Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

Sông của ấp nào thì chỉ dân của ấp đó được bắt cá

Tuyệt vời, chỉ có ở Việt Nam thời nay. Không chỉ ở Cà Mau mà ở một số nơi khác cũng có tình trạng địa phương cát cứ thế này. Năm 2022 rồi mà nhiều nơi còn muốn ngăn sông cấm chợ, ban hành các quy ước do người dân đề xuất đại diện chính quyền chấp nhận; thậm chí có cả những UBND huyện hay xã cũng dám tự mình ban hành các quyết định loại này như UBND huyện Trần Văn Thời... Đáng buồn là trong bảng ghi rõ “Trích nội quy trong Quy ước được UBND huyện (Trần Văn Thời) ban hành tại Quyết định số 5681/QĐ, ngày 1-10-2019”, nhưng khi phóng viên hỏi chủ tịch huyện thì Chủ tịch UBND huyện bảo chưa nắm thông tin Quy ước trên dù chuyện xảy ra đã nhiều thang; và ông "hứa" sẽ kiểm tra và rà soát lại trả lời phóng viên sau. Nếu cái trò cát cứ địa phương này được thừa nhận thì khác gì mỗi địa phương tự biến mình thành vùng đất tự trị, chia cắt với cả nước. Thủ tướng đang ở đâu mà không lên tiếng hè.
Sông của ấp nào thì chỉ dân của ấp đó được bắt cá
TRẦN VŨ 19/2/2022 - (PLO)- Quy ước dân trong ấp mới được đánh bắt cá trên sông của ấp được viết trên tấm biển lớn, dựng ở các đầu kênh từng ấp. Trao đổi với PV, ông Đinh Tấn Lạc, Phó chủ tịch xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau xác nhận: Toàn bộ các ấp trong xã thực hiện quy ước dân ấp nào mới được bắt cá dưới sông ở ấp đó. Dân nơi khác đến đánh bắt cá sông của ấp sẽ bị lập biên bản và xử lý theo quy ước của ấp.

Bảng Quy ước cấm dân ấp khác vào sông
 ấp Vườn Tre đánh bắt cá. Ảnh: TRẦN VŨ.
Việc thực hiện Quy ước này thực hiện từ cuối năm 2021. Khi đó, tất cả các ấp trong xã đều lập một tấm biển lớn ghi rõ nội dung quy ước.

Cụ thể, tấm biển tại ấp Vườn Tre ghi: "Nghiêm cấm người dân của ấp khác vào địa bàn ấp Vườn Tre đánh bắt cá, chỉ người dân trong ấp mới được đánh bắt cá trên sông thuộc phạm vi của ấp. Nếu người dân nào vi phạm sẽ bị lập biên bản xử lý theo nội quy của Quy ước”.

Tấm biển cũng chú thích rõ, “Trích nội quy trong Quy ước được UBND huyện ban hành tại Quyết định số 5681/QĐ, ngày 1-10-2019”.

Trước đó, vì thực hiện Quy ước này, một số người dân đi vào ấp câu cá bị người dân trong ấp ngăn cản, đuổi ra. Những người đi câu cự lại rằng pháp luật không cấm câu bắt cá dưới sông công cộng. Những xích mích nhỏ đã xảy ra xung quanh câu chuyện Quy ước lạ trên.


Một người dân ấp Vườn Tre hăm dọa lấy đồ người câu cá dưới sông. Ảnh: CTV.

Chị Phượng, một người dân của xã chuyên sống bắt nghề bắt cá sông kể: Có lần tôi đi đánh bắt cá dưới sông bị người ta đòi lập biên bản xử lý. Bảo dân ấp nào thì về ấp đó mà đánh bắt cá dưới sông. "Thằng em trai tôi nghe chuyện bảo tôi cứ đánh bắt thoải mái, luật không cấm thì cứ làm. Cá dưới sông công cộng ai bắt được nấy ăn. Cấm sao được" - chị nói.

Chiều 18-2-2022, Phóng viên PLO đến xã Khánh Lộc được ông Đinh Tấn Lạc, Phó chủ tịch xã xác nhận từ giữa cuối năm 2021, toàn xã thực hiện quy ước dân ấp nào thì đánh bắt cá ấp đó. Các tấm biển được dựng tại tất cả các ấp trong xã.

Chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu rõ về quy định"“xử lý” người vi phạm Quy ước” cũng như sự phù hợp như thế nào khi ngăn sông như thế? Ông Lạc hẹn lại sẽ trao đổi sau khi có ý kiến của Chủ tịch xã, người phát ngôn chính thức.


Chị Phượng, người từng bị doạ lập biên bản xử lý vì dám qua sông của ấp khác đánh bắt cá. Ảnh: TRẦN VŨ

Qua điện thoại, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời bảo chưa nắm thông tin Quy ước trên. Ông sẽ kiểm tra và rà soát lại trả lời phóng viên sau.

“Cái việc ngăn sông như vậy là không đúng rồi. Có lẽ ấp tự làm. Tôi sẽ kiểm tra làm rõ và phản hồi cho báo chí trong tuần sau”- ông Công nói với phóng viên PLO.

https://plo.vn/phap-luat/quy-uoc-la-o-ca-mau-song-cua-ap-nao-thi-chi-dan-cua-ap-do-duoc-bat-ca-1044310.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét