Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Nga đáp trả lạnh lùng sau khi bị Mỹ, NATO bác đề xuất an ninh

Đọc tài liệu dài 10 trang được Bộ Ngoại giao Nga công bố trong hôm 17/2 dưới đây thì thấy Nga cứng rắn và đòi hỏi cao thật. Chắc chắn phương Tây không bao giờ chấp nhận. Căng thẳng Đông - Tây thời Putin chắc chắn không thể nào được giải quyết. Nhưng về lâu dài, nước Nga sẽ tụt hậu dần trên mọi lĩnh vực so với phương Tây và cuối cùng sẽ tan rã. Nước Nga chỉ có thể tồn tại được nếu Putin trong quan hệ đối ngoại, vừa cứng rắn với Mỹ trong những vấn đề chiến lược, vừa mềm dẻo trong những vấn đề không cơ bản, đồng thời phải thân thiện hơn với các nước phương Tây khác. Mặt khác, trong quan hệ đối nội phải thực hiện tự do dân chủ từng bước để phát huy được sức mạnh của toàn dân. VN sẽ phải làm gì trong bối cảnh này ? Câu trả lời là trung lập, là hợp tác kinh tế, văn hóa... toàn diện với tất cả các bên để tự mình phát triển. Chỉ khi tự mình mạnh lên thì VN mới đảm bảo được an ninh cho chính mình.
Nga đáp trả lạnh lùng sau khi bị Mỹ, NATO bác đề xuất an ninh
18/02/2022 - VietTimes – Moscow đã đề cập tới tình hình ở Ukraine, vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu, NATO vi phạm các hiệp ước và hướng giải quyết dựa trên luật pháp. 
Nga có thể đáp trả bằng “các biện pháp quân sự và kỹ thuật” để đảm bảo an ninh, sau khi Mỹ và NATO phớt lờ những điểm chủ chốt trong đề xuất an ninh của họ, theo Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik)
Điểm chính trong tài liệu dài 10 trang mà Bộ Ngoại giao Nga công bố trong hôm 17/2 vừa qua là, Mỹ và các đồng minh đã từ chối giải quyết “những lằn ranh đỏ” và cả những lợi ích an ninh chủ chốt của Nga. Bộ này cũng đưa ra những vấn đề cụ thể như Ukraine, Crimea, sự hiện diện của binh sĩ và vũ khí của Mỹ dọc các đường biên giới của Nga và vấn đề kiểm soát vũ trang. Sau đây là những điểm chính.

Nga không có ý định xâm lược Ukraine

Moscow khẳng định rằng không có “cuộc xâm lược của Nga” nhằm vào Ukraine, cũng không có bất cứ kế hoạch nào như vậy. Những lời cáo buộc mà Mỹ và các đồng minh đưa ra nhằm vào Nga chỉ có thể được xem như một âm mưu gây sức ép cho Moscow và để bác bỏ những đề xuất an ninh của Nga; theo văn bản của Bộ Ngoại giao Nga.

Moscow cho rằng cuộc xung đột này chỉ có thể được giải quyết thông qua việc thực thi thỏa thuận Minsk và các biện pháp kiểm soát tại chỗ. Nghị quyết 2022 của Hội đồng Bảo an LHQ đã chỉ ra rằng Kiev và các khu vực Donetsk, Lugansk là những bên có liên quan, trong khi Nga là trung gian hòa giải cùng với Pháp và Đức, theo Định dạng Normandy. Để giảm thang căng thẳng Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga nói, phương Tây cần phải thúc ép Ukraine thực thi những biện pháp đã được nhất trí trong thỏa thuận Minsk, ngừng chuyển vũ khí cho Ukraine, rút hết các cố vấn và người huấn luyện, ngừng các cuộc tập trận chung giữa NATO và Ukraine, thu hồi hết vũ khí mà nước ngoài đã cung cấp cho Kiev trước đây.

Moscow nói vụ việc Crimea “đã xong”

Nga không “chiếm đóng” lãnh thổ của Ukraine trong năm 2014, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định, thêm rằng “sự mất mát toàn vẹn lãnh thổ của chính phủ Ukraine là kết quả của những tiến trình nội bộ diễn ra ở nước này” và đặc biệt chỉ ra cuộc đảo chính được Mỹ và các đồng minh hậu thuẫn.

Trong tình hình như vậy, Moscow nói rằng, khu vực Crimea và thành phố Sevastopol đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để gia nhập lại vào Nga, phù hợp với quyền tự quyết được LHQ bảo vệ. “Không có thế lực hay sự hăm dọa nào ở đây. Câu hỏi Crimea thuộc về nơi nào giờ đã khép lại”, Bộ Ngoại giao Nga nói. Ukraine vẫn đang coi bán đảo này là một phần lãnh thổ của họ và áp dụng chính sách “tái hợp” bằng mọi cách, kể cả vũ lực. Mỹ và NATO cũng không công nhận việc Crimea trở lại thành một phần của Nga, gọi đây là hành động “sáp nhập” trái phép.

Mỹ cần rút khỏi các đường biên giới của Nga

Nga không có “lực lượng nào trên lãnh thổ của Ukraine”, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, thêm rằng việc triển khai binh sĩ bên trong lãnh thổ của Nga “không và không liên quan tới lợi ích cơ bản của nước Mỹ”. Ngược lại, Mỹ và các đồng minh NATO lại mở rộng cơ sở quân sự của họ về phía Đông, vi phạm cả Hiệp ước năm 1990 về Các lực lượng Truyền thống ở châu Âu (CFE) và Đạo luật thành lập quan hệ, hợp tác và an ninh giữa Nga-NATO năm 1997. Moscow khẳng định về việc “rút tất cả các lực lượng vũ trang và vũ khí mà Mỹ đã triển khai ở Trung Âu, Đông Âu, Nam Âu và Baltic”.

Nga nói chính sách “mở cửa” của NATO động tới an ninh của nước khác

Trong khi Mỹ vẫn duy trì cam kết với chính sách “mở cửa” của NATO - tức không khước từ khả năng gia nhập của bất kỳ quốc gia nào nộp đơn xin – thì Nga nhấn mạnh rằng, điều này vi phạm những cam kết mà NATO đã đưa ra vào tháng 6/1991 rằng sẽ không gây nguy hiểm cho lợi ích hợp pháp của các nước khác hay tạo ra sự chia rẽ mới ở châu Âu.

Hành động của Mỹ cũng đi ngược lại nguyên tắc mà họ từng cam kết theo các hiệp ước đã thiết lập Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), trong đó nêu rõ là “sẽ không tăng cường an ninh của họ trong khi gây ảnh hưởng tới an ninh các nước khác”. “Chúng tôi kêu gọi Mỹ và NATO quay trở lại những cam kết quốc tế mà họ từng đưa ra, để củng cố hòa bình và an ninh”, Bộ Ngoại giao Nga nói.

Moscow muốn có an ninh không thể phân chia cho tất cả các bên, chứ không riêng NATO

Washington cần phải thể hiện rõ rằng họ thực sự tin vào nguyên tắc an ninh không thể phân chia, Moscow cho hay, đồng thời cáo buộc Mỹ không chịu từ bỏ “hướng đi không có lợi và gây bất ổn” khi tìm cách làm lợi cho bản thân và các đồng minh trong khi gây ảnh hưởng tới các lợi ích an ninh của Nga, đe dọa các đường biên giới của Nga. Theo quan điểm của Moscow, quyền được “tự do lựa chọn hay thay đổi sự dàn xếp an ninh của họ, bao gồm gia nhập các khối đồng minh” của các quốc gia, như Mỹ đã nêu, chỉ là một nửa trong công thức có trong các hiệp ước an ninh hiện hữu của châu Âu. Trong khi Mỹ đang vi phạm nửa còn lại, về việc tăng cường an ninh của một nước trong khi hy sinh an ninh của nước khác.

Nga muốn NATO ngừng triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu

NATO vẫn chưa có câu trả lời trước đề xuất của Nga về việc ngừng triển khai các vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ của một nước – điều mà phía Mỹ đã liên tục làm với các đồng minh NATO, vi phạm Hiệp ước chống phổ biến hạt nhân (NPT). Những vũ khí như vậy hiện được triển khai ở lãnh thổ của một số nước thành viên NATO và đủ khả năng để nhắm tới Nga. Moscow khẳng định rằng những vũ khí này cần được rút hết, những cơ sở được sử dụng để tái triển khai chúng tới châu Âu cũng cần được dỡ bỏ, và NATO cần phải ngừng huấn luyện các nước thành viên phi hạt nhân sử dụng những vũ khí như vậy.

Vi phạm “lằn ranh đỏ” có thể dẫn tới phản ứng “quân sự-kỹ thuật” của Moscow

Mỹ và NATO đang tăng cường các hoạt động quân sự sát biên giới Nga, trong khi phớt lờ “các lằn ranh đỏ” cũng như lợi ích an ninh cơ bản của Moscow, Bộ Ngoại giao Nga cho hay. Cơ quan này mô tả tình hình hiện nay là “đáng báo động”. Nga cho rằng những tối hậu thư và lời đe dọa trừng phạt là “không thể chấp nhận” và nói chúng làm suy giảm cơ hội đạt được các thỏa thuận ngoại giao. Do Mỹ không sẵn sàng thảo luận về những điều kiện đảm bảo an ninh mà Nga đề xuất, nên Moscow sẽ buộc phải đưa ra phản ứng, trong đó bao gồm “thực thi các biện pháp quân sự-kỹ thuật”.

Theo RT
https://viettimes.vn/nga-dap-tra-lanh-lung-sau-khi-bi-my-nato-bac-de-xuat-an-ninh-post154469.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét