý sân bay Miếu Môn để cho dân chiếm đất Quốc phòng? Nếu thực sự 59ha đất đồng Sênh là đất Quốc phòng mà đơn vị quản lý vẫn để cho dân xâm canh, nộp thuế cho xã, thì Tư lệnh PK-KQ và Lữ trưởng Lữ đoàn 28 phải là những người đầu tiên bị điểm danh kỷ luật.

3. Cuộc tập kích thôn Hoành lúc 4h sáng ngày 09/01/2020 dựa trên cơ sở pháp lý nào?

Người dân thôn Hoành không phạm pháp quả tang. Việc tấn công vào thôn với lý do họ ngăn trở việc thực hiện xây dựng tường bao sân bay (như báo chí đưa tin) là không thuyết phục. Còn nếu coi ông Lê Đình Kình và “Tổ đồng thuận” có âm mưu “bạo loạn/làm phản”, cần tiến hành công tác điều tra làm rõ động cơ, phân loại và trấn áp đúng đối tượng. Nếu muốn khám xét nhà ông Lê Đình Kình, Bộ Công an hoặc Công an Hà Nội phải được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn lệnh, không thể đột ngột kéo hàng ngàn quân vào làm náo loạn cả vùng như trong tình trạng khẩn cấp.

4. Ai là người chủ trương và ra quyết định?

Theo quy định về phân cấp/trao quyền, UBND huyện Mỹ Đức và UBND thành phố Hà Nội là những đơn vị thực hiện công tác quy hoạch, cũng là đầu mối chịu trách nhiệm giải quyết những khiếu kiện/xung đột về đất đai. Nếu Hà Nội chủ trương và quyết định tập kích thôn Hoành, họ chỉ được phép sử dụng lực lượng công an thành phố. Nhưng những thông tin về sự thiệt hại phía cảnh sát lại chỉ ra rằng, đó là binh sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô (K.20), thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, nghĩa là thuộc Bộ Công an chứ không phải Công an Hà Nội. Trung đoàn này không nhận lệnh từ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, mà từ Tư lệnh của mình. Và Tư lệnh Cảnh sát cơ động không thể điều quân, nếu không nhận được sự đồng thuận từ cấp trên.

5. Thực sự, đến nay đã có bao nhiêu người thương vong?

Tất cả các thông tin trên mạng đều không chính thức và không đáng tin. Liên quan đến sinh mệnh của công dân, các bên liên quan đến “sự kiện Đồng Tâm” cần minh bạch, tránh để tình trạng đồn thổi gây hoang mang.

Đây là những trăn trở của tôi, và có lẽ cũng đồng cảm với không ít người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét