Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

NATO CHƠI VỚI LỬA NÊN BỊ BỎNG

Tôi hoàn toàn đồng tình với bài viết dưới đây. Cám ơn anh Hòa đã gửi tới. Bài này đăng hôm 30/01/2022 và nó cho thấy GS John Mearsheimer đã phân tích và dự báo hoàn toàn chính xác. Rất tiếc những dự báo điên rồ của GS vừa được công bố thì thực tế đau lòng đã xảy ra chỉ sau 2 tuần chứ không phải 2 năm hay 20 năm. Thế giới đang bước vào một giai đoạn không lối thoát. Các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu xung đột cho đến nay không thành công. Matxcơva muốn đối thoại với Washington nhưng Washington không khác gì người điếc. Thay vào đó, cả hai bên đều diễu võ dương oai: Vladimir Putin tiếp tục đưa thiết bị chiến tranh đến biên giới Ukraine, thậm chí công nhận sự độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng và trực tiếp đem quân vào lãnh thổ Ukraine; còn NATO phản ứng bằng cách tái bố trí quân đội và tăng cường gửi vũ khí tới các quốc gia thành viên ở phía đông... Tôi đồng ý với GS nếu có bất cứ điều gì mà Mỹ và các đồng minh cần làm, là hãy làm tất cả để xoa dịu cuộc khủng hoảng này hơn là đổ thêm dầu vào lửa.
NATO CHƠI VỚI LỬA NÊN BỊ BỎNG
NATO CHƠI VỚI LỬA NÊN BỊ BỎNG. Đó là nhận định của John Mearsheimer- một trong những nhà lý luận chính trị đương đại có ảnh hưởng nhất. Cuốn sách “The Tragedy of Great Power Politics” của ông xuất bản năm 2001 đang được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới. Ông hiện là Giáo sư Chính trị Quốc tế tại Đại học Chicago. Ông từng là sĩ quan trong Lực lượng Không quân Hoa Kỳ trước khi theo nghiệp đèn sách. 
Xung đột Ukraine đang leo thang một cách nguy hiểm. Chuyên gia John Mearsheimer nói rằng nguyên nhân chủ yếu là do phương Tây đã hiểu sai lợi ích của Nga. Trả lời phỏng vấn, nhà khoa học chính trị này nói về những gì Putin thực sự muốn và làm thế nào để nhanh chóng xoa dịu tình hình. 

Tình hình Ukraine đang ngày càng trở nên nguy kịch. Các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu xung đột cho đến nay không thành công. Thay vào đó, cả hai bên đều diễu võ dương oai: Vladimir Putin tiếp tục đưa thiết bị chiến tranh đến biên giới Ukraine, và NATO phản ứng bằng cách tái bố trí quân đội tới các quốc gia thành viên ở phía đông. 

Làm sao đến nông nỗi này, phải làm gì bây giờ? 

Chúng tôi đã nói chuyện với giáo sư chính trị người Mỹ John J. Mearsheimer. 

WELT: Thưa giáo sư Mearsheimer, Nga đòi phương Tây phải cam kết, không để Ukraine trở thành thành viên NATO. Ông có hiểu được điều đó không? 

John J. Mearsheimer: Tuyệt đối hiểu. Nga không muốn có một lá chắn của phương Tây chình ình trước ngưỡng cửa nhà mình. Điều này, xét theo quan điểm của Nga, là hoàn toàn hợp lý. Tôi không hiểu tại sao rất nhiều người ở phương Tây không chịu hiểu điều đơn giản này. 

Chúng tôi ở Mỹ có học thuyết Monroe, trong đó nói rất rõ không một cường quốc lớn nào có thể thành lập một liên minh quân sự với bất kỳ quốc gia nào ở Tây bán cầu và đóng quân ở đó. Người Nga có phiên bản riêng của học thuyết này và hiện đang cố gắng áp dụng nó. Cuộc khủng hoảng hiện nay là kết quả trực tiếp của quyết định ngu ngốc của Mỹ và các đồng minh dự định kết nạp Ukraine vào NATO.

WELT: Nhưng việc xích lại gần NATO và phương Tây là quyết định thuộc chủ quyền của Ukraine… 

Mearsheimer: Ukraine muốn điều đó, không có nghĩa là các quốc gia thành viên phải chấp nhận điều đó. Cạnh đó cần thấy rõ, Ukraine sẽ thật dại dột khi gia nhập NATO. Khi bạn sống cạnh một cường quốc, cho dù đó là Mỹ, Nga hay Trung Quốc, bạn không thể làm bất cứ điều gì mà chính sách đối ngoại nảy ra trong đầu mình. Thay vào đó, bạn phải xem xét những gì người hàng xóm của bạn ái ngại, vì sự an toàn của chính bản thân mình. 

Nếu bạn trêu chọc một con khỉ đột, nó sẽ làm những điều khủng khiếp với bạn, chỉ đơn giản vậy thôi. Kết quả của việc tìm cách nhích lại gần hơn đã làm cho Ukraine mất đứt Crưm khi dính vào cuộc chiến với nước Nga. 

WELT: Nhưng mắc mớ gì mà Nga phải lo ngại? NATO không đe dọa bất cứ một ai. 

Mearsheimer: Chúng ta hãy tưởng tượng 20 năm nữa Trung Quốc liên minh quân sự với Canada và dựng tên lửa ngay cạnh biên giới Hoa Kỳ. Hoa Kỳ khi đó sẽ nổi điên nổi đóa và sẽ làm mọi cách ngăn cản chuyện đó. Không một cường quốc nào muốn có một cường quốc khác ngay trước cửa nhà mình, đặc biệt là khi, như trường hợp của Nga, nước này là đối thủ nguy hiểm của quốc gia tiền nhiệm của bạn trong Chiến tranh Lạnh. 

Phương Tây có thể nghĩ NATO không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ ai, nhưng chúng tôi nghĩ như thế nào, điều đó không quan trọng. Vấn đề là Nga không coi NATO là một liên minh thân thiện với họ. 

WELT: Vậy tại sao Nga lại chấp nhận hai lần mở rộng đầu tiên về phía đông diễn ra vào năm 1999 và 2004? Làm như là có cái gì đó mới lạ giữa biên giới Nga với các nước NATO. 

Mearsheimer: Vào thời điểm đó, Nga quá yếu để ngăn cản điều này. Nhưng điều đó không có nghĩa là giới lãnh đạo Nga cho rằng đó là điều tốt, mà là ngược lại, họ rất không hài lòng về điều đó. Phương Tây đã bỏ qua hai lần, nhưng lần thứ ba, khi Ukraine và Gruzia đột ngột chuẩn bị gia nhập NATO vào năm 2008, thì Nga đã không còn khoanh tay đứng nhìn. Ngay trong năm đó, xẩy ra chiến tranh ở Gruzia, và sáu năm sau ở Ukraine. Rõ ràng NATO chơi với lửa và bị bỏng. 

WELT: Nhưng chính Nga đã xâm phạm chủ quyền của một quốc gia khác, gây bất ổn cho Ukraine và sáp nhập Crưm chứ không phải NATO. 

Mearsheimer: Vâng, nhưng đó là một sự đáp trả. Hiện nay, nhiều người cho rằng hành vi của Nga ở Ukraine cho thấy việc mở rộng NATO về phía đông là một việc làm đúng đắn và cần thiết. Nhưng khi làm như vậy, họ đã bóp méo tình hình. 

Cho đến năm 2014, không ai coi Nga là kẻ xâm lược cần kiềm chế. Phương Tây thực sự chỉ muốn một điều, đó là biến Đông Âu thành một khu vực hòa bình, đây là điều chưa từng đạt được. 

Các chính trị gia phương Tây đã bất ngờ sa vào một cuộc khủng hoảng vì họ không hiểu rằng Putin chơi theo một luật chơi khác, đó là quy tắc của chính trị quyền lực, trong khi đó chúng ta lại nghĩ rằng chính trị quyền lực đã bị chôn vùi cùng với Liên Xô. Giả định vô cùng ngây thơ này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện tại, kết cục của nó thật khôn lường. 

WELT: Hiện tại, nhiều người lo sợ rằng Putin muốn lấy nhiều hơn nữa từ Ukraine và thậm chí có thể thôn tính các nước Baltic. Điều này có thực tế không? 

Mearsheimer: Putin thường bị coi là một Hitler mới. Theo logic này, thì bất kỳ sự nhượng bộ nào sẽ là sự lặp lại của chính sách xoa dịu chết người chống lại Đức Quốc xã cuối những năm 1930. Nhưng sự so sánh này là buồn cười. Ngoài ra, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga muốn chinh phục các vùng lãnh thổ mới. Nếu lịch sử gần đây cho thấy bất cứ điều gì, thì đó là việc chiếm đóng các quốc gia khác hầu như luôn dẫn đến thảm họa. Cho dù bạn nhìn vào kinh nghiệm của Hoa Kỳ ở Afghanistan, Iraq hay Việt Nam, hoặc Liên Xô ở Afghanistan; chưa nói đến những khó khăn của Liên Xô trong việc duy trì trật tự ở Đông Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. 

Putin và các cố vấn của ông đủ khôn ngoan để hiểu điều đó. Putin không muốn một đế chế mới của Nga hay sự phục hồi Liên Xô. Chủ yếu là Nga muốn ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO. 

WELT: Putin có thể không phải là Hitler thứ hai, nhưng rõ ràng ông ta là một kẻ chuyên quyền, độc đoán, hành động tàn bạo chống lại phe đối lập và không hề e ngại dùng thủ đoạn ám sát. 

Mearsheimer: Cho dù Putin có phải là người chuyên quyền hay không thì không liên quan gì nhiều đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Ở đây không bàn về các giá trị hay hệ tư tưởng hay các hình thức chính phủ, mà là về địa chính trị. Thật rất phiền toái khi nhiều người ở phương Tây không chịu hiểu điều này. 

WELT: Nhiều người đang đòi cung cấp vũ khí cho Ukraine để nâng cao cái giá của một cuộc xâm lược đối với Putin. 

Mearsheimer: Đó sẽ là một sai lầm lớn và chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn. Việc cung cấp vũ khí và hợp tác quân sự chính là lý do khiến cuộc khủng hoảng nóng lên trong những tháng gần đây. Người Nga giải thích đây là một nỗ lực biến Ukraine thành một quốc gia NATO trên thực tế. 

Hơn nữa, nếu chúng ta cung cấp thêm vũ khí, Nga cũng sẽ tăng cường hỗ trợ cho phe ly khai ở miền đông Ukraine và sự hiện diện của quân đội ở biên giới. Và trong cuộc chạy đua vũ trang này, Nga sẽ luôn chiếm thế thượng phong. 

Xin nhắc lại với bạn, chúng ta đang đối phó với một cường quốc có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân. Nếu có bất cứ điều gì mà Mỹ và các đồng minh cần làm, là hãy làm tất cả để xoa dịu cuộc khủng hoảng này hơn là đổ thêm dầu vào lửa. 

WELT: Làm thế nào có thể đạt được điều này? 

Mearsheimer: Giải pháp đơn giản nhất là Mỹ đảm bảo bằng văn bản là Ukraine sẽ không gia nhập NATO. Nhưng điều này sẽ không xảy ra. Các nhà ra quyết định của phương Tây đã cam kết với câu thần chú về tự do, có nghĩa là Ukraine có quyền để trở thành thành viên NATO. 

Ngoài ra, theo thăm dò thì mức độ ủng hộ của người dân Mỹ với Biden đang ở dưới đáy, bất kỳ một sự nhượng bộ nào đối với Putin sẽ làm tổn hại hơn nữa uy tín của ông trong lòng công chúng Mỹ. 

Và người ta không được quên rằng Trung Quốc đang theo dõi rất sát những gì đang diễn ra ở Ukraine. Nếu Mỹ ngừng ủng hộ Ukraine, nước này có thể thúc đẩy Trung Quốc thực hiện hành động quyết liệt hơn đối với Đài Loan. Vì vậy, Hoa Kỳ đang ở trong một tình huống khá khó khăn do nước này tự tạo ra. Nạn nhân của chính sách ngu ngốc này của phương Tây chính lại là người Ukraine. Nga sẽ trừng phạt nghiêm khắc Ukraine cho đến khi Nga đạt các thứ mà họ muốn. 

WELT: Vậy không có cách nào để thoát ra khỏi vòng xoáy của sự leo thang này, thưa giáo sư? 

Mearsheimer: Theo tôi, điều tốt nhất cho tất cả các bên là có một Ukraine trung lập, một vùng đệm, giống như nước Áo hoặc Phần Lan trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hoặc Ukraine trong thời kỳ từ 1991 đến 2013. Một Ukraine không thuộc phương Tây cũng như không hợp tác quá chặt chẽ với Nga, và duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai bên. Đó cũng sẽ là một giải pháp tốt cho tất cả các bên có liên quan. Khi đó, cả Mỹ và Nga đều sẽ phải nhượng bộ. Đây là cách để cả hai bên giữ được thể diện. Nhưng dường như chúng ta còn lâu mới đạt được điều đó. 

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài (Đăng trên Nghiên cứu quốc tế) 
Nguồn: “Der Westen hat nicht verstanden, dass Putin nach anderen Regeln spielt”, WELT, 30/01/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét