Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Chính sách của Washington thất bại ở Ukraine

Chính sách của Washington thất bại ở Ukraine
Stephen Bryen và Shoshana Bryen - Có vẻ như chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã nghĩ rằng họ có thể khiến người Nga sợ hãi và tránh xa Ukraine, vì thế mà, theo nguyên tắc, đã từ chối đàm phán. Người Nga đã không hề sợ, và chúng ta cùng các đồng minh của chúng ta (không tính người Ukraine) không có một chính sách tốt lắm. Trên thực tế, chính phủ TT Biden đã không thực hiện cả chính sách chiến lược và chiến thuật để ứng phó với vấn đề Ukraine và đặc biệt là Nga.

Thứ nhất, một siêu cường quốc không nên tiến hành đe dọa nếu quý vị không thể hỗ trợ họ. Hoa Kỳ và NATO — vốn không đồng tình cho lắm — đồng ý rằng không nước nào sẽ sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ Ukraine. Điều đó có nghĩa là tất cả những lời đe dọa đó là về kinh tế và chính trị.

Điều này là cần thiết, bởi vì khả năng Mỹ bảo vệ Đông Âu về mặt quân sự là, có thể nói chí ít là, đáng ngờ. Chúng ta có ít lực lượng mặt đất, không có các hệ thống phòng thủ chuyên sâu trước các hỏa tiễn và tên lửa của Nga, và không có mấy sự bảo đảm là NATO có thể chiến đấu ngay cả khi họ muốn. 

Sự mở rộng của NATO trong những năm 1990 diễn ra khi hầu hết các đồng minh của chúng ta đã giải trừ vũ khí như một phần của “khoản tiền tiết kiệm sau chiến tranh” sau khi Liên Xô sụp đổ. Hoa Kỳ cũng đã thực hiện một vài hoạt động giải trừ vũ khí quan trọng, và kết quả là không một thành viên NATO nào ngoài Hoa Kỳ có thể thực sự bảo vệ lãnh thổ của chính mình, chứ đừng nói đến của nước khác. Và hãy nhớ rằng Ukraine không phải là một thành viên của NATO.

Ngoài ra, các lực lượng Hoa Kỳ ngày nay yếu hơn vì các cuộc chiến tranh kéo dài ở Iraq và Afghanistan, khiến chúng ta phải tiêu tốn hàng ngàn tỷ USD và rất nhiều lực lượng không thể được triệu tập để tham chiến. Mức độ sẵn sàng vẫn còn quá kém mặc dù đã có một số cải tiến trong thời chính phủ tiền nhiệm. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng tiếp tục phớt lờ các hệ thống phòng thủ quan trọng, bao gồm cả các hệ thống phòng không chiến thuật và chiến lược; chúng ta đã gửi binh sĩ của mình tham chiến mà không có sự che chắn trên không trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và thiết bị bay không người lái. Các kho dự trữ chiến tranh cũng ở mức gần như tối thiểu hoặc thấp hơn, và phải mất nhiều năm mới có thể thay thế.

Các điều kiện khách quan khiến bất kỳ nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nào cũng trở nên gần như không có quân đội trong tay.

Nước đi đúng đắn, nước đi khôn khéo, lẽ ra sẽ là các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí nghiêm túc với người Nga khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các điều khoản kiểm soát vũ khí này. Ông Putin đã trao cho chính phủ này một cơ hội rõ ràng, vì có vẻ như người Nga e sợ NATO. Có vẻ là thế — có thể điều này không đúng — nhưng nếu họ sợ NATO, thì chúng ta có thể đưa ra các thỏa thuận để bảo vệ an ninh Âu Châu và an ninh Nga, điều mà người Nga không chỉ nói là họ muốn, mà còn thể hiện “mong muốn” của họ dưới hình thức là các yêu cầu.

Khả năng có các cuộc đàm phán tương tự đã có thể áp dụng với Ukraine. Người Nga lập luận rằng người Ukraine nên đàm phán các điều khoản mà Nghị định thư Minsk 2015 quy định. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn đã không gây áp lực lên Kiev, mặc dù họ là một bên ký kết cùng với hai “nước cộng hòa” ở Donbas. Vấn đề cốt lõi ở đó là quyền tự trị hạn chế đối với những “nước cộng hòa” đó, những nước mà người Nga hiện đã công nhận là độc lập và họ đã cử “đội quân gìn giữ hòa bình” tới đó.

Tất nhiên, điều này hẳn sẽ rất khó khăn, nhưng Ukraine có thể sẽ giữ lại được “các nước cộng hòa” này và loại bỏ được cái cớ mà Nga dùng để đe dọa nền độc lập của Ukraine. Nhưng người Ukraine thực sự bị thuyết phục, một cách sai lầm, rằng sự hỗ trợ từ phía Hoa Thịnh Đốn sẽ giúp họ lấy lại những khu vực đã mất mà không cần thỏa hiệp và đánh đuổi người Nga. Lẽ ra Hoa Thịnh Đốn không bao giờ nên đưa ra ảo tưởng đó.

Có một lý do khiến Ukraine không thuộc NATO — và việc đưa thêm nước này vào khối không nằm trong nghị trình của NATO. Thật vô lý khi khuyến khích người Ukraine có những tin tưởng sai lầm. Càng phi lý hơn khi làm điều đó trong lúc thách thức lớn đối với cả an ninh Hoa Kỳ lẫn kinh tế Hoa Kỳ là Trung Quốc. Chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ hẳn là có thể chống lại hai cuộc chiến tranh khu vực cùng một lúc. Chúng ta không thể. Chúng ta không có các lực lượng và không thể có những lực lượng này trong 20 năm nữa dù là chúng ta bắt đầu xây dựng ngay từ bây giờ. Mà chúng ta lại không làm thế.

Tổng thống Joe Biden khẳng định ông có nhiều kinh nghiệm về chính sách ngoại giao từ những ngày ông còn ở Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Hoa Kỳ và khi ông phụng sự với tư cách là phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ngay cả khi không đào sâu vào việc gia đình Biden đã kiếm được hàng triệu dollar ở Ukraine và Trung Quốc, thì thực tế là ông Biden đã không cân nhắc tới những trách nhiệm chiến lược của nước Mỹ. Đưa ra những lời đe dọa vô nghĩa, không kiên quyết với Ukraine, và khiến Âu Châu rơi vào tình thế nguy hiểm, chính phủ này và nhóm đồng minh của họ đã làm gia tăng đáng kể mối đe dọa trong khu vực và đặt Hoa Kỳ vào tình thế rủi ro là không chỉ làm suy yếu khả năng răn đe mà còn làm tăng khả năng NATO sẽ phải giải thể.

Người Âu Châu đã đang tiến tới một liên minh phòng thủ riêng, có thể loại trừ một số người Đông Âu, và sẽ chỉ bao gồm những nước thành viên nòng cốt ở Tây Âu. Đó là một ý tưởng tồi nhưng đã không được Hoa Thịnh Đốn coi trọng lắm, nhưng những sai lầm chiến lược của Mỹ sẽ thúc đẩy sự việc đó. Hoa Kỳ sẽ đánh mất vai trò là một nước bảo đảm an ninh cho Âu Châu, và hệ thống mới xuất hiện này sẽ cố gắng thực hiện các thỏa thuận riêng của mình với người Nga. Quý vị có thể khá chắc chắn là chúng sẽ tệ hơn việc cựu thủ tướng Anh Chamberlain xoa dịu Hitler.

Hoa Kỳ không cần có cuộc đối đầu này với Nga, nhưng hiện chúng ta không có lối thoát rõ ràng.

Tiến sĩ Stephen Bryen được coi là một nhà lãnh đạo tư tưởng về chính sách an ninh công nghệ, hai lần được trao tặng huân chương dân sự cao quý nhất của Bộ Quốc phòng, Huân chương Công vụ Xuất sắc. Một thành viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách An ninh, cuốn sách gần đây nhất của ông là “Technology Security and National Power: Winners and Losers” [tạm dịch: An ninh Công nghệ và Sức mạnh Quốc gia: Bên thắng và bên thua].

Bà Shoshana Bryen là giám đốc cao cấp của Trung tâm Chính sách Do Thái ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét