Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Mặt Thật Nhà Nước Độc Quyền Điện Lực

Mặt Thật Nhà Nước Độc Quyền Điện Lực
Tập đoàn EVN là một điển hình của nhà nước độc quyền được đảng cộng sản sử dụng để bảo vệ độc quyền kinh tế và bóc lột người tiêu thụ. Đầu năm 2015 cả Tập đoàn EVN và Bộ Công Thương cùng hăm dọa “nếu không cho phép tăng giá điện, EVN sẽ phá sản và ngành điện Việt Nam sẽ sụp đổ”. Tập đoàn EVN phá sản là một điều đáng mừng cho người tiêu thụ vì có như thế thì ngành điện Việt Nam mới khá được.

Miền Nam Thiếu Điện!
Sáng ngày 9/8/2018, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngô Sơn Hải cho biết: “Việt Nam có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020. Trong giai đoạn năm 2021-2023, hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam.”. Điện là một nhu cầu thiết yếu cho đời sống dân miền Nam và phát triển kinh tế tại miền Nam, tuyên bố như trên cho thấy sự vô trách nhiệm và quản lý tồi tệ của thể chế độc quyền cộng sản.

Hiểu rõ ràng và chính xác sự việc giúp chúng ta đánh giá được hiện tình phát triển kinh tế và xã hội tại Việt Nam.

Thủ Phạm Tập đoàn EVN


Ba Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 78% công xuất và sản lượng điện sản xuất tại Việt Nam.

Tập đoàn EVN được Hà Nội giao độc quyền truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng. Giá bán điện do Tập đoàn EVN, Bộ Công thương và Thủ tướng đưa ra, doanh nghiệp và người tiêu thụ bắt buộc phải chấp nhận giá bán không được quyền thương lượng.

Thế mà Tập đoàn EVN vẫn liên tục khai lỗ với lý do giá bán điện thấp hơn giá thành để đòi nhà nước cấp bù lỗ hay cho tăng giá điện. Giá thành, mà Tập đoàn EVN đưa ra, nếu tính thêm phí tổn môi trường bị hủy hoại ảnh hưởng đến đời sống và tài sản của người dân, thì khoản thực lỗ vô cùng to lớn.

Tập đoàn EVN có thể cố tình liên tục tạo lỗ nhằm cản trở kế hoạch cổ phần hóa các nhà máy sản xuất tiếp tục nắm giữ độc quyền nghành điện và cản trở Việt Nam thực thi các ký kết với quốc tế về thị trường tự do.

Giá mua điện từ các nhà máy phát điện nhỏ và nhập khẩu cũng không rõ ràng. Bởi thế mới có thông tin Tập đoàn EVN nhập khẩu điện từ Trung cộng với giá cao gấp 2-3 lần giá mua điện từ các nhà máy phát điện nhỏ trong nước.

Điều đang được dư luận nhắc tới là Tập đoàn EVN phải nhập cảng than để sản xuất điện từ Trung cộng với giá cao gấp 3 lần giá than đã bán cho Trung cộng trước đây và cao hơn giá nhập cảng từ các quốc gia khác.

Để bảo vệ độc quyền ngành điện, Tập đoàn EVN tìm mọi cách ép giá mua, đồng thời tạo rào cản để các doanh nghiệp tư nhân và ngoại quốc không đầu tư sản xuất điện năng tại Việt Nam.

Thiếu đầu tư vào sản xuất là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu điện cung cấp cho miền Nam cũng như cho cả nước.

Thiếu điện là rủi ro lớn nhất cho việc đầu tư vào các hoạt động kinh tế và cản trở phát triển kinh tế và xã hội tại miền Nam.

Cản trở đầu tư là cản trở Việt Nam hội nhập vào cộng đồng thế giới ngày càng bảo vệ môi trường bằng cách gia tăng sản xuất điện gió và điện mặt trời.

Việc xóa bỏ độc quyền của Tập đoàn EVN vì thế phải là ưu tiên hàng đầu để thu hút đầu tư sản xuất và phân phối điện tạo một thị trường điện cạnh tranh lành mạnh.

Có cạnh tranh lành mạnh các tệ nạn như lãng phí điện, quản lý tồi, cản trở đầu tư và sản xuất mới được giải quyết.

Khi đó sản lượng điện sẽ tăng, giá thành sẽ giảm, giá điện tiêu thụ giảm, phát triển kinh tế và xã hội mới thực sự bền vững.

Tòng Phạm Samsung Việt Nam


Đương nhiên lỗi từ phía Hà Nội, nhưng trong một thời gian rất ngắn Samsung mở 2 nhà máy lớn, sản xuất càng ngày càng tăng nên nhu cầu về điện tăng cũng là nguyên nhân cho việc thiếu điện.

Ngày nay nhiều quốc gia khuyến khích cư dân sử dụng pin mặt trời tự cung cấp điện tiêu dùng, thừa thì bán, thiếu thì mua từ mạng điện quốc gia.

Samsung đầu tư lên đến chục tỷ Mỹ Kim để xây dựng hai nhà máy tại Bắc Ninh, mướn cả trăm ngàn công nhân, đang hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng mà lẽ nào không tự xây dựng nhà máy cung cấp điện.

Trang web Samsung Vietnam Newsroom cho biết công ty Samsung hướng đến cung cấp 100% năng lượng tái tạo cho các hoạt động tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung cộng và sẽ tiếp tục mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn thế giới.

Được biết Samsung mỗi ngày tiêu thụ chừng 1 triệu kWh như vậy chỉ cần đầu tư chừng 300 triệu Mỹ Kim xây 1 nhà máy điện mặt trời là Samsung có khả năng tự cung cấp điện, nếu dư có thể bán lại còn thiếu thì mua vào từ nguồn điện lực Việt Nam.

Làm như thế Samsung vừa tránh được rủi ro lệ thuộc nguồn điện, vừa đầu tư để sinh lời, vừa không làm ảnh hưởng đến nhu cầu điện lực của người Việt và của các doanh nghiệp nhỏ khác.

Muốn làm ăn lâu dài Samsung nên xem xét việc tự cung cấp điện cho sản xuất tại Việt Nam.

Thủy điện

Thủy điện là nguồn cung cấp điện lớn nhất tại Việt Nam, hầu như hoạt động hết công xuất và ít khả năng mở rộng sản xuất.

Thủy điện gây nạn mất rừng, hủy hoại môi trường sinh thái, xói lở ở dòng sông, cưỡng bức di dân, xả lũ, vỡ đập, ảnh hưởng đến môi trường sống và sản xuất của người dân.

Ở Việt Nam tất cả những chi phí kể trên, người dân phải gánh chịu nên lập luận cho rằng giá thành thủy điện thấp nhất là hoàn toàn sai. Việc không tính các chi phí xã hội vào giá thành là bóp méo thị trường cách tính này cần phải được thay đổi.

Thủy điện thải khí nhà kính methane (CH4) và cả khí CO2. Lượng khí thải ra ngang như việc đốt dầu để sản xuất cùng số lượng điện.

Nhiều quốc gia trên thế giới nay đã chấm dứt việc xây đập thủy điện, thậm chí có nơi còn chấp nhận tốn tiền để phá bỏ như trường hợp ở Mỹ, Nhật.

Điện than
Việt Nam có khoảng 20 nhà máy điện than đang vận hành tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.7 triệu tấn/năm.

Trong khi nhiều nước đã ngừng không xây dựng các nhà máy điện than mới thì Việt Nam lại dự định cho đến năm 2030 xây đến 80 nhà máy.

Trong các nguồn điện sử dụng nhiên liệu, nhiệt điện than thải khí nhà kính lớn nhất, để sản xuất 1 kWh điện, các nhà máy nhiệt điện than thải khoảng từ 0,8 – 1 kg khí CO2.

Các nhà máy nhiệt điện than còn thải ra nhiều chất độc hại như thủy ngân, khí SO2, CO, asen,… Những chất thải này gây ra mưa axit, nguy hại đến sức khỏe và gây ung thư.

Nhiệt điện than tiêu thụ một lượng nước rất lớn để làm nguội máy, nước nóng từ nhà máy đưa ra lên đến 40 độ C nếu không để nguội xả ngay ra sông sẽ ảnh hưởng nặng đến môi trường.

Tro xỉ thải ra trong sản xuất cũng gây tác động đến môi trường, không khí, đất và phát sinh các chi phí xử lý. Nhiều thông tin cho thấy Tập đoàn EVN không có những phương cách cụ thể để xử lý khối than xỉ ngày càng gia tăng ở mức độ rất lớn.

Nếu tính thêm các chi phí xã hội phải gánh chịu thì giá thành điện than cao hơn giá thành từ điện gió và điện mặt trời.

Than nhập cảng đang tiếp tục tăng giá, nâng giá thành điện lên cao hơn.

Tập đoàn EVN hằng năm phải nhập cảng hàng chục triệu tấn than, vì thế cần có nguồn than ổn định nếu không sẽ là rủi ro lớn cho việc sản xuất điện than tại Việt Nam.

Những nhà máy điện than có nguồn vốn, kỹ thuật và nhà thầu Trung cộng đều gây ô nhiễm trầm trọng môi trường, thải nhiều khí nhà kiếng và tạo thành những núi phế liệu tro xỉ, khiến dân địa phương liên tục biểu tình phản đối.

Việc sử dụng công nghệ cao để sản xuất điện than sẽ giảm thiểu tàn phá môi trường nhưng đòi hỏi đầu tư cao và như thế sẽ tăng giá thành điện sản xuất.

Nhiều quốc gia đánh thuế trên than đá tương tự như thuế môi trường đánh trên xăng dầu tiêu thụ, để giá thành giữa điện than và điện tái tạo sẽ như nhau, nhằm tạo cạnh tranh và thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời.

Ngoài nguồn thủy điện và điện than, Việt Nam còn sản xuất điện bằng dầu và khí đốt.

Việt Nam có tiềm năng khí đốt rất lớn vì thế điện sản xuất từ khí đốt nên được xem là một nguồn điện thay thế cho điện than.

Điện gió và điện mặt trời

Là nguồn năng lượng tự nhiên tái tạo, không thải ra các chất ô nhiễm gây thiệt hại cho môi trường và không gây tổn hại đến hệ sinh thái.

Nếu thị trường hoạt động thực sự tự do thì giá sản xuất từ điện gió, điện mặt trời hiện đã cạnh tranh được với điện than như đã trình bày phần trên.

Điện gió và điện mặt trời càng ngày càng được sử dụng nhiều hơn, giá đầu tư và giá thành cũng càng ngày càng giảm nên về lâu dài việc đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận hơn điện than.

Hoa Kỳ và Liên Minh Âu Châu đã công khai ý định giúp Việt Nam phát triển năng lượng sạch thay thế điện than.

Bờ biển đồng bằng sông Cửu Long rất thuận lợi về mặt địa hình, gió ven biển mạnh và liên tục, dễ khai thác và rất thuận lợi cho việc đầu tư các dự án điện gió, với tiềm năng khai thác rất lớn.

Việc xây dựng trang trại điện gió tại khu vực bãi bồi sẽ tận dụng được diện tích mặt biển, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Các tỉnh miền Trung có nhiều đồi thoải mặt đất bằng phẳng, khí hậu ổn định, nhiều nắng, có nắng nóng quanh năm nên rất thuận tiện xây dựng các trang trại điện mặt trời.

Điện gió và điện mặt trời tốt cho môi trường và sức khỏe người dân, tạo ra ngành công nghiệp mới, tạo việc làm và phát triển kinh tế địa phương.

Cung cấp điện cho người dân nông thôn và vùng núi sẽ giúp giải quyết nạn đói nghèo, tạo công bằng xã hội, và như thế mới thực sự là phát triển kinh tế và xã hội.

Nhìn chung phát triển nguồn điện gió và điện mặt trời chính là giải pháp nhằm nâng cao an ninh năng lượng và phát triển quốc gia.

Kết

Tập đoàn EVN là một điển hình của nhà nước độc quyền được đảng cộng sản sử dụng để bảo vệ độc quyền kinh tế và bóc lột người tiêu thụ.

Đầu năm 2015 cả Tập đoàn EVN và Bộ Công Thương cùng hăm dọa “nếu không cho phép tăng giá điện, EVN sẽ phá sản và ngành điện Việt Nam sẽ sụp đổ”.

Tập đoàn EVN phá sản là một điều đáng mừng cho người tiêu thụ vì có như thế thì ngành điện Việt Nam mới khá được.

Còn đảng cộng sản mà phá sản là hồng phúc dân tộc Việt Nam nhờ thế đất nước mới không bị phá sản, thực sự phát triển và phát triển bền vững.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
13/8/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét