Chỉ có trung ương đảng điều tra tài sản ‘khủng’ của giới chức Yên Bái
Tài sản “khủng” được cho là của gia đình ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc công an tỉnh Yên Bái, và ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường, được các quan chức tỉnh và Thanh Tra Chính Phủ đùn đẩy nhau.Toàn cảnh khu biệt phủ nằm giữa đồi núi thuộc phường Minh Tân, Yên Bái, của gia đình ông Phạm Sỹ Quý. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Phạm Trọng Đạt, cục trưởng Cục Chống Tham Nhũng, Thanh Tra Chính Phủ, khẳng định “việc ông Phạm Sỹ Quý là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà, bí thư tỉnh ủy Yên Bái, không ảnh hưởng gì đến quá trình thanh tra.”
“Tôi khẳng định đoàn thanh tra sẽ không chịu bất cứ áp lực nào và không bị tác động từ phía nào. Kết quả thanh tra sẽ được làm công tâm để đối tượng bị thanh tra cũng như dư luận tâm phục, khẩu phục,” ông nói, và cam kết sau khi có kết luận thanh tra sẽ “hết sức minh bạch, không có gì phải giấu diếm,” nếu sai thì phải giải quyết nghiêm túc, “không có vùng cấm,” “không có chuyện nương nhẹ.”
Tuy nhiên, dù ông khẳng định việc thanh tra tài sản của quan chức Yên Bái sẽ khách quan, công tâm và không chịu bất kỳ một sức ép nào, nhưng mọi chuyện không phải như vậy!
Ông cho rằng: “Trách nhiệm thanh tra làm rõ những nghi vấn này trước hết thuộc các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái.”
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, “về tài sản nhà, đất được cho liên quan đến ông Đặng Trần Chiêu, tại tổ 44, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, ông Chu Đình Ngữ, chánh văn phòng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, cho biết tỉnh đã giao các cơ quan của tỉnh kiểm tra, xác minh thông tin. Sau khi có kết quả kiểm tra, xác minh, ủy ban tỉnh sẽ thông tin báo chí.”
“Cách trả lời này cũng khá giống với hồi đáp của Trung Tướng Nguyễn Văn Lưu, chánh thanh tra Bộ Công An, trong cuộc họp báo sáng 28 Tháng sáu. Theo đó, bộ sẽ tiến hành nắm tình hình, căn cứ luật thanh tra và các quy định của chính phủ về kê khai, minh bạch tài sản, nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành thanh tra, làm rõ. Khi có kết luận thanh tra, bộ sẽ có thông tin chính thức tới các cơ quan báo chí,” báo này viết.
Tờ này dẫn một nguồn tin cấp vụ từ Thanh Tra Chính Phủ cho rằng: “Ông Chiêu là thiếu tướng, giám đốc công an tỉnh. Cán bộ cỡ đó, theo phân cấp quản lý cán bộ thì thuộc diện Ban Bí Thư quản lý. Và như thế, chỉ có Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, Ban Bí Thư mới có thẩm quyền quyết định kiểm tra về vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập.”
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, Trung Tướng Trần Văn Độ, cựu chánh án Tòa Án Quân Sự Trung Ương, cũng xác nhận như vậy.
“Theo ông, trong lực lượng vũ trang, mỗi chức vụ đều gắn theo trần quân hàm nhất định. Phân cấp quản lý cán bộ chủ yếu gắn theo quân hàm: Cùng một chức vụ nhưng quân hàm cấp tướng trở lên thì do Ban Bí Thư, thậm chí Bộ Chính Trị quản lý. Vấn đề này cũng được minh định trong văn bản của Bộ Chính Trị về ‘kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư quản lý’ ban hành cuối Tháng Năm, 2017. Theo đó, cấp có thẩm quyền kiểm tra với cán bộ cỡ tướng Chiêu ít nhất phải là Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương,” báo này dẫn lời ông Độ.
Tư dinh 10,000 mét vuông của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái, tại phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. (Hình: Báo Giáo Dục Việt Nam)
Trong khi đó, sau nhiều ngày im lặng, chiều 29 Tháng Sáu, ông Phạm Sỹ Quý đã đồng ý gặp báo chí để trả lời những thông tin liên quan đến khu biệt phủ của gia đình ông.
Giải thích thắc mắc của dư luận về bản thân chỉ là công chức nhà nước thì tiền đâu để ông sở hữu khối tài sản lớn với 13,000 mét vuông đất, ông nói: “Để mua được khu đất ấy tôi cũng đã phải vay ngân hàng gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, tôi còn vay mượn của anh em bạn bè nữa.”
“Đây còn là kết quả của cả một quá trình tôi lam lũ đi làm từ thời trẻ, nỗ lực vươn lên làm đủ thứ nghề rồi. Quá trình thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ, tôi chả thiếu nghề gì trên đời. Năm thứ ba đại học tôi cùng chung với bạn mở xưởng đóng giày ở Ngã Tư Sở. Mọi người đừng nhìn ở hình ảnh ngày hôm nay mà nên tìm hiểu cả quá trình,” ông kể.
Báo Tuổi Trẻ hỏi: “Ông vay 20 tỷ chỉ để làm nhà ở thôi sao?” “Đó không chỉ là nhà mà còn là trang trại để nuôi cá, gà, lợn nữa. Ao cá năm nay mất giá chứ cuối năm ngoái bán nhiều vô kể. Khu đồi phía bên trên là đang cải tạo để làm vườn hoa công nghệ cao trồng địa lan. Thực ra mua chỗ đấy không hề đắt, báo chí cứ nói đất vàng nhưng đâu phải vậy. Bây giờ cứ đi hỏi có những chỗ bán 50-70 triệu một hécta. Tôi mà không phải công chức nhà nước thì tôi cũng đầu tư rồi. Ngay giữa trung tâm thành phố có quả đồi bán 50 triệu một hécta. Tôi vay khoảng gần 20 tỷ. Bây giờ vẫn còn nợ nhiều, nợ cả anh em bạn bè vẫn chưa trả được bao nhiêu,” ông nói.
Theo tờ Tuổi Trẻ, trong bản kê khai tài sản của ông Quý đã được công bố công khai từ Tháng Giêng, gia đình ông sở hữu một ngôi nhà có diện tích xây dựng 600 mét vuông, một ngôi nhà thứ hai rộng trên 130 mét vuông với giá trị tại thời điểm xây dựng là 2.5 tỷ đồng, một nhà tạm diện tích xây dựng 150 mét vuông, giá trị 200 triệu đồng, một mảnh đất 1,000 mét vuông trị giá 500 triệu đồng, một trang trại diện tích 2 hécta giá trị 1 tỷ đồng. Thu nhập trong năm 2016 tăng 1 tỷ đồng là “thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016.”
Nói về chuyện đi vay, báo Pháp Luật TP.HCM cho biết: “Để vay được gần 20 tỷ đồng, ông Quý chắc phải lo thủ tục vất vả hơn nhiều. Người ta tính mỗi tháng ông Quý phải bỏ ra hơn 330 triệu đồng để trả gốc và lãi.”
“Tiền lương của ông Quý chỉ hơn chục triệu đồng, vậy số tiền này ở đâu ra? Hẳn ông phải tăng gia sản xuất, nuôi heo, làm vườn, làm rẫy… thuộc hàng siêu đẳng, cộng thêm việc buôn chổi đót (nếu ông vẫn còn làm việc này) thì mới may ra… kham đủ số này!” tờ này viết và cho rằng, bởi vì vay tiền ngân hàng không hề dễ, ngoài chứng minh thu nhập, còn là việc thẩm định giá của ngân hàng về căn nhà sẽ mua (dùng làm tài sản thế chấp) với đủ thứ giấy tờ nhiêu khê, khổ ải.
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét