Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

BÀN VỀ “LỄ” TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

BÀN VỀ “LỄ” TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
(Trao đổi với hai ông Nguyễn Văn Nghệ và Lại Nguyên Ân)
Hà Văn Thùy, 8-4-2017 -  Có sự thực là, mấy chục năm nay xã hội ta khủng hoảng về phương thức phát triển. Đất nước lâm vào suy thoái toàn diện từ kinh tế tới văn hóa, đạo đức. Nhiều người muốn tìm lối ra cho đất nước. Không bằng lòng với con đường đã dẫn Đông Âu và Liên Xô tới sụp đổ nhưng cũng không yên tâm vào con đường tư bản hoang dã như hiện nay. Họ nhận ra những hạt nhân hợp lý của quá khứ, rồi từ trong cương vị cụ thể của mình, muốn hướng xã hội trở lại với những điều tốt đẹp của ngày xưa… Khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” phần nào thể hiện mơ ước đó.
Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở trước 
cổng 
trường Nguyễn Trường Tộ. Ảnh: internet
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết “Bỏ “Tiên học lễ” thì xã hội sẽ ra sao?” của ông Nguyễn Văn Nghệ, rồi bài trả lời “Về ý kiến đòi khôi phục khẩu hiệu “tiên học lễ” của bạn đọc Nguyễn Văn Nghệ ở Khánh Hòa” của ông Lại Nguyên Ân. Tôi xin mạo muội thưa lại đôi lời.

“Lễ” thuộc về phạm trù văn hóa. Do vậy, muốn hiểu Lễ, trước hết phải hiểu thấu đáo nền văn hóa sinh ra nó. Văn hóa là sản phẩm hoạt động xã hội của cộng đồng người nên muốn hiểu văn hóa, thì trước hết phải hiểu được cộng đồng người sản sinh ra nền văn hóa đó là ai, có nguồn gốc ra sao và được hình thành thế nào trong tiến trình lịch sử?

Từ thời tiền sử, do phương thức kiếm sống khác nhau nên tự nhiên đã chia con người thành hai dạng khác nhau về văn hóa. Người phương Tây du mục (Homo sapiens nomadian) với tư duy phân tích và người phương Đông nông nghiệp (Homo sapiens culturian) với tư duy tổng hợp. 

Bằng tư duy tổng hợp, người phương Đông coi trọng các yếu tố khác nhau của tự nhiên. Điều này thể hiện trong câu ca dao quen thuộc:

Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng…


Nói là phương Đông nhưng suốt thế kỷ XX và cho tới nay, chưa mấy người biết người phương Đông thực sự là ai? Chỉ sang thập niên đầu của thế kỷ mới, nhờ thành tựu di truyền học cùng nhiều cuộc khai quật khảo cổ, khoa học mới khám phá rằng, khoảng 40.000 năm trước, người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục và sáng tạo tại Đông Á nền văn minh nông nghiệp Việt tộc rực rỡ.

Claude Levi’s Strauss, nhà nhân học lớn của thế giới phát hiện rằng, tất cả những thành tựu về tinh thần, nhân loại đã sáng tạo vào cuối thời Đồ Đá. Thời kỳ sau đó, chỉ là sự lặp lại. Điều này hoàn toàn đúng với phương Đông. Cho tới trước thời Kim khí, người Việt đã làm chủ Âm Dương, Ngũ hành, Dịch lý, Phong thủy, Tử vi… 4700 năm cách nay, sau cuộc xâm lăng của người du mục Mông Cổ vào Nam Hoàng Hà, người Việt sinh ra lứa con muộn mằn của mình là Hoa Hạ. Do kết hợp hai dòng máu và hai nguồn văn minh Mông Việt, người Hoa Hạ là lớp người ưu tú, thay cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội, tạo nên thời Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông, từ Nghiêu, Thuấn. Tới thời Chu, những tinh hoa của văn minh phương Đông được kết tinh trong các sách Tam Phần, Ngũ Điển rồi được Khổng Tử san định thành Ngũ Kinh là Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc. Triết gia Kim Định gọi đó là Nho nguyên thủy hay Việt Nho, có nghĩa là Nho học của tộc Việt.

Đến nay khoa học cũng cho thấy rằng, Khổng Tử là người nước Lỗ, một tiểu quốc của người Đông Di (người Lạc Việt bản địa), từ xa xưa vẫn độc lập với Hoa Hạ, sau đó thành chư hầu nhà Chu. Nước Lỗ vốn tiếng Việt là Rõ với nghĩa rực rỡ, sáng tỏ. Sau này biến âm theo quan thoại, người Hoa không đọc được vần R nên nói trại thành Lỗ! Do vậy Nho của Khổng Tử là Việt Nho. Tuy nhiên do trớ trêu của số phận, người Việt bị mất đất dẫn tới mất lịch sử rồi mất luôn bản quyền nhiều sản phẩm sáng tạo, trở thành kẻ đọc nhờ học mướn!

Không bỗng dưng mà khi san định kinh sách, Khổng Tử đặt riêng ra kinh Lễ. Tuy là một trong Ngũ Thường – năm thứ thường hằng: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín nhưng “Lễ” giữ vị trí trung tâm. Những “thường” rất quan trọng như Nhân, Nghĩa… chỉ có thể qua Lễ mới thể hiện được! Điều này cho thấy, mọi việc Nhân, Nghĩa, Trí, Tín chỉ là trong tiềm ẩn, trong ý định, trong cõi vô hình. Chỉ khi được thể hiện ra qua Lễ, mới trở thành hiện thực, mới trở nên tiêu chí để đánh giá con người! Chính do vai trò quan trọng như vậy nên Khổng Tử đặt riêng ra kinh Lễ để chuẩn tắc hóa cách ứng xử.

Tuy quan trọng như vậy nhưng Lễ không tồn tại độc lập mà trong mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ với bốn thường khác: Nhân, Nghĩa, Trí, Tín. Một khi tách khỏi Nhân, Nghĩa, Trí, Tín thì Lễ trở thành khuôn khổ cứng nhắc, giả tạo, dối trá và nô lệ kẻ mạnh!”!

“Tiên học Lễ hậu học Văn” là phương châm ứng xử được cô đọng dùng trong nền giáo dục truyền thống. Đó là nhà trường tồn tại trong một xã hội tôn trọng Ngũ Thường của Việt Nam trước tháng Tám năm bốn lăm.

Khẩu hiệu trên xuất hiện lại sau những năm đổi mới có lý do của nó. Đó là việc những nhà giáo dục bức xúc vì sự băng hoại của đạo đức học đường đã cố công, trong khả năng hạn hẹp của mình, khôi phục những gì hợp lý của quá khứ. Trong trường hợp này chỉ là câu khẩu hiệu trước ngôi trường!

Tuy nhiên, có sự thực là, trong một xã hội không còn đề cao Nhân, Nghĩa, Trí, Tín thì Lễ trở nên lạc lõng, dường như có phần thẹn thò tội nghiệp. Một cái gì đó trái chiều, thừa thãi, không hợp thời, vô duyên, vô nghĩa… Không ít người đòi bỏ đi chính là do vậy. Ý kiến của học giả Lại Nguyên Ân: “Khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” – vốn có xuất xứ từ Khổng tử – càng nên được chúng ta sớm chấm dứt sử dụng trong hiện tại, để từ nay chỉ được nên ghi nhận như một trong những thứ ta đã vay mượn, thời quá khứ xa xưa”, không phải không được sự đồng tình của một số người!

Tuy nhiên, cũng có sự thực là, mấy chục năm nay xã hội ta khủng hoảng về phương thức phát triển. Đất nước lâm vào suy thoái toàn diện từ kinh tế tới văn hóa, đạo đức. Nhiều người muốn tìm lối ra cho đất nước. Không bằng lòng với con đường đã dẫn Đông Âu và Liên Xô tới sụp đổ nhưng cũng không yên tâm vào con đường tư bản hoang dã như hiện nay. Họ nhận ra những hạt nhân hợp lý của quá khứ, rồi từ trong cương vị cụ thể của mình, muốn hướng xã hội trở lại với những điều tốt đẹp của ngày xưa… Khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” phần nào thể hiện mơ ước đó.

Một câu hỏi được đặt ra: xã hội nên hưởng ứng thế nào?

Ý kiến của hai ông Nguyễn Văn Nghệ và Lại Nguyên Ân thể hiện hai xu hướng đối kháng. Ông Nguyễn Văn Nghệ có công dẫn sách cổ để nói lên tầm quan trọng của “Lễ.” Tuy nhiên, ông chưa làm rõ, cội nguồn của Lễ là từ đâu cũng như Lễ có vai trò gì không trong xã hội hiện đại? Còn ông Lại Nguyên Ân phủ định Lễ như một thứ vay mượn và quá đát trong cuộc sống hôm nay là không thỏa đáng.

Từ phân tích ở trên cho thấy, Lễ không phải thứ đồ ngoại lai vay mượn mà là sản phẩm tinh hoa của minh triết Việt tạo ra từ trong quá khứ xa xôi. Dù lâu nhưng Ngũ Thường, Tiên học Lễ hậu học văn không hề cũ. Đó là tài sản vô giá mà tổ tiên để lại không chỉ cho chúng ta mà còn cho cả nhân loại.

Mấy trăm năm nay, do sự áp đặt của chủ nghĩa tư bản phương Tây, chúng ta bị lú lẫn, không nhìn ra nhiều giá trị phương Đông của mình. Trong khi nhiều thức giả phương Tây lại hành trình về phương Đông để tìm con đường cứu nhân loại. Nhân loại đang trong thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng về trí tuệ. Nói điều này không khỏi có người cười mỉa, cho rằng, không hề khủng hoảng về trí tuệ trong khi khoa học công nghệ thế giới tiến như vũ bão! Không thể phủ nhận rằng nhân loại đang khủng hoảng về trí tuệ khi không tìm được con đường phát triển hợp lý: những con đường trước mặt đang dẫn thế giới đến diệt vong!

Phải chăng, chính khủng hoảng của đất nước từ mấy chục năm qua cũng như sự bế tác của thế giới hôm nay đã khiến một số người nhận ra, trong văn hóa Việt ẩn tàng con đường đưa nhân loại trở về phát triển đúng theo hướng vận hành của vũ trụ: bảo tồn môi sinh và lấy con người làm cứu cánh.

Họ hy vọng rằng rồi một ngày nào đó, cùng với những điều tốt đẹp khác của văn hóa Việt, Ngũ Thường trở lại cuộc sống, làm cái đích rèn luyện của mọi con người. Trong khi chờ cái ngày đó trở lại, họ nâng niu níu giữ khẩu hiệu “Tiên học lễ… ” như giữ cái lề của cuốn truyền thư theo nghĩa “giấy rách giữ lấy lề”… Dù yếu ớt, dù dường như vô vọng thì đó là những điều làm cho văn hóa Việt tồn tại, may mắn có thể không bị trôi ra sông ra biển!

https://anhbasam.wordpress.com/2017/04/08/12-289-ban-ve-le-trong-xa-hoi-hien-dai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét