Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Hạ Long 'loạn' thanh toán bằng nhân dân tệ

Hạ Long 'loạn' thanh toán bằng nhân dân tệ
03/04/2017 Thanh Niên - Với hàng nghìn khách Trung Quốc đến du lịch mỗi ngày, việc mua bán được thanh toán bằng nhân dân tệ diễn ra nhộn nhịp ở TP.Hạ Long, Quảng Ninh, nhưng vẫn chưa bị lực lượng chức năng xử lý.
Khách du lịch thanh toán bằng ngoại tệ ở 
chợ đêm HaLong MarinaẢNH: L.N.H
Dạo quanh một số khu mua sắm tại TP.Hạ Long như Trung tâm thương mại HaLong Marina, khu du lịch quốc tế Tuần Châu, khu vực Bãi Cháy... nhiều du khách tưởng đang lạc vào “phố Trung Quốc”. Tại đây, nhiều cửa hàng treo biển quảng cáo tiếng Trung Quốc, nhân viên nói tiếng Trung Quốc và bán mua cũng thanh toán bằng nhân dân tệ (CNY).


Giao dịch từng xấp nhưng ban quản lý... chưa phát hiện
"Cứ sau 1 - 2 tháng, mọi người lại gom nhân dân tệ đem đi đổi. Một tệ đổi được hơn 3.000 đồng" - Ông H.Tr., một tiểu thương tại HaLong Marina

Đầu tháng 4, chúng tôi đến khu chợ đêm thuộc Trung tâm thương mại HaLong Marina (P.Hùng Thắng, TP.Hạ Long) và ghi nhận hàng nghìn khách du lịch Trung Quốc được các xe tour chở đến mua sắm gặp những người bán hàng mặt tươi rói, luôn miệng mời chào bằng tiếng Trung, tay cầm từng xấp CNY.

Việc giao dịch bằng CNY tại chợ đêm HaLong Marina diễn ra một cách bình thường như người Việt đi mua sắm tại các chợ truyền thống. Ông H.Tr., một tiểu thương tại đây, cho biết việc này diễn ra từ nhiều năm nay do thuận tiện cho cả đôi bên, trong khi người bán nếu đổi sang tiền Việt cũng được lợi vì có chút chênh lệch tỷ giá. “Cứ sau 1 - 2 tháng, mọi người lại gom tiền CNY đem đi đổi. Một tệ đổi được hơn 3.000 đồng. Người có nhiều tệ thì bán lại cho những đầu mối lớn hơn để hưởng chênh lệch”, ông Tr. nói.

Tiếp tục khảo sát khu shophouse tại HaLong Marina Plaza, chúng tôi ghé vào một cửa hàng có biển hiệu toàn bằng tiếng Trung Quốc tại địa chỉ 50+52. Toàn bộ cửa hàng chỉ bán nhân sâm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất và chật kín khách Trung Quốc. Việc giao dịch ngoại tệ tại đây cũng như tại khu chợ đêm, khách Trung Quốc đưa CNY là người bán nhận tiền. Thậm chí cả những cửa hàng giải khát dọc khu mua sắm cũng chấp nhận thanh toán bằng CNY nếu khách có nhu cầu.

Bà Phạm Thị Minh, Trưởng ban Quản lý Trung tâm thương mại HaLong Marina, cho biết khu chợ đêm trong trung tâm này khai trương từ đầu năm 2015, có 2 tầng với 335 ki ốt bán hàng cho du khách. Ngay trong hợp đồng thuê quầy đã ghi rõ tiểu thương không được treo biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài và tuân thủ giao dịch thương mại theo quy định của pháp luật.


Đi chơi đêm khổ hơn... ăn cắp: Đi du lịch không phải... để ngủ!
Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Đi chơi đêm khổ hơn... ăn cắp đăng trên Thanh Niên ngày 11.8.

Tuy nhiên, dù việc giao dịch bằng ngoại tệ diễn ra hằng ngày ở trung tâm này, nhưng bà Minh vẫn cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động đến nay chúng tôi chưa phát hiện được trường hợp nào giao dịch tại chợ đêm bằng ngoại tệ”.

Cơ quan quản lý vẫn kêu khó phát hiện

Không riêng tại HaLong Marina, khách Trung Quốc tại TP.Hạ Long dễ dàng thanh toán bằng đồng CNY, từ việc thanh toán một ly cà phê cho đến mua những đồ lưu niệm đắt tiền.

Bà Nguyễn Thị Huyền, một chủ khách sạn tại khu Vườn Đào, P.Bãi Cháy, cho biết các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại đây chấp nhận việc thanh toán bằng ngoại tệ chỉ vì muốn bán được hàng hay dịch vụ của cơ sở mình.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh, khẳng định pháp lệnh về ngoại hối quy định trên đất nước VN chỉ sử dụng tiền VN, không được phép dùng các ngoại tệ khác. Nhưng việc phát hiện cơ sở thanh toán với khách du lịch bằng ngoại tệ rất khó khăn và phải có sự vào cuộc của lực lượng công an.

Đáng kể nhất, vào tháng 7.2016, Thanh tra NHNN chi nhánh Quảng Ninh phối hợp với UBND TP.Hạ Long đã xử phạt 500 triệu đồng và tịch thu số tiền 18.000 CNY khi bắt quả tang một cửa hàng của Công ty TNHH Ngôi nhà mơ ước (P.Hà Khẩu, TP.Hạ Long) đang mua bán bằng CNY với khách Trung Quốc.

Và ngày 31.3 vừa qua, đoàn liên ngành của TP.Hạ Long trong chiến dịch tổng lực làm sạch môi trường kinh doanh du lịch tại Hạ Long đã xử phạt 400 triệu đồng đối với cửa hàng bán đồ lưu niệm Ngọc Rồng (Công ty TNHH thương mại Ngọc Rồng, địa chỉ tại khu F, HaLong Marina về hành vi niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ (USD) trái quy định. Tuy nhiên, do việc kiểm tra, xử lý không thường xuyên nên tình trạng thanh toán bằng ngoại tệ, nhất là CNY trên địa bàn TP.Hạ Long vẫn diễn ra phổ biến.

Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, cho biết chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp, nếu phát hiện cơ sở nào thanh toán bằng ngoại tệ sẽ xử lý thật nghiêm, thậm chí đóng cửa, nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Có thể bị tịch thu giấy phép

Trả lời Thanh Niên, Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Du cho biết Pháp lệnh ngoại hối và các nghị định, thông tư hướng dẫn quy định: trên lãnh thổ VN, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định, còn lại mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.

Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, nặng hơn là tịch thu giấy phép theo quy định tại Nghị định 96 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ.
Anh Vũ
Lã Nghĩa Hiếu
http://thanhnien.vn/doi-song/ha-long-loan-thanh-toan-bang-nhan-dan-te-821865.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét