Thiếu tướng Xô không hiểu bản chất từ "cường hào, địa chủ"
Fb Chau Doan - Thiếu tướng công an Tô Ân Xô trả lời phỏng vấn có nói ông Lê Đình Kình là một cường hào địa chủ mới. Tôi có mấy điều cần nói:Từ "cường hào địa chủ" và "ác bá" được chính quyền dùng để gọi những người có của ăn, của để khi tiến hành cải cách ruộng đất vào năm 1953-1956. Mỗi địa phương phải nêu ra được một danh sách trong ấy số cường hào, địa chủ phải theo một phần trăm dân số đã được cố vấn Trung Cộng đưa ra lúc ấy, tức là một kiểu khoán phải theo đúng kế hoạch.
Chính vì điều này mà biết bao nhiêu người bị tù đầy, đánh đập, xử tử oan. Tỉ lệ oan sai chừng 70%. Có nhiều người bị chụp mũ là cường hào, địa chủ nhưng thực ra cũng phải lao động như những người nông dân, phải "ăn mắm, mút dòi" để có được chút gia sản.
Tài sản của tầng lớp cường hào địa chủ do tổ tiên để lại và do lao động mà có. Họ không đi cướp đất của dân và thời phong kiến thì không có cái luật coi đất đai là sở hữu toàn dân, cho nên không có chuyện thích lấy đất của dân là được như bây giờ.
Khốn nạn thay, gia sản chính đáng của họ đã bị tịch thu và nhiều người đã bị mất mạng oan bởi những toà án được lập ra vội vàng, những ông bà thẩm phán là những bần cố nông mù chữ. Những người cả đời không hiểu gì về luật pháp, lương tri, bỗng rũ bùn đứng dậy, thấy mình chói loà, oai phong như bố mẹ thiên hạ, nên mặc sức ra lệnh chém giết trả thù cho tầng lớp có của ăn của để mặc dù mới gần đấy có thể là ân nhân của họ.
Chính vì sự sai lầm nghiêm trọng của CCRĐ mà hậu thế đã có thước phim và ảnh ông Hồ Chí Minh rút khăn mù-xoa để lau nước mắt khi nói về vụ "long trời lở đất" này và quá trình sửa sai được tiến hành ngay sau đấy.
Bởi anh Xô không hiểu bản chất từ "cường hào địa chủ" là gì nên anh đã dùng rất tuỳ tiện. Trong việc này, anh đã muốn dùng từ ấy để chụp mũ một đảng viên gần 60 năm tuổi đảng, hoàn cảnh nhà nghèo với một hình ảnh xấu, nhưng việc này thể hiện một sự kém hiểu biết, nông nổi và thất bại trong việc truyền thông.
Ở đây tôi đưa lên hình ảnh nhà ông Kình và biệt thự nguyên bí thư Lộc Ninh, một huyện vùng sâu, rất khó khăn của Bình Phước và biệt thự của anh em ông bí thư huyện Duy Tiên, Hà Nam để anh Xô và mọi người nhìn thấy sự khác biệt. Tôi ngạc nhiên vì sự tài giỏi vượt bậc của các cán bộ, đồng chí của anh Xô. Họ vừa phục vụ nhân dân, lại vừa buôn chổi đót, chạy xe ôm, chăn nuôi lợn gà thế nào có nhiều tiền khủng khiếp đến thế.
Vậy qua đây, anh Xô đã có thể kết luận những ai mới thực sự là "cường hào địa chủ" theo ý của anh chưa?
Là thiếu tướng hay bất kì một chức vụ nào trong xã hội và nói chung là con người có lương tri thì điều cần thiết là phải có kiến thức, phải có sự công bằng khi phán xét sự việc và con người, không thể cứ "cả vú lấp miệng em", thích nói thế nào, thích chụp mũ ai ra sao là được cả.
Tôi không tán thành cách đấu tranh của ông Kình nhưng về bản chất thì ông Kình vẫn là người tin vào Đảng đến giờ phút chót đấy anh Xô, kể cả sau khi bị đồng chí của mình đá gẫy chân, quăng lên xe như quăng một con vật.
Lòng tôi nặng trĩu mỗi khi nghĩ về thân phận một đảng viên hết lòng với đảng như của ông Kình, ông ấy ngây thơ và làm nhiều con cháu khổ theo.
Chúng ta sống là để phúc đức cho con cháu, mọi công việc, chức vụ chỉ là phù du, cả đời ta rồi cũng qua đi nhưng sao cho con cháu tự hào về cha ông mình anh Xô ạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét