Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

“Kong – Đảo đầu lâu”: Não trạng kỳ thị chủng tộc

Mình xem phim này ở AVG Aeol, phải nói là thất vọng. Nhiều chi tiết đúng như trong bài viết dưới đây. Cảnh VN cũng không thực sự đặc sắc như chúng ta biết. Đặc biệt trước khi chiếu có đoạn phim ngắn cho đạo diễn và 2 diễn viên thay nhau lên tiếng ca ngợi và cám ơn Việt Nam, cái gì ở VN cũng tuyệt vời. Thật là bịp bợm, họ làm thế chỉ nhằm lôi kéo dân đi xem. Mình không có ấn tượng tốt về đoàn làm phim này.
“Kong – Đảo đầu lâu”: Siêu phẩm rợn người và não trạng kỳ thị chủng tộc
FB Nguyễn Phúc Anh 18-3-2017 Tôi không ủng hộ và kỳ vọng sau bài viết này, bộ phim Kong kia sẽ bị “kiểm duyệt” bởi hội đồng duyệt phim vốn đã bị ám ảnh quá nặng về bộ phận sinh dục nữ và máu me bạo lực, nhưng kính mong mọi người đừng quảng bá bộ phim này như là đại diện cho hình ảnh du lịch, thiên nhiên và đi kèm với nó… con người và văn hóa Việt Nam.

Ảnh: FB Nguyễn Phúc Anh
Cách đây vài ngày khi theo chân một người bạn đi phỏng vấn, tôi vô tình được tham dự buổi chiếu phim cho bộ phim Kong: Skull Island (Kong – Đảo đầu lâu) của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts và vô tình được nghe, quan sát anh đạo diễn với phong cách hippy trả lời phỏng vấn phóng viên các báo đài.

Ấn tượng chung là anh ấy chả biết tí gì về Việt Nam cả. Anh ấy cũng chả có hình dung gì về cái gọi là Đại sứ du lịch cùng những gì cần phải làm khi được trao danh hiệu ấy. Lời khuyên cho các bạn phóng viên: đừng hỏi anh ấy Lý Nhã Kỳ là ai, anh ấy không biết đâu! Hỏi đi hỏi lại nhiều làm anh ấy hơi mệt và bực mình.

Tuy rằng anh ấy không có ý niệm gì về công việc đại sứ, không biết ai là người tiền nhiệm, đồng thời cũng chả biết luôn những người tiền nhiệm đã và đang làm những gì, thật mừng cho đất nước chúng ta là anh ấy đã nhận danh hiệu Đại sứ du lịch. Anh ấy thậm chí còn hứa sẽ làm tốt hơn những người tiền nhiệm.

Tôi may mắn hơn anh vì biết chút tiếng Việt, nên có thể search Google để tìm hiểu thêm về “chức danh” Đại sứ du lịch. Liệu có ai đó sẽ giúp anh ấy dịch ra tiếng Anh? (1)

Điều duy nhất anh đạo diễn có thể hứa hẹn đem đến cho Việt Nam là bộ phim của anh có thể trở thành một công cụ quảng bá cho du lịch và là cơ hội để Việt Nam kiếm thêm chút tiền từ khách du lịch.

Và cũng là để anh kiếm thêm tiền (rất nhiều tiền) từ người khán giả người Việt, bao gồm cả tôi, cùng thị trường phim ảnh trong và ngoài nước.

“Đấy là một mối quan hệ win-win về mặt tài chính. Với bất kì ai đó là điều bình thường và chả có gì đáng bận tâm, thậm chí phải ủng hộ vì tiền bạc thì ai chả thích.

Nhưng mọi chuyện trở nên quá đà khi người ta đang tìm cách biến bộ phim giải trí này thành một biểu tượng cho du lịch và để quảng bá văn hóa Việt Nam. Người ta kì vọng rằng bộ phim sẽ chuyển tải những thông điệp tốt đẹp và hấp dẫn về Việt Nam”

=> LUẬN ĐIỂM CHÍNH CỦA TÔI LÀ ĐÂY (do mọi người nghĩ rằng tôi phản đối bộ phim nên tôi phải nhấn mạnh rằng tôi đang chống việc biểu tượng hoá nó chứ không chống nó với tư cách siêu phẩm giải trí)

Theo tôi cần phải cân nhắc kĩ điều này bởi thông điệp mà bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” chuyển tải là một thông điệp hết sức có vấn đề trong mắt người tiếp nhận thông tin là những người nước ngoài.

THÔNG ĐIỆP CỦA SỰ KỲ THỊ CHỦNG TỘC – VĂN HÓA TỪ GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI DA TRẮNG THƯỢNG ĐẲNG

Những bộ phim về khỉ đột khổng lồ King Kong từ lâu đã rất tai tiếng và bị phê phán nặng nề ở nhiều quốc gia. Nguyên nhân là bởi cách thức xây dựng tuyến câu chuyện đơn điệu nhàm chán cùng nhiều vấn đề kỳ thị chủng tộc được chuyển tải trong bộ phim.

Trong suốt 83 năm lịch sử của dòng phim, bắt đầu từ bộ phim King Kong (1933) của Merian C. Cooper và Ernest B. Shoedsack cho đến bộ phim Kong: Đảo đầu lâu (2017), nội dung phim vẫn luôn là hình ảnh một chú khỉ đột khổng lồ đen trũi đại diện cho sức mạnh hoang dã, man rợ của một thế giới cô lập, kém văn minh chống lại và đe dọa cả nền văn minh tiến bộ của thế giới phương Tây.

Và không thể thiếu sự góp mặt của một người đẹp da trắng, dũng cảm, anh hùng, đại diện cho tình yêu, văn minh, tiến bộ, lương tri và ánh sáng khoa học tham gia vào quá trình khám phá vùng đất của những người thổ dân man rợ.

Cuối cùng, những bộ phim này luôn kết bằng sự chiến thắng của cái đẹp, văn minh, tiến bộ, lương tri, ánh sáng khoa học. Tiến bộ, văn minh, và vẻ đẹp da trắng phương Tây luôn “cảm hóa” được sự hoang dã, man rợ. Chú khỉ đột khổng lồ cuối cùng lại ra sức chiến đấu để bảo vệ người đẹp. Và thậm chí, có thể hi sinh cho cái đẹp và văn minh.

Đoàn làm phim của những bộ phim này thường lang thang tìm bối cảnh cho bộ phim ở châu Phi và hình ảnh vùng đất được họ chọn làm bối cảnh trong bộ phim thường với thiên nhiên hùng vĩ, hoang dã, song cực kỳ kém thân thiện, nguy hiểm và được miêu tả bằng con mắt đầy kỳ thị của những chàng Mỹ da trắng.

Những câu chuyện kiểu này lặp đi lặp lại trong nhiều thập niên đến mức đã trở nên nhàm chán trong suốt 83 năm qua mà không nhiều thay đổi. Mặc cho thế giới đã có nhiều phản tỉnh về thái độ phân biệt chủng tộc, kỳ thị văn hóa, và sự thống trị về ý thức hệ đầy cao ngạo của những đám đàn ông da trắng nhưng một số nhà làm phim nghèo sáng tạo nhất của điện ảnh Hoa Kỳ vẫn nhai đi nhai lại motif này vì lợi ích kinh tế (2).

Những người da đen ở Mỹ và những người ở châu Phi nơi “được lên phim” luôn cảm thấy bị xúc phạm khi xem những bộ phim loại này, bởi từ lâu họ đã bị những người da trắng coi như là “khỉ đột”, hay “tinh tinh” chỉ vì mang một màu da đen khác biệt (3)

Đến mức mà đoàn làm phim lần này, nhận thức được vấn đề phân biệt chủng tộc hết sức nhạy cảm ở Mỹ, đã không dám chọn bối cảnh “truyền thống” là cộng đồng của thổ dân da đen ở châu Phi. Họ tìm đến châu Á, và đến Việt Nam. Ở Việt Nam, họ tiếp tục câu chuyện không có gì mới, lười biếng, thiếu sáng tạo của họ. Trong những bài viết quảng cáo cho bộ phim, họ cố làm giảm tính chất phân biệt chủng tộc và kỳ thị văn hóa dày đặc bằng cách an ủi người xem rằng “cái xứ Việt Nam được chọn” được miêu tả trên phim ảnh cũng không quá đỗi man di (4). Người Việt Nam thông minh và độ lượng sẽ không nhận ra cái nhìn trịnh thượng bề trên da trắng. Thậm chí, thông minh đến mức còn giúp họ quảng bá bộ phim này.

Những người Mỹ cấp tiến khác thì không thực tế và có tầm nhìn xa về lợi ích kinh tế như vậy. Họ cảm thấy bức xúc thay cho người Việt Nam và bắt đầu phản ứng (5)

Nói tóm lại, cái mà Khỉ đột Khổng lồ biểu tượng không phải là du lịch Việt Nam. Nó là biểu tượng cho sự hoang dã, kém văn minh, của chế độ nô lệ và sức mạnh thô bạo, và chủ nghĩa thực dân khai hóa kiểu cũ. Con khỉ đột đồng thời cũng thành biểu tượng của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, khi chấp nhận hi sinh thân mình cho những giá trị mang tính biểu tượng của phương Tây: văn minh, tình yêu, tình người, nhân văn, cao thượng.

Dựng lên một bức tượng ở một công viên giải trí cho đám trẻ con thỉnh thoảng vào chụp ảnh thì còn chấp nhận được. Nhưng dựng nó thành tượng đài thì cần cân nhắc giá trị biểu tượng của tượng đài đấy.

Và làm ơn, hãy cân nhắc đến nó từ một góc nhìn của một người nước ngoài hơn là góc nhìn hí hửng vui vẻ của người trong nước.

NHỮNG THÔNG ĐIỆP VỀ VIỆT NAM LÀ NHỮNG THÔNG ĐIỆP CỦA KỲ THỊ VĂN HÓA VÀ CHỦ NGHĨA THỰC DÂN

Bộ phim mở đầu bằng việc mô tả Việt Nam là mảnh đất của những cô gái làng chơi để ngực trần lắc lư trong tiếng nhạc. Đàn ông Việt Nam là những người đàn ông hung hãn, bất chấp lý lẽ và luật chơi, sẵn sàng lao vào tranh chấp ẩu đả nơi công cộng. Đối lập với họ là những người da trắng văn minh, lịch sự và nhẫn nhịn nhưng khi cần thì đầy sức mạnh, đủ sức đập vỡ mõm bất kì thằng đàn ông Việt Nam láu cá, bẩn tính, chơi gian nào.

Việt nam trong phim là mảnh đất của sống nước cỏ cây hoang vu, ruồi muỗi, bệnh tật truyền nhiễm nhiệt đới, vi trùng, vi khuẩn, sẵn sàng có thể lấy mạng bất kì nhà thám hiểm phương Tây dũng cảm nào. Là nơi thử thách lòng dũng cảm và hi sinh của những người “văn minh” yêu khoa học và chân lý.

Nơi đó những người có kinh nghiệm và hiểu biết địa phương nhất, kì lạ thay, không phải là người bản địa mà chính là những chàng trai, cô gái da trắng với hiểu biết “sâu sắc” về vùng đất này. Họ đồng thời là những nhà thám hiểm, đến để khám phá và đưa ra ánh sáng những bí ẩn giấu kín của xứ sở này. Tôi cảm thấy giật mình vì góc nhìn thực dân văn hóa/khoa học này cũng chính là những thứ tôi đang phải đối mặt hàng ngày, qua nhiều trang sách viết về Việt Nam bằng tiếng Anh mà tôi đang đọc.

Năm năm qua, tôi theo chân những di dân người Việt đi lao động, làm dâu, học tập ở nước ngoài. Nhiều người Việt Nam mà tôi hỏi chuyện đã kể cho tôi những lo lắng của người bản địa về những người đến từ Việt Nam. Trong con mắt của nhiều người nước ngoài bản địa, mọi cô gái chàng trai Việt Nam đều mang mầm bệnh truyền nhiễm, đều thiếu văn minh, và sẵn sàng làm những việc khó hình dung được ở thế giới của họ.

Câu hỏi đầu tiên trước khi các bạn nước ngoài quan hệ tình dục với những cô gái/ chàng trai đến từ Việt Nam thường ẩn ý kiểu “đằng ấy có HIV không đấy?”. Bạn Mỹ trắng dính cúm mùa thì ai cũng coi là bình thường, cậu Việt Nam da vàng sụt sịt vì cúm mùa thì mọi người nhìn cứ như mang mầm bệnh H5N1 đến lớp. Thành kiến về người Việt Nam gắn liền với bẩn thỉu và bệnh tật nhiệt đới truyền nhiễm, tôi nghĩ phải chấm dứt từ đây.

Hiểu biết văn hóa của đoàn làm phim còn được thể hiện trong cách họ “CHÂU PHI HÓA” những người bản địa, miêu tả “thổ dân bản địa” (dù là Việt Nam hay New Zealand) theo cách đám làm phim người Mỹ vẫn miêu tả “thổ dân” châu Phi với những căn nhà lá chóp nhọn, bôi vẽ đầy mình theo kiểu châu Phi và cách thức chiến đấu rừng rú, nhảy xổ, bất chấp sinh mạng. “Thiên nhiên Việt Nam” là nơi sinh sống của những “giống loài cổ đại” (ancient species), và những con quái vật (monster).

Của đáng tội, nhiều năm làm nô lệ của đủ thứ thực dân mới – cũ, nhiều người Việt Nam thành tâm tin rằng đất nước mình thực sự kém “tiến bộ”, “man rợ”, “kém văn minh” chứ không phải đơn thuần là sự khác biệt về văn hóa và logic vận hành của xã hội. Quá đủ rồi những hình dung về Việt Nam kiểu này trong cuộc sống và trên phim ảnh.

Hài hước thay khi cho đứa bạn Mỹ, học Harvard và biết chút xíu về lịch sử Việt Nam xem trailer, nó thực sự sốc vì bối cảnh của bộ phim lại là chiến tranh Việt Nam. Nó nói là sau bao nhiêu năm, bọn tao cuối cùng cũng rửa hận được đất nước chúng mày bằng ẩn dụ điên khùng này về cuộc chiến Việt Nam. Cuối cùng quân đội Mỹ vẫn “chiến thắng” đám thổ dân và quái vật bản địa.

Việt Nam những năm gần đây là một đất nước bị lãng quên. Nếu đã từng đi nhiều nước, tự giới thiệu là học sinh Việt Nam thì nhiều người bạn tiếp xúc sẽ phải mất một lúc lâu để định hình xem Việt Nam là tên của đất nước nào. Người già thì còn có chút ký ức về chiến tranh Việt Nam. Người trẻ thì thậm chí chả biết Việt Nam nằm ở châu Phi hay là châu Nam Cực. Gần gũi về mặt địa lý như Trung Quốc cũng không phải ai cũng biết Việt Nam (Yuenan) nằm ở đâu trên bản đồ thế giới.

Tôi tin rằng bộ phim này sẽ thay đổi thực trạng đau buồn đó. Sớm hay muộn, với sự phổ biến của bộ phim, Việt Nam sẽ có những vị khách du lịch đến thăm. Họ sẽ mang theo máy ảnh hoặc iphone đến Việt Nam với mong muốn dạy cho người Việt Nam cách selfie và chụp ảnh với V-signs (bàn tay chiến thắng).

Tôi không ủng hộ và kỳ vọng sau bài viết này, bộ phim Kong kia sẽ bị “kiểm duyệt” bởi hội đồng duyệt phim vốn đã bị ám ảnh quá nặng về bộ phận sinh dục nữ và máu me bạo lực, nhưng kính mong mọi người đừng quảng bá bộ phim này như là đại diện cho hình ảnh du lịch, thiên nhiên và đi kèm với nó… con người và văn hóa Việt Nam.

Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (racism) và chủ nghĩa thực dân (colonialism) chúng tôi muốn gợi ý hai quyển sách này viết cực kỳ hay và dễ hiểu. Bản scan đã có trong thư viện Nhân học.

Ali Rattansi (2007) Racism: A Very Short Introduction
Norrie MacQueen (2007) Short Histories of Big Ideas : Colonialism

—————————
(1) Đại sứ Du lịch Việt Nam Wikipedia
(2) This Video Breaks Down The Racist History Of ‘King Kong’: This Video Breaks Down The Racist History Of ‘King Kong’
(3) This Video Breaks Down The Racist History Of ‘King Kong’
This Video Breaks Down The Racist History Of ‘King Kong’
(4) King Kong’s Long Journey From Racist Monster to Woke Hero
King Kong’s Long Journey From Racist Monster to Woke Hero
(5) King Kong is RACIST:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét