Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Giới trẻ đang bị hài bậy đầu độc suốt ngày

Giới trẻ đang bị hài bậy đầu độc suốt ngày
Câu chuyện về hài nhảm hài bậy gần đây trong giới showbiz Việt nam đang thực sự là mối lo lớn cho toàn xã hội. Và bộ phận khán giả bị ảnh hưởng trực tiếp ở đây lại chính là giới trẻ Việt VN. Tương lai của chúng và của đất nước sẽ ra sao nếu như hàng ngày cứ phải tiếp xúc với những loại hài như thế này. Không còn là “món ăn tinh thần” với tiếng cười ý nghĩa, hài kịch giờ đây có lúc như “cục nghẹn khó nuốt” bởi "vấn nạn" hài nhảm, hài bậy ngày càng tung hoành.

Ơn giời cậu đây rồi từng bị khán giả chỉ trích vì lạm dụng quá nhiều cảnh hôn hít và hành động thân mật trên sân khấu.
Việc sử dụng ngôn ngữ có phần dung tục trong các vở diễn hài không quá xa lạ với khán giả. Thế nhưng, thời gian gần đây, chuyện nói tục, nói nhảm trong diễn hài lại có xu hướng lan rộng và trở nên quá đà. Nếu như trước kia, những câu nói tục, nói bậy trong diễn hài được nghệ sĩ thể hiện một cách ý nhị, tinh tế thì giờ đây nó lại trở nên quá hời hợt, thiếu tôn trọng khán giả nhưng vẫn nghiễm nhiên trở thành “chiêu thức” lấy tiếng cười của một bộ phận khán giả.

“Vấn nạn” hài nhảm, hài bậy giờ đây không chỉ tung hoành trên sân khấu mà còn…vượt qua nhiều “kẽ hở” để lên sóng truyền hình, thậm chí còn len lỏi vào cả đám cưới của nghệ sĩ.
Đâu đâu cũng thấy những tình huống diễn hài phản cảm, lố lăng khiến người xem lắc đầu ngán ngẩm, bức xúc. Còn nhớ, danh hài Trấn Thành từng bị chỉ trích dữ dội và bị phạt 32 triệu vì chế vai Tô Ánh Nguyệt gây phản cảm hay mới đây, danh hài Việt Hương phải viết thư tay “cúi đầu xin lỗi” danh ca Hương Lan và khán giả vì cách tấu hài thô tục của mình.

Khi gameshow nở rộ giống như “nấm sau mưa” các nghệ sĩ hài cũng trở thành những gương mặt được săn đón. Tuy nhiên, tiếng cười mà họ mang đến cho khán giả lại đang có dấu hiệu “xuống dốc không phanh” thiếu độ sáng tạo, tinh tế và nhiều thêm cái dung tục, nhảm nhí, vô duyên.

Sự xuất hiện của nhiều gameshow hài trên sóng truyền hình sẽ thu hút nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là trẻ em. Đây là đối tượng đang hình thành nền tảng tâm lý và nhân cách bằng việc quan sát những thứ xung quanh mình. Trong khi đó, không phải cha mẹ nào cũng kiểm soát được giờ giấc xem truyền hình của con cái. Thế nên, nhiều bậc phụ huynh lo nơm nớp rằng nếu con em của họ vô tình xem những tiểu phẩm hay gameshow hài có nhiều hành động thân mật, phản cảm kèm theo những lời thoại dung tục quá đáng sẽ tò mò và bắt chước rất nhanh. Điều này sẽ gây tác hại khôn lường đến sự phát triển về nhận thức và tâm sinh lý của trẻ nhỏ trong tương lai.

Nhìn vào những gameshow hài khá “hot” trên sóng truyền hình hiện nay như: Ơn giời cậu đây rồi, Thách thức danh hài, Cười xuyên Việt, Hội ngộ danh hài, Bí mật đêm chủ nhật... có thể “câu khách” lúc mới lên sóng, nhưng sau một thời gian theo dõi, khán giả bắt đầu phản ứng vì bị “tra tấn” bởi những câu thoại lấp lửng, thô tục và nhiều hành động phản cảm.

Mới đây, Ơn giời cậu đây rồi cũng gây xôn xao khi nhiều khán giả chỉ trích các trưởng phòng quá lạm dụng cảnh hôn và ôm trên sân khấu. Nụ hôn của trưởng phòng Trấn Thành với khách mời Phương Trinh Jolie từng bị khán giả chỉ trích là phản cảm. Không ít khán giả cho rằng, những gameshow hài này giá trị giải trí chẳng tới đâu nhưng lại gây nhiều phản cảm, bức xúc.

“Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, nếu nghệ sĩ cứ quen thói giễu cợt, tục nhảm trong diễn hài để “chụp giật” tiếng cười của khán giả thì chẳng mấy chốc sẽ bị “tẩy chay”.

Vẫn biết, dấn thân vào lĩnh vực hài đôi khi phải chấp nhận ranh giới mong manh giữa thanh và tục, nhưng thay vì cứ mãi “ăn xổi” để “chụp giật” tiếng cười của khán giả thì nghệ sĩ cần trau dồi lời ăn tiếng nói và nghiêm khắc với hành động của bản thân, để công chúng vẫn cười được mà không cảm thấy xấu hổ, bức xúc. Hay nói như danh ca Hương Lan từng nhắn nhủ Việt Hương và những nghệ sĩ làm nghề: “Sân khấu cho dù lớn hay nhỏ, từ rạp lớn cho đến sự kiện, tiệc cưới, nhà hàng,… hay bất cứ nơi đâu, thì vẫn luôn là sân khấu. Những gì em nói, em làm đều tác động đến mọi người bên dưới, từ người lớn tuổi cho đến trẻ nhỏ. Đừng nói tục! Sự thô tục trong văn hóa người Việt mình từ xưa đến nay đã luôn là lời khinh rẻ, cho cả người nghe lẫn người nói”.

Trước “vấn nạn” hài nhảm, hài bậy đang gây nhiều bức xúc cho khán giả, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với một số nghệ sĩ hài nổi tiếng và đã nhận được nhiều ý kiến đáng quan tâm.

Nghệ sĩ Vượng Râu: “Tôi biết một số nghệ sĩ hài cứ lên sân khấu là văng tục, chửi thề”

Nghệ sĩ hài Vượng Râu bày tỏ quan điểm về "vấn nạn" hài bậy, hài nhảm hiện nay: “Thực ra, ngôn ngữ cũng có giới hạn, nếu mình dùng nhiều quá đến lúc cạn vốn… không có “bậy” thì không cười được, thậm chí một số nghệ sĩ còn mang chuyện phòng the để “chọc cười” khán giả. Nếu nói lướt qua hoặc thể hiện bằng thơ phú mà khán giả cười đủ rồi thì rất duyên, nhưng nếu cố tình xoáy vào chuyện tế nhị đó để “câu khách” gây cười thì lại là sự thô bỉ. Thực tế, tôi biết một số nghệ sĩ hài miền Bắc cứ lên sân khấu là lại…văng tục, thậm chí còn “chửi thề”.

Hài vốn dĩ cười bằng duyên và đài từ chứ không phải “mua” tiếng cười bằng ngôn từ thô tục. Có thể cùng một câu đấy, ngôn từ đấy nhưng người duyên nói sẽ rất dễ nghe nhưng người hết duyên nói sẽ rất thô bỉ. Hơn nữa, ngôn ngữ nói lại mang tính tuyên truyền nên chúng ta phải cẩn trọng trong từng câu chữ khi diễn hài. Nhìn chung, do nghệ sĩ diễn quá nhiều nên dùng hết ngôn từ và sự thăng hoa dẫn đến bí từ, cạn vốn khiến chuyện hài bậy, hài nhảm trở thành “vấn nạn” của showbiz hiện nay. Đây là điều cực kỳ đáng sợ và nguy hiểm đối với bất cứ một nghệ sĩ hài nào.

Nghệ sĩ hài Chiến Thắng: “Hài nhảm, hài bậy ảnh hưởng không nhỏ tới tâm sinh lý của trẻ nhỏ”

Danh hài Chiến Thắng bày tỏ sự lo ngại về "vấn nạn" hài bậy, hài nhảm sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ trẻ.

Là một nghệ sĩ khá “đắt sô” ở sân khấu hài phía Bắc, danh hài Chiến Thắng bày tỏ: “Một số người nghĩ rằng, diễn hài rất dễ, nên cứ hồn nhiên diễn mà chẳng quan tâm đến việc, hài đó duyên hay phản cảm. Họ sẵn sàng đem những ngôn từ dung tục, thiếu tế nhị lên sân khấu để lấy tiếng cười của khán giả, nhưng không hiểu được để khán giả cười đâu có dễ. Việc sử dụng những ngôn từ dung tục hay chuyện tế nhị để tấu hài, sẽ làm nảy sinh rất nhiều hệ lụy phiền phức gây bức xúc và ức chế cho khán giả. Đặc biệt, hài nhảm, hài bậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm sinh lý và nhận thức của trẻ nhỏ vì trẻ nắm bắt rất nhanh nhạy và dễ học theo”.


Nghệ sĩ hài Trà My: “Diễn hài cao hứng nhưng phải biết tiết chế, kiểm soát mình”

Nghệ sĩ hài Trà My. “Tôi nghĩ là nghệ sĩ thì nên biết tiết chế, kiểm soát mình ở mức độ tốt nhất. Nghệ sĩ diễn hài đòi hỏi phải hoạt ngôn biến nội dung tưởng tục mà không tục và điều khó nhất là nghệ sĩ cần phải nhạy cảm để nắm bắt sự tiếp nhận của khán giả, phù hợp với văn cảnh, sự kiện.

Hài kịch đôi khi phải có sự gần gũi với khán giả, nhưng dân dã cũng cần đúng chỗ, không phải lúc nào, chỗ nào cũng có thể cao hứng, bốc đồng bất chấp hết để “thích quăng từ gì thì quăng”. Vai diễn hài và chuyện văng tục trên sân khấu thuộc về hai ranh giới. Trong những phút cao hứng trên sân khấu, nghệ sĩ hài có thể “thêm mắm, thêm muối” một vài câu hoặc từ vào cho hài hước gây cười nhưng nên cẩn trọng vì không phải từ nào cũng nói được.

Thực ra, để vai diễn hài không đơn thuần là chọc cười khán giả mà chuyển tải thông điệp về đời sống, nghệ thuật không phải là điều đơn giản. Điều này đòi hỏi, các nghệ sĩ hài phải tinh tế lựa chọn, cân nhắc kỹ càng khi thể hiện”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét