Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Hình ảnh Thủ tướng Việt Nam gây tranh cãi

Hình ảnh Thủ tướng Việt Nam gây tranh cãi
Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam “gây bão” mạng xã hội.
23/07/2017 - Dưới hình ảnh gây tranh cãi, tờ báo của Hội khuyến học Việt Nam viết: “Đây là chương trình nhằm ghi nhớ công lao to lớn của các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Hình ảnh gây tranh cãi.
Hình ảnh một mình ông Nguyễn Xuân Phúc được che ô giữa trời mưa to hôm 22/7 đang gây ra các phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Bức ảnh được truyền thông trong nước đăng tải cho thấy rằng người đứng đầu chính phủ Việt Nam được một người đứng sau che ô giữa trời mưa nặng hạt trong một sự kiện ở tỉnh Quảng Nam.

Trên sân khấu khi ấy, còn có hai cụ bà, một người đàn ông mặc áo mưa mỏng, cùng ba thanh niên mặc áo xanh nước biển của lực lượng tình nguyện đứng “dầm mưa”.

Đây là chương trình nhằm ghi nhớ công lao to lớn của các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Báo Dân Trí viết.

Về chương trình có tên gọi “Một thời hoa đỏ”, báo Dân Trí đăng tải bài viết có tựa đề: “Thủ tướng đội mưa tri ân người có công cách mạng tiêu biểu”.

Trên một diễn đàn trên Facebook, một người sử dụng tên Tô Vũ Lực bình luận: “Ôi thiên đường ô dù”, trong khi một người khác tên Tú Trần lại chọn cách đăng hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng nghiêm dưới trời mưa to trong dịp tới viếng mộ chiến sĩ vô danh ở thủ đô Moscow hồi tháng trước.

Facebooker này cũng đăng ảnh cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama dùng ô che cho đệ nhất phu nhân Michelle Obama, kèm theo bình luận, “Những hình ảnh biết nói…”

Một hình ảnh của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một sự kiện năm 2013.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Thủ tướng Phúc để ghi nhận ý kiến của ông.

Báo điện tử của chính phủ Việt Nam trích lời ông nói tại sự kiện biểu dương người có công khác tại Quảng Nam: “Tất cả chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn khó khăn. Việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo…”

Văn hoá ứng xử là một vấn đề thiếu hụt cực kỳ nghiêm trọng trong nếp sống của người Việt, đặc biệt là từ phía các quan chức. Luật sư Lê Luân viết.

Trên Facebook, luật sư Lê Luân viết: “Tri ân công lao các Mẹ Việt Nam Anh Hùng dưới trời mưa lớn, nhưng các mẹ mặc áo mưa giấy đỡ lấy bằng khen trĩu nặng trên đôi tay gầy mòn, còn ông Thủ tướng đứng vỗ tay dưới chiếc ô che của một người tháp tùng”.

Luật sư này viết thêm: “Văn hoá ứng xử là một vấn đề thiếu hụt cực kỳ nghiêm trọng trong nếp sống của người Việt, đặc biệt là từ phía các quan chức. Cái sự quan cách vẫn còn nặng nề và dường như nó vẫn chưa được cải thiện cho đến nay”, ông viết.

“Hãy nhìn Thủ tướng Shinzo Abe của nước Nhật quỳ gối trước các nạn nhân trong thảm hoạ năm 2014 để thấy được văn hoá ứng xử giữa người đứng đầu nội các của một cường quốc Châu Á thân thiện và tình người đến thế nào”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng nghiêm dưới trời mưa to trong dịp tới viếng mộ chiến sĩ vô danh ở thủ đô Moscow hồi tháng Sáu.


​Trong khi đó, cũng trên Facebook, một người sử dụng tên Lê Hiếu đăng hình ảnh gây tranh cãi của ông Phúc kèm theo bình luận: “Để đây và chờ xác minh làm rõ. Lỗi này chắc chắn của BTC [Ban tổ chức], không phải do TT [Thủ tướng]”.

Lỗi này chắc chắn của BTC [Ban tổ chức], không phải do TT [Thủ tướng].
Facebooker Lê Hiếu viết.

Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam “gây bão” mạng xã hội.

Tháng Tám năm ngoái, ông Phúc cũng vấp phải chỉ trích sau khi xuất hiện video và hình ảnh đoàn xe tháp tùng ông tại các tuyến đường được cho là phố đi bộ ở Hội An, Quảng Nam.

Sau đó ít lâu, người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã công khai ngỏ lời xin lỗi người dân, khiến nhiều nhà quan sát cho rằng ông “chịu áp lực từ mạng xã hội”.

Theo thống kê, ước tính có hơn 35 triệu người sử dụng Facebook, một trong các mạng xã hội được ưa thích nhất ở Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/hinh-anh-thu-tuong-viet-nam-gay-tranh-cai-tren-facebook/3955596.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét