Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

F0 khỏi bệnh có thể gặp hơn 200 triệu chứng hậu Covid-19

F0 khỏi bệnh có thể gặp hơn 200 triệu chứng hậu Covid-19
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 10-15% trường hợp có triệu chứng hậu Covid-19 diễn biến thành bệnh nặng và 5% là nghiêm trọng.
Vào tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới đã khảo sát các bệnh nhân, nhà nghiên cứu, chuyên gia y tế, nhân viên của mình để đi đến định nghĩa chính thức về tình trạng nhiều người vẫn gặp phải các triệu chứng Covid-19 dù đã khỏi bệnh.

Các triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, song, cũng có nhiều triệu chứng khác và thường ảnh hưởng hoạt động hàng ngày. Tình trạng này có thể xuất hiện sau đợt mắc Covid-19 cấp tính hoặc kéo dài từ khi F0 nhiễm bệnh đến lúc khỏi. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.

35% triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tháng

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, cho biết rất nhiều người bị nhiễm SARS-CoV-2 đang đối mặt với những triệu chứng kéo dài.

Bà Janet Diaz, Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, người đứng đầu nghiên cứu về Long Covid, cho biết đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan triệu chứng hậu Covid-19.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC One Health Outlook ngày 17/2 của nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Y tế Ứng dụng, Đại học Birmingham, Anh, phát hiện các F0 có nguy cơ cao gặp phải hàng loạt triệu chứng hậu Covid-19 sau 12 tuần nhiễm virus. Họ cũng xác định được 115 triệu chứng Long Covid, kéo dài hơn 12 tuần.Trong khi đó, theo Guardian, nghiên cứu quy mô lớn hồi tháng 7/2021 về những người mắc hội chứng Long Covid-19 của nhóm chuyên gia của Đại học College London, Anh, xác định được hơn 200 triệu chứng. Điều này khiến họ lên tiếng kêu gọi cần có chương trình sàng lọc quốc gia, quan tâm hơn tới các triệu chứng hậu Covid-19 của F0.

Vô số triệu chứng Long Covid, từ sương mù não, ảo giác đến run, ù tai, kéo dài tới 10 hệ thống cơ quan của cơ thể. Đặc biệt, gần 35% trong số các triệu chứng tiếp tục ảnh hưởng trong ít nhất 6 tháng sau khi F0 khỏi bệnh.

Nhà thần kinh học Athena Akrami, Đại học College London, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Rất nhiều phòng khám sau Covid-19 ở Anh đã tập trung vào việc phục hồi chức năng hô hấp. Đúng là rất nhiều người bị khó thở, nhưng họ cũng có nhiều vấn đề và triệu chứng khác mà các phòng khám cần có cách tiếp cận toàn diện hơn”.

Ngay cả bản thân vị chuyên gia này cũng đã gặp các triệu chứng hậu Covid-19 sau 16 tháng nhiễm nCoV.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí E Clinical Medicine của The Lancet, đã khảo sát 3.762 người mắc chứng Long Covid hoặc nghi ngờ bị tình trạng này. Họ đến từ 56 quốc gia trên thế giới. Các tác giả xác định có tổng cộng 203 triệu chứng khác nhau, trong đó, 66 triệu chứng được theo dõi 7 tháng.

Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, khó chịu sau gắng sức và sương mù não. Các tác dụng khác còn có ảo giác thị giác, run, ngứa da, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn chức năng tình dục, tim đập nhanh, các vấn đề về kiểm soát bàng quang, bệnh zona, mất trí nhớ, mờ mắt, tiêu chảy và ù tai.

Họ cũng nắm bắt được sự tăng lên của các triệu chứng theo thời gian. “Sau 6 tháng, hầu hết triệu chứng còn lại là biểu hiện toàn thân – ví dụ thân nhiệt bất thường, mệt mỏi, khó chịu sau gắng sức - và thần kinh (ảnh hưởng đến não, tủy sống, dây thần kinh)”, bà Akrami nói.

Tổng cộng có 2.454 người được hỏi có triệu chứng kéo dài hơn 6 tháng. Trung bình, họ phải trải qua 13,8 triệu chứng khác nhau trong tháng thứ 7.

Trong suốt quá trình mắc bệnh, các triệu chứng của bệnh nhân ảnh hưởng trung bình đến 9 hệ cơ quan. TS Akrami cho biết: “Điều này rất quan trọng với các nhà nghiên cứu y tế đang tìm kiếm cơ chế bệnh của Covid-19 và với bác sĩ cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị. Bởi nó cho thấy họ không nên chỉ tập trung vào một hệ cơ quan nhất định”.

Ngoài ra, khoảng 22% số người tham gia khảo sát cho biết họ không thể làm việc, bị sa thải, nghỉ ốm, tàn tật kéo dài, hoặc phải bỏ việc vì hội chứng hậu Covid-19. 45% yêu cầu giảm bớt khối lượng, lịch trình công việc.

F0 bị bệnh nhẹ cũng có nguy cơ cao

Trong khi đó, một đánh giá khác do các nhà nghiên cứu tại Đại học Birmingham, Anh, dẫn đầu và công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoàng gia, cho thấy những người trải qua hơn 5 triệu chứng của Covid-19 trong tuần đầu tiên bị nhiễm virus có nguy cơ phát triển hội chứng Long Covid cao hơn đáng kể, không phân biệt tuổi tác hay giới tính.

Nhóm chuyên gia cũng chỉ ra 50% F0 nhập viện vì Covid-19 có thêm ít nhất một biến chứng trong thời gian điều trị. Ngoài ra, 1/4 F0 bị suy giảm khả năng tự chăm sóc bản thân sau khi xuất viện. Tác động này với việc tự chăm sóc bản thân ở những người bị biến chứng thần kinh như đột quỵ hoặc viêm màng não thậm chí còn cao hơn.

Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet với 70.000 F0 tại 302 bệnh viện ở Anh cho thấy biến chứng phổ biến nhất là tổn thương thận đột ngột khiến cơ quan này không hoạt động bình thường.

Tình trạng trên ảnh hưởng đến 1/4 F0 có diễn biến nặng. Các biến chứng về phổi, như viêm phổi hoặc viêm phổi nặng, ảnh hưởng khoảng 1/5 bệnh nhân; các biến chứng về tim, như đau tim, viêm quanh tim hoặc nhịp tim bất thường, chỉ ảnh hưởng đến hơn 1/8 (12%).

Nam giới và những người trên 60 tuổi thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Song, 27% người 19-29 tuổi và 37% người 30-39 tuổi phải nhập viện cũng gặp ít nhất một biến chứng.

Giáo sư Calum Semple, Đại học Liverpool, Anh, bày tỏ sự ngạc nhiên vì ngay cả những người trẻ tuổi, sức khỏe dẻo dai cũng gặp biến chứng rất nặng hậu Covid-19. Ông cảnh báo các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc nguy cơ này với những người khỏi bệnh. Người bị chấn thương thận cấp tính cần được theo dõi liên tục và có thể phải lọc máu hoặc cấy ghép thận. Họ cũng có thể bị tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và loãng xương sau này vì chức năng điều hòa huyết áp, khoáng chất trong xương của thận bị suy giảm.

Cho tới nay, nguyên nhân gây ra hội chứng Long Covid vẫn chưa được xác định hoàn toàn rõ ràng. Theo một số nghiên cứu, SARS-CoV-2 có thể gây viêm trong mạch máu hoặc tế bào, từ đó sản sinh chất độc với não hoặc mạng lưới mạch máu.

Một giả thuyết khác là do tình trạng tự miễn, trong đó, virus "đánh lạc hướng" hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể sản sinh kháng thể chống lại các mô của chính mình. Tình trạng này có thể tồn tại suốt nhiều tháng

Theo WHO, tình trạng Covid-19 kéo dài không lây nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào kết luận nó có thể kéo dài bao lâu. Cách ngăn ngừa tốt nhất vẫn là tiêm chủng ngay khi đủ điều kiện và tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa.


Hà Nội đang điều trị cho 810 F0 thể nặng, nguy kịch

Số ca mắc mới ở Hà Nội và cả nước liên tiếp tăng cao. Trong khi đó, số bệnh nhân Covid-19 tử vong trong ngày giảm.

Hiện tại, 97% F0 ở Hà Nội mắc Covid-19 ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Còn lại, 3% bệnh nhân (4.600 ca) phải nhập viện. Trong đó, gần 4.300 người được điều trị ở các tầng 2, 3 tại bệnh viện trên địa bàn. 345 F0 khác được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Trong số các bệnh viện phải nhập viện điều trị, 2.855 ca ở mức độ trung bình, tăng hơn 26% so với trung bình 7 ngày trước. 810 ca bệnh trong tình trạng nặng, nguy kịch (tăng hơn 26%), gồm 705 ca thở oxy mask, gọng kính; 46 ca phải thở máy không xâm lấn, 36 ca thở máy...


https://zingnews.vn/f0-khoi-benh-co-the-gap-hon-200-trieu-chung-hau-covid-19-post1297975.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét