Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Chung con cướp Cung thiếu nhi HN để làm gì ?

UBND TP HÀ NỘI CƯỚP ĐẤT VÀ BIỆT THỰ CUNG THIẾU NHI ĐỂ LÀM GÌ?
Thu hẹp Cung Thiếu nhi Hà Nội: Cắt “đất vàng”, lấy sân chơi của trẻ
Báo Lao Động06/08/2018 - Được xem là ngôi nhà chung của hàng nghìn thiếu nhi thủ đô, Cung thiếu nhi Hà Nội là “địa chỉ đỏ” lưu dấu tuổi thơ của nhiều thế hệ. Thế nhưng, mới đây UBND TP.Hà Nội có văn bản yêu cầu sắp xếp, xử lý lại nhà, đất của Cung Thiếu nhi khiến rất nhiều người băn khoăn, lo lắng. Diện tích phần đất, sân chơi cho thanh thiếu niên tại thành phố vốn đã ít, nay nếu bị thu hẹp thì sẽ càng thiếu... 


Thu hồi “lâu đài tuổi thơ”?
Ghi nhận của PV Lao Động, Cung Thiếu nhi Hà Nội tọa lạc ngay khu vực trung tâm của Thủ đô. Công trình này nằm ngay bên cạnh tượng đài Vua Lý Thái Tổ và hồ Gươm huyền thoại. Trong những ngày hè, Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những địa điểm rất đông đúc, nhộn nhịp với nhiều lớp học, các chương trình sinh hoạt dành cho thiếu nhi Thủ đô. Theo tìm hiểu của PV, mỗi năm tại đây có khoảng 2 vạn lượt thiếu nhi đến tham gia sinh hoạt tại hơn 70 bộ môn đang được giảng dạy, đào tạo tại cung.

Theo ghi nhận đến ngày 5.8, Cung Thiếu nhi đang tổ chức hội trại hè với sự tham gia của hàng trăm thiếu nhi và phụ huynh Thủ đô. Dòng người ra vào nườm nượp. Tuy vậy, trước thông tin cung phải sắp xếp, xử lý lại cơ sở nhà, đất điều chuyển quản lý, gửi Sở Tài chính tổng hợp trình UBND thành phố xem xét, quyết định khiến nhiều giáo viên, học sinh và cả phụ huynh đã tỏ ra lo lắng, băn khoăn.

Theo lãnh đạo Cung Thiếu nhi Hà Nội, thực hiện chủ trương của thành phố sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Cung Thiếu nhi, Cung đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan để thực hiện các quy trình theo yêu cầu quản lý: “Việc sắp xếp này cũng có nhiều cán bộ tâm tư, nơi này đã gắn bó với họ nhiều kỷ niệm. Thành đoàn thành phố cũng có làm việc với cán bộ, công nhân viên của Cung để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những người gắn bó với nơi đây”

Chia sẻ với PV Lao Động, một cán bộ của Cung chia sẻ, “dãy nhà A cùng “Phòng truyền thống Bác Hồ với thiếu nhi” - được xem là “lâu đài tuổi thơ” là nơi có nhiều gắn bó với các thế hệ thiếu nhi thủ đô. Khi nghe sắp xếp lại chúng tôi ai cũng thấy buồn. Rất mong khu nhà trên được giữ lại, không bị thu hồi. Nhiều người cũng rất mong muốn diện tích cung không bị thu hẹp, bảo đảm được sân chơi, nơi học tập cho thiếu nhi, nơi làm việc cho cán bộ. Nơi đây chứng kiến sự trưởng thành của bao thế hệ thiếu nhi Thủ đô” - cán bộ này nói.



Cần giữ gìn sân chơi cho trẻ

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, PGS-TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội - cho rằng: Trẻ em cần được phát triển toàn diện chứ không chỉ có học kiến thức. Đối với sân chơi của trẻ em cần được quan tâm ở nhiều nơi khác nữa. Đặc biệt với Cung Thiếu nhi - giống như cái nôi từ xưa đến nay là nơi vui chơi giải trí, học tập, đào tạo kỹ năng cho rất nhiều thế hệ thiếu nhi trưởng thành từ đó.

“Do đó, tôi tin rằng, thành phố sẽ không vì bất cứ lý do gì mà lại có chuyện xâm phạm, lấy đi khu vui chơi, sinh hoạt, học tập, đào tạo kỹ năng của trẻ. Thành phố rất quan tâm tới việc phát triển của trẻ em, mà ở Cung Thiếu nhi là một dấu ấn, không có gì có thể thay thế được. Vì vậy, chuyện lấy đất của cung để sử dụng vào mục đích khác là hoàn toàn không hợp lý và tôi tin chắc thành phố sẽ không thực hiện điều như vậy”- bà An nhấn mạnh.

Còn TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Các khu Công nghiệp Việt Nam - cho hay, sân chơi, nơi học tập cho trẻ em là điều rất cần thiết do vậy không nên thu hẹp lại diện tích của cung. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý cũng cần phải siết chặt quản lý, sử dụng diện tích cung một cách hợp lý, dành lại được sân chơi, nơi sinh hoạt cho trẻ.

“Chúng ta không xây thêm sân chơi cho trẻ thì thôi, cớ sao lại thu hẹp. Trong khi đó, Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những điểm hiếm hoi có sân chơi, rèn luyện giáo dục, phát triển kỹ năng cho trẻ giữa một đô thị đông đúc. Mặt khác, Cung nằm ở vị trí trung tâm do đó rất thuận tiện cho phụ huynh và học sinh được tiếp cận để phát triển các kỹ năng toàn diện. Tôi cho rằng, nên giữ nguyên chứ không nên thu hẹp” - ông Đạt chia sẻ thêm.

Theo tìm hiểu của PV, Cung Thiếu nhi bao gồm 3 cụm công trình: Toà nhà 5 tầng, rạp Khăn Quàng Ðỏ và một toà nhà có từ thời Pháp - chính là toà nhà đang được yêu cầu bàn giao. Toà nhà này có kiến trúc Pháp, cao hai tầng, bao quanh là sân vườn, có tổng diện tích hơn 1.200m2. Với vẻ đẹp cổ kính, nhiều thế hệ giáo viên, học sinh gọi toà nhà này là “lâu đài tuổi thơ”.

Thời Pháp, khu vực này mang tên “Ấu trĩ viên” (vườn trẻ). Toà nhà kiến trúc Pháp nêu trên là nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946. Từ ngày tiếp quản Thủ đô (1954) đến nay, toà nhà vẫn được sử dụng để phục vụ cho thiếu niên, nhi đồng. Trong quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ (do UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2015), quần thể xung quanh toà nhà Ấu trĩ viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng.

Về công năng, dù gọi chung là Khu nhà Truyền thống nhưng toà nhà này đang được sử dụng nhiều mục tiêu. Theo tìm hiểu của PV, toà nhà gồm 26 phòng, trong đó có đến 15 phòng sử dụng để dạy học, còn lại là phòng truyền thống, 6 phòng làm việc…

VƯƠNG TRẦN
__________________

Các văn bản thể hiện quy trình cướp Cung Thiếu Nhi Hà Nội:




.
https://xuandienhannom.blogspot.com/2018/08/ubnd-tp-ha-noi-cuop-at-va-biet-thu-cung.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét