Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Tại sao Maduro vẫn nắm quyền ở Venezuela?

Tại sao Nicholás Maduro vẫn nắm quyền ở Venezuela?
Mỹ: Tổng thống Venezuela, một kẻ độc tài 
Những cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn, một nền kinh tế hỗn loạn và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng cũng không thể lay chuyển quyền lực của vị tổng thống. Nicolás Maduro, Tổng thống Venezuela, không được nhiều người ủng hộ. Bốn trong số năm người Venezuela nghĩ rằng chính phủ của ông làm việc không hiệu quả. Họ nói đúng.

Đất nước của họ, có trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh là nhiều hơn Ả Rập Saudi, dân số chỉ 31 triệu người, và một vị trí địa lý đáng ghen tị, lại đang ở giữa cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất thế giới, với những hàng người xếp hàng mua bánh mỳ theo phong cách Liên Xô, sự thiếu hụt các loại thuốc cơ bản và sự gia tăng đáng chú ý các chỉ số tiêu cực như tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và sốt rét. Lạm phát đang hướng đến mức 2.000% vào năm tới. Đồng nội tệ bolívar chỉ còn 0,8% giá trị so với đồng USD trong năm năm qua. 

Các chính phủ đang công khai mô tả rằng những động thái gần đây của Tổng thống Venezuela nhằm tiếm quyền của quốc hội dân cử là một mối đe dọa đối với dân chủ và khu vực. Ngay cả những người ủng hộ ông cũng đang vất vả để có thể mô tả về Maduro như là một người có chút sức hấp dẫn. Vậy tại sao ông ta vẫn đang nắm quyền?

Ông Maduro phải cảm ơn người tiền nhiệm về sự tồn tại này của mình. Trong suốt nhiệm kỳ 14 năm của mình, Hugo Chávez đã làm suy yếu một cách có hệ thống tất cả các thể chế chính của quốc gia này, đặt tất cả mọi thứ vào lợi ích của đảng cầm quyền, và đảm bảo rằng bất cứ sự thay đổi nào do phe đối lập dẫn đầu sẽ hoặc bị thách thức hoặc là bất khả thi. Toà án tối cao, cơ quan tư pháp và lực lượng vũ trang của Venezuela, dù ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng đều nằm dưới ngón tay cái của tổng thống. Chỉ có một cơ quan vẫn duy trì độc lập, và đó là quốc hội.

Quốc hội Venezuela được chuyển sang phe đối lập nắm quyền kiểm soát sau một cuộc bỏ phiếu đảo chiều lớn vào tháng 12 năm 2015. Nhưng điều đó không thực sự quan trọng với ông Maduro. Ông ta có thể chỉ đạo tòa án tối cao phục tùng mình để bãi bỏ các đạo luật của quốc hội khi được yêu cầu. Tương tự như vậy, khi cuộc trưng cầu dân ý chống lại ông Maduro dường như sẽ đảm bảo rút ngắn nhiệm kỳ của ông hồi năm ngoái, một tổ chức khác, hội đồng bầu cử, đã làm công việc bẩn thỉu cho vị tổng thống bằng cách trì hoãn và rốt cộc là ngăn chặn cuộc bỏ phiếu.

Điều đó khiến cho một sự chuyển đổi quyền lực nhanh chóng là bất khả thi. Phe đối lập đã đi đến kết luận rằng lựa chọn khả thi duy nhất của họ là xuống đường. Đảng này hy vọng rằng các cuộc biểu tình quy mô lớn sẽ chứng minh cho việc ai là người thực sự nắm giữ quyền lực chính ở Venezuela, từ đó thúc giục những nhượng bộ nghiêm túc từ phía chính phủ, hoặc thậm chí là một cuộc nổi dậy. 

Nhưng ông Maduro lại giữ con át chủ bài: quân đội.

Thể chế được được cho là trung lập nhưng lại bị chính trị hóa nặng nề này được gần như gắn liền với cấu trúc chính trị của Venezuela. Các sĩ quan hoặc cựu sĩ quan đang điều hành 11 trong số 32 bộ của chính phủ. Các quan chức chóp bu trong quân đội cũng điều hành các ngành kinh doanh trọng điểm, bao gồm cả ngành phân phối lương thực nhà nước. Điều đó, cùng với những cơ hội kiếm lời chênh lệch giá bằng cách khai thác tỷ giá hối đoái chính thức thấp một cách giả tạo của đất nước này, đã cho phép một tầng lớp tinh hoa trong quân đội thu được những khoản lợi nhuận hậu hĩnh từ sự cai trị hỗn loạn của ông Maduro. 

Đối với các tướng tá, và các quan chức cấp cao trong chính phủ (một số bị đe doạ truy tố nếu có sự thay đổi chế độ), những lợi ích của tình trạng hiện tại đồng nghĩa với việc họ sẽ làm hầu hết mọi thứ để duy trì quyền lực.

Tuy nhiên, áp lực nghiêm trọng đối với chính phủ vẫn tồn tại. Nền kinh tế tiếp tục sụt giảm; mang lại nguy cơ thực sự về vỡ nợ quốc gia. Giờ chính phủ có ít tiền hơn để vừa xoa dịu bất mãn vừa chia sẻ giữa những kẻ tham nhũng. Có những tin đồn dai dẳng về những vụ đào tẩu ở hàng ngũ cấp trung và cấp thấp trong quân đội. Tổng chưởng lý hiện nay rất không thoải mái về đường lối độc đoán của chính phủ mà bà đang phục vụ. Vị tổng thống có thể ngăn chặn cách rõ ràng nhất để đánh bại ông ta, đó là một cuộc bỏ phiếu công bằng. Nhưng ông ta không phải là không thể bị tấn công.

http://nghiencuuquocte.org/2017/06/18/nicholas-maduro-venezuela/
Nguồn: “Why is Venezuela’s Nicolás Maduro still in power”, The Economist, 11/5/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

-------------------------

Mỹ: Tổng thống Venezuela, một kẻ độc tài 

voatiengviet.com, Reuters - Tòa Bạch Ốc ngày 31/7 tuyên bố Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, giờ đây là một kẻ độc tài sau khi chiếm trọn quyền hành thông qua sự kiện mà Washington mô tả là một cuộc bầu cử giả hiệu của Nghịa hội Lập hiến Quốc gia hôm Chủ nhật.

“Ông Maduro không chỉ là một nhà lãnh đạo tồi. Ông ấy giờ đây là một tay độc tài,” cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster tuyên bố tại một cuộc họp báo.

Chính phủ Mỹ ngày 31/7 áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Maduro. Đây là động thái mạnh tay nhất của chính quyền Trump đối với chính phủ Maduro để đáp lại cuộc bầu cử hôm qua.

Loan báo này chưa bao gồm các biện pháp trừng phạt liên quan đến ngành dầu mỏ nước này, nhưng chính phủ Mỹ cho biết đang xem xét tới phương án đó.

Theo các biện pháp chế tài nhắm vào ông Maduro vừa được thông báo, tất cả tài sản của nhà lãnh đạo Venezuela nằm dưới quyền tài phán của Mỹ bị phong tỏa và công dân Mỹ không được phép làm ăn với Tổng thống Maduro.

“Bằng cách chế tài ông Maduro, Hoa Kỳ khẳng định quan điểm đối với các chính sách của chính quyền Maduro và ủng hộ người dân Venezuela muốn đưa đất nước trở lại nền dân chủ thịnh vượng toàn vẹn,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin loan báo.

Ông Mnuchin cho biết những ai tham gia vào cơ quan lập pháp mới của Venezuela có thể sẽ bị Hoa Kỳ chế tài vì gây phương hại cho nền dân chủ Venezuela.

Tại Caracas hôm nay, ông Maduro ăn mừng cuộc bầu cử của cơ quan lập pháp mới vốn dự kiến sẽ mang lại cho đảng xã hội cầm quyền những quyền hạn lấn lướt.

Nguồn tin của Reuters cho hay theo sau các biện pháp chế tài Tổng thống Maduro có thể sẽ là các biện pháp trừng phạt nhắm vào những quan chức cấp cao của nước này cũng như các biện pháp nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ, tùy thuộc vào phạm vi chính phủ Maduro đưa Quốc hội mới đi vào hoạt động sau cuộc bầu cử hôm 30/7.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét