Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Nguy cơ khủng hoảng lương thực sau đại dịch

Tôi đồng ý với các nhận định trong bài. Nếu đại dịch Covid kéo dài, thiếu hụt lương thực và cả thực phẩm sẽ trở nên trầm trọng, có nguy cơ gây khủng hoảng xã hội và khủng hoảng nhân đạo.
Nguy cơ khủng hoảng lương thực sau đại dịch
05/04/2020 TP - Sự lây lan của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo, nếu các quốc gia không ứng phó đúng, thế giới có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực. Trên toàn cầu, mọi người đặc biệt lo lắng về an ninh lương thực, đặc biệt là ở các quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực. 
Nạn tích trữ và chính sách hạn chế xuất khẩu
có thể gây nên khủng hoảng lương thực
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/3 đã tuyên bố COVID-19 là một đại dịch toàn cầu; một tuần sau Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị người Mỹ nên lưu trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác trong 14 ngày. Người tiêu dùng hoảng loạn đổ xô đến các siêu thị để mua sắm. Trong tuần kết thúc vào ngày 21/3, doanh số bán thịt tươi tăng 100%, cá hộp tăng hơn 200% và đậu khô tăng gần 400% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lo ngại về dịch COVID-19 khiến người tiêu
 dùng ở nhiều quốc gia tích trữ đồ ăn

Các chuyên gia nói rằng Mỹ có vấn đề lãng phí, chứ không phải thiếu hụt lương thực. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nước này lãng phí 30% đến 40% lương thực mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề thực tế cần xem xét. Ví dụ, hạn chế thương mại và du lịch có thể làm cho việc nhập khẩu trở nên khó khăn. Thiếu lao động cũng là một vấn đề. Một số nhân viên của Amazon, Kroger và Wal-Mart đã xét nghiệm dương tính với virus Corona mới. Nông dân Mỹ cũng lo ngại về vấn đề thiếu sức lao động.

Không chỉ ở Mỹ, các nơi khác trên thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cũng có vấn đề tích trữ thực phẩm. Tại nhiều cửa hàng, các loại gạo, bột mì, mì, và thực phẩm đóng hộp có thể được lưu trữ đã bắt đầu bán hết, buộc nhiều siêu thị phải có biện pháp hạn chế mua hàng. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhiều chính phủ đã áp dụng các biện pháp đóng cửa thành phố, phong tỏa biên giới và hạn chế sự di chuyển của người dân, những biện pháp này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc trồng trọt, chế biến thực phẩm và cả vấn đề lưu thông. Do đó, chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo Washington Post, các trang trại ở các nước Tây Âu phụ thuộc nhiều vào lao động từ các nước Đông Âu. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp đóng cửa và hạn chế nghiêm ngặt việc nhập cảnh của công dân nước ngoài. Nền nông nghiệp ở Tây Âu có thể bị ảnh hưởng. Măng tây Đức có thể thối rữa trên cánh đồng và dâu tây Pháp cũng có thể phải đối mặt với việc thiếu chăm sóc.

Một số nước châu Âu đến nay vẫn có đủ thực phẩm, tuy nhiên, mọi người lo lắng rằng nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục, sẽ có tác động lớn. Một số chuyên gia thực phẩm và các nhà hoạch định chính sách nói rằng thách thức trực tiếp lớn nhất đối với chuỗi cung ứng thực phẩm là các rào cản. Những rào cản này gây khó khăn cho các sản phẩm nông nghiệp được vào cửa hàng; việc đóng cửa biên giới và các hành động hạn chế hiện đang được các nước thực hiện có thể tấn công vào hệ thống mong manh này.

Ông Tim Benton, Giám đốc nghiên cứu rủi ro mới nổi tại Viện nghiên cứu quốc tế Hoàng gia London nói: “Hiện tại chúng tôi không có vấn đề thiếu lương thực, nhưng với sự phát triển của dịch bệnh sẽ gây ra vấn đề trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Nông dân có thể không tiếp cận được nhân lực để trồng hoặc thu hoạch. Thị trường cộng đồng địa phương (đặc biệt là ở các nước đang phát triển) đang bắt đầu thu hẹp vì mọi người không thể vận chuyển thực phẩm đến thị trường, v.v.”.

FAO cũng tuyên bố rằng ngoài những thách thức về hậu cần liên quan đến vận chuyển thực phẩm, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, do khó có được thức ăn chăn nuôi, hạn chế hậu cần và thiếu lao động dẫn đến giảm công suất giết mổ. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Didier Guillaume cho biết, các trang trại của Pháp hiện thiếu 200 ngàn lao động. Nhà chức trách Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italy và Vương quốc Anh cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự.

Tập đoàn Fitch Group cảnh báo, để đảm bảo an ninh lương thực, một số quốc gia có thể áp dụng các hạn chế thương mại hoặc tích cực tích trữ lương thực, dẫn đến giá ngũ cốc và hạt có dầu gia tăng. Kazakhstan, một trong những nhà xuất khẩu bột mì lớn nhất thế giới, tạm thời cấm xuất khẩu bột mì; đồng thời cấm xuất khẩu cà rốt, đường và khoai tây.

Ukraine là nhà xuất khẩu ngũ cốc và dầu thực vật chính trên thế giới. Bộ Kinh tế Ukraine ngày 27/3 nói họ đang giám sát xuất khẩu lúa mì và sẽ có biện pháp nếu cần thiết. Serbia đã tạm thời ngừng xuất khẩu dầu hướng dương và các mặt hàng khác.

Fitch Group nói, khi người tiêu dùng tích trữ thực phẩm, những hành động như vậy của các quốc gia có thể dẫn đến giá thực phẩm gia tăng. Fitch cho rằng việc thực hiện các biện pháp bảo hộ thực phẩm ở cấp quốc gia để đảm bảo an ninh thực phẩm có thể gây ra sự gián đoạn đáng kể cho nguồn cung thực phẩm toàn cầu. Các quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, các quốc gia có đồng tiền tương đối yếu như Ấn Độ và Indonesia cũng sẽ bị ảnh hưởng vì giá của hầu hết các mặt hàng trên thị trường quốc tế đều được thanh toán bằng đô la Mỹ.

Trên toàn cầu, mọi người đặc biệt lo lắng về an ninh lương thực, đặc biệt là ở các quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực. Trong một tuyên bố gần đây FAO nói, nếu COVID-19 lây lan ở 44 quốc gia cần hỗ trợ lương thực từ bên ngoài, hoặc ở 53 quốc gia có 113 triệu người bị đói, hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng.

THU THỦY (TỔNG HỢP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét