Dân sợ cai trị hà khắc còn hơn sợ hổ dữ
Cổ nhân có câu: “Đắc dân tâm giả đắc thiên hạ”, người được lòng dân thì được cả thiên hạ hay “muốn yên được thiên hạ thì phải có được lòng người.” Việc cai trị hà khắc khiến dân sợ hãi thì chớ có làm, bởi vì dù bách tính hiền lành, ngờ nghệch, có thể chịu nghèo đói, có thể chịu cúi đầu, nhưng vẫn luôn có giới hạn của nó. Vua là thuyền, dân là nước, “nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”…Về việc cai trị hà khắc, trong Lễ Ký có chép một chuyện thế này: Đức Khổng Tử khi sang nước Tề, đi qua núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà khóc ở ngoài đồng, nghe thê thảm lắm. Ngài cảm thấy người đàn bà ấy trong nhà dường như có nhiều người cùng qua đời. Rồi, sai thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà thưa rằng:
– Ở đây lắm hổ, bố chồng tôi đã chết về hổ, chồng tôi đã chết về hổ, bây giờ con tôi lại chết về hổ nữa. Thảm lắm, ông ạ!
Thầy Tử Cống bảo:
– Thế sao không bỏ chỗ này đi ở chỗ khác?
Người đàn bà nói:
– Tuy vậy nhưng ở đây chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc như các nơi khác.
Thầy Tử Cống đem câu truyện lại thưa với đức Khổng Tử.
Đức Khổng Tử nói:
– Các ngươi nhớ lấy: Chính sách hà khắc hại hơn là hổ!
Sau “Cổ học tinh hoa” có lời bàn rằng: Người đàn bà ở một nơi lắm hổ, hổ ăn thịt mất bố chồng, mất chồng lại mất con, đáng nhẽ phải bỏ nơi ấy mà đi nơi khác. Nhưng không. Là tại làm sao? Tại người đàn bà cho chính sách các nơi khác hà khắc dữ tợn là hổ. Ôi! hổ có hại, chỉ hại một số ít người, chớ chính sách hà khắc hại cả muôn dân; hổ có hại chỉ một phương, chớ chính sách hà khắc lại cả toàn quốc, hổ lại còn có bẫy, cạm trừ bỏ được, chớ chính sách hà khắc hại, trừ bỏ rất khó lòng. Ai là người có chút quyền chính trị trong tay, mà chẳng nên lấy câu “Hà chính mãnh ư hổ” để làm câu cảnh giới cho dân được nhờ ru!
Thời xưa các vị hoàng đế, các vị vua anh minh đều coi trọng việc lấy dân làm gốc. Trong sử sách có ghi lại rằng khi Trung Hoa xảy ra động đất, hoàng đế Khang Hy từng nhanh chóng cứu tế, áp dụng nhiều biện pháp khắc phục, và nghiêm khắc triệu tập triều đình nhằm xem xét sai lầm của bản thân và các quan lại, sửa đổi lại những chính sách hà khắc. Ông đã nêu ra 6 điều hà khắc của triều đại nhà Thanh rất đáng suy ngẫm như sau:
Một là: Các cấp quan lại cai trị hà khắc và bắt dân chúng phải lao dịch nặng nề, vơ vét của dân cho đầy túi tham khiến nhân dân khốn khổ cùng cực.
Hai là: Có rất nhiều quan đại thần vì tư lợi mà làm trái phép công.
Ba là: Trong lúc dùng binh, tùy tiện giết người đốt nhà, cướp bóc của người dân vô tội.
Bốn là: Quan lại địa phương đối với những điều khốn khổ của nhân dân thì không dâng sớ tâu trình phản ánh. Còn đối với việc cứu trợ cho dân chúng những lúc thiên tai hạn hán thì xâm phạm cướp đoạt bừa bãi, báo cáo giả dối, nhân dân trong thực tế không được hưởng sự cứu trợ của nhà nước.
Năm là: Hình phạt tù ngục bất công, nhiều vụ án tồn đọng không xem xét giải quyết.
Sáu là: Người nhà và nô bộc của nhiều vương công đại thần chiếm đoạt lợi ích của dân đen, can thiệp vào việc kiện cáo tố tụng, làm càn bậy coi thường pháp luật.
Sau đó, hoàng đế Khang Hy đã cùng các quan lại dưới quyền đưa ra nhiều biện pháp và hình phạt để trừ bỏ những điều hà khắc trên.
Việc ứng xử trước thiên tai này cho thấy Khang Hy đế là bậc minh quân lỗi lạc. Khang Hy đế được xem là người mở đầu thời kỳ thịnh trị kéo dài hơn 100 năm của nhà Thanh. Trong lịch sử Trung Hoa, ông là vị hoàng đế giữ ngai vàng lâu nhất, 61 năm, cũng là một trong những người cai trị lâu nhất trong lịch sử thế giới.
Trong “Tuân Tử – Vương chế” viết: “Quân vương là thuyền, dân chúng là nước, nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền.” Tuân Tử từng ví rằng ngựa kéo xe một khi bị kinh hãi thì quân vương ngồi trong xe cũng sẽ không yên được. Nếu như dân chúng mà sợ sệt chính sự tức thì địa vị của bậc quân chủ cũng không yên. Dân chúng mà sợ hãi chính sự thì không có gì tốt hơn cách ban ân cho họ. Lựa chọn người tài đức làm quan, đề bạt người trung thành mà lại nghiêm chỉnh vì dân phục vụ, đề xướng hiếu đễ, thu nhận nuôi dưỡng mẹ góa con côi, giúp đỡ người nghèo khổ, làm được như vậy tức thì tâm của dân chúng đối với việc chính trị sẽ được an. Như thế thì địa vị của quân chủ mới được lâu dài, vững chắc.
Mỗi một triều đại hưng thịnh hoặc làm nên cơ nghiệp lớn trong lịch sử đều có yêu cầu nghiêm khắc đối với đức hạnh của người làm vua, làm quan. Đồng thời phải đặt đạo trị quốc “lấy dân làm gốc” lên hàng đầu. Còn sự lụi tàn của chúng trong lịch sử cũng đều là do sự bạc nhược, yếu kém, và sa đọa của triều chính. Đây cũng là bài học quý giá mà lịch sử nói cho hậu thế ngày nay.
Minh Nhật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét