Tại sao Nga không hề lo ngại các đòn trừng phạt của phương Tây ?
Tổng thống Nga và dàn lãnh đạo Nga không hề lo ngại trước các đòn trừng phạt của phương Tây khi tiến quân vào Ukraine. Sự tự tin của ông Putin được xây dựng chắc chắn dựa trên những tin tức tốt lành: Kinh tế, quân sự và một quốc gia.Sự tự tin của ông Putin
Mỹ sẵn sàng tung ra một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nếu nước này leo thang xung đột ở Ukraine, bao gồm từ chối các tổ chức tài chính và công ty chủ chốt của Nga tiếp cận với các giao dịch bằng đồng USD trên thị trường toàn cầu đối với thương mại, xuất khẩu năng lượng và tài chính.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện sự tự tin hoàn toàn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng theo hướng có lợi cho đất nước của mình.
Sự tự tin của ông được dựa trên những lá bài tốt vừa bốc được: Nền kinh tế Ukraine đang chững lại, sức mạnh quân sự của Nga gia tăng và con át chủ bài mới mang tên Trung Quốc.
Nga có lẽ sẽ cần cảm ơn Mỹ và châu Âu vì cơn bão truyền thông hoàn hảo mà họ đã tạo ra. Bốn tháng lo lắng trước những động thái tiềm năng từ Nga và quyết định của các đại sứ quán phương Tây chuyển từ thủ đô Kiev đến thành phố Lviv ở phía tây đã có tác động xấu đến nền kinh tế Ukraine.
Trên thực tế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy còn chỉ trích chính quyền Biden vì đã gây ra sự hoảng loạn về một cuộc chiến tranh tưởng tượng, nói rằng điều đó đang gây tổn hại cho nền kinh tế đất nước ông.
Thêm vào đó, Nga đang thắt chặt áp lực kinh tế đối với Ukraine bằng cách giảm số lượng trung chuyển xuất khẩu khí đốt. Các nhà phân tích cho rằng dòng khí đốt của Nga qua Ukraine đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử vào tháng Giêng, đồng nghĩa với việc giảm mạnh doanh thu từ thuế quá cảnh dành cho Ukraine.
Mối đe dọa xung đột cũng đã khiến đồng tiền của Ukraine giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm so với đồng USD và dẫn đến bảo hiểm cao hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Ukraine từ các cảng Biển Đen, cũng như các hãng hàng không.
Một nhà kinh tế Ukraine nói rằng cuộc khủng hoảng đã khiến nền kinh tế nước này thiệt hại vài tỷ USD mỗi tháng.
Theo Asia Times, mặc dù ông Putin đồng ý với nhiều cuộc đàm phán ngoại giao hơn nữa, nhưng rõ ràng Nga còn lâu mới lùi bước.
Nga sẵn sàng tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự đã được hiện đại hoá và mối đe dọa xung đột trong trò chơi thương lượng với phương Tây, bất chấp nguy cơ trừng phạt có thể tàn phá nền kinh tế của chính Nga.
Trong những ngày gần đây, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận lực lượng hạt nhân chiến lược hàng năm, được gọi là Grom.
Quyết định này dường như là một hành động có chủ ý, mục đích là để nhắc nhở các nhà lãnh đạo phương Tây về vị thế siêu cường hạt nhân của Nga và những rủi ro liên quan đến việc đối đầu quân sự với nước này.
Đồng thời, Nga và Belarus đã thông báo sẽ tiếp tục các hoạt động tập trận chung. NATO ước tính khoảng 30.000 quân Nga hiện đang đồn trú ở Belarus.
Điện Kremlin tự tin sau 10 năm hiện đại hoá và tăng cường nguồn lực đã biến quân đội Nga từ một lực lượng già cỗi, trang bị kém thành một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Thêm vào đó, người Nga tin rằng cả Mỹ và NATO sẽ không mạo hiểm một cuộc xung đột với Nga do vấn đề Ukraine.
Vì vậy, bằng cách tiếp tục linh hoạt sức mạnh quân sự của mình theo cách này, ông Putin hy vọng các nhà lãnh đạo phương Tây cuối cùng sẽ gây áp lực buộc các quan chức ở Kiev phải đệ trình một giải pháp chính trị về cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine theo điều kiện của Nga.
Bài hiếm
Hơn tất cả, quân bài mạnh nhất trong túi ông Putin lúc này là Trung Quốc. Trong khi Nga và Trung Quốc ngày càng thân thiết hơn trong những năm gần đây, thì cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi bắt đầu Thế vận hội Olympic đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở các nước phương Tây.
Một số quan chức Mỹ và châu Âu thậm chí còn nói rằng điều này có thể "góp phần sắp xếp lại trật tự thế giới".
Đầu tiên, hai nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận dài hạn để vận chuyển dầu và khí đốt từ Nga sang Trung Quốc trị giá 117 tỷ USD. Thỏa thuận này cho phép Moscow giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra từ các lời đe dọa của Mỹ nhằm ngăn chặn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga đến châu Âu trong trường hợp có xung đột.
Thứ hai, tuyên bố chung chính thức hóa sự ủng hộ chính trị của Trung Quốc đối với các chiến lược của Nga chống lại phương Tây. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Nga phản đối sự mở rộng của NATO.
Mặc dù Nga không cần sự hỗ trợ quân sự của Trung Quốc trong bất kỳ hành động nào, nhưng sự hậu thuẫn về kinh tế và chính trị của Bắc Kinh là điều đáng khích lệ đối với ông Putin.
Hiện tại, thời cơ đang đứng về phía Tổng thống Putin - đó là một yếu tố chiến lược lớn mà phương Tây không có.
Đặc biệt, khi mối hiềm khích giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây càng sâu sắc, thì Bắc Kinh và Moscow sẽ lại càng gắn chặt lấy nhau. Đây rõ ràng là một nguy cơ rất lớn và lâu dài với phương Tây, nhất là đe dọa sự thống trị của Mỹ.
Nguồn: Trên mạng, có biên tập thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét