Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Ký sự Hội Đền Hùng: Những sự lạ lùng hành hương

Ký sự: Hội Đền Hùng – Những sự lạ lùng trong cuộc hành hương
Giữa biển người, giữa biển đồ lễ sắm và mịt mù khói hương nơi đền Hạ, không gian bức bối và hỗn loạn dường như thổi bay những háo hức ban đầu của chuyến hành hương. Chỉ còn một ý chí, một mong muốn tìm tòi đến vô vọng “Lên đền Thượng biết đâu thấy cái gì?”, dường như còn thúc gối đưa tôi đi.

Bước qua vòm cổng chính đồ sộ cao tới hơn 7m, băng tiếp qua biển người đông tới hàng vạn người dưới chân núi Hùng, lại tiếp tục chen chân với từng ấy người để qua được Đại môn, chúng tôi chính thức bắt đầu cuộc hành hương ở nơi được đặt tên là “Trung tâm lễ hội Khu di tích Đền Hùng”.

Tiếng chen lấn, tiếng ồn ào, tiếng rào rào của người nói bên tai khiến vài trăm bậc thang đá trở thành một cuộc vật lộn không có hồi kết. Có bao nhiêu người đi, là có bấy nhiêu khuôn mặt nhìn chằm chằm xuống chân. Những tiếng la ó, tiếng thất thanh gọi nhau sợ lạc vang lên không ngừng. Chỉ khi đó, những khuôn mặt mới ngẩng lên, vô tình nhìn nhau, đờ đẫn, mỏi mệt. 
Trên hành trình tìm về đất Tổ ấy, trước khi tới Đền Hạ, bạn sẽ bắt gặp giếng Ngọc ở trong Đền Giếng. Tương truyền năm xưa, đây là nơi soi khuôn trăng của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái vua Hùng đời thứ 18. Nơi ấy, năm nào tôi đến còn có nước trong leo lẻo dưới đáy, trên nổi bập bềnh tiền lẻ cầu lộc xin phước. Nay thì giếng đã cạn trơ. Nhưng tiền thì vẫn được rải hầu như không còn sót chỗ; bốn tấm biển “Đề nghị đồng bào không thả tiền xuống giếng” của ban quản lý di tích đền dường như còn khiến “đồng bào” đua nhau ném tiền mạnh tay hơn. Không chỉ thả xuống sân giếng, họ còn rất vui thích nếu ném tiền trúng được vào giữa giếng cổ, giống như trò phi tiêu may rủi.
Giữa lúc ấy, chỉ trong thoáng chốc, chưa kịp định thần, hàng trăm người từ đỉnh núi cùng đổ xuống đền Giếng. Nếu như khi đi lên hàng vạn người lo ó, chen lấn xô đẩy có thể gây ngột thở, té xỉu thì dòng thác người đổ xuống cũng chẳng kém hãi hùng hơn. Chốt chặn của lực lượng an ninh trật tự đã bị phá vỡ. Dòng người đi lên dừng lại hẳn, chẳng mấy chốc trở nên dồn ứ. Còn tôi và người bạn đồng hành đã thất lạc nhau.
Như thế đấy, lên thì đòi lên cho cố, xuống thì đòi xuống bằng được” , một cụ ông đứng sát cạnh tôi nói.
Mọi người đã bắt đầu sốt ruột, ca thán. Dường như “phía dưới kia” đang bị tắc chỗ nào đó. Tầm nhìn bị che khuất khiến tôi không nhìn thấy được gì nhiều, ngoài con đường đi xuống uốn lượn ngoằn ngoèo. Nhiều bạn trẻ thiếu kiên nhẫn bèn băng qua dải phân cách mà tự mở đường, chỉ một thoáng đã thành một lối đi nhỏ đầy màu sắc “xuyên qua rừng”.
Đấy là những người Việt xấu”, một anh bạn đi phía trước tôi cúi xuống dạy con. – “Ai bước qua khỏi đường này là người Việt xấu.
Anh nói lặp lại, to dần lên, như để mọi người đều nghe thấy. Đôi nam nữ đứng gần tôi và một số người khác cười hưởng ứng.
Làm thế đâu có thiêng đâu?
Tổ tiên không phù hộ.
Nhưng số người vén dải băng phân cách mà đi “vào rừng” vẫn cứ tăng lên đều đặn. Họ đạp gẫy cả cây mà đi.
Trông như vượt biên”, một ai đó nói. Dòng người “chính” chỉ nhích được từng chút một.
Hãy làm người Việt tử tế”, anh bạn phía trước tôi kiên nhẫn dạy con.
Làm người Việt xấu thì đi nhanh hơn”, thằng bé đáp lại. Rồi nó trèo ra khỏi đường chính; nhưng đứng loanh quanh ở đấy chứ không vượt qua dải phân cách.
Cuộc ùn tắc kéo dài khá lâu; bạn đồng hành của tôi đã mất hút. Dòng người đôi khi di chuyển được chậm chạp, còn hầu hết thời gian là kẹt cứng; người từ phía đền Hạ đổ xuống ken kín sau lưng.
Đến lượt các thiếu nữ là lượt, các quý bà sang trọng, các quý ông đạo mạo cũng hết kiên nhẫn. Dải phân cách bằng hai thân tre song song đón nhận đủ loại tư thế vượt qua: trèo, chui, luồn, đu v.v…
Nhiều người vượt dải phân cách rồi lại không dám đi “vào rừng”, mà chỉ cố đi tắt đón đầu được khúc nào hay khúc đấy. Một phụ nữ lôi con đi lối tắt, nhưng đường dốc quá làm thằng bé sợ; nhưng khi nó ra sức cự lại thì bị mẹ cho ăn đòn.
Những người này nghĩ rằng chỉ có mỗi họ là biết đường tắt”, anh “người Việt xấu” nói với tôi – “Họ nghĩ rằng có mỗi họ biết cách đi nhanh hơn.
Mình đi đường kia ông kìa”, một bà gợi ý với chồng. – Gặp suối thì chết”, ông chồng đáp, hẳn trong đầu đang nghĩ tới cảnh “lội suối băng rừng”.
Rồi dòng người tắc hẳn. Nêm chặt không còn khe hở. Từ chỗ này tôi có thể nhìn được lý do ùn tắc. Phía dưới, lực lượng an ninh trật tự lại đang lập chốt chặn để điều tiết lượng người đổ vào đền Giếng. Nhưng mọi chuyện lẽ ra sẽ dễ thở hơn, nếu không có thêm một dòng người nữa từ rừng đâm xiên vào, mà lại còn chen lên phía trước, chiếm luôn thế thượng phong. Người dân thấy thế đua nhau mở lối tắt; phía trên phía dưới ngày càng thêm nhiều những nhóm đạp lá băng rừng. Anh “người Việt xấu” không biết tự bao giờ cũng mở lối đi tắt. Anh di chuyển rất nhanh, thoáng cái đã mất hút.
Đám đông cuối đường hỗn loạn, trong khi lực lượng chức năng trở nên bất lực, không biết phải làm gì. Quanh tôi đầy tiếng càu nhàu về sự vô ý thức của những người thích “đi tắt”, rồi tiếng quát tháo, la lối, rên rỉ… Những đứa trẻ mỏi mệt ngủ gục. Những bà mẹ ôm con ngồi thẫn thờ.
Lối tắt, tắc đường. Cảnh tắc đường trên núi Nghĩa Lĩnh chỉ là một mảng nhỏ trong vô vàn cảnh “tắc” khác trong lễ hội đền Hùng năm nay. Những ai đã đi trọn vẹn con đường hành hương, đủ 225 bậc thang từ Ðại môn đến Đền Hạ và Chùa Thiên Quang tự, thêm 270 bậc đá nữa tới Đền Trung, Đền Thượng, sẽ cảm nhận được rõ ràng bầu không khí dâng lễ, cầu an diễn ra hỗn loạn tới nhường nào.
Theo truyền thuyết, Ðền Thượng là nơi linh thiêng, nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa. Ðây cũng là nơi Thục Phán sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng.
Nhưng bối cảnh dâng lễ vua Hùng hôm ấy nghi ngút khói nhang, những tiếng rì rầm cầu an, mong lộc, những mâm gà luộc, lon bia sấp sới bưng ra bưng vào. Khu hóa vàng, bên những cốc nến đổ vỡ, lửa bùng lên đầy ám ảnh quanh hàng xấp đô la địa phủ người ta tung vào để hóa, để cầu.
Phiếu công đức được đóng thành từng xấp; những tấm giấy vô hình như cuộc mặc cả cầu tài, cầu an. Sự cầu khẩn thần linh hôm ấy, chúng gợi nhắc cho tôi tới sự chứng kiến của thần linh để trừng phạt, hơn là gửi đi một tấm lòng thanh thản, cầu tổ tiên cho đủ lòng từ bi, đủ đức nhẫn để làm người thiện, người ngay. 
Sự cố tắc đường trên núi Nghĩa Lĩnh năm nay, không đơn thuần chỉ là sự “tắc” mang tính cơ giới. Lối tắt hôm ấy cũng không phải chỉ là lối tắt mà người ta bỏ mặc cảnh báo, bất chấp nguy hiểm cắt rừng tìm lối đi cho nhanh. Sự tắc, có lẽ hơn hết là tắc trong tư duy. 
Băng rừng, ném tiền, tranh giành, chen chúc nhau dâng lễ, rốt cuộc, nào có khác chi một “lối tắt” trong tư duy khi người ta thay vì sống thiện, sống tốt, tới ngày lễ quay về tưởng nhớ tổ tiên, thì nay lại đang mặc cả với Thần, ra sức ném tiền như một cuộc trao đổi, bon chen với lễ thật hậu, thật đầy để đổi lại là an, là dật, là lộc, là tài. Cung cách hối lộ, đi của sau ấy đã trở thành một thứ “lối tắt” khó bỏ trong tư duy. Nó hoàn toàn khác xa với truyền thống của ngôi Đền Thượng, cũng khác xa với tinh thần của các vua Hùng, những người theo tương truyền mỗi năm thay vì tỏ rõ quyền uy, thì đều làm lễ cúng tế Trời Đất, Lúa Thần để cảm tạ đã ban cho muôn dân một năm no ấm, thuận hòa.
Cát Minh
Ảnh: Trí Thức VN
Xem thêm:
http://trithucvn.net/chinh-tri-xa-hoi/ky-su-hoi-den-hung-nhung-su-la-lung-trong-cuoc-hanh-huong.html

1 nhận xét: