Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Công nghiệp Việt Nam “chưa giàu đã già”

Công nghiệp Việt Nam “chưa giàu đã già”
10/03/2017 22:13 - Nội lực yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phát triển thiếu chiều sâu, chưa có chính sách tổng thể, dài hạn... là những căn bệnh trầm kha của ngành công nghiệp Việt Nam
Năng suất lao động của ngành công nghiệp Việt Nam vẫn 
kém nhiều so với các nước trong khu vực Ảnh: THANH NGA
Ngày 10-3, Ban Kinh tế trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035”. Hội thảo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) và chuyên gia đến từ hơn 20 tổ chức quốc tế.

Trình độ thấp, nội lực yếu

Chủ trì hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng các chính sách chung và chính sách ngành trong lĩnh vực công nghiệp thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam hơn 30 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình cũng nêu rõ hàng loạt yếu kém: ngành công nghiệp còn ở trình độ thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng; nội lực yếu, phụ thuộc nhiều vào DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); sự liên kết giữa DN FDI với DN trong nước còn hạn chế, tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đang giảm, ở giai đoạn 2006-2010 đạt 16,2% nhưng đến giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 10%. Công nghiệp tập trung chủ yếu là khai khoáng, lao động giá 
rẻ, ít ngành công nghệ cao; tốc độ tăng năng suất lao động thấp (thấp hơn Malaysia và Thái Lan 6,4 lần, thấp hơn Philippines 3,6 lần).

“Nước ta không tận dụng tốt lợi thế dân số vàng, đang đối diện với nguy cơ hậu công nghiệp hóa quá sớm. Việt Nam chưa có chính sách công nghiệp tổng thể, dài hạn. Chúng ta thiếu các chính sách cụ thể, ưu tiên nguồn lực để theo đuổi nhất quán mục tiêu đề ra” - ông Nguyễn Văn Bình thẳng thắn.

GS kinh tế Trần Văn Thọ (ĐH Waseda - Nhật Bản) nhận xét: “Công nghiệp Việt Nam chưa giàu đã già, chuyển qua hậu công nghiệp quá sớm. Chuyển sang hậu công nghiệp sớm thì tốc độ phát triển kinh tế giảm”. Ông Thọ dẫn ví dụ, tại Hàn Quốc, Nhật Bản khi thu nhập bình quân đầu người 30.000 USD/năm thì tỉ lệ công nghiệp/GDP mới bắt đầu giảm. Trong khi Việt Nam thu nhập mới 3.000 USD đã chuyển sang hậu công nghiệp.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP HCM, đánh giá trong khi thế giới đã tiến tới ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4 thì công nghiệp Việt Nam đang “mắc kẹt” ở giai đoạn cách mạng lần thứ 2, nghĩa là vẫn ở công đoạn cơ giới hóa, lắp ráp. “Những sản phẩm của Intel hay Samsung được xếp vào nhóm công nghệ cao nhưng DN nội chưa đóng góp gì trong nhóm này khi mới chỉ tham gia 3%, dừng ở mức cung cấp vỏ hộp, bao bì” - TS Tự Anh bình luận.

Ưu tiên máy móc và công nghiệp thực phẩm

Góp ý cụ thể, GS Trần Văn Thọ cho rằng 2 lĩnh vực Việt Nam cần chú trọng phát triển là các loại máy móc (xe hơi, xe máy, máy in, máy công cụ, máy tính…) và công nghiệp thực phẩm chế biến từ nông, thủy sản mà Việt Nam có nguồn cung cấp phong phú. Về các loại máy móc, nhu cầu thế giới ngày càng lớn vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu và tạo điều kiện để DN FDI nâng chất lượng sản phẩm. Khi thu nhập tăng 1% thì chi tiêu máy móc tăng 2%-3%.

Theo ông Thọ, Việt Nam cần tận dụng quốc gia có 100 triệu dân là sức mạnh lớn để đẩy mạnh công nghiệp hóa cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cụ thể, cần tập trung đào tạo nhân lực công nghệ cao, thích ứng thay đổi công nghệ. “Nhưng đừng chú trọng bậc học, bằng cấp. Đổ xô vào ĐH là không nên. Lao động chất lượng cao chỉ cần học cao đẳng 2 năm, 1 năm học văn hóa, 1 năm chuyên môn là có thể đi làm được” - ông Thọ lưu ý.

“80% người giàu nhất Nhật Bản là làm công nghiệp, còn hầu hết các DN lớn nhất Việt Nam hiện nay chỉ làm bất động sản thì không thể công nghiệp hóa thành công được. Vì vậy, Chính phủ nên đối thoại với các tập đoàn lớn để biết cần có chính sách gì khuyến khích họ mở rộng sang sản xuất công nghiệp và nâng cao diện sản xuất” - GS Trần Văn Thọ nói.

TS Vũ Thành Tự Anh góp ý nếu theo đuổi cách tiếp cận lựa chọn ngành công nghiệp mục tiêu như hiện nay thì phải được thực hiện một cách thật bài bản, kỹ lưỡng và thận trọng; phải dựa trên các nguyên tắc: thuận theo lợi thế so sánh của Việt Nam; ngành ưu tiên phải tạo ra tác động lan tỏa trong nền kinh tế; là ngành đang có tốc độ tăng trưởng cao trên thị trường nội địa hoặc thế giới...

“Lái” DN FDI vào chính sách công nghiệp quốc gia

TS Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, kiến nghị chính sách công nghiệp giai đoạn tới phải chuyển sang hướng ưu tiên những ngành có khả năng cạnh tranh và cần có chủ đích chứ không thể chạy theo số lượng. Cùng với đó, chiến lược thu hút DN FDI cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận theo hướng lựa chọn những DN, mặt hàng hỗ trợ hoặc “lái” họ vào chính sách công nghiệp quốc gia.

“Có như thế thì mới mong DN trong nước tham gia được chuỗi sản xuất của DN FDI. Phải lấy mục tiêu cuối cùng của chính sách công nghiệp là nâng cao năng lực DN trong nước, nếu không DN Việt Nam sẽ không đủ năng lực tiếp thu công nghệ, mãi mãi đứng ngoài chuỗi liên kết toàn cầu”- TS Tuệ Anh bày tỏ.

Thế Dũng

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cong-nghiep-viet-nam-chua-giau-da-gia-201703102210246.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét