Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Đằng sau đe doạ dùng “thanh gươm hạt nhân” của TT Putin

Đằng sau đe doạ dùng “thanh gươm hạt nhân” của TT Putin trong xung đột Ukraine
Đã lâu lắm rồi, thế giới mới lại chứng kiến lời “cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân” từ một nhà lãnh đạo hàng đầu. Đây chính là cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi khẳng định ông có sẵn vũ khí để đáp trả các biện pháp quân sự nhằm ngăn chặn chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine. Sau phát biểu của Putin, các quan chức Lầu Năm Góc chỉ im lặng.

Dù đây có thể chỉ là lời đe dọa cứng rắn của Tổng thống Putin, song lại rất được chú ý bởi nó gợi lên viễn cảnh về một kết cục tồi tệ cho cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Quyết định đầy tham vọng này của Tổng thống Putin có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu có những tính toán sai lầm.

Trong phát biểu trước khi tuyên bố tấn công Ukraine vào sáng sớm ngày 24/2, Tổng thống Putin nói: “Với các vấn đề quân sự, kể cả sau khi Liên Xô tan rã và mất đi một phần đáng kể sức mạnh của mình thì nước Nga ngày nay vẫn là một trong những cường quốc hạt nhân mạnh nhất”.

Ông Putin cũng nhấn mạnh, Nga có lợi thế nhất định về các loại vũ khí tối tân: “Trong bối cảnh này, không ai có thể hoài nghi về việc bị đánh bại và hậu quả đáng quan ngại với bất kỳ kẻ thù tiềm năng nào khi muốn tấn công trực tiếp vào Nga”.

Với lời cảnh báo về khả năng “đáp trả hạt nhân”, Tổng thống Putin đã làm dấy lên một viễn cảnh đáng lo ngại rằng diễn biến chiến sự hiện nay tại Ukraine có thể chuyển thành một cuộc đối đầu hạt nhân giữa Nga và Mỹ.

Những người từng sống trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh dường như đã quen thuộc với “kịch bản của Ngày tận thế”. Đây là thời kỳ mà mọi đứa trẻ tại Mỹ được hướng dẫn phải trú ẩn dưới bàn học như thế nào khi có còi báo động hạt nhân.

Thời kỳ này đã qua đi sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự tàn rã của Liên Xô. Thế giới đã gần như quên đi “kịch bản của Ngày tận thế” khi hai cường quốc hàng đầu Nga-Mỹ cùng đi trên con đường giải trừ quân bị và hướng tới thịnh vượng.

Từ sau năm 1945 đã không còn quốc gia nào sử dụng vũ khí hạt nhân và không ai còn muốn chứng kiến thảm kịch Hiroshima và Nagasaki, vốn luôn được nhắc đến như tội ác chống lại loài người. Đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn đặt câu hỏi liệu thảm kịch này có đáng không?

Những năm gần đây, khi nhắc đến vũ khí hạt nhân thế giới đã chứng kiến những nỗ lực đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên. Song hiện nay, cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy mối nguy cơ rõ ràng hơn.

Nguy cơ rõ ràng hơn

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận thấy nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Nga và NATO khi nguy cơ tấn công Ukraine manh nha xuất hiện. Ngay từ đầu, ông chủ Nhà Trắng đã khẳng định: “NATO sẽ không đưa quân tới Ukraine vì điều này có thể gây ra giao tranh trực tiếp giữa Mỹ và Nga, đồng thời dẫn đến leo thang leo thang hạt nhân và có thể là Chiến tranh thế giới thứ ba”.

Đây cũng có thể hiểu như một tuyên bố ngầm rằng Mỹ sẽ không sử quân đội, thay vào đó là những biện pháp trừng phạt hà khắc để “bóp nghẹt” nền kinh tế Nga. Điều này có thể thấy rõ trong tuyên bố mới nhất sáng 25/2 của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, ông Zelensky đã lần thứ 2 chỉ trích các đồng minh phương Tây “bỏ rơi” Ukraine và chỉ đứng từ xa để quan sát cuộc chiến của Nga.

“Từ hôm qua, Nga đã hứng chịu các trừng phạt, nhưng điều này là không đủ để khiến Nga rút quân khỏi Ukraine. Trong sáng nay (25/2), chúng tôi tiếp tục đơn độc, tự bảo vệ chính mình. Giống như ngày trước đó, hầu hết các cường quốc trên thế giới chỉ đứng nhìn từ xa”, Tổng thống Ukraine nói.

Thực tế này cho thấy, Ukraine vẫn phải “tự lực cánh sinh” khi đối đầu Nga bởi nước này không phải là một thành viên của NATO và không đủ điều kiện để được bảo vệ dưới “chiếc ô hạt nhân” của khối quân sự này.

Diễn biến chiến sự sẽ theo một hướng khác nếu Nga thực sự tấn công một thành viên của NATO. “Đây sẽ là tình huống khác bởi các nước thành viên có cam kết bảo vệ lẫn nhau”, Tổng thống Biden nói.

Trong bối cảnh chiến sự căng thẳng, việc Tổng thống Putin đưa ra cảnh báo hạt nhân, thậm chí còn nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình, có phải là mạo hiểm?

Bài viết của phóng viên kỳ cựu của AP tại Đông Âu John Daniszewski cho rằng, động thái của ông Putin có thể mang mục đích khiến cho phương Tây mất cân bằng và ngăn cản các nước này có hành động gây hấn để bảo vệ Ukraine.

Sâu xa hơn, dường như Tổng thống Putin muốn thế giới thấy rằng Nga là một quốc gia hùng mạnh. 

Sau bài phát biểu của Putin, các quan chức Lầu Năm Góc chỉ im lặng trước ngụ ý về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại bất kỳ quốc gia nào cố gắng can thiệp vào Ukraine.

Sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc khủng hoảng ở châu Âu là mối quan ngại khôn lường của Mỹ. Đây là lý do khiến Washington đã cố gắng trong nhiều năm, nhưng không thành công, để thuyết phục Moscow đàm phán về giới hạn đối với cái gọi là vũ khí hạt nhân chiến lược.

“Thật trùng hợp, chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện một cuộc Đánh giá Thế trận Hạt nhân - một nghiên cứu về những thay đổi có thể xảy ra đối với các lực lượng hạt nhân của Mỹ và các chính sách chi phối việc sử dụng vũ khí hạt nhân, khi kế hoạch đưa quân đội của Nga tới gần Ukraine đạt đến giai đoạn khủng hoảng trong tháng này. Và sau khi Nga tấn công Ukraine, liệu Mỹ có làm lại đánh giá này”, John Daniszewski viết./.

Nguồn: Trên mạng

Dưới đây xin nhắc lại vụ khủng hoảng hạt nhân ở Cu Ba năm 1962 suýt đẩy loài người đến chiến tranh hạt nhân.

Khủng hoảng tên lửa Cuba (tiếng Anh: Cuban Missile Crisis hay còn được biết với tên gọi Khủng hoảng tháng 10 tại Cuba) là cuộc đối đầu giữa Liên Xô – Cuba với Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1962 trong thời Chiến tranh Lạnh. Tháng 9 năm 1962, Chính phủ Cuba và Liên Xô bắt đầu bí mật xây dựng các căn cứ trên đất Cuba để khai triển một số tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung có khả năng đánh trúng đa số các mục tiêu trên Hoa Kỳ lục địa. Hành động này xảy ra sau sự kiện Hoa Kỳ triển khai tên lửa Thor IRBM trên đất Vương quốc Anh vào năm 1958 và tên lửa Jupiter IRBM trên đất Ý và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1961; tổng cộng có hơn 100 tên lửa do Hoa Kỳ chế tạo có khả năng đánh trúng Mát-xcơ-va bằng đầu đạn hạt nhân. Ngày 14 tháng 10 năm 1962, phi cơ do thám U-2 của Hoa Kỳ chụp được những bằng chứng không ảnh cho thấy các căn cứ tên lửa của Liên Xô đang được xây dựng tại Cuba.


Cuộc khủng hoảng này có cấp bậc ngang tầm với cuộc phong tỏa Berlin vì đây là một trong các vụ đối đầu chính của Chiến tranh Lạnh và thường được xem là khoảnh khắc mà Chiến tranh lạnh tiến gần nhất để biến thành một cuộc xung đột hạt nhân.[1] Hoa Kỳ đã xem xét đến việc tấn công Cuba bằng không lực và hải lực và tiến hành "cách ly" Cuba bằng quân sự. Hoa Kỳ thông báo rằng họ sẽ không cho phép vũ khí tấn công được gửi đến Cuba và đòi hỏi rằng Liên Xô phải tháo bỏ các căn cứ tên lửa đang được xây hay đã xây dựng xong tại Cuba và dẹp bỏ hết tất cả các loại vũ khí tấn công. Chính phủ của Tổng thống Kennedy hy vọng mỏng manh rằng Điện Kremlin sẽ đồng ý với những đòi hỏi của họ và chờ đợi cuộc đối đầu quân sự. Về phía Liên Xô, Nikita Khrushchev viết một lá thư gửi cho Kennedy trong đó nói rằng việc Kennedy ra lệnh phong tỏa "giao thông trong vùng biển và không phận quốc tế là một hành động gây hấn đưa con người vào vực thẳm của một cuộc chiến tranh bằng tên lửa hạt nhân toàn cầu." Fidel Castro khuyến khích Khrushchev mở một cuộc tấn công hạt nhân đánh trước phủ đầu chống Hoa Kỳ.


Ngoài mặt, cả Xô Viết lẫn Hoa Kỳ đều tỏ ra không nhân nhượng trước những đòi hỏi công khai của nhau. Nhất là Mỹ luôn hung hăng sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân tại Cuba.


Ngày 26 tháng 10, Tổng thống Kennedy thông báo với Ủy ban Hành pháp Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ rằng ông tin rằng chỉ có một cuộc xâm chiếm mới có thể tháo bỏ các tên lửa khỏi Cuba. Tuy nhiên, ông được thuyết phục chờ đợi thêm thời gian và tiếp tục bằng cả áp lực ngoại giao và quân sự. Ông đồng ý và ra lệnh thực hiện các chuyến bay ở độ thấp trên Cuba tăng từ 2 chuyến mỗi ngày lên đến một chuyến trong mỗi hai tiếng đồng hồ. Ông cũng ra lệnh một chương trình khởi sự để xây dựng một chính phủ dân sự mới tại Cuba nếu như một cuộc xâm chiếm được xúc tiến.


Vào thời điểm này, bề ngoài có vẻ cuộc khủng hoảng đang bị bế tắc. Liên Xô không có dấu hiệu gì cho thấy rằng họ sẽ lùi bước mà còn phát biểu nhiều lần theo hướng đối ngược. Hoa Kỳ không có lý do gì tin tưởng có sự nhường bước của Liên Xô và chuẩn bị trong giai đoạn đầu cho một cuộc xâm chiếm song song với một cuộc tấn công bằng hạt nhân vào Liên Xô trong trường hợp Liên Xô phản ứng bằng quân sự mà được tin là sẽ xảy ra.


Rất may, tại các cuộc tiếp xúc bí mật sau hậu trường họ đưa ra một đề nghị giải quyết cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng kết thúc vào ngày 28 tháng 10 năm 1962 khi Tổng thống John F. Kennedy và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc U Thant đạt đến một thỏa thuận với vị lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev trong việc Liên Xô tháo bỏ các vũ khí tấn công và đưa chúng trở về nước mình dưới giám sát kiểm tra của Liên Hợp Quốc để đổi lấy việc Hoa Kỳ đồng ý sẽ không bao giờ xâm chiếm Cuba và thỏa thuận ngầm là sẽ rút các tên lửa Jupiter hạt nhân của Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, những tên lửa này được Mỹ lắp đặt vào năm 1961 tại Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.[2] Liên Xô tháo bỏ các hệ thống tên lửa và các trang bị hỗ trợ, đưa chúng xuống tám chiếc tàu Liên Xô từ ngày 5-9 tháng 11. Một tháng sau đó, ngày 5 và 6 tháng 12, các oanh tạc cơ Liên Xô Il-28 được đưa xuống ba chiếc tàu Liên Xô và đưa trở về Liên Xô. Cuộc phong tỏa chính thức kết thúc lúc 18h45 giờ miền Đông Hoa Kỳ ngày 20 tháng 11 năm 1962. Một phần trong thỏa thuận bí mật là tất cả các tên lửa đạn đạo PGM-17 Thor và PGM-19 Jupiter đã được khai triển ở châu Âu phải bị tháo dỡ trước tháng 9 năm 1963.


Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã khai sinh ra thỏa hiệp đường dây nóng (hotline agreement) và đường dây nóng Moscow–Washington, một đường dây thông tin liên lạc trực tiếp giữa Matxcova và Washington, D.C.


Nguồn: Wiki

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét