Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Lập trường của Tổng thống Putin về Biển Đông

Tôi rất muốn đăng một bài của ai đó viết phê phán mạnh mẽ việc Nga công nhận sự độc lập và tiến quân vào vùng Donbass của Ukraine khi Mỹ và NATO chưa kết nạp Ukraine vào NATO và chưa có những hành động mạnh mẽ có khả năng đe dọa an ninh của Nga. Rất tiếc trên mạng bài phê phán thì nhiều, nhưng không hay và không sâu sắc nên tôi không đăng. Tôi cho rằng trước sau gì cũng có chiến tranh thế giới thứ 3, còn nó bắt đầu ở đâu thì chưa rõ, dù chắc chắn sẽ chỉ từ châu Âu và châu Á (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Israel, Triều Tiên... đều là những ngòi nổ) nên việc Nga xâm chiếm Ukraine rồi cũng sẽ xảy ra, nhưng không phải hôm nay. Một số bình luận trên trang này cho rằng Putin và Nga ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tôi thì cho rằng thực chất Putin và Nga đứng trung lập vì Nga cần cả TQ lẫn VN. Nga chỉ ủng hộ TQ cách xử lý tranh chấp Biển Đông là “không có sự can thiệp từ bên ngoài”, để các nước trong nội bộ tự thu xếp, vì khi bên ngoài can thiệp thì bao giờ họ cũng tìm cách thu xếp có lợi cho họ. Điều này không có nghĩa là các nước yếu thì thua TQ hoàn toàn. Thực tế đa số các nước đều dùng cơ chế này để giải quyết xung đột, quốc tế chỉ quan sát, đưa tin và chứng nhận. Ví dụ đàm phán Paris giữa Mỹ và VN để lập lại hòa bình ở VN kéo dài tới 6 năm (1968-1973) chỉ có các bên liên quan dù Mỹ là nước khổng lồ lúc đó; và kết cục là phía VN thắng vì Mỹ phải rút hết quân nhưng quân Bắc Việt vẫn ở lại miền Nam VN. Để tìm hiểu quan điểm của Putin về Biển Đông, tôi vào mạng, thấy ngay bài dưới đây, nên tôi đăng cho các bạn tham khảo.
Lập trường của Tổng thống Putin về Biển Đông
Hoàng Đình - 16/10/2021 Phát biểu ở phiên họp toàn thể tại khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Năng lượng Nga mới đây, Tổng thống Vladimir Putin đã nêu quan điểm về vấn đề Biển Đông. Theo Hãng tin TASS, Tổng thống Putin đã đánh giá rằng Trung Quốc là một nền kinh tế hùng mạnh và có thể thực hiện các mục tiêu của mình mà không cần sử dụng vũ lực.

Ông Putin và ông Tập Cận Bình trong một hội nghị
Quan điểm của Moscow
“Theo suy nghĩ của tôi, Trung Quốc không cần sử dụng vũ lực. Trung Quốc là một nền kinh tế khổng lồ hùng mạnh và Trung Quốc đã nổi lên là nền kinh tế hàng đầu thế giới về sức mua tương đương, vượt qua Mỹ”, TASS dẫn lời ông Putin nhận xét và đánh giá: “Không thấy khả năng Trung Quốc đại lục sẽ sử dụng vũ lực để giải quyết tình hình với Đài Loan”.

Cũng trong phát biểu này, về vấn đề Biển Đông, ông Putin nêu quan điểm: “Lập trường của Liên bang Nga là cần tạo cơ hội cho tất cả các nước trong khu vực, không có sự can thiệp của các cường quốc ngoài khu vực, giải quyết mọi tranh chấp phát sinh. Bình tĩnh trong quá trình đàm phán, dựa trên các quy định cơ bản của luật pháp quốc tế”.

Ngày 26.8, Tân Hoa xã đăng tải bản tin về cuộc điện đàm giữa ông Putin với ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, cũng đề cập về vấn đề Biển Đông. Trong đó, bản tin nêu: “Ông Putin cho biết Nga kiên quyết tuân thủ chính sách Một Trung Quốc, kiên quyết ủng hộ các lập trường hợp pháp của Trung Quốc trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi trong các vấn đề liên quan Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương và Biển Đông, đồng thời kiên quyết phản đối bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Việc bản tin dùng cụm từ “lập trường hợp pháp của Trung Quốc trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi” đồng nghĩa với việc Nga ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. 

Thế nhưng, trả lời vừa nêu trong một cuộc họp báo diễn ra đầu tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga vẫn khẳng định lập trường của Moscow nhất quán và không thay đổi là “giữ lập trường trung lập và không đứng về bên nào trong” tranh chấp Biển Đông. Đây có thể xem là cách Moscow bác bỏ thông tin do Tân Hoa xã đăng tải ngày 26.8. Mặc dù vậy, Moscow cũng không ủng hộ “sự can thiệp từ bên ngoài”.

Cần sự phối hợp quốc tế

Thời gian qua, Bắc Kinh vẫn muốn đàm phán song phương vấn đề Biển Đông, trong khi nhiều bên nhận định vấn đề này cần sự phối hợp đa phương. Điển hình, các nước ASEAN đang đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Bên cạnh đó, năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế (PCA) đã đưa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Thế nhưng, từ đó đến nay, Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết, đồng thời còn có nhiều hành động gây căng thẳng ở Biển Đông. Phản ứng trước các hành vi của Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Đức, cũng như Úc đều đã đệ trình các văn bản lên LHQ để phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Liên quan việc cộng đồng quốc tế lên tiếng về vấn đề Biển Đông, trả lời Thanh Niên, GS luật quốc tế Jonathan G.Odom thuộc Trung tâm George C.Marshall về an ninh châu Âu tại Garmisch-Partenkirchen (Đức), từng nhận định: “Lâu nay, Trung Quốc vẫn tuyên truyền về vấn đề Biển Đông xoay quanh 2 điểm nổi bật: Thứ nhất, đây là tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á; Thứ hai, việc Mỹ can dự vào vấn đề này là “sai chỗ”. Đúng là tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á. Nhưng cách Bắc Kinh mô tả về bất đồng Mỹ - Trung tại đây là không đúng. Thực tế, không chỉ có Mỹ mà còn Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng có lợi ích liên quan Biển Đông, bao gồm duy trì an ninh, ổn định cho khu vực cũng như đảm bảo luật pháp quốc tế và tự do hàng hải tại đây”.

Chính vì thế, theo GS O.Odom, cần phải có sự phối hợp quốc tế để ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc về Biển Đông. Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia quốc tế khác.

https://thanhnien.vn/lap-truong-cua-tong-thong-putin-ve-bien-dong-post1391477.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét