Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Khủng hoảng TQ năm 2022 và dự báo cho năm 2023

Khủng hoảng kinh tế Trung Quốc năm 2022 và dự báo cho năm 2023
1) Bối cảnh
Trong hơn 3 thập kỷ qua, Trung Quốc luôn hưởng lợi từ việc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) để đạt lợi thế về xuất khẩu, đồng thời thực hiện chính sách lãi suất cao để thu hút những dòng đầu tư quốc tế khổng lồ. Tuy nhiên, không phải điều kiện vĩ mô - tài chính lúc nào cũng thuận lợi cho Trung Quốc khi thực hiện 2 chính sách này. Tình hình hiện nay đang rất nan giải với TQ. Với việc USD tăng giá và dòng vốn ngoại liên tục đổ về Mỹ,... 
Trung Quốc đang bế tắc chưa biết xoay xở thế nào. 
Việt Nam hiện nay cũng đang bế tắc không khác gì Trung Quốc. Nếu hai nước thực hiện phá giá mạnh nội tệ và chạy đua nâng lãi suất với Mỹ thì rủi ro cũng rất cao, nhất là nguy cơ lạm phát cao và suy thoái kinh tế trầm trọng. 

Thống kê mới nhất cho thấy tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc chỉ đạt 3%, thấp nhất trong nửa thế kỷ vừa. Tăng trưởng kinh tế của VN khá hơn (8,02%) nhưng số liệu không đáng tin cậy, đồng thời tăng trưởng này dựa trên nền tăng trưởng quá thấp của 2 năm 2020 và 2021 (đều dưới 3%, thấp nhất kể từ khi đổi mới kinh tế năm 1986), chưa đủ để bù lại những tổn thất đã mất trong 2 năm đó. 

Bài viết dưới đây là một số thông tin trên mạng về chính sách của Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Mục tiêu là để tham khảo nhằm tìm ra một lối thoát cho nền kinh tế Việt Nam cũng đang hết sức khó khăn. 

2) Chính sách đồng tiền yếu của Trung Quốc 

Cuộc chiến tiền tệ giữa đồng Nhân dân tệ TQ (CNY) và đồng đô la Mỹ (USD) đã diễn ra gần 5 thập kỷ, trong đó đồng CNY luôn đạt được lợi thế nhờ định giá thấp để 
xuất khẩu của TQ được hưởng lợi. Giá trị đồng CNY so với USD liên tục giảm mạnh trong suốt thời kỳ từ khi bắt đầu đổi mới kinh tế năm 1978 đến cuối năm 1993, từ khoảng 1 CNY/USD lên 5,81 CNY/USD. Đặc biệt lần phá giá cực mạnh tới 50% ngày 03/01/1994 đã giảm giá CNY tới mức 8,71 CNY/USD. Từ đây, giá hàng hoá của Trung Quốc rẻ hơn bất kỳ quốc gia và nền kinh tế nào trên thế giới. Như vậy, sức cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa và dịch vụ của TQ có nguồn gốc rất quan trọng là từ phá giá mạnh mẽ đồng CNY. 



Từ kinh nghiệm của Trung Quốc và nhiều nước khác, tháng 10 năm 2000, tôi đã viết một báo cáo dài khoảng 50 trang nhan đề "Chúng ta sẽ thu được gì khi phá giá mạnh đồng tiền Việt Nam", trong đó đề xuất "Để thoát khỏi tình thế khó khăn hiện nay, nhất là trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế, tài chính và tiền tệ châu Á 1997, tự do hoá kinh tế nhanh và quyết liệt hơn đi kèm với phá giá mạnh tỷ giá danh nghĩa là giải pháp phù hợp nhất đối với nền kinh tế nước ta. Phá giá nên được thực hiện ở mức ít nhất là 30%, tốt nhất là 50%. Ngay khi phá giá, chính phủ phải cam kết ổn định tỷ giá mới trong vòng ít nhất 2 năm để khôi phục và củng cố lòng tin của dân chúng và người đầu tư. Những phân tích chi tiết cho thấy phá giá sẽ cho phép giải quyết được một loạt vấn đề nan giải trong nền kinh tế và xã hội, nhất là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển nền kinh tế sang phát triển hướng ngoại, cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, giảm sức ép đối với bội chi ngân sách quốc gia, củng cố hệ thống ngân hàng, tăng thu nhập cho nông dân, tạo ra thêm nhiều việc làm, giảm tỷ lệ đô thị hoá và các tệ nạn trong xã hội. Nói ngắn gọn, chúng ta sẽ thu được lợi rất nhiều khi phá giá mạnh đồng tiền Việt Nam". 

Trước đó, năm 1994, tôi cũng đã viết một bài rất chi tiết trên tạp chí Nghiên cứu kinh tế với tiêu đề "Bàn về Phá giá và khả năng thực hiện Phá giá ở nước ta". Những báo cáo này đã được thảo luận ở Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, được Thủ tướng Phan Văn Khải sao gửi cho nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp để nghiên cứu...; nhưng cuối cùng không ai dám thực hiện. 

Rất tiếc thời cơ thường rất quý và rất hiếm; nó đã trôi qua thì không biết khi nào mới trở lại. TQ thường luôn luôn biết tận dụng thời cơ rất tốt vì họ có tâm, có tầm và dám nghĩ, dám làm; còn lãnh đạo VN vừa không có tâm có tầm, vừa không dám nghĩ và nhất là sợ làm sai nên không ai dám làm. Ai quan tâm có thể đọc các bài trên trong Blog cá nhân của tôi theo các đường dẫn dưới đây.
http://toithichdoc.blogspot.com/2011/04/chung-ta-se-thu-uoc-gi-khi-pha-gia-manh.html
http://toithichdoc.blogspot.com/2012/08/ban-ve-pha-gia-va-kha-nang-thuc-hien.html

3) Chính sách lãi suất cao của Trung Quốc 

Không những chủ động sử dụng một đồng CNY yếu để thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, Trung Quốc còn duy trì dài hạn một chính sách tiền tệ lãi suất cao nhằm thu hút đầu tư quốc tế, tức là luôn đảm bảo lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương TQ (PBOC) cao hơn lãi suất điều hành của Fed, luôn luôn đảm bảo mức lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) TQ cao hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ; từ đó lôi kéo dòng vốn ngoại đổ vào Trung Quốc tìm kiếm lợi nhuận qua đầu tư tài chính, sán xuất dài hạn và bán hàng hoá trên thị trường có 1,4 tỷ dân này.

Cuộc chiến tiền tệ giữa đồng CNY và USD đặc biệt thuận lợi cho Trung Quốc 
trong 2 năm 2020-2021 từ khi ông Biden lên nắm quyền. Không chỉ chấm dứt áp dụng nhiều chính sách trừng phạt thương mại các doanh nghiệp Trung Quốc của Tổng thống tiền nhiệm Donald J. Trump, ông Joe Biden còn mở rộng vay nợ công trong khi Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) triển khai một chính sách tiền tệ mở rộng hào phóng chưa từng có qua các gói nới lỏng định lượng (QE).

Ngược trở lại với Fed, Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ có lãi suất cao hơn Mỹ, trong khi vẫn phá giá CNY ở mức vừa phải (xem đồ thị).

Năm 2020 - 2021, khi chính phủ Mỹ mở rộng chi tiêu một cách xa hoa và tiêu tiền cực rẻ trong khi nền sản xuất bị "đóng cửa" hoặc bị thu hẹp do đại dịch, một lượng lớn tiền dư thừa lớn đổ vào các quỹ đầu cơ của phố Wall. Phố Wall tìm đến các thị trường có chênh lệch lợi suất hấp dẫn hơn so với Mỹ. Đó chính là Trung Quốc. 

Trung Quốc đáp ứng hoàn hảo hai nhu cầu của Phố Wall: (i) có chênh lệch lãi suất cao và (ii) có khả năng hấp thụ dòng vốn khổng lồ từ Mỹ vì hệ thống tài chính Trung Quốc luôn luôn khát vốn (thị trường tài chính nhỏ bé của Việt Nam hay các nước Đông Nam Á khác không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư khổng lồ này). 

Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2020-2021 chênh lệch lãi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc và Mỹ cùng kỳ hạn 10 năm đã giãn rộng đến mức cao nhất trong lịch sử trong năm 2020; thời kỳ chênh lệch lãi suất đạt đỉnh cao nhất là từ tháng 2/2015 đến tháng 5/2020.

Bất chấp nhiều cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào Trái phiếu Trung Quốc, cũng như các cảnh báo về an ninh tài chính quốc gia Mỹ khi dòng tiền từ Mỹ đổ vào Trung Quốc, dòng tiền đầu tư của giới tài phiệt phố Wall vào Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Trong bối cảnh khó khăn khi tìm kiếm lợi nhuận trong danh mục đầu tư, sự mở cửa của Trung Quốc cho dòng vốn ngoại với lãi suất hứa hẹn vượt trội luôn là miếng bánh hấp dẫn nhất.

Theo Refinitiv, các nhà đầu tư quốc tế đã chiếm khoảng 12% tổng số giao dịch mua TPCP Trung Quốc. Ngoài ra, các tổ chức Phố Wall bao gồm BlackRock, Citigroup và JPMorgan Chase đều đã được cấp phép để mở rộng hoạt động của họ tại Trung Quốc trong hai năm 2020-2021.

“Tiền mặt đang bắt đầu đổ vào Trung Quốc vì các tài phiệt phố Wall đang tìm kiếm khoản lợi tức ở đó”, theo Hayden Briscoe, trưởng bộ phận thu nhập nhanh chóng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại UBS Asset Administration. “Đó là một cấp độ rất hấp dẫn trong lịch sử - Trung Quốc đã mở cửa và phần còn lại của thế giới đang ngập trong những khó khăn thảm khốc”.

Việc mở cửa tài chính rộng lớn hơn đã giúp các nhà lãnh đạo và quản lý kinh tế Trung Quốc giải quyết những thách thức to lớn đã kéo dài nhiều năm, như quản trị yếu kém tại nhiều công ty nội địa, thiếu sự đổi mới trong các lĩnh vực và môi trường pháp lý kém phát triển.

Không chỉ vì chênh lệch lãi suất hay lợi tức, thị trường trái phiếu Trung Quốc cũng đủ rộng cho dòng tiền quá lớn từ Mỹ lao đến kiếm lãi. Từ góc độ của các nhà đầu tư tài chính, thị trường trái phiếu của Trung Quốc đã trở nên quá lớn và không thể bỏ qua, đặc biệt là với lãi suất cao hơn nhiều so với các thị trường trái phiếu truyền thống hơn và an toàn hơn mà họ đang có. Trong hai mươi năm, thị trường trái phiếu trong nước của Trung Quốc đã tăng gấp sáu lần lên khoảng 14 ngàn tỷ USD, vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới, mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài còn tham gia hạn chế.

4) Mỹ tăng mạnh lãi suất để kéo đô la quay lại Mỹ

Tình hình trên đây thế trận của những năm trước. Trong năm 2022 thời thế đã thay đổi và cuộc chiến tiền tệ Mỹ - Trung đang nghiêng về Mỹ. Trong suốt năm 2022, Mỹ liên tục tăng mạnh lãi suất với các mức rất bất  ngờ, và hiện nay rõ ràng Trung Quốc vẫn đang hoàn toàn bị động, rối bời vì không có cách nào xoay chuyển tình thế trước chính sách tiền tệ mới của Fed tạo ra với đồng USD.

Thực tế ngay từ đầu năm 2022, Fed đột ngột đảo chiều chính sách tiền tệ sau khi nhận ra sai lầm của mình trong nhận định về lạm phát: lạm phát cao, kéo dài và ở lại Mỹ lỳ lợm hơn suy tính, dự đoán
 của Fed trước đó. Fed đã nâng lãi suất điều hành cao gấp 3 lần so với kế hoạch ban đầu. Cho tới nay, Fed đã tăng lãi suất điều hành 7 lần liên tiếp, trong đó có 4 lần liên tiếp tăng tới 75 điểm cơ bản; lãi suất điều hành của đồng USD lên tới 4,5 - 4,7%/năm. Dự kiến mức đỉnh lãi suất điều hành có thể 5 - 5,5% năm 2023. Đặc biệt Fed vẫn chưa có kế hoạch khi nào sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm tới.

Lãi suất tăng đã và đang thúc đẩy đồng USD tăng giá. Năm 2022, có thời điểm chỉ số giá DXY của đồng USD đạt mức cao nhất trong 20 năm qua. 
Giá DXY hay còn gọi là USD Index, là 1 chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với một rổ tiền tệ khác. Rổ tiền tệ này gồm các đồng tiền của 1 nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới và cũng là những đối tác thương mại lớn của Mỹ. Vì thế mà sự lên xuống của mỗi loại tiền tệ này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến USD Index. USD Index được tính toán từ tỷ giá của 6 loại tiền tệ bao gồm EUR: euro (56,60%), JPY: yên Nhật (13,60%), GBP: bảng Anh (11,90%), CAD: đô la Canada (9,10%), SEK: krona Thuỵ Điển (4,20%) và CHF: franc Thuỵ Sỹ (3,60%). Giá DXY phản ánh sức mạnh của đồng USD. Nếu DXY có xu hướng đi lên, nhà đầu tư sẽ mua vào đồng USD và bán ra các đồng tiền khác. Ngược lại, nếu DXY có xu hướng đi xuống, các nhà đầu tư sẽ giảm mua USD trong khi đầu tư sang các đồng tiền khác có tiềm năng hơn.


Chính sách lãi suất cao của Mỹ đã và đang làm lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh và làm cho Trung Quốc mất hoàn toàn lợi thế chênh lệch lợi suất trái phiếu như trong các năm 2020-2021 trước đó. Thêm vào đó, rủi ro vỡ nợ trên thị trường tiền tệ, thị trường vốn của Trung Quốc tăng vọt khiến Trung Quốc bị kẹt thanh khoản trầm trọng. Dòng tiền (cả ngắn và dài hạn) USD vội vã tháo chạy khỏi Trung Quốc. Viện Tài chính quốc tế (The Institute of International Finance - IIF) ước tính khoảng 300 tỷ USD đã tháo chạy khỏi thị trường vốn Bắc Kinh trong năm 2022, tăng mạnh so với mức 129 tỷ USD vào năm 2021. 300 tỷ USD này cũng là mức cao kỷ lục chưa từng có ở Trung Quốc.

Vốn ngoại 
đang lặng lẽ từ bỏ thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc không chỉ gồm vốn ngắn hạn, tức là vốn đang hoạt động đầu cơ trên thị trường tài chính, mà còn cả các dòng vốn dài hạn, thứ vốn tạo ra sức sống của nền kinh tế Trung Quốc và là đầu vào của sản xuất ở quốc gia này. Đây là nguy cơ rất lớn đối với tiềm năng phát triển dài hạn của Trung Quốc.

5) Kinh tế Trung Quốc đang lao đao vì chính sách tiền tệ năm 2022 của Mỹ

Trong năm 2022, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ trong nước so với đô la Mỹ giảm 8,31% và tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ ở nước ngoài so với đô la Mỹ giảm 8,57%. Đây là mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ khi Trung Quốc thống nhất thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái chính thức vào năm 1994.

Khi đồng USD mạnh lên vì Fed tăng lãi suất, dòng tiền cả thế giới đổ về Mỹ. Để ngăn sự tháo chạy của dòng vốn nóng và dài hạn, các ngân hàng trung ương (NHTW) đều phải tăng lãi suất đồng nội tệ để .

Trung Quốc dù muốn cũng không thể hành động giống như NHTW của các nền kinh tế  công nghiệp phát triển khác. Đặc biệt, 
Trung Quốc lực bất tòng tâm không thể tăng lãi suất để tăng giá đồng nội tệ CNY và ngăn sự tháo chạy của USD vì các lý do sau:

Thứ nhất, do Trung Quốc đang suy thoái kinh tế. Chính sách zero-Covid trong suốt 3 năm qua kèm biến động bất thường của giá hàng hoá, khủng hoảng năng lượng khiến nền sản xuất của Trung Quốc bị xói mòn nghiêm trọng. Các doanh nghiệp bị đóng cửa liên tục và bất ngờ không chỉ làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn thu hẹp sản xuất, giảm thu nhập của Trung Quốc. Tăng trưởng Trung Quốc bắt đầu ghi nhận con số thấp nhất trong 4 thập kỷ cải cách và mở cửa.

Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới tối hôm qua 31/12/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này đã vượt hơn 120.000 tỷ nhân dân tệ (17.400 tỷ USD) trong năm 2022. Điều này đồng nghĩa GDP năm qua dự kiến tăng trưởng 4,4%. Ước tính này cao hơn mức dự đoán phổ biến của các nhà kinh tế quốc tế là 2,8% đến 3,2%, trung bình chỉ 3%, là một trong những mức thấp nhất kể từ năm 1976. Nên nhớ Chính phủ Trung Quốc từng đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 5,5%, nhưng kết quả hoàn toàn thất vọng.

Khi kinh tế suy thoái mà lạm phát chưa bùng phát, giải pháp khả dĩ duy nhất mà mọi chính phủ sẽ thực thi là thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khoá nới lỏng; tức là bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế thông qua hệ thống NHTM và qua chi tiêu chính phủ (đầu tư công). Chính vì thế mà dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, trái ngược lại với Mỹ và hầu hết NHTW của các nền kinh tế lớn nhỏ trên khắp toàn cầu. Và vì thực hiện các chính sách mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng, 
Trung Quốc sẽ không thể tăng lãi suất để tăng giá đồng nội tệ CNY và ngăn sự tháo chạy của USD.

Thứ hai, nền kinh tế 
Trung Quốc đang cạn kiệt thanh khoản. Tuần cuối cùng của năm 2022, Trung Quốc đã bơm 904 tỷ CNY cho hệ thống NHTM, mức bơm nhiều nhất theo tuần kể từ 2019. Theo số liệu thống kê ước tính, tổng số tiền bơm ròng vào ngân hàng thương mại chỉ trong 12 tháng qua của Trung Quốc lên tới 2.329 tỷ CNY, tương đương với 334 tỷ USD.

Có nhiều lý do giải thích cho tình trạng suy giảm thanh khoản ở các NHTM Trung Quốc: Nợ xấu, vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (BĐS), thị trường bất động sản đóng băng... Điều này không khác gì ở Việt Nam.

Trung Quốc đang chứng kiến vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản kỷ lục năm 2022. Từng là lĩnh vực đầu tư được săn lùng chiếm hơn một nửa số vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao ở châu Á, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã chứng kiến ​​số vụ vỡ nợ kỷ lục vào năm 2022 đối với các nhà phát triển bất động sản tư nhân hàng đầu và thậm chí cả một số doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt, kể từ đầu năm 2022 đến nay, tâm lý đối với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc ngày càng tiêu cực; ngày càng có nhiều nhà phát triển bất động sản ngoài quốc doanh rơi vào khủng hoảng thanh khoản, dẫn đến vỡ nợ trái phiếu hoặc phải đưa ra đề xuất gia hạn cho trái chủ.

Hiện tại, tỷ lệ vỡ nợ (vỡ nợ thực tế cộng với vỡ nợ kỹ thuật) của trái phiếu USD bất động sản Trung Quốc đã tăng lên hơn 50%. Giá của hơn 50% số trái phiếu này đã giảm xuống dưới 30 USD. Đây là tình huống chưa từng có. Chuyên trang về theo dõi trái phiếu doanh nghiệp này để lại bình luận "các nhà đầu tư trái phiếu bất động sản Trung Quốc đều lo lắng và sợ hãi".

Vậy tại sao trái phiếu BĐS vỡ nợ lại liên quan tới ngân hàng thương mại? Bởi vì cũng khá giống Việt Nam, NHTM là nhà đầu tư nắm giữ một khoản lớn TPDN. Khi ngân hàng thương mại dùng nguồn huy động ngắn hạn để đầu tư vào TPDN vốn là tài sản dài hạn, mà tài sản này lại không thể thu hồi đúng hạn vì vỡ nợ tràn lan như mô tả ở trên, lúc này cạn kiệt thanh khoản có thể gây ra đổ vỡ hệ thống.

Ngoài ra, NHTM cũng là nơi cho các doanh nghiệp phát triển BĐS vay nợ. Tuy nhiên, tình trạng tài chính của nhiều doanh nghiệp phát triển BĐS lớn đang vô cùng xấu, không chỉ Evergrande. Trên toàn nước Trung Quốc, có ít nhất 50 thành phố ma, 65 triệu căn hộ ma. Tất cả những BĐS hoang phế này chính là nợ xấu đang tồn tích trong các NHTM. Nợ không thu hồi được sẽ khiến thanh khoản cạn kiệt, chi phí vốn tăng vọt.

6) Giải pháp của Trung Quốc và dự báo bi quan cho năm 2023

Trung Quốc chỉ có một lựa chọn duy nhất là thực thi các chính sách tài chính và tiền tệ lỏng để cứu thanh khoản đang cạn kiệt trong hệ thống tài chính đồng thời hy vọng phục hồi phần nào suy thoái kinh tế tồi tệ. Nếu làm như vậy, CNY sẽ tiếp tục mất giá và lãi suất ở Trung Quốc không còn thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Cái giá lớn nhất mà Trung Quốc phải trả là trơ mắt nhìn dòng tiền USD (cả ngắn và dài hạn) tiếp tục ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc.

Dự báo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ duy trì, thậm chí tăng cường chính sách tiền tệ nới lỏng, sẽ bơm tiền nhiều chưa từng có, vượt mức kế hoạch 5 năm cho hệ thống ngân hàng đang có nhiều rủi ro này. Thanh khoản cần phải được ưu tiên cứu trước. Bởi vậy, Trung Quốc dù có phải trơ mắt nhìn dòng vốn ngoại tháo chạy cũng không cách nào ngăn lại.

Năm 2023 đã chính thức bắt đầu từ hôm nay, tình trạng thị trường BĐS Trung Quốc tiếp tục xấu hơn, triển vọng tăng trưởng cũng xấu hơn trong khi lãi suất đồng USD sẽ còn tăng cao hơn, dẫn tới hầu như chắc chắn CNY sẽ tiếp tục mất giá nhiều hơn nữa so với USD. 


Như vậy, kinh tế Trung Quốc năm 2022 đã rơi vào tình trạng khó khăn hiếm có kể trong suốt 4 thập kỷ qua; dự báo trong năm 2023 cũng vẫn rất khó khăn. Điều này, đương nhiên, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam vì nền kinh tế nước ta phụ thuộc thương mại rất lớn vào Trung Quốc. Mặt khác, nhiều bất ổn kinh tế Trung Quốc nêu trên cũng đang diễn ra khắp nơi trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó Việt Nam rất cần nhìn bài học của Trung Quốc để tìm ra lối thoát cho chính mình.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét