Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Thái Lan bỏ dự án Vành đai Con đường của Bắc Kinh

Thái Lan trì hoãn thỏa thuận quốc phòng, hủy bỏ dự án Vành đai Con đường của Bắc Kinh
Bắc Kinh ngày càng cô lập khi Thái Lan là đồng minh mạnh nhất trong khu vực từ chối hợp tác. Theo tờ Eur Asean Times, Thái Lan đang âm thầm nhưng kiên quyết đẩy lùi Bắc Kinh. Không chỉ hoãn việc mua hai tàu ngầm từ Trung Quốc, Thái Lan cũng đã từ chối đề xuất của Trung Quốc về việc xây dựng kênh đào Kra nối Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai Con đường. Sau sự phẫn nộ của người Thái trước ý định mua hai tàu ngầm trị giá 724 triệu USD từ Trung Quốc, chính phủ Thái Lan hiện đã trì hoãn thương vụ này.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha
Đơn đặt hàng thêm hai tàu ngầm đã được ủy ban nghị viện phê duyệt trong tháng 8 với giá 723,9 triệu USD – một động thái khiến dư luận phẫn nộ khi Thái Lan đang đối diện với tình trạng kinh tế suy giảm. Anucha Burapachaisri, người phát ngôn của chính phủ cho biết: “Hải quân sẽ đàm phán với Trung Quốc để trì hoãn thêm một năm nữa”.

Ông nói thêm: “Thủ tướng đã quyết định dành ưu tiên cho mối quan ngại của công chúng trước nền kinh tế [trì trệ]”.

Như các kênh truyền thông đã đưa tin, Trung Quốc đã đề xuất xây dựng kênh đào Kra cắt ngang qua đoạn dải đất hẹp khu vực miền nam Thái Lan. Nó thể hiện nỗ lực của Trung Quốc trong tham vọng kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Con kênh dài 120km này là một phần không thể thiếu trong sáng kiến ​​Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc, một bộ phận quan trọng của dự án Vành đai Con đường.

Eo biển Malacca nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, là một trong những tuyến đường nhộn nhịp nhất với 84.000 tàu bè qua lại hàng năm, chiếm khoảng 30% lưu lượng thương mại đường biển toàn cầu, nhưng hiện đang bị tắc nghẽn. Bằng cách xây dựng kênh đào Kra, Trung Quốc sẽ có thể cắt giảm cả thời gian và khoảng cách vận chuyển và bỏ qua eo biển Malacca vốn hiện đang khá đông đúc và thường xuất hiện nạn hải tặc. (hình dưới)

Bản đồ khu vực Thái Lan và eo biển Malacca (ảnh chụp màn hình Bloomberg).


So sánh tuyến đường qua eo biển Kra và qua eo biển Malacca (vòng sát Singapore) (ảnh chụp màn hình The Asean Post).


So sánh tuyến đường qua eo biển Kra và qua eo biển Malacca (vòng sát Singapore) (ảnh chụp màn hình Twitter).

Nhưng Thái Lan hiện đang ngần ngại đối với việc triển khai dự án kênh đào này.

“Mối quan tâm thực sự là nó [Kênh đào Thái Lan] sẽ tiếp tục làm suy yếu nền độc lập của các nước Đông Nam Á nghèo như Myanmar và Campuchia, những quốc gia sở hữu các xã hội dân sự tương đối yếu, và rất dễ bị Trung Quốc can thiệp. Điều này chắc chắn gây nguy hiểm cho Thái Lan”, theo một báo cáo trên tờ Foreign Policy.

Tham gia dự án Vành Đai và Con Đường đồng nghĩa việc gánh rủi ro sập bẫy nợ của Bắc Kinh.

Giới chức Hoa Kỳ đã phản đối mạnh mẽ sáng kiến ​​này, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence từng thẳng thừng chỉ trích rằng đó là con đường không thể quay đầu hòng trói chặt các nước khác. “Ngoại giao bẫy nợ” chính là chiêu bài mở rộng sức ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh, theo Reuters.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng lên án sáng kiến ​​“một vành đai một con đường” khi cho phép các nước đối tác vay tiền từ ĐCSTQ để chi trả cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của các nhà thầu Trung Quốc mà các nước đối tác đó căn bản không có khả năng chi trả. Khi các nước đối tác không có khả năng hoàn trả nợ, Bắc Kinh sẽ nhân cơ hội này để cướp đoạt nguồn tài nguyên chiến lược của họ.

Mới đây, có nguồn tin cho biết Lào buộc phải giao phần lớn quyền kiểm soát mạng lưới điện quốc gia cho một công ty Trung Quốc để tránh vỡ nợ.

Trước đó, Chính phủ Sri Lanka đã phải giao cảng biển chiến lược Hambantota cho Trung Quốc thuê với thời hạn 99 năm vì không thể trả được nợ.

Bên cạnh vấn đề bẫy nợ, dự án kênh đào cũng tiềm ẩn khả năng gây ra khá nhiều hủy hoại với môi sinh.

Giải pháp thay thế

Theo Bloomberg, thay vì tiến hành dự án eo biển Kra gây tranh cãi, Thái Lan đang cân nhắc một giải pháp khác.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Thái Lan Saksiam Chidchob, nước này đang có kế hoạch phát triển hai cảng biển nước sâu ở hai bên bờ biển khu vực phía nam, kết nối chúng bằng các tuyến đường cao tốc và đường sắt để vận chuyển hàng hóa. “Cây cầu đất liền” dài 100km này sẽ thay thế dự án kênh đào.

Chính phủ đã phê duyệt ngân sách 75 triệu baht (2,4 triệu USD) để nghiên cứu việc xây dựng hai cảng biển và 90 triệu baht (3 triệu USD) nữa để khảo sát dự án xây tuyến đường cao tốc và đường sắt nối hai cảng biển.

Đại Nghĩa
(Đại Kỷ Nguyên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét