Đúng sai tại… mồm - Nhân nói về chúa Trịnh
Nguyễn Thông 8-7-2019 - Ghét lưỡng đầu chế, ghét chúa Trịnh, nhưng người cộng sản lại công khai bộ máy cai trị lưỡng đầu chế. Đảng tồn tại trên cả nhà nước. Họ sổ toẹt ra “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” (nhà nước chỉ là anh làm thuê), “đảng là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi”, v.v.. Đừng biến nhà nước thành bù nhìn, như chính họ từng chế nhạo triều đình vua Lê khi xưa. Đó là chưa nói, một bộ máy song trùng tồn tại và hoạt động gây tốn phí của dân, của xã hội không biết bao nhiêu mà kể. Vậy mà họ vẫn tự cho mình là đỉnh cao, đúng đắn, vẫn kiêu ngạo một cách rất buồn cười. Phủ chúa bây giờ, còn kinh khiếp hơn cha con ông cháu họ Trịnh khi xưa nhiều. Cùng một thể dạng, bản chất, chỉ khác nhau sự đúng sai bởi tại cái mồm kẻ có quyền. Sử như thế, thái độ méo mó với tiền nhân như thế, học trò chán học sử là phải.Mỗi dân tộc, đất nước đều có lịch sử. Đó là những sự kiện, con người trôi theo dòng thời gian. Biên chép lại chúng một cách khách quan, thì đó là lịch sử. Vẫn biết vậy, nhưng xứ này kể từ khi lọt vào tay những người cộng sản chủ trương đấu tranh giai cấp thì lịch sử, cũng như mọi thứ khác, bị nhào nặn trong bàn tay của họ. Nhà cai trị không thèm giấu diếm quan điểm “sử phải có định hướng”, sử phải có lợi cho công cuộc cai trị.
Chính vì vậy, từ năm 1954 tới nay, lịch sử dân tộc bị lấn át bởi lịch sử đảng, lịch sử cách mạng, lịch sử chế độ xã hội chủ nghĩa. Những gì mà người cộng sản không thích, dù đã là một phần lịch sử, dù tồn tại khách quan, dù xảy ra trước cả “đứa trẻ sinh nằm trên cỏ” hàng trăm năm, vài trăm năm, thì họ vẫn cứ cho nó biến mất, còn nếu có bố thí cho mươi chữ, vài dòng thì cũng chỉ là những lời miệt thị, bêu xấu, lên án, coi thường, hạ thấp.
Họ không biết rằng chính họ đã mâu thuẫn, đã đi vào vết xe đổ, đã tự vả mình, đã làm trò cười cho thiên hạ.
Chỉ nêu ra một thí dụ. Những người học sử, tìm hiểu kỹ về sử nước nhà, chả mấy ai không biết xã hội nước ta từng tồn tại một hình thức thể chế đặc biệt: Lưỡng đầu chế. Ấy là sau khi Trịnh Kiểm phò nhà Lê thành công, đẩy được thế lực hậu duệ Nguyễn Kim vào tít trong nam, đuổi được tàn quân nhà Mạc lên tận biên giới phía bắc, thì bắt đầu hình thành bộ máy “Vua Lê chúa Trịnh”. Tới khi Trịnh Tùng lên nắm quyền, lưỡng đầu chế tồn tại rõ ràng: Nước có triều đình vua Lê, đồng thời có quyền hành phủ Chúa (Trịnh). Càng về sau, chúa càng lấn át vua. Mọi quyền hành, quyền quyết định đều tập trung vào phủ chúa, từ phủ chúa mà ra.
Sự thực là, khi ấy nhà Lê đã hết thời, đã đi vào giai đoạn kết thúc, nhà vua chỉ là thứ cây cảnh, bù nhìn, không thể làm nên trò trống gì, nhất là với những đại sự quốc gia, đối nội đối ngoại, thù trong giặc ngoài. Dòng họ Trịnh nắm quyền, kéo dài hơn 200 năm, dù bản thân nó cũng chỉ là một thế lực phong kiến đầy những xấu xí, hạn chế, tuy nhiên, đóng góp của nó vào việc bình ổn xã hội, thúc đẩy đời sống, phát triển kinh tế (nói theo cách bây giờ là ổn định chính trị, an sinh xã hội, tăng trường kinh tế) không thể phủ nhận được.
Không có lưỡng đầu chế ấy, với bộ máy triều đình nhà Lê bạc nhược, rệu rã, hèn mạt, nước An Nam như trứng để đầu đẳng, nhà Thanh bên Trung Quốc nó nuốt chửng bất cứ lúc nào. Hơn 200 năm lịch sử đó, dù gì đi chăng nữa, cần ghi công các chúa Trịnh. Tới khi Trịnh cũng hỏng thì vai trò lịch sử được chuyển giao cho nhà Tây Sơn của Nguyễn Huệ. Không cần tô vẽ, chỉ cần khách quan.
Sử của cộng sản từ sau năm 1954 gần như loại hẳn công lao của dòng họ Trịnh, thậm chí coi các chúa Trịnh như kẻ thù, giặc, tội đồ dân tộc. Sử quốc doanh luôn gắn phủ chúa vào mọi bất ổn, biến động xã hội, chiến tranh, loạn lạc, xấu xa, đồi bại. Dưới mắt người cộng sản, chúa Trịnh là thứ thế lực đen tối đã cản bước đi của dân tộc. Và cả các chúa Nguyễn, vua Nguyễn cũng vậy, người cộng sản xem như dạng rác rưởi lịch sử. Thời những năm thập niên 50 tới thập niên 80, sử quốc doanh chỉ rặt một giọng điệu ấy. Về sau chút nữa, do không còn độc quyền tư tưởng và suy nghĩ như trước nên cái nhìn của họ có chút cởi mở hơn, nhưng thái độ hằn học vẫn là chủ đạo.
Điều thấy rõ nhất là, dù công tích, dấu ấn không thể phủ nhận của các chúa Trịnh, và cả chúa Nguyễn, vua Nguyễn như vậy, nhưng chúng ta khó mà bắt gặp được một tên đường tên phố, công trình… mang tên các chúa Trịnh. Hầu như không có. Các vua nhà Nguyễn mà họ không ưa cũng hoàn toàn không. Tôi đố ông bà nào tìm được tên các chúa Trịnh trên các ngả đường đất nước đấy (chả biết ở Thanh Hóa nơi phát tích chúa Trịnh có được xé rào). Chỉ vài chúa Nguyễn, vài vua Nguyễn mà họ lợi dụng tên tuổi được thì họ ban phát cho chút ân huệ tên đường. Điều này, người cộng sản thua xa cả người Pháp “đế quốc sài lang” và chính quyền Sài Gòn “ôm chân đế quốc Mỹ”.
Ghét lưỡng đầu chế, ghét chúa Trịnh, nhưng người cộng sản lại công khai bộ máy cai trị lưỡng đầu chế, không thèm giấu diếm như Trịnh Tùng, Trịnh Sâm… Đảng tồn tại trên cả nhà nước. Họ sổ toẹt ra “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” (nhà nước chỉ là anh làm thuê), “đảng là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi”, v.v.. Nhân loại đã đi gần hết 2 thập niên đầu của thế kỷ 21 trong xã hội văn minh, nhưng chẳng mấy nơi trên địa cầu này có cái thứ “đảng lãnh đạo” kiểu như vậy.
Không ai cấm đảng được hoạt động, nhưng khi đã giành được quyền chi phối rồi thì hãy lui về đằng sau, để cho nhà nước làm việc. Đừng biến nhà nước thành bù nhìn, như chính họ từng chế nhạo triều đình vua Lê khi xưa. Đó là chưa nói, một bộ máy song trùng tồn tại và hoạt động gây tốn phí của dân, của xã hội không biết bao nhiêu mà kể. Vậy mà họ vẫn tự cho mình là đỉnh cao, đúng đắn, vẫn kiêu ngạo một cách rất buồn cười.
Phủ chúa bây giờ, còn kinh khiếp hơn cha con ông cháu họ Trịnh khi xưa nhiều. Cùng một thể dạng, bản chất, chỉ khác nhau sự đúng sai bởi tại cái mồm kẻ có quyền.
Sử như thế, thái độ méo mó với tiền nhân như thế, học trò chán học sử là phải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét