NATO: "Không một inch về phía Đông" ?
Năm 1990, Ngoại trưởng Mỹ James Baker đã đưa ra một câu nói nổi tiếng: "Không một inch về phía Đông", khẳng định Washington không có ý định mở rộng Liên minh NATO về phía Đông. Nhưng trên thực tế, Mỹ đã lừa Nga trót lọt hàng chục năm về Ukraine. Bây giờ, trước lập trường cứng rắn của Nga, thái độ của Ukraine, Mỹ và phương Tây tỏ ra uyển chuyển hơn.Ngày 17/2/2022, Bộ Ngoại giao Nga đã trao cho Đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan thư phúc đáp lại các đề xuất an ninh của Mỹ, nêu rõ yêu cầu cốt lõi của Nga là chấm dứt việc triển khai các vũ khí hạt nhân ở châu Âu, rút các lực lượng Mỹ khỏi Đông Âu, Ukraine và các nước Baltic. Nga sẵn sàng đối thoại về đảm bảo an ninh. Bức thư đặc biệt nhấn mạnh, nếu các mối quan ngại về an ninh của Nga không được tính đến thông qua đối thoại, thì Moscow sẵn sàng sử dụng các biện pháp quân sự và kỹ thuật để đảm bảo an ninh của mình.
Trước đó, Belarus tuyên bố kết thúc cuộc tập trận chung "Allied Resolve-2022" được tổ chức từ ngày 10 đến 20/2/202. Nga sẽ rút toàn bộ quân đội và tất cả các thiết bị quân sự khỏi Belarus và một phần lớn lực lượng khỏi khu vực giáp với biên giới Ukraine trở về nơi đóng quân thường trú. Mặc dù tình hình còn hết sức căng thẳng, nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Cuộc "xâm lược" của Nga vào Ukraine được Mỹ dự đoán ngày 16/2/2022 đã không diễn ra.
1) Lập trường cứng rắn của Nga
Ukraine không được gia nhập NATO là đòi hỏi không thay đổi của Moscow. Tổng thống Vladimir Putin nói: ‘Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề thành viên NATO của Ukraine ngay hôm nay chứ không phải ngày mai. Những lời hứa đơn thuần là không đủ." Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông V. Putin nhấn mạnh rằng, ông hy vọng các chính trị gia thế giới sẽ xem xét nghiêm túc những để nghị của Moscow.
Vấn đề đảm bảo an ninh của Nga và châu Âu, không mở rộng NATO về phía Đông và Ukraine không gia nhập liên minh này là "lằn ranh đỏ" và là một trong những nội dung then chốt trong các đề xuất của Nga trao cho Mỹ và NATO ngày 17/12/2021. Moscow yêu cầu liên minh quay trở lại ranh giới năm 1997 theo thỏa thuận sáng lập quan hệ Nga – NATO (NATO-Russia Founding Act), ngừng trang bị vũ khí cho các quốc gia giáp biên giới với Nga. Đây là những đòi hỏi Moscow không thể thỏa hiệp.
2) Nga đòi NATO hợp pháp hoá cam kết không mở rộng sang phía Đông
Cuộc "xâm lược" của Nga vào Ukraine được Mỹ dự đoán ngày 16/2/2022 đã không diễn ra. Ảnh: AP
Mới đây, sau khi hết thời hạn bảo mật, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia của Mỹ đã công khai hoá một số tài liệu cho thấy đầu năm 1990, Tổng thống Mỹ George H.W Bush, Ngoại trưởng Mỹ James Baker, Thủ tướng Đức Helmut Kohl, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã cam kết với Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev về đảm bảo an ninh và không mở rộng của NATO sang phía Đông. Tuy nhiên, đây chỉ là những lời hứa, không có văn bản nào được ký kết.
Ngày 9/2/1990, trong cuộc gặp Tổng thống Liên Xô M. Gorbachev về tương lai an ninh châu Âu, Ngoại trưởng Mỹ J. Baker đã đưa ra một câu nói nổi tiếng: "Không một inch về phía Đông", khẳng định Washington không có ý định mở rộng Liên minh NATO về phía Đông. J. Baker đảm bảo với M. Gorbachev: "Cả Tổng thống Mỹ và tôi đều không có ý định giành bất kỳ lợi thế đơn phương nào từ các hoạt động đang diễn ra. Chúng tôi đảm bảo rằng, nếu Mỹ duy trì sự hiện diện của mình ở Đức trong khuôn khổ NATO, thì các đường biên giới quân sự hiện tại của NATO sẽ không mở rộng về phía Đông, thậm chí chỉ là một inch."
Các tài liệu cho thấy, lúc đó nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia châu Âu cũng đã từ chối tư cách thành viên của bất kỳ quốc gia Trung hoặc Đông Âu nào trong NATO.
Những lời hứa này được đưa ra trong các cuộc đàm phán cấp cao về thống nhất nước Đức năm 1990. Nga cho rằng, những lời hứa này không đáng tin cậy và mình bị lừa dối về sự mở rộng của NATO.
Các nhà bình luận cho rằng nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay là do M. Gorbachev đã không hợp pháp hóa các lời hứa của Mỹ và phương Tây bằng một thỏa thuận được các bên ký kết để trở thành một văn kiện mang tính ràng buộc phải thực hiện trong tương lai. Một số nhà sử học cho rằng việc hợp pháp hoá các lời hứa của Mỹ và phương Tây bằng văn bản có thể cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay đã không xảy ra. NATO cũng sẽ không có lý do gì đề nói về "chính sách mở cửa" của mình và rằng bất kỳ quốc gia nào đáp ứng đủ các tiêu chí trở thành thành viên của NATO đều có thể gia nhập liên minh.
3) Các nước châu Âu không muốn chiến tranh với Nga
Trước lập trường cứng rắn của Nga, thái độ của Ukraine, Mỹ và phương Tây tỏ ra uyển chuyển hơn.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn được đăng trên trang Twitter BBC Radio-5, Đại sứ Ukraine tại London Vadym Prystaiko nói, Kiev có thể xem xét không gia nhập NATO để tránh xảy ra chiến tranh với Nga. Mặc dù ông nói, BBC đã hiểu sai ý của ông, nhưng trong ngoại giao không thể xảy ra những trường hợp hiểu sai như vậy.
Đại sứ V. Prystaiko còn nêu rõ: "Không chỉ Moscow mà cả NATO cũng thúc đẩy Ukraine đi đến quyết định này. Chúng tôi đang cố gắng tìm ra lối thoát tốt nhất và nếu chúng tôi phải nhượng bộ nghiêm túc, thì đây là việc chúng tôi có thể làm." Ông nói, Kiev sẵn sàng đưa ra nhiều nhượng bộ để tránh chiến tranh trong quá trình đàm phán với Nga. Vì hòa bình và bảo vệ cuộc sống của các công dân của chúng tôi, Ukraine sẵn sàng chấp nhận bất kỳ hình thức đối thoại nào.
Phương Tây ngay lập tức đã tuyên bố ủng hộ quan điềm của Đại sứ V. Prystaiko. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anh, James Hippie nói: "Nếu Ukraine quyết định không trở thành thành viên của NATO, chúng tôi sẽ ủng hộ. Quyết định vẫn thuộc về chính phủ Ukraine."
Trong khi ráo riết chuẩn bị chiến tranh, thì nhiều nước NATO, kể cả Mỹ và Anh là hai nước có thái độ thù địch nhất với Nga vẫn tăng cường tiếp xúc ngoại giao ở cấp cao nhất, nhằm ngăn chặn cuộc đối đầu quân sự giữa Ukraine và Nga. Tổng thống Mỹ J. Biden và Thủ tướng Anh B. Johnson đã đàm thoại với Tống thống Nga V. Putin, tỏ mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đàm phán.
Đặc biệt, thái độ của Mỹ tỏ ra mềm mỏng hơn. Ngày 15/2/2022, Trong một diễn văn về cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống J. Biden nói: "Mỹ không nhằm vào Nga và không tìm cách đối đầu với Moscow, người dân Nga không phải kẻ thù của Mỹ. Mỹ đồng ý với Nga về sự cần thiết phải tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để duy trì an ninh và ổn định trên toàn châu Âu."
Ông nói tiếp: "Trong vài tuần nay, chúng tôi đã không ngừng tiếp xúc với các đồng minh và đối tác của mình và gần đây, tôi đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống V. Putin nói rõ rằng chúng tôi sẵn sàng tiếp tục các cuộc tiếp xúc ngoại giao ở cấp cao nhất để đạt được thỏa thuận bằng văn bản giữa Nga, Mỹ và các nước châu Âu. Tổng thống V. Putin và tôi nhất trí rằng các chuyên gia của hai bên sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác châu Âu của chúng tôi để đạt được mục tiêu này. Ngoại giao phải tạo ra được các cơ hội thành công."
Tổng thống Pháp Emanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng thống Cộng hoà Séc Miloš Zeman, Ngoại trưởng Anh Lizz Truss, Ngoại trưởng Italia Luigi Di Maio, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace... đã lần lượt đến Moscow và Kiev.
Căng thẳng với Nga, nhưng không có nhà lãnh đạo nào của các nước NATO, kể cả Mỹ và Anh là hai nước chống Nga cuồng loạn nhất cũng không muốn chiến tranh với Moscow. Các nước này không sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình trong quan hệ với Nga để bảo vệ Ukraine. Hơn nữa, theo điều 5 của Hiến chương NATO, các nước thành viên không có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine vì nước này không phải thành viên của liên minh. Chiến tranh xảy ra, Ukraine sẽ là nước thua thiệt nhiều nhất.
Các nước này đều nhất trí rằng, châu Âu cần được đảm bảo an ninh và cuộc khủng hoảng Ukraine cần phải được giải quyết bằng đối thoại trên cơ sở thực hiện các thỏa thuận Minsk và định dạng Normandy.
Kết thúc cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow ngày 16/2/202, Thủ tướng Đức O. Scholz tuyên bố, an ninh ở châu Âu chỉ có thể đạt được với Nga chứ không phải chống lại Nga. Ông nhắc lại rằng: "NATO không có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự gần Nga, cả Mỹ và NATO đều không triển khai tên lửa ở Ukraine và họ không có kế hoạch làm như vậy." Ngoại trưởng Anh Liz Truss sau cuộc hội đàm rất căng thẳng với Ngoại trưởng Nga S. Lavrov vẫn tuyên bố: "Chúng tôi không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga."
Tờ báo Daily Telegraph của Anh gần đây viết, trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay Tổng thống Nga V. Putin có thể coi mình là người thắng cuộc. Phương Tây chia rẽ, Mỹ chỉ đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ bằng lời nói, trên thực tế không làm được gì nhiều ngoài việc đe dọa trừng phạt Nga.
Ukraine không thể gia nhập NATO trong tương lai gần do chưa đáp ứng được các tiêu chí thành viên của liên minh. Kinh tế Ukraine bị thiệt hại nặng do phải đối phó với mối đe dọa rình rập xảy ra chiến tranh. Trong khi đó, kinh tế Nga đang được hưởng lợi do giá dầu tăng kỷ lục từ 60-70 USD/thùng trước xung đột lên 100 USD/ thùng hiện nay.
Về chính trị, cuộc khủng hoảng Ukraine đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi trật tự thế giới từ đơn cực của Mỹ sang đa cực. Nước Nga đang khôi phục lại vai trò của mình trên bản đồ thế giới. Mỹ tự đặt mình vào vị trí phải đối phó với một trục chiến lược mới Nga - Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét